17 tháng 12, 2013

Bài thơ của tử tù Dương Chí Dũng - Một tác phẩm văn học mang đậm phong cách hiện thực XHCN

Kết thúc phần lời nói sau cùng trong phiên tòa mà chính bản thân bị kết án tử hình, cựu cục trưởng Hàng hải VN Dương Chí Dũng đã úp 2 tay lên ngực, mắt nhìn thẳng xa xăm như đang gọi cảm hứng về, miệng mỉm cười và ung dung ... đọc 4 câu thơ (rất giống tôi đọc thơ Đường khi đang trên bục giảng):
28 năm qua lại trở về.
Với người hàng hải nặng lời thề năm xưa.
Dưới cờ Đảng (viết hoa) nguyện cùng đưa.
Con tàu hàng hải đến bờ vinh quang.


Tác giả Dương Chí Dũng đang đọc diễn cảm bài thơ 28 năm...

Đọc kĩ những câu thơ vừa trữ tình vừa cảm thán trên của một tử tù nguyên là cục trưởng hàng hải VN, tôi thấy đó quả là những câu thơ mang đậm khí tiết của một người tù cs trước cái chết vẫn ngửng cao đầu, rất xứng đáng là lớp hậu sinh của những anh hùng tiên liệt như Lí Tự Trọng, Nguyễn Văn Trỗi... trước khi ra pháp trường thời đất nước kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp và đế quốc xâm lược Mỹ.
Ở 2 câu đầu 28 năm qua lại trở về. Với người hàng hải nặng lời thề năm xưa.
tác giả đã nhắc lại một quá khứ huy hoàng mà anh dũng của người đứng đầu ngành hàng hải Vn. 28 năm trên đỉnh cao quyền lực vinh quang và chói lọi dưới ánh sáng soi đường của chủ nghĩa macle. 28 năm tác giả đã lao tâm khổ tứ chen lấn với nhiều đồng chí khác tìm tòi mọi phương cách làm ăn mới mẻ trong cơ chế của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN mới có được chút thành quả nhỏ bé ban đầu từ va li tiền chục tỉ, biệt thự, căn hộ cao cấp đến chân dài vợ bé. Không nuối tiếc vinh quang, không thở dài sao được.
Đó còn là một sự ngậm ngùi cay đắng với hai từ trở về. Trở về đây là trở về với điểm xuất phát của một anh công nhân đi xuất khẩu lao động với 2 bàn tay trắng như ngày xưa để giờ đây đang phải ngậm ngùi từ bỏ tất cả vàng son, chịu cảnh sa cơ, ngồi trong tù ngục với án tử hình lơ lửng trên đầu.
Đó cũng chính là sự trở về với những tấm gương tiết liệt của những bậc cha anh thuở trước mà tác giả từng giơ tay thề nguyền dưới cờ đảng quang vinh.
Tóm lại 2 câu thơ đầu của bài lục bát tứ tuyệt đã nói lên tình yêu đời, yêu cuộc sống, yêu nước, yêu sự nghiệp hàng hải đang trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa của người tử tù Dương Chí Dũng.
Hai câu cuối:  Dưới cờ Đảng nguyện cùng đưa. Con tàu hàng hải đến bờ vinh quang. là tiếng nói của một tấm lòng trung kiên, trung thành tận tụy của một chiến sĩ cs. Dù chết nhưng hình ảnh của đảng, của lá cờ đảng vẫn phấp phới tung bay trong đầu tác giả. Hình ảnh không khác mấy với câu thơ sao vàng 5 cánh mộng hồn quanh mà tôi đã thuộc lòng từ thời đi học cấp 3.
Đó còn là khí tiết của một anh hùng trong hoàn cảnh gươm kề tận cổ súng kề tai mà nhà thơ Tố Hữu, lá cờ đầu của thi ca cách mạng Vn từng viết trong tập thơ Từ ấy.
Hai câu cuối tràn ngập tính chiến đấu của người tử tù Dương Chí Dũng. Càng đọc tôi càng khâm phục anh. Nếu là một kẻ tham sống sợ chết vô cùng hèn nhát như tôi, đặt vào hoàn cảnh đó thì chân đã đứng không vững, miệng nói không ra hơi như chú AQ của Lỗ Tấn khi phải kí vào án tử hình trong AQ chính truyện thời cách mạng Tân Hợi, còn sức hơi đâu mà làm thơ nữa.
Phải là một tâm hồn lạc quan vô bờ bến, tác giả Dương Chí Dũng mới mỉm nụ cười ngạo nghễ trước pháp đình XHCN và ung dung đọc thơ tứ tuyệt như thế. Một bài thơ lục bát phá cách ngắn ngủi như cuộc đời ngắn ngủi của tác giả mà súc tích cô đọng, ý tại ngôn ngoại, lại mang đậm hồn dân tộc đã xuất sắc thể hiện đủ 4 yếu tố mà khi luyện thi cho học trò lớp 12 để kiếm sống cách đây hàng chục năm về trước, tôi đã biến thành một công thức của văn học cách mạng, văn học hiện thực XHCN là Yêu – Căm  – Chiến – Lạc để dạy cho lũ học trò làm bài một cách đơn giản nhất, dễ dàng nhất. Tức YÊU nước cao độ, CĂM thù giặc sâu sắc, tinh thần CHIẾN đấu quên mình và LẠC quan cách mạng. Đứa nào làm bài mà đủ 4 luận điểm trên ít nhất cũng được 6-7 điểm.
Thế mới biết, có cái chết không những chỉ hóa thành bất tử mà vĩ đại hơn, có cái chết hóa thành thi sĩ.
Tôi tin rằng bài thơ của Dương Chí Dũng sẽ đi vào thơ ca cách mạng hiện đại VN như một tất yếu lịch sử với một chỗ đứng vững vàng khiến bao thế hệ thanh niên VN phải ngưỡng mộ. Rồi đến lúc nó sẽ có mặt trong các đề thi văn 3 chung vào đại học của Bộ GD và ĐT, thậm chí còn đi vào sách giáo khoa như một tác phẩm kinh điển. Bài thơ của anh Dương Chí Dũng đã khiến tôi tự hào khi nhớ lại những câu thơ hào sảng một thời ca ngợi VN là đất nước của thi ca, của 4 mùa hoa nở. Không thi ca mà được à, đến chết anh Dương Chí Dũng còn bật ra thơ nữa là.
Ngưỡng mộ thay, anh Dương Chí Dũng, tác giả Dương Chí Dũng, nhà thơ hiện thực XHCN Dương Chí Dũng. Rồi đến lúc anh Hữu Thỉnh CT Hội NV sẽ phải kết nạp anh vào Hội Nhà văn VN, ngay cả khi anh đã bị bác sĩ tiêm thuốc độc làm cho chết đi rồi.
  


2 nhận xét:

  1. Cái hay của vở bi-hài kịch này là ở hậu trường dàn dựng nó cơ! Hết bàn rồi bạn ơi, chỉ còn một cách là...cái này...biết không...

    Trả lờiXóa

Bạn có nhận xét mới