7 tháng 1, 2019

Thương tiếc anh Huỳnh Hiến

Hôm qua buổi sáng vừa cùng với Lê Văn Ngọ sang Nhà Bè viếng Thầy Lê Hoài Nam thì đầu giờ chiều nhận được đt từ Quy Nhơn: Anh Huỳnh Hiến đã vừa mất lúc 12h30 trưa nay, 6/1/2019. Hưởng thọ 80t. Anh mới mất trưa nay, 18h tối nay mới thành phục mà 5h sáng mai đã di quan, sao anh sống ở đời thung thăng thế mà khi ra đi lại vội vàng thế. Anh Huỳnh Hiến.
Huỳnh Hiến là đồng nghiệp suốt 21 năm với tôi khi tôi làm việc ở Đài Truyền hình Quy Nhơn, sau này là Đài PTTH Bình Định. Anh là đạo diễn các chương trình sân khấu và các chương trình ca nhạc truyền thống của đài. Nhiều chương trình sân khấu và ca nhạc do anh đạo diễn, dàn dựng từng đạt giải HC vàng và bạc tại các Liên hoan truyền hình toàn quốc.
Anh tốt nghiệp ĐH Tổng hợp văn, ra trường làm PV Đài TNNV rồi giải phóng về quê làm ở Đài Truyền hình Quy Nhơn. Anh sỗng giữa cuộc đời đầy bon chen mà như đứng ở bên đời không hề màng danh lợi: Không chức tước, không đảng phái, chơi rất kén bạn.
Mỗi lần vào Sài Gòn thăm con, anh thường sang nhà tôi ngủ lại, anh em thức nói chuyện thâu đêm. Mỗi lần tôi có việc về Quy Nhơn đều ngủ lại nhà anh ở 155A Hai Bà Trưng và cũng thức thâu đêm nói chuyện.
Cũng anh Hiến hồi đọc mấy bài tôi viết trên blog sau khi đi họp lớp cấp 3 ở Đồng Hới và đại học ở Vinh về đã nói: Cuộc sống là thế chứ còn gì nữa nhỉ.
Tôi thấy đúng lắm.
Anh mất đi là tôi mất một người anh, người bạn tri âm.
Nhớ anh, tôi nhớ bài thơ rất hay của anh Mùa này trên Vĩnh Sơn đã được Vũ Trung phổ nhạc để thành một ca khúc nổi tiếng ở Bình Định.

Nhà báo - đạo diễn truyền hình Huỳnh Hiến, đầu tiên bên trái, cùng các đồng nghiệp ở đài BTV

Mùa này trên Vĩnh Sơn

                                                         Thân tặng anh Huỳnh Hiến

Cách đây 26 năm, vào tháng 12 năm 1984, người dân Bình Định được sống trong không khí náo nức của ngày khởi công công trình thủy điện Vĩnh Sơn, một công trình lớn mở đầu cho sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước trên quê hương Bình Định nói chung và của huyện miền núi giàu truyền thống cách mạng Vĩnh Thạnh nói riêng.
      Trong sự náo nức và hân hoan chào đón công trình thủy điện lớn của tỉnh nhà, trong âm vang tiếng mìn phá đá mở đường, trong ì ầm tiếng những đoàn xe đi giữa những con đường rừng mới mở, các văn nghệ sĩ  Bình Định đã có nhiều tác phẩm ngợi ca công trình mới.  Trong số đó nổi bật lên bài thơ Mùa này trên Vĩnh Sơn của tác giả Huỳnh Hiến. Một bài thơ giàu nhạc tính và từ ngữ biến tấu rất lãng mạn.
     Theo lời kể của nhà báo Huỳnh Hiến, vào ngày khởi công Thủy điện Vĩnh Sơn, trong vai trò là đạo diễn, anh cùng nhóm phóng viên văn nghệ Đài Truyền hình Quy Nhơn lúc bấy giờ trực thuộc Bộ văn hóa Thông tin lên Vĩnh Sơn thực hiện một chương trình ca nhạc với khung cảnh và lời ca tiếng hát của chính những người cán bộ, công nhân trên công trường. Từ không khí hào hùng của công trình lớn cùng với niềm tự hào về sự đổi thay của quê hương, tứ thơ của Mùa này trên Vĩnh Sơn ra đời. Nhà báo Huỳnh Hiến với những ngày sống trong lán trại công trường, trong tâm trạng của anh công nhân Thủy điện Vĩnh Sơn rời quê biển Quy Nhơn lên sống giữa núi rùng Vĩnh Thạnh, nhớ biển, nhớ người yêu, khiến cho những câu thơ đầu tiên xuất hiện như một lẽ tự nhiên:
                               Xa em anh thấy nhớ
                               Một ngày ta bên nhau
                               Một ngày nghe biển hát
                               Gió ngọt ngào qua mau
      Rồi mạch thơ cứ thế tuôn trào. Những lời thơ sáng đẹp của Huỳnh Hiến đã làm nên những câu thơ đẹp để có được cả một bài thơ đẹp.  Đến bây giờ, sau hơn một phần tư thế kỉ đã đi qua, những câu thơ hồn hậu, ấm áp tình người vẫn để lại nhiều dư ba trong lòng người đọc. Và mỗi lần đọc lại, tôi vẫn như thấy được sự xuất thần của Huỳnh Hiến khi anh viết những câu thơ trong trẻo mà giàu hình tượng: ...Hoa vàng nở sáng rừng; Nắng như sương ướt lá ... Hoặc: Mưa tràn trắng mặt đường; Sáng như gương lấp lánh... Những câu thơ mà chỉ cần đọc to lên đã thấy nhịp điệu ngân nga như một bản tình ca. Và hình ảnh công trình Thủy điện Vĩnh Sơn cũng hiện ra rất rõ:
                                  Em ơi em có nhớ
                                  Lên cùng anh Vĩnh Sơn
                                  Xem dòng Lơ Pin đổ
                                  Hiểu lòng hồ Đak Phan
     Cứ da diết mãi như thế, cả  bài thơ là lời bày tỏ tình cảm của anh công nhân Thủy điện Vĩnh Sơn với người yêu ở thành phố biển. Đó là hình ảnh của một anh công nhân vừa giàu tình cảm, vừa rất có trách nhiệm với công trình lớn của quê hương: 
                                Em ơi em có nhớ
                                Lên cùng anh ta xây
                                Một công trình rạng rỡ
                                Một mặt trời nơi đây
                                Thương em nhiều -  chưa nói
                                Nhờ dòng sông Kôn xanh                           
                                Đóa lan rừng anh gửi
                                Tỏ lòng hoa thay anh. 

       Huỳnh Hiến làm thơ không nhiều. Thơ anh thường thiên về tính triết lí,  suy luận, mang đậm chất suy tư về cuộc sống. Nhưng riêng ở Mùa này trên Vĩnh Sơn, Huỳnh Hiến đã sáng tác nên một bài thơ đậm chất trữ tình.
     Do sự thành công của Mùa này trên Vĩnh Sơn mà bài thơ sau này đã xuất hiện ở nhiều ấn phẩm trong và ngoài tỉnh. Trong đó đáng kể nhất là ở tập thơ Người áo vải do NXB Văn hóa Dân tộc xuất bản năm 2000.  
      Cũng theo lời của nhà báo Huỳnh Hiến, bài thơ Mùa này trên Vĩnh Sơn ban đầu chỉ có bảy khổ với mỗi khổ có bốn câu. Nhưng trong một lần gặp gỡ với nhạc sỹ Vũ Trung, ngay khi vừa tiếp xúc với bài thơ,  những giai điệu của một bản tình ca đã ngân nga ở nơi người nhạc sỹ tài hoa này. Với nhịp hai - bốn, Vũ Trung gần như đã phổ nhạc ngay cho bài thơ cất cánh.  Và để cho ca khúc được hoàn chỉnh, tác giả phần nhạc là Vũ Trung đã đề nghị với tác giả phần lời là Huỳnh Hiến sáng tác thêm cho sáu khổ thơ nữa để bài hát có đủ cả lời một lẫn lời hai.  Rồi cứ như thế, Vũ Trung đã đưa nguyên toàn bộ  phần lời của bài thơ vào trong ca khúc của mình, không hề thêm bớt một lời nào, để từ đó, quê hương Bình Định có được một bài hát hay và nhanh chóng đi vào các chương trình ca nhạc trên sân khấu, trên làn sóng phát thanh, truyền hình cũng như trong các hội diễn văn nghệ. Năm 1985, Mùa này trên Vĩnh Sơn đạt giải nhất cuộc thi sáng tác ca khúc về công trình Thủy điện Vĩnh Sơn do Sở văn hóa Thông tin Nghĩa Bình tổ chức.  Cũng trong năm 1985, bài hát cũng đã được in trong tập ca khúc Bài ca Vĩnh Sơn do Nhà Văn hóa Trung tâm Nghĩa Bình và Ban Quản lí Công trình Thủy điện Vĩnh Sơn xuất bản..
      Mới đây, trong những ngày đầu năm 2010 này, nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh đã chi tiền tác quyền cho các tác giả để một lần nữa dàn dựng và đưa ca khúc Mùa này trên Vĩnh Sơn đi tham gia hội diễn văn nghệ của ngành điện lực. Điều đó thêm một lần nữa khẳng định sự thành công cũng như sức sống mãnh liệt của bài thơ và bài hát Mùa này trên Vĩnh Sơn sau hơn một phần tư thế kỉ đã đi qua.   

     MÙA NÀY TRÊN VĨNH SƠN
              I
Xa em anh thấy nhớ
Một ngày ta bên nhau
Một ngày nghe biển hát
Gió ngọt ngào qua mau
Mùa này trên Vĩnh Sơn
Hoa vàng nở sáng rừng
Nắng như sương ướt lá
Thác đổ rền vang xa

Mùa này trên Vĩnh Sơn
Mưa tràn trắng mặt đường
Sáng như gương lấp lánh
Mát dịu trời quê hương

Tiếng chim reo ríu rít
Hương rừng treo trên cây
Mở đường lên chót vót
Ngang tầm tay mây bay

Em ơi em có nhớ
Lên cùng anh Vĩnh Sơn
Xem dòng Lơ Pin đổ
Hiểu lòng  hồ Đak Phan

Em ơi em có nhớ
Lên cùng ta anh xây
Một công trình rạng rỡ
Một mặt trời nơi đây

Thương em nhiều - chưa nói
Nhờ dòng sông Kôn xanh
Đóa lan rừng anh gửi
Tỏ lòng hoa anh thay
              II
Xa em anh thấy nhớ
Một ngày ta quen nhau
Một ngày nghe biển hát
Thúc giục lòng anh sao

Mùa này trên Vĩnh Sơn
Mưa ngàn trắng mặt đường
Sáng như gương lấp lánh
Mát cả trời quê hương

Tiếng chim reo ríu rít
Hương rừng treo trên cây
Mở đường lên chót vót
Ngang tầm tay mây bay

Em ơi em có nhớ
Lên cùng anh Vĩnh Sơn
Em là con sông nhỏ
Chảy về hồ Đak Phan

Em ơi em có nhớ
Lên cùng anh ta xây
Một con đường rộng mở
Cuộc đời đẹp nơi đây

Thương em nhiều chưa nói
Nhờ dòng sông Kôn xanh
Đóa lan rừng anh gửi
Tỏ lòng hoa thay anh.

Quy Nhơn, tháng 3 năm 2010
HTS
     Huỳnh Hiến trước mộ Hàn Mạc Tử ở Tp. Quy Nhơn, tháng 6 năm 2010


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới