20 tháng 6, 2016

Trả nợ cuộc đời



Nói là trả nợ môn học cho oai thôi chứ thực ra phải nói là thi lại mới gọi đúng tên của sự việc. Đã đi học suốt mấy năm cao đẳng và đại học, chúng ta sẽ thấy trong lớp luôn có một bộ phận không nhỏ sinh viên kì thi nào cũng thiếu điểm để buộc lòng phải thi lại.
Việc thi lại thường diễn ra vào mỗi tháng nghỉ hè.
Vì thế những ai phải thi lại thường mất hè là cái chắc. Có lẽ vì thế mà có câu hát quen thuộc: Mỗi khi đến hè lòng man mác buồn. Buồn không chỉ vì hè đến phải chia xa bạn bè, mà buồn vì hè đến phải thi lại. Hồi tôi học đại học ai cũng thuộc nằm lòng câu tự an ủi quen thuộc: Không thi lại không phải là sinh viên.
Có người kì thi nào cũng dính một vài môn thi lại, có người thậm chí dính đến ba, bốn môn. Học để thi đi đã khó, học để thi lại còn khó hơn nhiều. Vì mỗi khi lật giáo trình ra để học thi lại, thấy không có gì mới, hình như cái gì cũng biết, chỉ có điều không nhớ mà thôi. Vì thế mà học thi lại rất dễ làm cho sinh viên nản chí. Ai đó nói thi lại là một cực hình. Rất đúng. Thi lại làm ta dễ cô đơn, buồn tủi và có khi vì thi lại mà có người đâm giận hờn vu vơ một ai đó.
Không cô đơn sao được khi ngoài kia hoa phượng nở rực trời bạn bè từng đôi nắm tay nhau tung tăng bay nhảy còn mình lại ... chúi mũi vô trang giáo trình cũ rích.
Không vu vơ giận hờn sao được khi cái điện thoại bỗng dưng rung lên với lời nhắn của cô bạn xinh đẹp: Đang làm chi đó, đi trà sữa không... Hổng lẽ nhắn lại: Tui đang học thi lại. 

 Thi lại trong bao nỗi cô đơn và buồn tủi
 
Với sinh viên, thi lại là chuyện cũng bình thường, như một tai nạn nghề nghiệp trong học tập. Vấn đề là biết cách bình tĩnh tiếp nhận bảng điểm với thành tích không mấy đẹp và biết chủ động học lại, ôn thi lại để trả nợ cuộc đời, ý lộn, trả nợ môn học cho sòng phẳng.
Người Việt nam ta có câu: Cái khó ló cái khôn; hoặc câu: Trong cái may có cái rủi. Biết đâu nhờ mỗi lần thi lại khiến ta cũng lớn khôn lên ít nhiều.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới