(Viết nhân kỉ niệm 40 năm
ngày thành lập Trường ĐHSP Vinh, 1959 – 1999)
Vậy là gần 30 năm đã trôi qua, kể từ đầu những năm 70 đầy khói lửa chiến
tranh ấy. Đó là những năm mà các thế hệ sinh viên các khóa 9, 10, 11, 12, 13
của Trường ĐHSP Vinh đã cùng với các thầy cô của mình cõng cả trường đại học đi
sơ tán hết Thạch Thành (Thanh Hóa) lại quay về Quỳnh Lưu, Yên Thành của Nghệ
An.
Trong những năm tháng gian khổ ấy, lớp lớp sinh viên của trường Vinh theo
tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc đã gác bút lên đường đi chiến đấu, góp phần
cùng cả nước giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Và đó chính là một trong những
trang sử vàng chói lọi nhất của lịch sử 40 năm thành lập Trường ĐHSP Vinh.
Tôi còn nhớ như in cái buổi chiều hoàng hôn của ngày 10/9/1972 ấy khi tôi
cùng 200 bạn sinh viên của trường đồng loạt nhập ngũ, mặc áo lính và cầm súng
lên đường đi đánh Mỹ. Chúng tôi đứng xếp hàng ngay ngắn trên một bãi đất trống
dưới chân đồi của làng Lăng Thành. Thầy Hiệu trưởng – GS Nguyễn Thúc Hào cùng
thầy Hiệu phó, Bí thư Đảng ủy Nhà trường Lê Hoài Nam đi bắt tay khắp lượt những
học trò của mình giờ đã là tân binh mang quân hàm binh nhì. Cả hai thầy đều có
dáng hình thấp nhỏ, bước đi chậm rãi, nét mặt không dấu được vẻ xúc động, đi từ
biệt những đứa con yêu của mình.
Khi ấy tôi đang bắt đầu bước vào năm học thứ hai và vẫn đang ở tuổi 18,
đứng ở đầu hàng quân của các bạn cùng khóa 12 khoa Văn, thầy Nguyễn Thúc Hào đã
nắm chặt tay tôi và nói đủ cho tôi và các bạn đứng gần cùng nghe: “Các con đi
đánh giặc cho nhanh rồi lại về với thầy nhé”. Chỉ có thế và không có gì khác
hơn. Một buổi tiến đưa sinh viên nhập ngũ không có diễn văn, không ồn ào hô
khẩu hiệu mà đầy lòng yêu nước và thấm đẫm tình thầy trò.
Rồi một vị sĩ quan nhận quân cấp tiểu đoàn dõng dạc hô to: “Nghiêm! Bên
phải quay! Đi thường, bước!” và chúng tôi đi về phía Truông Sượng – miền Tây
huyện Nghĩa Đàn để nhập vào đoàn quân của Trung đoàn huấn luyện 22A. Chúng tôi
sẽ được huấn luyện tân binh ở đây 3 tháng trước khi được tung vào các chiến
trường ở miền Nam. Không ai bảo ai, chân vẫn hăng hái bước đi về phía trước
nhưng tất cả chúng tôi đều ngoảnh lại phía Yên Thành, nới các thầy Nguyễn Thúc
Hào, Lê Hoài Nam cũng tất cả các thầy, các bạn ở các khoa đang vẫy tay trong
bóng đêm chào tiễn biệt chúng tôi và mong có ngày trở lại.
Đợt ấy riêng lớp 12A khoa Văn của tôi có 70 sinh viên thì chỉ có 1/3 trong
số đó là sinh viên nam (hiếm như mì chính cánh), vậy mà 2/3 trong số 1/3 ít ỏi
ấy đã lên đường nhập ngũ. Một sự ra đi nhẹ như lông hồng.
Sau thời gian huấn luyện dài ngày ở miền Bắc, chúng tôi được tung vào miền
Nam mà ngày ấy gọi là đi B. Đa số đi B dài (từ B3 trở vào) số còn lại đi B
ngắn, đi sang cả nước bạn Lào. Chỉ tính riêng đai đội trinh sát C20 của Sư đoàn
bộ binh 341 Quân đoàn 4 của tôi đã có đến 66 sinh viên của trường Vinh cùng
nhập ngũ vào cái ngày 10/9/1972 ấy.
Bài viết đã đăng ở đây
Và tất cả chúng tôi đã cùng vào đến chiến trường Miền Đông Nam Bộ, đến tận
thượng nguồn sông Đồng Nai, đánh nhau với địch khắp các tỉnh từ Bình Phước,
Long Khánh đến Đồng Nai. Đặc biệt chúng tôi đã tham gia đánh trận Xuân Lộc,
Trảng Bom trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ngày 30 tháng 4 năm 1975, chúng
tôi – những người con của trường Vinh đã thay mặt cho hàng chục ngàn sinh viên
của Nhà trường vinh dự có mặt trong đoàn quân tiến vào giải phóng đô thành Sài
Gòn và sau đó làm nhiệm vụ quân quản thành phố.
Trong niềm vui Đại thắng, chúng tôi đã không thể nào quên được những đồng
đội của mình và cũng là những sinh của trường Vinh đã ngã xuống trước ngày
chiến tranh kết thúc. Đó là Ngân khóa 11 khoa Sinh, là Trúc, là Đỗ Xuân Ngôn
khoa Văn, là Tiến khoa Hóa... – những đồng đội cùng C20 F341 với tôi. Và bao
nhiêu bạn nữa ở các đơn vị khác đã vĩnh viễn nằm lại trên chiến trường miền Nam
mà tôi không thể biết hết.
Rồi ngày trở lại Trường Đại học Sư Phạm Vinh theo lời hẹn của thầy Hiệu
trưởng Nguyễn Thúc hào năm nao đã đến. Sau thời gian làm công tác quân quả ở TP
Hồ Chí Minh, tháng 12 năm 1975, tôi và các bạn được ra quân trở về trường cũ.
Nhớ ngày ra đi từ chỗ sinh viên mặc áo lính thì bấy giờ, chúng tôi trở thành
những cựu binh mặc áo sinh viên. Trên giảng đường của các khóa 14, 15, 16, 17,
18 nhìn vào lớp học nào cũng dễ dàng tìm thấy những sinh viên đã qua tuổi thanh
niên, nước da tái xanh vì sốt rét trong trang phục là những chiếc áo lính đã
bạc màu. Và chúng tôi xem đó là một trong những niềm tự hào của Nhà trường,
cũng là niềm tự hào của mỗi chúng tôi.
Lúc ngồi viết những dòng nay cũng là lúc nhận được hai giấy mời của khoa
Văn mời về dự Hội nghị Khoa học nhân 40 năm thành lập Khoa Văn và dự Lễ kỉ niệm
40 năm thành lập Trường, thành lập Khoa. Rất tiếc vì công việc nên không thể về
được trong ngày Hội lớn của Trường, của Khoa Văn. Tôi viết những dòng này để
bộc bạch nỗi lòng của một người con của trường Vinh đang sinh sông và làm việc
ở cách trường cả nghìn cây số.
Số phận của chúng tôi – những người lính trí thức từng đi qua chiến tranh,
đi qua những năm tháng mài mòn đũng quần trên ghế giảng đường ĐHSP Vinh, sau
hơn 20 năm tốt nghiệp ra trường, nhiều người đã thành đạt, có chức, có quyền,
có tiền nhưng vẫn không ít người đang lận đận, long đong với đời để kiếm sống.
Nhưng dù khác khác nhau về hoàn cảnh sống, tất cả chúng tôi vẫn giống nhau ở
một điểm là luôn vật vã suy tư với đời, là không bao giờ lấy làm vừa lòng với
thực tại, mà chỉ mong cuộc sống và xã hội ngày một tốt đẹp hơn. Và mình vẫn
ngẩng cao đầu đi giữa đường đời như ngày nào đã “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu
nước”.
9/1999
HTS
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bạn có nhận xét mới