9 tháng 8, 2017

Bí ẩn tên đường Sài Gòn

Nguyễn Văn Tráng nơi có trụ sở trường tôi có lẽ là con đường thuộc loại ngắn nhất ở Sài Gòn. Một đầu nối với đường Lê Lai phía công viên 23/9, đầu kia gắn với đường Lê Thị Riêng. Con đường chỉ dài khoảng hơn 200m là cùng, trong khi mặt tiền tòa nhà của trường tôi đã chiếm mất khoảng 50m. 150m còn lại cho khoảng vài chục quán café, khách sạn, quán ăn, cửa hàng tạp hóa...
Từ khi đến làm việc ở HSU tôi mới chú ý tìm hiểu xem nhân vật được đặt tên cho con đường này là ai. Thì ra tên đúng của ông phải là Phạm Văn Tráng. Từ Phạm sang Nguyễn là cả một sai lầm lịch sử từ chế độ VNCH đến VNCS.
Nguyễn Văn Tráng người Hà Nội, sinh năm 1885 (?) là một công nhân lái xe yêu nước, gia nhập Việt Nam Quang Phục hội của cụ Phan Bội Châu. Năm 1913, Hội này chủ trương tiêu diệt một số quan chức thực dân Pháp (trong đó có toàn quyền Đông Dương Albert Sarrault) và Việt gian phản quốc nhằm “kêu gọi hồn nước, đánh thức đồng bào”. Phạm Văn Tráng được phân công thi hành bản án tử hình đối với tuần phủ tỉnh Thái Bình Nguyễn Duy Hàn, một kẻ tay chân đắc lực của thực dân. Ông hoàn thành nhiệm vụ một cách an toàn. Tuy nhiên, khi bị Pháp truy đuổi, trên đường chạy trốn sang Trung Quốc, ông bị bắt ở Lạng Sơn và sau đó bị thực dân Pháp xử tử tại nhà lao Hỏa Lò, Hà Nội. Khi đó ông 28 tuổi.
Đường Nguyễn Văn Tráng thời Pháp (1920) được đặt tên là đường Ypres (tên một thành phố ở Bỉ bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh thế giới lần I). Năm 1955, chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ do ông Ngô Đình Diệm làm Tổng thống đổi tên đường này, nhưng nhầm Phạm Văn Tráng thành Nguyễn Văn Tráng. Và cái nhầm lẫn mang tính lịch sử ấy tồn tại cho đến ngày nay.

Con đường đặt lộn tên từ thời VNCH sang đến thời VNCS rất sầm uất ở ngay phường Bến Thành Q1 nhưng chỉ ngắn chừng vài trăm mét

Ở góc giáp với Lê Lai ngay phía công viên 23/9 là quán bún đậu mắm tôm Homemade 
nổi tiếng Sài Gòn, khách ăn đông nườm nượp. Về đây 2 tháng nhưng tôi đã có chục lần ăn trưa với bạn bè ở quán này. Bạn nào muốn thưởng thức xin đến Nguyễn Văn Tráng và liên hệ với tôi sau 11:30AM. 

Con đường chạy qua nhà tôi bây giờ mang tên Nguyễn Quý Anh có lẽ là tên đường trẻ nhất của Tp. HCM bởi nó mới ra đời cách nay 5 năm. Trước năm 2012 nó được gọi là hẻm 249 Tân Kỳ Tân Quý. Năm 2010 khi nhà tôi dọn về ở thì tên đường không có mà chỉ ăn theo tên con hẻm 249 dù đó là một con đường hẳn hoi và dài cả 2km. Chẳng thấy ai thắc mắc vì sao có một con đường mà phải mang tên một con hẻm như vậy, có lẽ do mọi người cũng thông cảm là TP quá nhiều đường nên hết quĩ tên để đặt.
Rồi một ngày đi làm về đến đầu hẻm tôi thấy người ta đang lắp bảng tên đường mang một cái tên rất lạ: Nguyễn Quý Anh. Hỏi mấy anh công nhân Nguyễn Qúy Anh là ai thì chỉ nhận được cái lắc đầu. Tức mình về lật ngay google thỉnh giáo thì ra ông này (1883 – 1938) người gốc Huế, là một nhà nho yêu nước chống Pháp.  Năm 1907 trường Dục Thanh, Phan Thiết thành lập ông được cử làm Giám đốc.  Đây cũng là ngôi trường mà anh thanh  niên Nguyễn Tất Thành từng có thời gian xin vào làm chân dạy thể dục, cứ đến giờ học sinh ra chơi thì anh Thành lấy bóng chuyền, bóng đá, cầu lông, cầu mây ra cho học trò vui chơi. Việc đó chắc cũng gần giống với các anh tổng phụ trách đội ở các trường cấp 1 cấp 2 bây giờ.  
Vậy Nguyễn Quý Anh từng là sếp của Bác Hồ. Cha của Nguyễn Qúy Anh tên là Nguyễn Thông, cũng là một nhà nho yêu nước chống Pháp, được đặt tên cho một con đường ở quận 3 gần ga Sài Gòn bây giờ. Hiện tên đường Nguyễn Quý Anh chỉ có ở Huế (quê ông) và ở Sài Gòn (nơi có căn nhà nhỏ của tôi).
Nhân đây cũng xin nói thêm, Sài Gòn là thành phố lớn nhất nước nhưng lại là Tp có những bảng tên đường nhỏ nhất và giản dị nhất. Bảng tên đường của nhiều thành phố, thị xã thường rất lớn và hình như tp càng nhỏ thì bảng tên đường càng lớn, ở góc trên bên trái thường có thêm cái logo hoặc biểu tượng của tp. Như ở Hà Nội là hình văn miếu quốc tử giám, ở Huế là hình Phu Văn Lâu, ở Quy Nhơn là Hoàng đế Quang Trung cưỡi ngựa ra trận (mặc dù trong lịch sử Quang Trung chỉ cưỡi voi ra trận, ngựa chỉ dành cho lính cưỡi), ở Đồng Hới là hình của cả một cái Quảng Bình Quan.v.v. Nhưng sự giản dị và đơn giản của cái bảng tên đường ở Sài Gòn lại rất tiện lợi khi tên đường được ghi ở cả 2 mặt. Đi từ phía nào tới người đi đường cũng dễ dàng nhìn thấy tên đường. Chứ không như Hà Nội và nhiều nơi khác, tên đường chỉ viết có một mặt bên ngoài, người đi đường có khi đi qua phải ngoái đầu nhìn lại rất nguy hiểm mới thấy được tên đường. Ngay ở thị trấn Hoàn Lão năm ngoái về thăm quê tôi cũng thấy có những con đường lầm bụi đất, nhỏ như cái ngón tay, ngoằn ngoèo như con rắn lượn chạy trong các lũy tre làng cũng được đặt những cái tên rất hoành tráng như Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong, Quách Xuân Kỳ… với cái bảng to gần gấp đôi cái bảng tên đường ở SG.

P/S: Rảnh rỗi sinh nông nổi tí.

Giản dị và thực tế tên đường Sài Gòn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới