16 tháng 6, 2016

Bảo Thu và Mạc Can

Tôi biết và chơi với anh Bảo Thu (tên thật là Nguyễn Trung Khuyến) đã hàng chục năm nay, từ hồi còn làm ở BTV Bình Định. Anh sinh năm 1944, hơn tôi đúng chục tuổi. Tôi xem anh là bậc thầy về mọi chuyện trong cuộc sống, từ văn học, nghệ thuật cho đến sản xuất các chương trình phim ảnh, cải lương…
Tính anh nghệ sĩ và hào phóng đến từng sợi tóc. Hồi Bảo Thu còn làm nhà sản xuất các chương trình cải lương, tôi từ Quy Nhơn vô mua chương trình về phát sóng, anh đưa cho tôi cả chục băng VHS với những vở cải lương cổ điển do anh sản xuất đem về phát thoải mái ở đài, nói có tiền thì trả mà không có thì coi như anh biếu đài Bình Định phát chơi.
Anh là nhà ảo thuật lừng danh ở Sài Gòn trước 30/4/75. Năm 1963, anh trúng tuyển kỳ thi bằng Giáo sư Ảo thuật của trường QTAT tại Pháp. Năm 1964, anh được Hội Ảo thuật gia Việt Nam Cộng hòa bầu làm Đại biểu chính thức của bộ môn Ảo thuật tại Việt Nam. Bảo Thu là người đầu tiên và duy nhất cho đến nay nhận được vinh dự này. Ông từng đi tu nghiệp về ảo thuật, xiếc múa rối, kịch tại Pháp, Áo, Bỉ, Hà Lan… Vì thế mà dân Sài Gòn từ nửa thế kỉ nay luôn gọi anh là GS. Bảo Thu, hoặc TS. Bảo Thu. GS. TS. thứ thiệt chứ không phải loại hàng mã nhan nhản trong xã hội ta ngày nay.  
Tuy nhiên tôi chưa được xem anh biểu diễn ảo thuật lần nào.
Bảo Thu còn nổi tiếng là nhạc sĩ chuyên sáng tác các ca khúc trữ tình mà trước đây vẫn gọi là nhạc vàng.  Hàng trăm bài nhạc vàng của anh nổi tiếng trong giới trẻ học sinh, sinh viên và thanh niên, trong đó hay nhất là bài “Cho tôi được một lần” mà ai đã mê nhạc vàng thì không thể không thích:
Cho tôi được một lần
nhìn hoa giăng đầu ngõ
Một lần cài hoa đỏ lên tim
Một lần dìu em sang nhà mới
Tình yêu trong tầm với
Ngọt tiếng nói thơm môi
Trước giải phóng NS. Bảo Thu nổi tiếng đến mức được gọi là vua nhạc vàng.
Tôi đã nghe anh hát nhiều lần tại nhà hàng anh mở trên Phú Nhuận. Mỗi bài hát của anh đều có bóng hình của một người con gái mà anh yêu (còn người ta có yêu anh hay không thì anh cũng không biết); ngay bút danh Bảo Thu cũng là từ tên của hai người con gái mà anh yêu thương nhất (trong đó có một cô học trò kém anh nhiều tuổi) ghép lại mà thành.
GS. Bảo Thu là một tay nhà giàu có hạng ở đất Sài Gòn nhưng tiếp xúc với anh không ai nghĩ anh là người có tiền. Cái xe máy cà tàng, bộ quần áo giản đơn không hàng hiệu là những thứ gắn bó với anh đã hơn nửa thế kỉ nay. Gần 75 tuổi nhưng nhìn anh hoạt bát, nhanh nhẹn và khỏe mạnh như mới khoảng 50 tuổi là cùng. Thật đáng kính nể.  
Sáng nay tại nhà hàng Con cò trên Trần Bình Trọng quận 5, Bảo Thu mời TSKH Nguyễn Văn Khánh với tư cách là NSUT, nguyên Phó Cục trưởng Cục NTBD Bộ VHTT và DL và tôi với tư cách là nhà báo từng nhiều năm biên tập và sản xuất các chương trình TV đến dự chương trình biểu diễn các tiết mục xiếc và ảo thuật đặc đặc sắc và trao bằng danh dự cho các nghệ sĩ. Có khoảng 50 nghệ sĩ ảo thuật tiêu biểu đủ các lứa tuổi từ 18 cho đến 75, trong đó có nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ xiếc, diễn viên điện ảnh Mạc Can, tác giả của tiểu thuyết “Tấm ván phóng dao” và chục đầu tiểu thuyết, truyện ngắn nổi tiếng khác. Ông là người mà tôi đã gặp nhiều lần và thấy vô cùng kính trọng và yêu mến.  
Găp anh Khánh và tôi, Bảo Thu bắt tay thật chặt và gắn lên ngực áo chúng tôi tấm huy hiệu danh dự của Hội ảo thuật gia Sài Gòn.

Tôi với anh Khánh và nhà văn Mạc Can được GS. Bảo Thu sắp xếp ngồi bàn đầu sát sân khấu và vinh hạnh được BTC mời lên trao bằng danh dự cho các nghệ sĩ. Lần đầu tiên tôi được tiếp xúc và xem những màn biểu diễn xiếc, ảo thuật gần và mê li, rùng rợn, phong phú như vậy. Có một cô gái 18 tuổi đứng biểu diễn cách tôi có 1m nuốt luôn cả thanh kiếm và lưỡi cưa bằng thép dài nửa mét vào bụng mới ghê.

Với tác giả Tấm ván phóng dao, nhà văn trẻ Mạc Can. Ông luôn ôm cái cặp đen không còn dây kéo để khóa. Tôi hỏi có gì trong đó chú. Ông cười nói chỉ có thuốc lá, cái điện thoại và bản thảo một cuốn sách đang viết. Mạc Can cùng tuổi với Bảo Thu nhưng cuộc đời nghệ sĩ gian truân khiến ông có vẻ ngoài già hơn Bảo Thu đến 20 tuổi. Lần đầu tiên gặp ông tôi đã nghĩ chắc ông phải đến 90 tuổi là ít. Vậy mà ông chmới có 75 tuổi. Tội ông già thế.


Các phóng viên báo đài đến quay phim chụp hình khá đông, Mạc Can cũng tác nghiệp rất sành điệu bằng một cái điện thoại thông minh có màn hình rất lớn


TSKH. Nguyễn Văn Khánh (áo trắng)


Anh Khánh (thứ 3 phải sang) và anh Bảo Thu (thứ 6 phải sang) lên trao bằng danh dự cho các nghệ sĩ ảo thuật lớn tuổi. Tôi được mời trao cho mấy em 18 tuổi.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới