Chiều cuối tuần cô văn thư đưa cho
cái phát chuyển nhanh từ Hà Nội: Anh có thư. Đó là tập thơ mới ra lò Anh về trải chiếu đếm sao(*) món quà của Uông Ngọc Dậu bạn
học cùng lớp thời đại học 16D K2, đang là GĐ Hệ thời sự Tổng hợp của Đài Tiếng
nói Việt Nam (VOV).
Thời còn học khoa văn Dậu cũng đã có
máu làm thơ, khi thì làm vài câu tỏ tình với cô bạn gái trẻ nhất lớp: Em sinh 59 hỡi em/ Mà gieo bao nỗi khát thèm trong anh (cả lớp tôi hầu hết sinh
năm 1957 tuổi con gà như Dậu, riêng có một em chíp hôi sinh năm 1959 không giống ai lọt
vô); khi thì trêu một đàn anh đi bộ đội về thuộc loại cao to..., anh này có tài làm ra tiền bằng cách mỗi tuần lên chợ Vinh mua một cái khung xe đạp rồi mua đầy đủ phụ tùng rẻ tiền ráp thành cái xe đạp hoàn chỉnh mang về Thanh Hóa bán kiếm lời. Thơ Dậu về anh Lê Ca lớp tôi ai cũng thuộc: Lớp ta có anh Lê Ca/ Người thì rất xấu đi buôn rất tài/ Mỗi lần cất bước ra đi/ Trời đang nắng bỗng tối sầm lại ngay.
Sau này lấy vợ thấm thía với cuộc sống gia đình rồi Dậu cũng có một câu thơ hay: Đêm nằm bên vợ thấy cô đơn (ý nói vợ chồng đồng sàng dị mộng). Nói
chung là ai từng học khoa văn thì ít nhiều đều biết làm thơ và có ít nhất một lần làm thơ dù
chưa hẳn đã thích thơ. Riêng Dậu tôi biết có năng khiếu thơ thứ thiệt.
38 năm tốt nghiệp ra trường, Uông
Ngọc Dậu có mấy năm dạy ĐH Tây Nguyên, rồi chuyển sang làm PV báo Đaklak, rồi
chuyển nữa sang làm PV cơ quan thường trú VOV tại Tây Nguyên. Tại cơ quan này,
Dậu có số làm quan nên lên đến chức GĐ, đi đâu có ô tô riêng, lỡ để quên cặp có thằng
xách vô cho. Có lần lên họp kỉ niệm gì đó ở Buôn Mê Thuột, tôi vô phòng Dậu
thấy hắn mở tủ lấy ra hũ rượu nhỏ rót cho một li: Em ngâm với 100 cái đuôi
con nai cái đấy anh. Bổ lắm. Tôi nhấp một ngụm thấy đắng nghét, hỏi bổ cái gì
chú. Thì ngâm gì bổ nấy. Nghe thế tôi cũng nhắm mắt ráng nuốt cho hết. Rồi Dậu chuyển
ra tổng hành dinh VOV ở 58 Quán Sứ với chức GĐ (ngang vụ trưởng) của cái hệ
phát thanh quan trọng nhất – thời sự tổng hợp. Có lần ra công tác Hà Nội, Dậu đèo tôi về thăm căn nhà mới mua. Đi giữa những con hẻm ngoằn ngoèo
bề ngang rộng chỉ 1m, rộng đến mức 2 xe máy tránh nhau còn khó. Tôi nói đường
sá vầy mà sau này chú mày có mua được ô tô thì quên cái chuyện xe vào tận cửa đi
nhé. Dậu lạc quan: Vào được chứ anh. Vào cách nào mày, bay à. Thì tháo ra. Ôi
trời. Cái thằng vua hài hước.
Có lẽ Dậu là người thành đạt nhất về
đằng quan chức của lớp tôi. Ngoài Dậu và một vài bạn khác lên đến
chức GĐ sở, lớp tôi tinh những anh làng nhàng, chức tước, học hàm học vị chẳng
có gì đáng kể.
Nay thì sau 38 năm quăng quật với đời,
Dậu cho ra tập thơ đầu tay này, kể cũng là một anh chàng thận trọng và không
háo danh. Tập thơ đầu tay của một đời làm quan chức cơ quan báo chí lớn nhất
nước.
Tập thơ của Dậu dày 130 trang với 60
bài thơ. 60 tuổi Dậu mới cho ra với đời 60 bài thơ, trung bình mỗi tuổi Dậu có
một bài. Quá quí cho sự chắt lọc của câu chữ và xúc cảm. Vì thế mà đọc thơ Dậu
thấy rất chân thật. Không rung động thực sự Dậu không làm thơ.
Như đã nói, cả một đời Uông Ngọc Dậu gần như gắn hết với nghề làm báo, một cái nghề rất khó nói với những ai ở ngoài nghề. Nhưng Dậu đã nói ra một cách thẳng thắn:
Như đã nói, cả một đời Uông Ngọc Dậu gần như gắn hết với nghề làm báo, một cái nghề rất khó nói với những ai ở ngoài nghề. Nhưng Dậu đã nói ra một cách thẳng thắn:
Một tấc tới trời cao
Ưa tào lao xích đế
Cái mặt thì ra vẻ
Mà lòng dạ rối bời
(Tự trào nghề báo)
Là người có hơn 20 năm làm nghề báo nên tôi
rất hiểu mấy câu trên của Dậu.
Cũng vì thế mà những người làm báo
lâu năm như Dậu rất thấu hiểu sự đời, một sự đời chua chát lắm khi cười ra nước
mắt:
Ngày ngắn thôi đừng lắm lẽ nhiều lời
Đã thị trường là bán mua đo đếm
Cứ tiền tiền là ông to bà lớn
Kẻ tầm tầm có thể hóa thánh nhân
Hồn nhiên như tất thảy dân gian
Được làm chủ (chẳng có gì to tát)
Ngày mỗi ngày thuộc thêm câu hát
Ra ngõ mà trông… kìa… ra ngõ mà trông
(Ra ngõ mà trông)
Đọc Anh về trải chiếu đếm sao thỉnh
thoảng bắt gặp những kỉ niệm, những suy tư tinh tế của tác giả. Còn nhớ năm 1979, chúng
tôi tốt nghiệp ra trường, mỗi đứa đi một phương. Trong lúc tôi về dạy ở ĐHSP
Quy Nhơn thì Dậu lên với bục giảng của khoa Sư phạm ĐH Tây Nguyên, nơi có mấy
năm liền tôi cũng lên đó thỉnh giảng. Ấn tượng của tôi những đêm ngủ ở Tây
Nguyên là nghe tiếng tắc kè kêu như cầm canh và khác với tiếng tắc kè ở những
nơi khác là tắc kè Tây Nguyên kêu rất trầm đục, rất thong thả, rất trầm tĩnh chỉ
bởi con tắc kè ở Tây Nguyên to, mập hơn tắc kè nơi khác.
Còn đây là cảm nhận của Dậu về tiếng tắc kè Tây Nguyên:
Còn đây là cảm nhận của Dậu về tiếng tắc kè Tây Nguyên:
Tắc kè… tắc
Hẫng hụt hơi
Tiếng chạm khung cửa tiếng rơi chân tường
Tắc kè… đẫm ướt đêm sương
(Đêm đầu đến Tây Nguyên nghe tiếng tắc
kè)
Người ta bảo thơ mang tính dự báo.
Tôi cầm tập thơ của Dậu lật đọc lướt ngay vài bài đã thấy được sự dự báo của tác giả.
Ngay từ cái tên Dậu đặt cho tập thơ (Anh về trải chiếu đếm sao) đã là cả một sự
dự báo lớn: Sau 38 năm tuổi nghề, 60 năm tuổi đời, đã đến lúc Dậu sắp nghỉ làm
việc nhà nước, chuyển từ Hà Nội về quê Quảng Xương, Thanh Hóa sống cuộc đời hưu
trí. Nghỉ hưu mà lại về sống hẳn ở làng quê thì hiển nhiên là rất thanh thản,
thanh thản đến mức sẽ không có việc gì để làm cho nên đêm đến mới trải chiếu ra
sân nằm hóng mát và đếm… sao trời. Đếm sao trời, với người vô công rỗi nghề thì
nói là lẩn thẩn, với người có tâm hồn thì nói là lãng mạn. Người như Dậu không
thể là lẩn thẩn, vậy thì Dậu đúng là một tay lãng mạn. Lãng mạn nên mới... trải chiếu
đếm sao.
Vụ này – Dậu về quê nghỉ hưu và trải
chiếu đếm sao – cũng không biết là nên buồn hay vui, nhưng với Dậu thanh thản là
cái chắc. Sau một đời quan chức với những họp hành, viết lách, giao
ban, họp báo… tháng 10 này Uông Ngọc Dậu sẽ chia tay với tất cả:
Chia tay là về chia tay là đi
Em chia tay em ở lại
Em có biết là trong ta mãi mãi
Nỗi buồn thấm mưa…
(Nỗi buồn thấm mưa)
Một tập thơ có khi chỉ cần có một bài hay là đủ. Trong một bài thơ hay có khi chỉ cần một câu thơ hay cũng là đủ. Ta về trải chiếu đếm sao của Uông Ngọc Dậu có hơn một bài thơ hay và có nhiều câu thơ hay. Chúc mừng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bạn có nhận xét mới