Nguyễn Trung Ngọc
Bây giờ thì đã quá muộn rồi nhưng thú thật là khi có dịp quay về
nhìn lại khu vườn ở Sơn Thọ, Hương Sơn tôi vô cùng tiếc nuối: Giá như hồi trước
mình biết giữ lại khu vườn nhà mình đến giờ để làm trang trại, để thành cái nơi
cho con cháu về nghỉ hè thì quả là lí tưởng. Dân vùng này bảo, vườn ông Thu nếu
còn giờ bán cầm chắc tiền tỉ. Số là, vào năm 1989, nạn đào vàng nơi đây đã phá
nát dòng suối đẹp như tranh vẽ, đào lấn hết cả vườn chè xanh mướt quanh năm với
bao mồ hôi đã đổ xuống để làm nên. Mới biết, bàn tay con người thật khủng
khiếp. Nó “thay trời đổi đất”, biến rừng núi âm u thành những khu vườn tươi sáng
nhưng nó cũng có thể phá hoại đến tột cùng, biến một làng quê tươi đẹp thành
bãi đất đá hoang tàn. Thật tội nghiệp, bố tôi đã vào tuổi bảy mươi, không biết
kêu ai, không có pháp luật bảo hộ cái gia đình bé nhỏ nằm sâu giữa rừng. Ngày
ngày hai ông bà già và đôi vợ chồng thằng em thương binh của tôi chỉ lo chống
đỡ hết tốp người này đến tốp người khác từ những nơi xa đến đây rập rình đào
xới để tìm vàng. Họ toàn là bọn người hung dữ, những đầu gấu nhìn thật gớm
ghiếc mang theo dụng cụ đào vàng và cả vũ khí để sẵn sàng trấn áp. Một lần, tôi
về nhà được nghe kể lại: Hôm ấy, mới sáng sớm, một tốp đào vàng vai vác xà
beng, cuốc thuổng, lưng đeo dao rựa...nhìn rất dữ dằn đạp rào đi bừa vào vườn
chè. Bố tôi chạy ra dang tay ngăn lại:
- Các anh không được phá hoại vườn người ta như thế! Đường không đi lại phá cả rào là cớ làm sao?
Tên đi đầu chừng ba mươi tuổi, tóc rậm quá vai hất hàm:
- Ê ông già, tránh ra! Không biết đi tắt thế này cho nhanh à?
Hắn tưởng bố tôi sợ nên dấn bước thêm và giơ tay gạt ông ra. Không nhịn được hơn nữa, nhanh như cắt, bằng một động tác của võ sĩ quyền Anh, ông tặng hắn ta một quả đấm như trời giáng vào giữa mặt và đẩy hắn xuống dưới lối đi. (Tôi đã kể ở phần trước, Bố tôi chơi quyền Anh rất khá, ông từng hạ gục một viên quan năm Nhật trên sàn đấu). Thằng cha vỡ mũi, máu ộc ra, loạng choạng lấy lại tư thế rồi rút con dao đang đeo lủng lẳng bên hông đứng giữa đường hét lên:
- Lão già! Xuống đây! Tao băm lão ra.
Bố tôi bình tĩnh đáp:
- Lão già chỉ không cho lũ mất dạy xâm phạm vườn nhà mình còn chẳng bao giờ lão đi đánh nhau. Đứng ngoài rào thì được nhưng nhớ là chớ vào đất ông một lần nữa khi chưa cho phép.
Thấy một ông già có đòn đánh “đẹp” như Mike tyson lại quá bình tĩnh trước sự hung tợn của mình, tên đầu gấu không dám nhảy vào vườn nữa mà đứng ngoài đường hô hoán đồng bọn rút dao ra hù doạ. Thằng em tôi thấy nguy, Sợ bố mình bị chém, xách khẩu súng săn chạy ra cầm lăm lăm trong tay đứng cách vài chục mét. Hung hăng một lúc nhưng có lẽ là cũng sợ khẩu súng trên tay thằng em tôi nhả đạn, cả bọn chửi tục rồi lầu bầu bỏ đi.
Một lần, khi cái gia đình nhỏ của tôi (Vợ chồng tôi và hai đứa con nhỏ) đang chuẩn bị chuyển từ khu cán bộ độc thân của Đại học sư phạm Vinh sang khu gia đình, bố tôi đạp xe từ Hương Sơn xuống. Chơi với cháu lần ấy chỉ là phụ, ông nói riêng với tôi chuyện này: “Con ạ! Tình hình ở nhà căng thẳng lắm. Bố ra để nói với con điều này, đám đào vàng đang lật tung cả con suối trước nhà mình, mấy hôm nay chúng đào đứt cả vườn, lấn tận cả bếp nhà ta rồi. Bố đã làm mọi cách nhưng không sao cản được. Kiểu này, không còn cách nào khác, phải đứng lên bảo vệ thôi. Con đi bộ đội giữ đất nước tận đâu nay “giặc” đến cướp tận nhà chả lẽ mình không dám bảo vệ? Bố già rồi có sao cũng chẳng sao! Chuyến này về bố sẽ tuyên bố không kẻ nào được bổ thêm một nhát cuốc vào vườn nhà mình nữa. Nếu không, phải liều với chúng nó…”
Nghe giọng run run và đứt trong hơi thở của ông, tôi biết bố mình đang rất căng thẳng và cương quyết. Ông đã nói là làm. Tình hình quả là không thể trì hoãn thêm được nữa. Tôi cố giữ bình tĩnh khuyên giải ông: “Bố cứ cố nhịn để ta tìm cách, đừng làm liều tiêu tan mất cả nhà ta. Bố mẹ đã đành nhưng còn các em, các con, các cháu. Pháp luật thả lỏng cho quân đào vàng nhưng nó sẽ thít rất chặt nếu bố ra tay đấy”. Bố tôi gần như khóc: “Thế con bảo chả lẽ bố ngồi nhìn chúng nó đào đổ nhà mình à?”
Mấy năm lọt giữa cái rốn của nạn đào vàng, gia đình tôi khốn đốn, mất ăn mất ngủ, không yên lấy một ngày nào. Giờ thì đã lên đến đỉnh điểm. Vài năm gần đấy, lần nào ghé về nhà tôi cũng thấy nóng như trên chảo lửa: Lúc thì chứng kiến hai hội đào vàng vừa chém nhau máu loang cả suối, khi lại được tin hôm trước một thanh niên trong xóm vừa dùng khẩu K44 của dân quân bắn gục một “đại ca” ngay bên bờ suối sau vườn nhà mình…Thật là khủng khiếp! Tôi không sao hình dung hết cái phức tạp của một nơi pháp luật gần như không có ấy. Những ngày êm ả của một vùng quê xa vắng đã chấm dứt.
Tiễn bố trở lại Hương Sơn rồi, hai vợ chồng tôi cứ như ngồi trên đống lửa. Nỗi lo lắng dằn vặt tôi, không cho tôi yên lấy một giờ nào. Vậy là tôi phải đi đến một quyết định mạnh mẽ. Bố về được ba ngày thì tôi về theo. Tôi về một mình bằng chiếc xe đạp cà tàng, đạp gần một ngày mới từ Vinh về tới Sơn Thọ vì gặp phải ngày mưa. Mẹ tôi thấy tôi về mừng như gặp được vị cứu tinh, chỉ ra cái hố sâu hoắm đào lộng từ bờ suối vào tận nền bếp. Những hàng chè thẳng tắp bố tôi trồng bị thụt xuống cái hố đào vàng ác nghiệt, chia vườn chè tuyệt đẹp thành hai nửa với những dấu chân dẫm nát. Mẹ tôi nói trong nước mắt: “Con ơi! Mấy ngày nay bố chỉ suốt ngày lo canh giữ bên cái hố đào vàng này. Mẹ chỉ lo bố làm liều, chết cả nhà. May con về kịp.”
Tôi đi một vòng quanh vườn quan sát. Cơm tối xong, cả nhà ngồi lại bên mâm cơm nghe tôi chăm chú. Bố tôi mới qua mấy ngày mà gầy sọp hẳn đi. Nhìn ông phờ phạc, mắt trũng xuống, mệt mỏi, bất lực đến tệ hại. Đặc biệt là ông có dấu hiệu bị lẩn thẩn. Trong tôi trào dâng một lòng thương cảm vô bờ. Tôi từ từ nói:
- Về đây con đã hiểu hết mọi chuyện. Con nghĩ và đề nghị với bố mẹ thế này: Bố đã rất mệt, nguy cơ sẽ ốm đấy. Tình hình đúng là rất căng thẳng. Nhà ta ở một nơi mà pháp luật cũng không đến để can thiệp giúp ta. Đây là lúc phải có quyết định mạnh mẽ và đúng đắn. Bố cũng già rồi, để con lo mọi chuyện cho. Bố mẹ đồng ý không?
- Giao cho con toàn quyền quyết định, tuỳ con, con ạ!
Bố tôi nói chậm rãi nhưng rất tự tin, chắc chắn. Có thể ông cũng chưa lường được một quyết định táo bạo mà cũng rất mới vừa hình thành trong tôi mà trước khi tôi về Nga cũng chưa hề biết. Tôi nói một hơi rất quyết đoán trong sự ngơ ngác của bố mẹ mình và hai vợ chồng chú em:
- Vậy con quyết định thế này: Chúng ta sẽ bỏ nơi đây. Bố mẹ đã già sẽ ra thành phố, trước mắt ở với các con và em Du. Vợ chồng Sơn tạm thời ở lại để giải quyết chuyện vườn tược, nhà cửa rồi rút về xuôi sau. Ngay ngày mai chúng ta sẽ xúc tiến công cuộc di chuyển. Bố Mẹ tạm ra ở nhờ nhà bác Phúc, quên đi mọi chuyện ở đây. Trong này cứ để con lo! Bố mẹ thương con, hãy nghe con và cho con được yên để lo xong việc.
Giống như một quyết định trong chiến trận. Tôi nói xong, mẹ tôi khóc, bố tôi thần người ra còn vợ chồng chú em thì hơi giật mình nhưng dường như mọi người đều thấy rằng không thể nào khác được nếu không muốn rơi vào tai hoạ lớn. Vì thế cả nhà không ai phản đối tôi, chỉ im lặng theo đuổi ý nghĩ của riêng mình. Đêm ấy nhà tôi không ai ngủ được. Tiếng chim Từ Qui nghe thật não nề, ai oán. Khu vườn với biết bao mồ hôi (và ít nhiều cả máu nữa) đã đổ xuống từ những năm đầu chống chọi với thú dữ, với vắt muỗi, bệnh tật…kéo dài đã hai mươi năm để làm nên, phút chốc phải vứt hết để ra đi. Thương tiếc nhất là cánh đồng lúa. Bố tôi đã san phẳng cả một vùng chân đồi rộng lớn, đắp đập ngăn suối để lấy nước tưới tiêu. Dân làng ai cũng phải gật đầu nể phục. Phải thừa nhận rằng bố tôi rất gan trong suy nghĩ và có một ý chí ít có người nào sánh được. Ông động viên các con cùng làm với mình bằng câu chuyện Ngu Công dời núi và lúc nào cũng tươi cười: “Không có việc gì con người chúng ta không làm được, dù khó đến mấy. Vấn đề là ta có chịu suy nghĩ để tìm cách vượt qua và có nghị lực không. Bố nghiệm thấy, chỉ cần mình có quyết tâm, cái gì cũng xong mà!”
Sáng hôm sau cả nhà bắt tay ngay vào công việc chuẩn bị. Không muốn để bố mẹ phải đau buồn và căng thẳng quá vì phải đương đầu với hội đào vàng lại khoét sâu đường hầm hướng vào vườn nhà, tôi bảo hai ông bà đưa cháu nhỏ (con gái đầu của tôi lên 10 tuổi đang về quê nghỉ hè với ông bà) ra ở nhờ nhà bác Phúc xóm ngoài rồi đi nhờ anh em, bà con trong xóm xúc tiến việc chuyển đồ đạc ra nơi ô tô có thể vào được để chuyển lên. Tự tôi cũng điều khiển một con trâu nhà kéo chiếc xe trượt chở dần mọi đồ vật ra xóm ngoài để chuyển đi. Công việc được làm cật lực trong một ngày thì xong. Tôi mệt muốn đứt hơi nhưng cũng thấy nhẹ nhõm đi nhiều. Chỉ còn lo việc bán nhà nữa là coi như cơ bản xong mọi việc. Tôi ở thêm hai ngày trên mảnh đất đã gắn bó với gia đình mình hơn hai mươi năm. Đêm ấy nằm trong căn phòng trống vắng, không còn hơi ấm của bố mẹ, tôi suy nghĩ miên man về những ngày đầu cả nhà lên Hương Sơn để lại tôi một mình ở Đức Thọ để theo học hết cấp 3 rồi đi đại học cho đến hôm nay phải rời bỏ quê hương thứ 2 này trong một hoàn cảnh không khác gì chiến tranh, tự nhiên hai hàng nước mắt chảy dài trên má. Trong lòng trào dâng thứ tình cảm gia đình thiêng liêng vẫn thường dấu kín. Tôi thương Bố mẹ, thương các em không sao kể xiết.
Ba ngày sau, một chiếc xe tải do chú em rể từ Nam Định về hỗ trợ thuê từ Vinh lên bốc gọn đồ đạc, chở Bố Mẹ cùng con gái nhỏ của tôi trong ca bin. Hai anh em tôi thì ngồi ngất ngưỡng giữa đống đồ đoàn lỉnh kỉnh trên thùng xe. Chiếc Zin130 chạy ra đường 8 rồi xuôi về thành phố, bỏ lại phía sau cả một chặng đường dài của mỗi thành viên gia đình. Đặc biệt là Bố tôi, người đã dày công vun đắp, xây dựng một vùng quê mới không phải cho riêng ông mà cho cả hơn bốn mươi hộ đồng bào, cho dù có một kết cục đáng buồn nhưng đã để lại bao kỉ niệm không thể phai mờ trong tâm trí chúng tôi.
Phải nói thêm một chút về chủ trương của Đảng cầm quyền trong công cuộc di dân những năm đó mà Bố tôi là một người đã đi tiên phong và cầm cự suốt 21 năm trời. Tôi đã kể với bạn đọc về khó khăn của những ngày đầu cùng “cảnh đẹp như tiên” mà gia đình cũng như bà con quê tôi có được nơi quê hương thứ hai của mình. Nếu mọi cái được duy trì rồi phát triển thêm nữa dưới bàn tay của những cán bộ, những công dân như Bố tôi thì chủ trương đã là một chủ trương rất đúng, mở ra những vùng đất mới “đẹp như tranh vẽ” mà chính nhân dân từng hết sức tán thành. Nhưng họ đã làm sai nhiều quá. Chính phủ đã bỏ rơi dân. Những năm 80 cả nước cùng kiệt, người dân vùng xuôi thiếu đói đã ồ ạt tràn lên miền Tây để đào núi, phá rừng. Nạn đào vàng ở quê tôi là một minh chứng cho sự bất lực của Chính phủ trước sự phá phách tất yếu của dân nghèo đi tìm đường sống. Họ là những đầu gấu, những tên “giặc” đã làm hại dân lành quê tôi nhưng phần lớn họ cũng chính là những người dân khốn khổ, đói rách vùng khác kéo về đây tìm vận may đổi đời. Khó có sức nào cưỡng lại họ. Chỗ nào có vàng thì dù chết họ cũng quyết xán vào. Vì thế, một người kiên cường như Bố tôi cuối cùng cũng phải rút lui trước đám đông vô chính phủ ấy. Tôi biết Bố tôi không làm dữ hơn, cố nhịn cho đến ngày tôi về đưa cả nhà đi ấy vì ông đã nghe tôi. Không ít lần tôi phải khuyên can bố, kể cả đấu tranh với ông để cha con thống nhất điều này: Những người dân đào vàng ấy, xét đến cùng, cũng là những người dân lao động như ta. Họ còn nghèo khổ hơn ta nên đã làm liều, làm bậy. Cái đáng trách là cả một hệ thống chính quyền đã buông rơi, đã bỏ mặc cho những người dân lương thiện phải tự đương đầu với thứ tai hoạ do chính con người, chính đồng bào của mình tạo ra, không được pháp luật che chở. Chính quyền nhân dân đã để nhân dân làm hại nhau như vậy!
- Các anh không được phá hoại vườn người ta như thế! Đường không đi lại phá cả rào là cớ làm sao?
Tên đi đầu chừng ba mươi tuổi, tóc rậm quá vai hất hàm:
- Ê ông già, tránh ra! Không biết đi tắt thế này cho nhanh à?
Hắn tưởng bố tôi sợ nên dấn bước thêm và giơ tay gạt ông ra. Không nhịn được hơn nữa, nhanh như cắt, bằng một động tác của võ sĩ quyền Anh, ông tặng hắn ta một quả đấm như trời giáng vào giữa mặt và đẩy hắn xuống dưới lối đi. (Tôi đã kể ở phần trước, Bố tôi chơi quyền Anh rất khá, ông từng hạ gục một viên quan năm Nhật trên sàn đấu). Thằng cha vỡ mũi, máu ộc ra, loạng choạng lấy lại tư thế rồi rút con dao đang đeo lủng lẳng bên hông đứng giữa đường hét lên:
- Lão già! Xuống đây! Tao băm lão ra.
Bố tôi bình tĩnh đáp:
- Lão già chỉ không cho lũ mất dạy xâm phạm vườn nhà mình còn chẳng bao giờ lão đi đánh nhau. Đứng ngoài rào thì được nhưng nhớ là chớ vào đất ông một lần nữa khi chưa cho phép.
Thấy một ông già có đòn đánh “đẹp” như Mike tyson lại quá bình tĩnh trước sự hung tợn của mình, tên đầu gấu không dám nhảy vào vườn nữa mà đứng ngoài đường hô hoán đồng bọn rút dao ra hù doạ. Thằng em tôi thấy nguy, Sợ bố mình bị chém, xách khẩu súng săn chạy ra cầm lăm lăm trong tay đứng cách vài chục mét. Hung hăng một lúc nhưng có lẽ là cũng sợ khẩu súng trên tay thằng em tôi nhả đạn, cả bọn chửi tục rồi lầu bầu bỏ đi.
Một lần, khi cái gia đình nhỏ của tôi (Vợ chồng tôi và hai đứa con nhỏ) đang chuẩn bị chuyển từ khu cán bộ độc thân của Đại học sư phạm Vinh sang khu gia đình, bố tôi đạp xe từ Hương Sơn xuống. Chơi với cháu lần ấy chỉ là phụ, ông nói riêng với tôi chuyện này: “Con ạ! Tình hình ở nhà căng thẳng lắm. Bố ra để nói với con điều này, đám đào vàng đang lật tung cả con suối trước nhà mình, mấy hôm nay chúng đào đứt cả vườn, lấn tận cả bếp nhà ta rồi. Bố đã làm mọi cách nhưng không sao cản được. Kiểu này, không còn cách nào khác, phải đứng lên bảo vệ thôi. Con đi bộ đội giữ đất nước tận đâu nay “giặc” đến cướp tận nhà chả lẽ mình không dám bảo vệ? Bố già rồi có sao cũng chẳng sao! Chuyến này về bố sẽ tuyên bố không kẻ nào được bổ thêm một nhát cuốc vào vườn nhà mình nữa. Nếu không, phải liều với chúng nó…”
Nghe giọng run run và đứt trong hơi thở của ông, tôi biết bố mình đang rất căng thẳng và cương quyết. Ông đã nói là làm. Tình hình quả là không thể trì hoãn thêm được nữa. Tôi cố giữ bình tĩnh khuyên giải ông: “Bố cứ cố nhịn để ta tìm cách, đừng làm liều tiêu tan mất cả nhà ta. Bố mẹ đã đành nhưng còn các em, các con, các cháu. Pháp luật thả lỏng cho quân đào vàng nhưng nó sẽ thít rất chặt nếu bố ra tay đấy”. Bố tôi gần như khóc: “Thế con bảo chả lẽ bố ngồi nhìn chúng nó đào đổ nhà mình à?”
Mấy năm lọt giữa cái rốn của nạn đào vàng, gia đình tôi khốn đốn, mất ăn mất ngủ, không yên lấy một ngày nào. Giờ thì đã lên đến đỉnh điểm. Vài năm gần đấy, lần nào ghé về nhà tôi cũng thấy nóng như trên chảo lửa: Lúc thì chứng kiến hai hội đào vàng vừa chém nhau máu loang cả suối, khi lại được tin hôm trước một thanh niên trong xóm vừa dùng khẩu K44 của dân quân bắn gục một “đại ca” ngay bên bờ suối sau vườn nhà mình…Thật là khủng khiếp! Tôi không sao hình dung hết cái phức tạp của một nơi pháp luật gần như không có ấy. Những ngày êm ả của một vùng quê xa vắng đã chấm dứt.
Tiễn bố trở lại Hương Sơn rồi, hai vợ chồng tôi cứ như ngồi trên đống lửa. Nỗi lo lắng dằn vặt tôi, không cho tôi yên lấy một giờ nào. Vậy là tôi phải đi đến một quyết định mạnh mẽ. Bố về được ba ngày thì tôi về theo. Tôi về một mình bằng chiếc xe đạp cà tàng, đạp gần một ngày mới từ Vinh về tới Sơn Thọ vì gặp phải ngày mưa. Mẹ tôi thấy tôi về mừng như gặp được vị cứu tinh, chỉ ra cái hố sâu hoắm đào lộng từ bờ suối vào tận nền bếp. Những hàng chè thẳng tắp bố tôi trồng bị thụt xuống cái hố đào vàng ác nghiệt, chia vườn chè tuyệt đẹp thành hai nửa với những dấu chân dẫm nát. Mẹ tôi nói trong nước mắt: “Con ơi! Mấy ngày nay bố chỉ suốt ngày lo canh giữ bên cái hố đào vàng này. Mẹ chỉ lo bố làm liều, chết cả nhà. May con về kịp.”
Tôi đi một vòng quanh vườn quan sát. Cơm tối xong, cả nhà ngồi lại bên mâm cơm nghe tôi chăm chú. Bố tôi mới qua mấy ngày mà gầy sọp hẳn đi. Nhìn ông phờ phạc, mắt trũng xuống, mệt mỏi, bất lực đến tệ hại. Đặc biệt là ông có dấu hiệu bị lẩn thẩn. Trong tôi trào dâng một lòng thương cảm vô bờ. Tôi từ từ nói:
- Về đây con đã hiểu hết mọi chuyện. Con nghĩ và đề nghị với bố mẹ thế này: Bố đã rất mệt, nguy cơ sẽ ốm đấy. Tình hình đúng là rất căng thẳng. Nhà ta ở một nơi mà pháp luật cũng không đến để can thiệp giúp ta. Đây là lúc phải có quyết định mạnh mẽ và đúng đắn. Bố cũng già rồi, để con lo mọi chuyện cho. Bố mẹ đồng ý không?
- Giao cho con toàn quyền quyết định, tuỳ con, con ạ!
Bố tôi nói chậm rãi nhưng rất tự tin, chắc chắn. Có thể ông cũng chưa lường được một quyết định táo bạo mà cũng rất mới vừa hình thành trong tôi mà trước khi tôi về Nga cũng chưa hề biết. Tôi nói một hơi rất quyết đoán trong sự ngơ ngác của bố mẹ mình và hai vợ chồng chú em:
- Vậy con quyết định thế này: Chúng ta sẽ bỏ nơi đây. Bố mẹ đã già sẽ ra thành phố, trước mắt ở với các con và em Du. Vợ chồng Sơn tạm thời ở lại để giải quyết chuyện vườn tược, nhà cửa rồi rút về xuôi sau. Ngay ngày mai chúng ta sẽ xúc tiến công cuộc di chuyển. Bố Mẹ tạm ra ở nhờ nhà bác Phúc, quên đi mọi chuyện ở đây. Trong này cứ để con lo! Bố mẹ thương con, hãy nghe con và cho con được yên để lo xong việc.
Giống như một quyết định trong chiến trận. Tôi nói xong, mẹ tôi khóc, bố tôi thần người ra còn vợ chồng chú em thì hơi giật mình nhưng dường như mọi người đều thấy rằng không thể nào khác được nếu không muốn rơi vào tai hoạ lớn. Vì thế cả nhà không ai phản đối tôi, chỉ im lặng theo đuổi ý nghĩ của riêng mình. Đêm ấy nhà tôi không ai ngủ được. Tiếng chim Từ Qui nghe thật não nề, ai oán. Khu vườn với biết bao mồ hôi (và ít nhiều cả máu nữa) đã đổ xuống từ những năm đầu chống chọi với thú dữ, với vắt muỗi, bệnh tật…kéo dài đã hai mươi năm để làm nên, phút chốc phải vứt hết để ra đi. Thương tiếc nhất là cánh đồng lúa. Bố tôi đã san phẳng cả một vùng chân đồi rộng lớn, đắp đập ngăn suối để lấy nước tưới tiêu. Dân làng ai cũng phải gật đầu nể phục. Phải thừa nhận rằng bố tôi rất gan trong suy nghĩ và có một ý chí ít có người nào sánh được. Ông động viên các con cùng làm với mình bằng câu chuyện Ngu Công dời núi và lúc nào cũng tươi cười: “Không có việc gì con người chúng ta không làm được, dù khó đến mấy. Vấn đề là ta có chịu suy nghĩ để tìm cách vượt qua và có nghị lực không. Bố nghiệm thấy, chỉ cần mình có quyết tâm, cái gì cũng xong mà!”
Sáng hôm sau cả nhà bắt tay ngay vào công việc chuẩn bị. Không muốn để bố mẹ phải đau buồn và căng thẳng quá vì phải đương đầu với hội đào vàng lại khoét sâu đường hầm hướng vào vườn nhà, tôi bảo hai ông bà đưa cháu nhỏ (con gái đầu của tôi lên 10 tuổi đang về quê nghỉ hè với ông bà) ra ở nhờ nhà bác Phúc xóm ngoài rồi đi nhờ anh em, bà con trong xóm xúc tiến việc chuyển đồ đạc ra nơi ô tô có thể vào được để chuyển lên. Tự tôi cũng điều khiển một con trâu nhà kéo chiếc xe trượt chở dần mọi đồ vật ra xóm ngoài để chuyển đi. Công việc được làm cật lực trong một ngày thì xong. Tôi mệt muốn đứt hơi nhưng cũng thấy nhẹ nhõm đi nhiều. Chỉ còn lo việc bán nhà nữa là coi như cơ bản xong mọi việc. Tôi ở thêm hai ngày trên mảnh đất đã gắn bó với gia đình mình hơn hai mươi năm. Đêm ấy nằm trong căn phòng trống vắng, không còn hơi ấm của bố mẹ, tôi suy nghĩ miên man về những ngày đầu cả nhà lên Hương Sơn để lại tôi một mình ở Đức Thọ để theo học hết cấp 3 rồi đi đại học cho đến hôm nay phải rời bỏ quê hương thứ 2 này trong một hoàn cảnh không khác gì chiến tranh, tự nhiên hai hàng nước mắt chảy dài trên má. Trong lòng trào dâng thứ tình cảm gia đình thiêng liêng vẫn thường dấu kín. Tôi thương Bố mẹ, thương các em không sao kể xiết.
Ba ngày sau, một chiếc xe tải do chú em rể từ Nam Định về hỗ trợ thuê từ Vinh lên bốc gọn đồ đạc, chở Bố Mẹ cùng con gái nhỏ của tôi trong ca bin. Hai anh em tôi thì ngồi ngất ngưỡng giữa đống đồ đoàn lỉnh kỉnh trên thùng xe. Chiếc Zin130 chạy ra đường 8 rồi xuôi về thành phố, bỏ lại phía sau cả một chặng đường dài của mỗi thành viên gia đình. Đặc biệt là Bố tôi, người đã dày công vun đắp, xây dựng một vùng quê mới không phải cho riêng ông mà cho cả hơn bốn mươi hộ đồng bào, cho dù có một kết cục đáng buồn nhưng đã để lại bao kỉ niệm không thể phai mờ trong tâm trí chúng tôi.
Phải nói thêm một chút về chủ trương của Đảng cầm quyền trong công cuộc di dân những năm đó mà Bố tôi là một người đã đi tiên phong và cầm cự suốt 21 năm trời. Tôi đã kể với bạn đọc về khó khăn của những ngày đầu cùng “cảnh đẹp như tiên” mà gia đình cũng như bà con quê tôi có được nơi quê hương thứ hai của mình. Nếu mọi cái được duy trì rồi phát triển thêm nữa dưới bàn tay của những cán bộ, những công dân như Bố tôi thì chủ trương đã là một chủ trương rất đúng, mở ra những vùng đất mới “đẹp như tranh vẽ” mà chính nhân dân từng hết sức tán thành. Nhưng họ đã làm sai nhiều quá. Chính phủ đã bỏ rơi dân. Những năm 80 cả nước cùng kiệt, người dân vùng xuôi thiếu đói đã ồ ạt tràn lên miền Tây để đào núi, phá rừng. Nạn đào vàng ở quê tôi là một minh chứng cho sự bất lực của Chính phủ trước sự phá phách tất yếu của dân nghèo đi tìm đường sống. Họ là những đầu gấu, những tên “giặc” đã làm hại dân lành quê tôi nhưng phần lớn họ cũng chính là những người dân khốn khổ, đói rách vùng khác kéo về đây tìm vận may đổi đời. Khó có sức nào cưỡng lại họ. Chỗ nào có vàng thì dù chết họ cũng quyết xán vào. Vì thế, một người kiên cường như Bố tôi cuối cùng cũng phải rút lui trước đám đông vô chính phủ ấy. Tôi biết Bố tôi không làm dữ hơn, cố nhịn cho đến ngày tôi về đưa cả nhà đi ấy vì ông đã nghe tôi. Không ít lần tôi phải khuyên can bố, kể cả đấu tranh với ông để cha con thống nhất điều này: Những người dân đào vàng ấy, xét đến cùng, cũng là những người dân lao động như ta. Họ còn nghèo khổ hơn ta nên đã làm liều, làm bậy. Cái đáng trách là cả một hệ thống chính quyền đã buông rơi, đã bỏ mặc cho những người dân lương thiện phải tự đương đầu với thứ tai hoạ do chính con người, chính đồng bào của mình tạo ra, không được pháp luật che chở. Chính quyền nhân dân đã để nhân dân làm hại nhau như vậy!
28-2-2019
(Còn nữa)
(Còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bạn có nhận xét mới