12 tháng 3, 2019

Căn phòng nhỏ nơi Trường Huyện


(Nhân 8-3, tặng phụ nữ nhà tôi)
Trích Hồi kí phần 2.
Nguyễn Trung Ngọc
Tháng 11 năm 1979, Trường cấp 3 Hương Sơn (Trường THPT Hương Sơn ngày nay) xuất hiện một cô giáo trẻ vừa ra trường. Khá lạ là cô nhìn trẻ như một học sinh lớp 10 (lớp 12 ngày nay) của trường lại mang theo một đứa con nhỏ 3 tháng tuổi. Đó chính là Nga, vợ tôi. Tôi đưa hai mẹ con đến trường trong sự thiếu thốn điển hình thời đó: Toàn bộ gia đình nhỏ và tất cả “gia tài” nằm gọn trên chiếc xe đạp cà tàng. Mà quả thật, đến giờ nghĩ lại tôi cũng không hiểu được làm sao hồi ấy mình lại đạp xe giỏi vậy. Dù nghèo đến mấy thì cái buổi đầu “khởi nghiệp” ấy, gia đình nhỏ của tôi cũng phải có một chiếc va li mang theo; một cái làn nhựa đựng quần áo, tả lót cho đứa con gái mới sinh; vài chiếc soong nồi bát đũa mang từ nhà ra để đỡ mua sắm; ít ống gạo chuẩn bị cho vài bữa ăn đầu…Vậy mà tôi chở hết, cả hai mẹ con và tất cả đồ đoàn lỉnh kỉnh. May mà còn có cô em gái đi cùng, cũng bằng xe đạp chở thêm một ít đồ dùng khác như thau chậu, chiếc xô để xách nước, cái chổi quyét nhà, mấy cân sắn củ…Lớp trẻ ngày nay dù giỏi tưởng tượng đến mấy chắc cũng không sao hình dung được cuộc sống của một sinh viên mới ra trường đi nhận việc như Nga ngày ấy. Điều mà sau này tôi đã viết thành thơ:
Mẹ quên cả tuổi xuân tháng ngày lặn lội
Đồng lương nghèo đắp đổi quanh năm…

Ý định giữ cả hai vợ chồng tôi lại trường làm CBGD của nhà trường không thành hiện thực vì Nga “vỡ kế hoạch”. Chúng tôi quyết định đưa hai mẹ con về gần ông bà nội để cậy nhờ gia đình. Vậy là, bởi cuộc mưu sinh đưa đẩy, vợ con tôi phải xa thành phố, sống lại miền sơn cước Hương Sơn, xa tôi gần một trăm cây số. Hồi ấy, Gần ngày thi tốt nghiệp, sau khi bảo vệ Khoá luận môn Văn học Trung Quốc do Thầy Ngô Xuân Anh hướng dẫn, tôi đã được biết dự định của Khoa sẽ giữ tôi lại tổ Văn học nước ngoài cùng Trần Hữu Phong và Đỗ Ngọc Thống. Hồi đó, sao chuyện phân công công tác cho sinh viên ra trường trong sáng đến thế, đẹp đến thế. Chúng tôi chỉ việc lo học, thi để hoàn thành khoá học. Còn việc đi đâu, về đâu là do nhà trường sắp xếp rồi thông báo lại. Anh A khoa xin giữ lại để bổ sung cho Bộ môn X, chị B vì điều kiện khó khăn, trường xếp đi dạy ở tỉnh Y để hợp lí hoá gia đình…Xét về khía cạnh đó, thời chúng tôi ra trường là thời vàng son, một đi không trở lại. Tuy nhiên, so với dự kiến ban đầu, việc phân công công tác đôi khi cũng khác đi nhiều. Nhóm Văn học nước ngoài chúng tôi kết cục chỉ có Phong ở lại (nhưng về sau Phong cũng xin chuyển vào ĐHSP Huế). Thống thì vướng cái án kỉ luật oan uổng, trôi dạt lên miền Tây Thanh Hoá. Còn tôi “lạc lối” sang bộ môn Mác–Lênin, chờ đi học trường NAQ ở Hà Nội. Cũng may, phải một năm chờ đợi nên tôi có thời gian về Hương Sơn lo cho vợ con những buổi đầu và được gần cái gia đình bé nhỏ của tôi lúc ấy với những chủ nhật đi về. Để rồi sau đó biền biệt đi xa theo học chuyên ban Triết học sau đại học.
Nơi ở được trường cấp 3 phân cho Nga là một gian phòng vách đất thủng lỗ chỗ, không có cửa. Vì vậy, vừa đến buổi sáng là ngay chiều hôm ấy tôi phải vội vàng xin nhà trường mấy cây nứa để chẻ đan phên làm cửa và tìm rơm nhồi với bùn vá mấy vách đất cho lành lặn. May mà tôi biết làm mọi việc. Mấy năm bộ đội đã cho tôi một đôi tay gần như quen hết mọi việc trên đời. Mấy chị giáo viên ở cạnh nhìn tôi đan phên cứ trầm trồ: “Sao dượng Ngọc làm giỏi vậy!”
Dù chỉ là một căn phòng vách đất tồi tàn nhưng sửa sang xong vợ chồng tôi vẫn có một cảm giác thật hạnh phúc vì được tự do bên nhau, tự do âu yếm tỏ bày tình cảm của đôi vợ chồng đã có con nhưng còn rất trẻ (Năm ấy tôi 25 còn Nga 22 tuổi).
Mấy ngày ở với vợ con để giúp ổn định cuộc sống ban đầu, tôi cố gắng hết sức để biến một nơi hoang phế thành căn phòng “ấm cúng” mà vợ con tôi sẽ sống ở đây chờ đợi cuối tuần – ngày chủ nhật. Chỗ hai mẹ con ở trở thành nơi đẹp nhất so với cả dãy nhà tập thể của các gia đình trong trường. Cũng dễ hiểu thôi, Vợ con tôi còn có tôi chăm sóc còn phần lớn các cô “láng giềng” đều có chồng là bộ đội hoặc công tác nơi xa. Chị em giáo viên nơi trường huyện này đều là những “Mẹ Việt Nam anh hùng” thời ấy cả!
Kỉ niệm khó quên của những ngày tháng nơi đây của tôi là những chiều thứ bảy từ Vinh đạp xe về với người vợ trẻ và đứa con thơ. Yêu với một tình yêu lớn và cũng thương cảm vô bờ. Tôi cứ như luôn thấy mình nợ Nga nhiều lắm. Mà cái nợ tình, càng trả lại càng đầy lên mãi! Hơn lúc nào hết, tôi thấm thía câu nói của người xưa: “Vợ chồng là nghĩa tào khang”. Hàng tháng hai vợ chồng tôi và đứa con gái nhỏ sống bằng 64 đồng tiền lương của tôi – anh CBGD đại học vừa ở lại trường cộng thêm khoản lương tập sự của Nga chừng 50 đồng nữa. Cũng may ở gần ông bà nội nên thỉnh thoảng O, Chú lại mang ra cho cân nếp, củ sắn, củ khoai “bồi dưỡng” thêm. Con tôi lớn dần lên dưới bàn tay của người mẹ trẻ và sự đùm bọc yêu thương của Ông Bà, O Chú ở cách đó vài chục cây số.
Trong khoảng gần một năm, đầu Đông 1979 đến cuối Thu 1980, cứ đến chủ nhật tôi lại về Trường cấp 3 Hương Sơn, nơi có căn phòng nhỏ mong manh đang che chở vợ con mình. Khó nghèo đến rùng mình mỗi khi nhắc lại những năm tháng ấy. Vậy mà vẫn lạc quan, vẫn đong đầy hạnh phúc những giây phút bên nhau nồng nàn, say đắm. Lại cả khi hờn ghen, thương giận…Ôi tuổi trẻ của tôi! Tuổi trẻ đã qua…ngày ấy! “Bản chất tình yêu là không chia sẻ”(Ăng-ghen). Vì thế, nếu giữ được sắt son con người có thể đạt được điều mong muốn. Cái cần là Chúa tác hợp cho ta, gắn kết được cho ta một tâm hồn. Những ngày ấy chúng tôi đã sống cho nhau với tấm lòng “Quên tất cả chỉ mình em yêu dấu”… Ơn Chúa, tôi đã vượt qua được những chặng đường giông bão!
Về nhiều rồi thành quen. Cứ mỗi chiều thứ bảy con gái bé bỏng của tôi lại theo mẹ ra đứng ngoài cổng trường đón bố. Vòng tay siết chặt, ôm con vào lòng, cảm giác hạnh phúc, yêu thương dào dạt vô bờ bến. Nhớ có một lần, đâu khoảng 1981, khi ấy vợ chồng tôi đã có thêm cháu thứ hai (thằng bé chỉ cách chị nó 22 tháng, cũng một lần nữa "vỡ kế hoạch"), tôi đã ra Hà Nội nên việc về thăm vợ con là cả một "công trình". Tôi trốn học về nhưng không gặp con gái vì Ông Bà đã đưa cháu về Sơn Thọ được cả tháng. Nhớ quá không chịu nổi, ngay sáng hôm sau tôi đạp xe về nhà. Đang chơi với Bà, nhác thấy bóng bố về đầu ngõ con bé lao ra với tất cả sức lực của nó. Tôi cũng bỏ xe chạy tới. Con gái nhảy lên ôm chặt lấy bố. Đôi tay bé bỏng siết chặt cổ tôi, hai chân thì quắp cứng lấy hông rồi ghì khuôn mặt đầy nước mắt lên má bố, miệng cứ rối rít: Bố ơi! Bố…! Nước mắt tôi cũng chảy xuống đầy cả má con. Hai bố con ghì chặt lấy nhau trong nhiều giây. Lúc bấy giờ nếu có ai quay lại được cảnh bố con tôi gặp nhau hôm đó, tôi tin chắc đó sẽ là một trong những thước phim hay nhất về tình Phụ - Tử. Hôm sau tôi đưa con ra trường. Đêm nằm bên mẹ, nó không dám rời một giây, giành mẹ của em rồi giơ tay sờ mãi khuôn mặt mẹ, miệng cứ lắp bắp: “Mẹ…mẹ…bố…” ngay cả khi đã đi vào giấc ngủ. Tôi biết mình có lỗi với con, mình đã bắt nó thiếu thốn cả sự gần gũi của bố mẹ khi nó còn bé xíu…
Tôi ít làm thơ. Chỉ khi nào cảm xúc mãnh liệt, lời trong tim lại hát thành vần. Bài thơ sau đã hình thành trong những ngày tôi ở xa, nhớ về con da diết.

TÌNH YÊU CỦA BỐ
Tặng con gái

Tháng tám mẹ sinh con
Bố phải đi ra trường
Nhân thêm ngàn nỗi nhớ
Cộng thêm ngàn tình thương.
Bố mẹ cùng cô chú
Đặt tên con Ngọc Hà
Con chim bồ câu nhỏ
Lòng bố yêu thiết tha…
Bố đi công tác vắng
Mẹ cũng không ở nhà
Chưa đầy ba tháng tuổi
Con đã phải đi xa.
Bao giờ con khôn lớn
Mẹ cho con đến trường
Con chim bồ câu trắng
Tung cánh về muôn phương!
Mỗi lần về phép qua
Đón con trên tay mẹ
Sao bố yêu con thế
Ơi con chim Ngọc Hà!
Mũ con chưa thật ấm
Áo con chưa tươi màu
Nhưng bố tin con bố
Có cuộc đời mai sau…
Ơi con ngoan của bố
Sống giữa tình yêu thương
Lại đây con chim nhỏ
Bố hôn ngàn chiếc hôn…
Phải đi làm việc xa
Bố thương con thương mẹ
Hãy lớn ngoan con nhé
Ơi con yêu Ngọc Hà.

Tháng 2-1980


Con gái và Mẹ ở góc vườn trường ĐH Vinh


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới