11 tháng 12, 2012

Niềm ân hận

                                                                                              Chử Anh Đào                                                           
Cuối thu vừa qua, tôi về quê bốc mộ (sang cát) cho bố. Người bạn thân vong niên của tôi , trước những ngày tôi sắp lên đường cứ thắc thỏm hỏi bao giờ về? Mấy ngày nữa về? Lão này tên Bần. Chỉ kém bố tôi một giáp, nhưng vì chơi với con thì phải gọi, xưng hô theo con. Và quan trọng, tôi đọc thấy trong thâm tâm lão lòng thành kính thực sự, không đãi bôi, không giả vờ, không vụ lợi như trong nhiều trường hợp “kết nghĩa” cha -con, anh-em mà dân miền Bắc thường làm.
 Gửi cái cuốc ở phòng bảo vệ, hạ hai ống quần xăn tới đầu gối xuống, lão Bần lệch vai xách một bao xác rắn năm kí lên tầng ba- phòng tôi làm việc. Lão nói trong hổn hển hơi thở:
 - Đây là mấy kí nghệ đen nhà trồng được. Người già dùng tốt lắm đấy.
          Tôi khẽ mỉn cười. Biết tỏng những thang thuốc chữa bá bệnh nhà nghèo xưa nay của lão: diếp cá, đinh lăng và nghệ đen.
          Rồi lão ngập ngừng lôi trong túi ngực ra cái phong bì dính đầy đất đỏ, rụt rè:
 - Có mấy đồng gửi mẹ ăn trầu.
         Ngoài phong bì đề: “Con: Hắc Ngụy Bần. Kính gửi Mẹ”
        Tôi nghĩ: Lão này đào đâu ra tiền? Mỗi lần tết đến, mừng tuổi con người ta mà còn khất nợ nữa là…Tôi đón lấy bằng cả hai tay, lòng cảm kích và suýt ứa nước mắt (Tôi hay chảy nước mắt trước lòng tốt của người khác).
          Khỏi phải nói mẹ tôi mừng rỡ như thế nào. Mắt Người đã mờ (tám mươi lăm tuổi còn gì). Mẹ rờ rẫm khắp mặt tôi như hồi còn bé và chợt chun mũi khi vấp phải cái mùi hăng hắc của tăc xi máy lạnh. Bà hỏi thăm bên ngoại, con cháu và những bạn thân của tôi mà bà còn nhớ trong đợt vào Gia Lai mấy năm về trước. Lão Bần là người đầu tiên:
 - Bác Bần dạo này vẫn khỏe chứ?
   Rồi bà thẽ thọt:
 - Người đâu mà tốt từ cái ăn, nết ở tới dáng đi, lời nói…Còn nhớ cái đận mẹ vào, mưa to gió lớn là thế, mới tinh mơ bảnh mắt là thế mà nhà bác ấy mang tới nào là trầu cau, là vôi, là thuốc; lại còn bánh cuốn Bắc nghe nói bán mãi tại Biển Hồ mười cây số…
          Tôi giật bắn người! Những món quà lão Bần gửi mẹ, tôi đã không mang ra theo. Mấy kí nghệ đen, đi máy bay cồng kềnh đã đành. Cái phong bì tôi nhét trong cái áo thể thao, hôm chia tay, say bí tỉ quên trời đất giờ đã không biết trôi dạt tới đầu đường xó chợ nào. Tôi đáp vội:
 - Dạ! Khỏe mẹ ạ. Bác ấy giờ thành “di sản văn hóa” rồi. Tự nói sẽ sống đến trăm tuổi. Mà ông Giời làm sao ấy, cứ gọi toàn người trẻ đi trước, còn lão Bần vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” đấy ạ.
 - Cha bố anh! Chỉ phải cái bạc mồm bạc miệng.
 - Con nói thật mà. À, bác Bần gửi mẹ mấy đồng ăn trầu - Tôi nói và lấy từ trong ví của mình ra tờ hai trăm. Trong bụng thầm một ý nghĩ rất con buôn và nhỏ nhen: Thế là lão Bần thơm lây bởi phong bì của lão có một trăm là cùng chứ mấy!
   Xong việc, tôi vào lại Gia Lai. Lão Bần đang nằm trên giường bệnh. Số là lão có mảnh vườn chó ỉa ở tận phía tây nghĩa trang cũ của thành phố . Cũng một nắng hai sương, cũng bán mặt cho đất bán lưng cho giời, cũng cuốc bẫm cày sâu nhưng quanh năm quần quật chưa hề thu hoạch được sản phẩm gì vì cái tội “đánh cây sống trồng cây chết”. Cứ nghe người ta nói trồng ca ri 100 nghìn đồng một kí. Lão trồng. hơn hai năm sau thu hoạch, giá ca ri còn 6 nghìn đồng. Lại nghe nói nghệ đen 120 nghìn đồng. Lúc lão thu hoạch “cuốc thuổng gậy gộc, xay giã dần sàng” toát mồ hôi xong gạ bán mười nghìn đồng một kí còn bị người ta mắng (!) Đại khái công việc làm vườn của lão là thế. Nhưng được cái là nó như một hình thức thể dục; lại đỡ tụ bạ rượu chè hay viết đơn kiện cáo…Hôm đó leo không cao để làm giàn trồng dưa Mê hi cô gì đấy thì bị ngã đau, không gượng dậy được. Đang chữa bằng thuốc gia truyền: lá Đại tướng quân. Lão rên hừ hừ:
 - Vào hồi nào? Mẹ…khỏe…khô…ng?
 - Khỏe. Cụ nói quyết tâm sống tới một trăm hai mươi tuổi- Và thật trơ trẽn- tôi tiếp: quà của anh, em đưa rồi. Cụ rất mừng, cảm ơn rối rit.
   Rồi lấy chỗ thân thiết, tôi tò mò hỏi:
 - Hôm nọ, anh gửi cụ bao nhiêu?
 - Một trăm đô.
 - Một trăm đô! Anh lấy đâu ra?
 - Một người bạn bên Mĩ gửi về.         
 Một trăm đô! Đấy đúng là cả gia tài của lão Bần nghèo khó. Nhưng nếu trong cái phong bì ấy chỉ có một đô thôi thì lỗi của tôi cũng đã là nặng lắm rồi. Nghiệt nỗi, lỗi này không có cơ hội để sửa chữa (như lời tự hứa của tôi với người bõ già nghèo khổ mà nhân hậu ở nhà thờ Tân Sơn hơn ba chục năm về trước) nên nó biến thành niềm ân hận mà tôi hẳn phải nhọc nhằn mang theo nó suốt đời./.                                                                            
                                                                                     C.A.Đ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới