8 tháng 6, 2015

Tôi cũng là độc giả yêu thích tác phẩm của Mạc Ngôn

                                                                                                     Lê Quang Phương

HTS: Comment mà như thế này thì cũng quá cha một bài viết. Nghĩ thế nên chủ nhà mạn phép rút ra khỏi comment và đưa lên đây cho xứng tầm.

Nhân đọc bài viết của tác giả Phan Thị Nga Tự sự trong Cao lương đỏ của Mạc Ngôn (xem ở đây: http://hatungson.blogspot.com/2015/06/tu-su-trong-cao-luong-o-cua-mac-ngon.html):

Đọc Mạc Ngôn như là một sự hưởng thụ và hơn thế nữa là một sự đổi mới trong tâm thức người đọc.
Có một vị nào đó nói Mạc Ngôn mắc nợ nhân dân Việt Nam qua “Ma chiến hữu”. Riêng tôi vốn là người lính, tôi thấy gần gũi với Mac Ngôn, với người lính Trung Quốc, với nhân dân Trung Quốc (chứ không phải với nhà cầm quyền TQ) khi đọc “Ma chiến hữu” . Chiếc cầu nối cho sự gần gũi ấy là những bộ hài cốt, là nghĩa trang, là những câu chuyện của những hồn ma trong “Ma chiến hữu” 
Tôi đọc Mạc Ngôn bắt đầu từ “Cao lương đỏ”, rồi tìm xem cho được phim “Cao lương đỏ”. Văn chương nghệ thuật của Mạc Ngôn như màu của cao lương cứ ám ảnh trong tâm trí tôi từ đó. Văn của Mạc ngôn rõ ràng có màu sắc… Suốt hai tháng trời tôi bị ông lôi cuốn. Hơn hai mươi năm tôi đã không đọc tiểu thuyết vì không tìm được cái lạ (của ta của tây hay của tàu đều thế), và cũng vì không có thời gian, không có điều kiện để đọc. May thay gặp được các tác phẩm của Mạc Ngôn, đọc được vài dòng là đã bập vào không dứt ra được, cứ trắng đêm này sang đêm khác thức mà đọc, bởi cái sự lạ, sự khác thường, sự phi thường của bút lực (ngó rõ quen mà cứ là lạ làm sao ấy) Chẳng biết chia sẻ cùng ai. Như người lâu không được uống rượu ngon nay được nhấp thử, rồi ngửa cổ, rồi ngân nga, rồi nhâm nhi tự thưởng một mình, thứ rượu văn chương Mạc Ngôn ấy thoảng qua có vẻ quê mùa nhưng thật cao sang và vô cùng thâm hậu. Văn Mạc Ngôn như rượu, siêu rượu. Đọc Mạc Ngôn thấy ông nói được tiếng nói của cây tỏi. Văn của ông có mùi tỏi, mùi của đồng ruộng của nông dân, của nổi dậy và nổi loạn, nó có nét na ná tương đồng với mùi đồng ruộng, mùi nông dân nông thôn Việt Nam bây giờ. Chỉ tiếc rằng cây tỏi VN chưa một lần nổi giận trong tiểu thuyết của các nhà văn VN.
Có lẽ ám ảnh người đọc nhất vẫn là “Phong nhũ phì đồn”. Đất nước Trung Hoa bị cưỡng hiếp, lai căng, bị giao phối khác loài, và kết quả cưỡng phối ấy là con lai biểu hiện ưu thế giống lai không mong muốn, bất ngờ và không kiểm soát. Không có sự vĩ đại mà chỉ thấy thương và sợ. Rồi “Đàn hương hình” đem đặt chung với “Phong Nhũ Phì Đồn” để cùng nhìn, cùng suy thì mới đáng sợ thứ con lai của cá mập (Carcharodon megalodon) với người hiện đại (Homo sapiens), nếu nó lạc về biển cả…
Một số tác phẩm của Mạc Ngôn tôi mới chỉ đọc có một lần. Đọc để thưởng thức trong đêm, như thưởng rượu một mình. Đọc rồi lại cật vấn lại suy tư mất ngủ, và hình như có đổi mới được cái gì đó trong cái đầu óc già nua mụ mẫm của tôi.
Tôi cũng là độc giả yêu thích tác phẩm của Mạc Ngôn. 
LQP


                                       Nhà văn Mạc Ngôn (Ảnh từ internet)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới