20 tháng 12, 2012

Bạn bè ở Qui Nhơn 2


Rời Khánh Mỹ café, Ts. Nguyễn Quang Cương có một nhã ý mà tôi rất ưng cái bụng là lái chiếc H.Civic chở tôi lướt một vòng Tp rồi chạy suốt con đường Nguyễn Tất Thành. Đại lộ này càng như trải rộng  thêm bởi đường thì rộng mà người xe đi lại rất thưa thớt. Nhớ đến những con đường kín mít người đi ở Sài Gòn tôi có cảm giác như người ta ở Qui Nhơn đang đi đâu hết rồi ấy nhỉ. Chưa đến Tết nhưng con đường có vị trị như một cái đinh của Tp Qui Nhơn được trang trí lưới đèn màu chớp nháy dày đặc. Buổi tối mà đi qua đây chắc lộng lẫy không khác gì quảng trường trước dinh Độc lập.  
Sau đó thì Cương chở thẳng tôi vào Trường QNU, nơi tôi đã có gần 10 năm sống tuổi thanh niên với rất nhiều cái đầu tiên của cuộc đời từ 1979 đến 1988:
1/ Lần đầu tiên trong đời được có người gọi mình bằng thầy.
2/ Lần đầu tiên lên lớp giảng bài với tư cách một cán bộ giảng dạy. Đó là vào năm 1980 khi tôi cắp cặp theo sư phụ là GS. Lương Duy Thứ từ ĐHSP 1 Hà Nội vào đang thỉnh giảng VHTQ cho khóa 1. Khi đó thầy đang giảng chương Sử kí của Tư Mã Thiên, đến bài phân tích tác phẩm Liêm Pha – Lạn Tương Như liệt truyện thầy đã giao cho tôi lên lớp. Đứng trước những sv khóa 1 mà tôi chỉ hơn họ có vài ba  tuổi thậm chí có những người là cán bộ, giáo viên cấp 2 đi học hơn tuổi khá nhiều, tôi run và hồi hộp lắm. May thay đó là một tác phẩm mà tôi rất thích thú và đã nghiên cứu kĩ nên 60 phút thuyết trình trôi qua trót lọt. Kết thúc thầy Lương Duy Thứ đã nhận xét trước 2 lớp Sv khóa 1 bằng một câu mà đến giờ mỗi khi nhớ lại tôi vẫn thấy sướng âm ỉ trong người: "Nếu tôi là chủ tịch Mao Trạch Đông thì thầy HTS là phó chủ tịch Lâm Bưu, tức là người sẽ kế nhiệm Mao Trạch Đông làm chủ tịch TQ".
Nay thì cả Mao Trạch Đông và Lâm Bưu đều đã thành người thiên cổ, còn Gs. Lương Duy Thứ và đứa đệ tử ngày ấy thì vẫn ung dung sống ở Sg.  Chuyện đời đúng là chẳng biết đâu mà lần.
3/ Và… những mối tình thoáng qua với một vài cô gái vừa là bạn vừa hơn bạn một chút bởi hồi đó mới ra trường tôi vẫn chưa có người yêu.
4/ Là nơi diễn ra đám cưới thời bao cấp đơn giản với sự ra đời của cô con gái đầu lòng nay cũng đang theo nghiệp cha làm GV đại học.
5/ V.v..và v.v.
Trường QNU nay quả là bề thế so với hồi tôi còn giảng dạy. Chính giữa là một tòa cao ốc 15 tầng sơn trắng toát như một điểm nhấn; một tấm băng đỏ chào mừng 35 năm thành lập vừa được treo lên trong buổi sáng tôi đặt chân đến. Ts. Cương mở ipad ra chụp ngay cho tôi một kiểu hình với phông là tòa nhà cao tầng hiếm hoi đầy hãnh diện ấy.  Rồi tôi cũng kịp thời đưa nó lên blog để khoe với mọi người là tôi đã về đây với Qui Nhơn, với ĐHQN.
Vì tấm hình nhanh nhảu này mà Trần Xuân Toàn phó trưởng khoa Ngữ văn, một học trò, một người bạn cũng rất thân thiết với tôi đã comment ngay phía dưới: "Ngay cả người ở tại chỗ cũng chưa kịp chụp tấm hình với tòa nhà và tấm băng khẩu hiệu này, vậy mà thầy mới về đã có hình đưa lên mạng".  Sướng thế.
Tôi lên thăm văn phòng khoa văn của tôi. Có đủ mặt trưởng khoa Nguyễn Văn Đấu, phó khoa Nguyễn Quốc Khánh và nhiều đồng nghiệp khác. Mọi người đang tất bật cho lễ kỉ niệm nhưng vẫn kịp tay bắt mặt mừng, vẫn kịp khoe với nhau những tạp chí, những đặc san vừa in xong làm quà tặng cho lễ kỉ niệm.
Rồi tôi đi thang máy lên lầu 13 của tòa nhà 15 tầng. Vào đây gặp thêm một học trò cũ là Mai Xuân Miên (Sv khóa 2) giờ là Ts. Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp đang chỉ huy một số nhân viên nữ với đống quà tặng xếp kín cả một căn phòng lớn. Miên vốn đã gầy nay càng gầy rộc hẳn đi vì lễ hội 35 năm này. 
(còn tiếp) 

Với SV khóa 9. Hàng đầu thứ tư từ phải sang là GS. Lê Hoài Nam 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới