4 tháng 2, 2016

Bưởi đỏ Luận Văn đã đến Tết Sài Gòn

Chiều nay là buổi làm việc cuối cùng. Thay vì 16h30 thì mới 15h đã có người sốt ruột vì Tết quá cận kề chịu không nổi nên đứng dậy lác đác ra về với cái bắt tay khẽ khàng và lời chúc nho nhỏ: Thầy ăn Tết vui vẻ nhé, em chuồn trước đây.  OK, cậu cũng thế nhé và tớ cũng chuồn theo chân cậu đây. Rồi tôi lén lấy cái cặp chưa kịp xách ra cửa thì tất cả các phòng ban khoảng bốn chục con người còn lại cùng nhất loạt tắt máy đứng dậy ra về. Tốc độ có khi còn nhanh hơn cả tổng khởi nghĩa tháng Tám. Phút chốc tôi lại là người ra khỏi phòng cuối cùng. Bọn trẻ hoạt bát hơn tôi tưởng. Những căn phòng cửa kính sáng choang giờ trống rỗng người, chỉ còn lại bàn và ghế.
Bổng tôi thấy xúc động. Phải 8 ngày sau nữa tôi mới quay lại căn phòng quen thuộc với cái bàn cái ghế này. Tôi lấy máy ra bấm vội một kiểu. Ngoài cửa chú bảo vệ chờ tôi ra khỏi phòng để tắt điện và dán niêm phong cửa phòng.

                    15 giờ, phút chốc cả dãy phòng ban trống rỗng không một bóng người

                 Chú bảo vệ đứng ngoài hành lang chờ tôi ra để dán niêm phong

Tôi thong thả chạy xe trên con đường Lê Trọng Tấn quen thuộc. Người xe vẫn tấp nập. Cảnh mua bán, hàng hóa phục vụ Tết, nhất là trái cây phủ kín vỉa hè, tràn cả xuống mặt đường.
Ở nhà có một niềm vui đang chờ tôi.
Bạn chiến đấu Lê Quang Phương đã kì công gửi từ Thọ Xuân, Thanh Hóa vô cho tôi cặp bưởi đỏ Luận Văn. Lần đầu tiên tôi thấy quả bưởi quý này. Một món quà Tết nhiều ý nghĩa.
Trở về xa xưa của lịch sử, ở khu di tích Lam Kinh nơi khởi nghĩa của vua tôi Lê Lợi có một làng chuyên trồng giống bưởi ngon. Bưởi đỏ từ vỏ đỏ đến cả cùi và múi lại tỏa hương thơm đặc biệt. Thời phong kiến nhà Nguyễn giống bưởi này là đặc sản để đám quan lại Thanh Hóa mang vô Huế dâng lên vua. Bưởi ngon và hiếm nên vua cũng không nỡ ăn một mình mà mời đám quan cận thần, nhất là đám quan văn đến cùng thưởng thức, vừa ăn bưởi vừa bình luận văn chương. Vì thế mà bưởi có tên gọi là luận văn. Thấy giống bưởi ngon, vua đặt tên cho ngôi làng trồng ra nó là làng Luận Văn và giao cho làng nhiệm vụ vun trồng gìn giữ giống bưởi này cho đất nước mà trước hết là cho nhà vua.  
Tuy nhiên đến thời xhcn thì vì cơm ăn chưa đủ no áo cũng chưa đủ mặc nên việc gìn giữ bưởi Luận Văn bị xem nhẹ và suýt nữa thì bị mất luôn cả giống. May mà sau đó đi theo nền kinh tế thị trường của đám quân tư bản nên dân tình lai đủ ăn đủ mặc và thế là họ lại có thời gian quay lại gìn giữ và phát triển giống bưởi qúy của làng. Nay thì bưởi đỏ Luận Văn đang ngày càng có nhiều ở Lam Kinh, Thọ Xuân do có những trang trại chuyên canh nó. Hàng năm khi Tết đến, bưởi Luận Văn được dân sành ăn chơi Hà Nội và nhiều tỉnh thành săn lùng như một đặc sản quý hiếm. Nhiều nhà mua để chưng lên bàn thờ tổ tiên ông bà ngày Tết.
Lê Quang Phương, ông bạn khoa Sinh VU, cùng đi lính C20 với tôi quê ở Thọ Xuân trong nhà không có cây bưởi nào nhưng cũng đã cho tôi một cặp bưởi đỏ Luận Văn gửi từ Thọ Xuân vô. Bưởi đỏ Luận Văn đã quý nay càng thêm quý. Tôi đặt bưởi lên ban thờ ba tôi rồi thắp nén hương thơm bẩm báo cho ba tôi biết về giống bưởi Luận Văn và tình bạn bè của Phương đối với tôi chiều cuối năm.

Cặp bưởi Luận Văn sẽ được chưng trên ban thờ ba tôi cho đến qua Tết. Khi đó nhà tôi mới thưởng thức giống bưởi tiến vua này. 

                                  Bưởi Luận Văn ở phòng khách
           

                         

              Tôi kính cẩn thắp hương bẩm báo với ba tôi về phẩm vật quý 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới