31 tháng 5, 2014

Nhà Bè nước chảy chia hai...



Từ cửa biển Cần Giờ đi vào theo sông Nhà Bè ta sẽ gặp hình ảnh dòng sông rộng chẻ làm hai nhánh tạo nên một ngã ba sông mênh mông gọi là ngã ba Nhà Bè. Chính lúc ấy, không ai không nhớ đến câu ca dao quen thuộc có từ thời xa xưa của người Nam Bộ:
Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định – Đồng Nai thì về
Câu ca nhắc ta nhớ về cuộc di dân vĩ đại đưa đồng bào Việt ta từ miền Bắc vào Nam Bộ khẩn hoang lập ấp mở mang bờ cõi theo đường biển. Khi vào đến cái ngã ba sông ấy, ai muốn về Đồng Nai thì rẽ sang bên phải, ai muốn về Gia Định thì rẽ bên trái. Bên phải là sông Đồng Nai, bên trái là sông Sài Gòn.
Còn vì sao lại có địa danh Nhà Bè thì chuyện đơn giản hơn nhiều.
Vào cái thời mở cõi ấy vùng này có ông đại cự phú giàu muôn vạn tên là Thủ Huồng. Khi người vợ chẳng may mất sớm, Thủ Huồng muốn được ăn hiền ở lành, tu nhân tích đức bèn làm một cái bè to đặt ngay ngã ba sông. Trên bè ông cho dựng một cái nhà bên trong chất đầy gạo, củi, mắm muối, nước ngọt… để cho tàu thuyền của bất cứ ai khi qua lại vùng cửa biển hoang sơ rậm rạp này cần thứ gì thì cứ lấy mà dùng, thứ nào hết ông cho người tiếp tế thêm.
Nơi có cái nhà trên bè ấy, đã trở thành địa danh Nhà Bè, huyện Nhà Bè (của Tp. HCM) giản dị cho đến ngày nay.
Sáng nay, tôi đã chạy xe máy hơn tiếng đồng hồ về Nhà Bè dù chưa đến tận chỗ có cái ngã ba sông lịch sử và nên thơ ấy mà chỉ mới đến xã Phước Kiển. Cất công chạy đến đó chỉ để gặp ông anh Huỳnh Hiến mới từ Bình Định vào thăm thằng con trai tên thường gọi là cu Thông vừa mua một căn hộ đẹp lộng lẫy ở khu chung cư Hoàng Anh Gia Lai Nhà Bè.
Từ Sài Gòn băng qua cầu Khánh Hội, đi hết quận 4 sẽ gặp quận 7 rồi chạy dọc đại lộ Nguyễn Văn Linh. Qua khỏi khu Phú Mỹ Hưng, gặp ngã tư với đường Lê Văn Lương, quẹo trái thêm vài cây số là tới Phước Kiển với khoảng chục tòa chung cư Hoàng Anh Gia Lai cao cỡ 3 chục tầng nổi bật giữa trời xanh.
Thiệt là đáng nể cho tay đại gia Đoàn Nguyên Đức ông chủ của Hoàng Anh Gia Lai. Nơi đâu trên Việt Nam này (tính từ Đà Nẵng trở vào) cũng có những tòa nhà chọc trời với dòng chữ Hoàng Anh Gia Lai ngạo nghễ.
Sự giàu có của tay bầu Đức này nếu ông đại cự phú giàu muôn vạn Thủ Huồng xưa có sống lại cũng phải ngả nón mà gọi bằng cụ. Nhưng nếu xét về lòng nhân đức thì ngược lại, bầu Đức phải gọi Thủ Huồng bằng cụ.
Giữa một vùng đầm lầy dừa nước rậm rạp với kênh rạch chằng chịt, đã nổi lên những khu chung cư cao chọc trời hiện đại, sang trọng đang là niềm mơ ước của nhiều người, nhất là dân tỉnh nhập cư vào Sài Gòn.
Đã lâu không gặp anh Huỳnh Hiến kể từ hồi tôi về Bình Định dự hội trường 35 năm Đại học Quy Nhơn, nay thấy anh vẫn khỏe khoắn đẹp lão ngời ngời.  Hai anh em tôi ngồi nguyên buổi càfe để nói với nhau đủ chuyện trên trời dưới biển, trong đó có cả những chuyện chỉ có thể đưa ra tại các cuộc họp của bộ chính trị. 
Đây không phải là lần đầu tiên tôi về Phước Kiển Nhà Bè. Căn biệt thự của ông thầy cũ của tôi thời đại học, GS Lê Hoài Nam (người từng làm hiệu trưởng hai trường là Đại học Vinh khi tôi còn là SV và Đại học Quy Nhơn khi tôi là giảng viên) cũng ở xã này. Năm nào dịp áp Tết nguyên đán, thầy cũng gọi tôi xuống nhà ăn đám giỗ. Có lần khi tôi hỏi về nghĩa của địa danh Phước Kiển, thầy giải thích đúng ra nó có thể phải là Kiểng (có G ở cuối). Bởi đây là vùng chuyên trồng cây kiểng để đem về Sài Gòn bán. Nhưng do cách phát âm địa phương Nam Bộ nên Kiểng đã thành ra là Kiển. 

 Nghe tên xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè thì có vẻ hoang vu xa ngái nhưng lại có những đường phố rộng rãi khang trang như thế này đây.



                        Với những tòa chung cư ngạo nghễ của Hoàng Anh Gia Lai


            Ông anh Huỳnh Hiến nay đã "79 tuổi xuân trong sáng" xuống dưới đường đón tôi


 Sau khi thăm căn hộ mới tinh rộng 125m2 với 1 phòng khách, 3 phòng ngủ, 2WC trên lầu 5 của cu Thông, anh Huỳnh Hiến và tôi xuống cafe tầng trệt ngồi tào lao thiên đế.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới