29 tháng 6, 2017

Tôi đã hiểu Khởi nghiệp nghĩa là gì

Nhờ được sếp giao viết bài này mà tôi đã hiểu thêm được một thuật ngữ hiện đang là mốt trên báo đài và trên miệng các nhà lãnh đạo, là từ khóa được nhắc đến nhiều nhất hiện nay: Khởi nghiệp nghĩa là gì. Tôi đã mất cả một buổi tối lục tung trên mạng để hiểu về nó.
Trường Đại học Hoa Sen với Hội thảo Sáng tạo và Khởi nghiệp(*)
Vào ngày 7/7/2017 tới đây, tại cơ sở 8 Nguyễn Văn Tráng, Q.1, Tp. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Hoa Sen và Mạng Lưới Học Thuật Quốc Tế Việt Nam (iVANet) cùng Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp TP HCM sẽ phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế về chủ đề Sáng tạo và Khởi Nghiệp (Link đăng kí Hội thảo:  http://iep.hoasen.edu.vn/index.html)
Hội thảo sẽ là một điểm gặp gỡ cho giới học thuật, nghiên cứu, các nhà đầu tư và khởi nghiệp tại Việt Nam từ trong đến ngoài nước, để chia sẻ những ý tưởng và kinh nghiệm về cách xây dựng một kế hoạch khởi nghiệp thành công. Hơn thế nữa, hội nghị sẽ chú trọng vào cách xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp thành công tại trường đại học hay địa phương, nhằm hỗ trợ và thúc đẩy các hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp.
Khởi nghiệp là gì.
Khởi nghiệp thực ra là một đề tài không mới nhưng không phải ai cũng hiểu thấu đáo về nó.  Trước hết cần phân biệt sự khác biệt giữa khởi nghiệp và lập nghiệp. Khởi nghiệp (startup hoặc start-up) chỉ về những doanh nghiệp đang trong giai đoạn bắt đầu kinh doanh nói chung (Startup company), nó thường được gắn với công nghệ mới trong giai đoạn lập nghiệp. Vì gắn với công nghệ mới nên khởi nghiệp thường mang tính rủi ro cao.
Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch tập đoàn FPT: “Một bên là Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, một bên hiểu là Lập nghiệp (Entrepreneur). Lập nghiệp cũng có thể trở thành doanh nghiệp cực kỳ lớn. Còn nói đến Startup phải nói đến đỉnh cao của khoa học công nghệ, nói đến điều thế giới chưa từng làm". Còn theo ông Bùi Thế Duy, Chánh Văn phòng Bộ Khoa học và Công Nghệ: “Doanh nghiệp khởi nghiệp phải dựa trên một công nghệ mới hoặc tạo ra một hình thức kinh doanh mới, xây dựng một phân khúc thị trường mới, nghĩa là phải tạo ra sự khác biệt không chỉ ở trong nước mà với tất cả công ty trên thế giới".
Từ nhận thức trên thì những nhà sáng lập ra Google, Facebook hay taxi Uber, Grab đều được xem là những nhà khởi nghiệp vì họ đã sáng tạo ra những doanh nghiệp lớn phổ cập khắp thế giới bằng một công nghệ chưa từng có. Trong lúc những nhà sáng lập ra các doanh nghiệp truyền thống khác dù rất thành công cũng chỉ là những người lập nghiệp.
Vậy vấn đề cốt lõi của Khởi nghiệp chính là ở yếu tố sáng tạo. Do vậy nói đến Khởi nghiệp là nói đến sự sáng tạo. Khởi nghiệp gắn liền với sáng tạo là vì thế. Thiếu yếu tố sáng tạo sẽ không có khái niệm khởi nghiệp.
Theo GS. TS. Trương Nguyện Thành, Phó Hiệu trưởng điều hành Đại học Hoa Sen, khởi nghiệp sáng tạo thực ra đã có từ lâu trên thế giới cũng như ở Việt Nam, tuy nhiên vào giai đoạn hiện nay, chính phủ Việt Nam đang khởi động lại vấn đề này và muốn nó nở rộ như một phong trào nhằm phát triển kinh tế đất nước.
Khởi nghiệp gắn liền với sáng tạo

Hội thảo Sáng tạo và Khởi nghiệp.
Trình bày tại Hội thảo là các diễn giả có nhiều kinh nghiệm. Ngày đầu tiên, ông Troy D’Ambrosio, giám đốc của viện khởi nghiệp Lassonde (Đại học Utah) sẽ chia sẻ cách thức mà trường Đại học Utah , từ một trường không có nhiều hoạt động về khởi nghiệp từ đầu năm 2000 và đến nay trở thành một điểm sáng về hoạt động này, được đánh giá là trường đứng hàng đầu của Hoa kỳ về lĩnh vực khởi nghiệp cho sinh viên, vượt qua các Đại học tên tuổi khác. Các chương trình khởi nghiệp của Đại học Utah liên tục nằm trong top 25 của Hoa kỳ, giúp Đại học Utah trở thành một trường hàng đầu trong việc thương mại hóa công nghệ.
Diễn giả chính của ngày thứ hai là nhà khởi nghiệp tuổi 60, TS Nguyễn Thanh Mỹ. Với hơn 250 bằng sáng chế trong lĩnh vực hóa học, TS Mỹ đã xây dựng thành công tập đoàn hóa chất Mỹ Lan ở Trà Vinh trị giá 100 triệu đô la. Không ngừng nghỉ, TS Mỹ vẫn tiếp tục dấn thân khởi nghiệp, thành lập 3 công ty mới với tên chung là RYNAN, tập trung vào việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp: sản xuất phân bón thông minh, thiết bị IoT và thương mại điện tử. Trong bài nói chuyện của mình, TS Mỹ sẽ chia sẻ về 5 nguyên tố khởi nghiệp: (1) con người, (2) ý tưởng, (3) vốn, (4) mô hình, và (5) thời điểm.

Các nhà đầu tư thành danh được mời đến để chia sẻ góc nhìn về những yếu tố quan trọng nhất khi lựa chọn dự án khởi nghiệp và cách thức phát triển doanh nghiệp bền vững. Những diễn giả này đều từng lăn lộn với nền kinh tế Việt Nam từ giai đoạn sôi động với chính sách mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài tới giai đoạn phát triển mới hiện nay – phát triển dựa trên năng lực đổi mới sáng tạo.

Để cung cấp cho khán giả tầm nhìn vĩ mô, Hội thảo mời đại diện các cơ quan nhà nước chia sẻ các chính sách và hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp bắt nguồn từ năm “Quốc gia Khởi nghiệp 2016”. Những chính sách và hoạt động này là tiền đề cho những biến đổi đầy hứng khởi của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam trong thời gian gần đây. Phiên thảo luận cuối cùng sẽ được dành cho các đại diện này với những chuyên gia nước ngoài bàn về cách thức xây dựng thành công hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương.

Trong khuôn khổ Hội thảo, Đại học Hoa Sen sẽ giới thiệu chiến lược và những hoạt động sắp tới để trang bị các kỹ năng khởi nghiệp và sáng tạo cho sinh viên Hoa Sen. Nhà trường sẽ trình bày kế hoạch sử dụng toàn bộ tầng 10 cơ sở Nguyễn Văn Tráng làm không gian sáng tạo, là nơi để sinh viên giảng viên có cơ hội làm việc, hợp tác, cộng hưởng để tạo ra các sản phẩm dịch vụ mới có thể thương mại hóa.

(*) Bài viết với sự hợp tác của anh Nguyễn Giao Hòa, GV Khoa Khoa học và Công Nghệ ĐHHS











Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới