21 tháng 6, 2013

Báo lớn và báo nhỏ

Từ lâu tôi đã quan niệm rằng một tờ báo được gọi là lớn là tờ báo có nhiều người đọc, có tiara cao. Với quan niệm đó thì ở nước ta có lẽ chỉ có 3 tờ báo lớn là Thanh niên, Tuổi trẻ và Công an TP HCM. Trong lúc thực ra 3 tờ này có khổ nhỏ và nhất là chỉ mang tầm báo cấp sở. Tuổi trẻ là báo của Thành đoàn TP. HCM, Thanh niên là báo của Hội thanh niên VN, Công an TP.HCM là báo của Công an TP. Đó là những tờ báo mà người dân Tp. HỒ Chí Minh và cả nước  từ anh công chức đến bác xích lô đều vui vẻ bỏ tiền túi ra mua đọc mỗi buổi sáng hàng ngày như một thú tiêu khiển, một nhu cầu tinh thần không thể thiếu.
Cũng với quan niệm đó thì những tờ báo nhỏ là những tờ báo không có ai bỏ tiền ra mua hoặc là không có ai thèm để mắt tới. Oái oăm thay ở xứ ta những tờ báo này thường  có khuôn khổ to như ND, QĐND, LĐ… dù đó là những tờ báo bự cấp trung ương.
Như vậy một tờ to không hẳn là một tờ báo lớn và ngược lại.
Với tôi, ngoài 3 tờ Thanh niên, Tuổi trẻ và Công an Tp HCM, còn có một tờ báo nhỏ mà cũng thuộc loại lớn như vậy. Đó là Tạp chí Văn hóa Nghệ An. Chỉ cần gõ vào thanh tìm kiếm của Google và “sệt”, bạn sẽ thấy hiện ra tờ Tạp chí VHNA với một nội dung vô cùng phong phú và bài vở rất có chất lượng lại mang tính học thuật cao. Tôi có cảm nhận tờ tạp chí này chỉ dành cho những người có học. Tôi đã tìm thấy trong đó những bài viết về những bậc thầy của thầy tôi, không ít tác giả các bài viết cũng là bậc thầy của tôi. Cái phông văn hóa của nó thật cao.
Mà nói chuyện văn chương chữ nghĩa với dân xứ Nghệ thì có khác gì đánh trống qua cửa nhà sấm. Trên đất nước này tôi đã đi nhiều nơi, đã ở nhiều chỗ, nhưng nể nhất vẫn là chuyện học hành chữ nghĩa của dân xứ Nghệ. Khi ngồi với mấy  ông xứ Nghệ bạn chớ vội khua môi múa mép mà coi chừng bị hố bởi trước mặt bạn rất có thể là những bậc thức giả uyên thâm, trong bụng đầy sách vở, trong đầu đầy chữ nghĩa.
Trở lại với tờ Tạp chí VHNA. Cách đây không lâu, nhân câu chuyện lùm xùm một số doanh nghiệp ở Bình Dương tấy chay, không tuyển dụng lao động là dân các tỉnh Thanh – Nghệ - Tĩnh, tôi viết trên trang blog của mình bài “Đừng nên như thế” (nó ở đây http://hatungson.blogspot.com/2012/10/ung-nen-nhu-the.html). Anh bạn tôi là Nguyễn Trung Ngọc dạy ở Đại học Vinh vào đọc bèn cóp ra đem gửi cho Tạp chí VHNA. Được VHNA đăng cả trên báo in lẫn báo điện tử (ở đây: http://vanhoanghean.vn/goc-nhin-van-hoa3/dien-dan38/dung-nen-nhu-the). Tôi có duyên lần đầu tiên với Tạp chí VHNA như thế. 
Từ đó tôi thường xuyên đọc Tạp chí VHNA trên mạng.
Mới rồi nhân chuyện thất bát trong mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay của khối C, tôi ngồi gõ bài “Không mày đố thày dạy ai” đăng lên blog. Nghĩ bài này mang tính thời sự có thể gửi đăng báo, mà gửi báo nào cũng được vì báo nào chả có trang giáo dục trong lúc bài viết của mình lại chẳng mang tính vùng miền gì. Phân vân một lúc tôi email cho Tạp chí VHNA đơn giản chỉ là vì tôi thích tờ tạp chí này. Điều khiến tôi ngỡ ngàng là  chỉ chừng 30 phút sau tôi đã nhận được reply của Tổng biên tập Phan Văn Thắng với lời lẽ rất trân trọng, nguyên văn như sau:
“Thưa anh, Tôi đã nhận được bài của anh gửi. Chúng tôi in bài này của anh vào báo giấy. Đề nghị anh không gửi nơi khác. Chúc anh khỏe. Cảm ơn anh nhiều! Trân trọng! Phan Văn Thắng.”
Đó là một nét văn hóa của Tạp chí VHNA và của riêng nhà báo Tổng biên tập Phan Văn Thắng  bởi nhiều tòa soạn báo của nước ta không có thói quen lịch lãm đó. Còn Phan Văn Thắng là ai và là người như thế nào thì tôi cũng không biết được gì vì chưa một lần diện kiến.
Tôi biết ở Tạp chí VHNA, bài vở gửi đến nếu được tòa soạn chấp nhận có thể đăng ngay lên báo mạng; với những bài tốt hơn sẽ được chọn lọc để đăng lên báo in rồi sau đó mới post lên báo mạng. Bởi vậy dù chưa thấy bài mình trên Tạp chí VHNA nhưng niềm vui thì cứ âm ỉ suốt một ngày (tâm trạng này chỉ có dân viết lách mới biết).
Không chỉ vì nhân ngày báo chí Việt Nam 21 tháng 6 mà có bài viết này.
                                                                

5 nhận xét:

  1. Nhân ngày Báo chí Việt Nam, chúc nhà báo HTS nhiều sức khỏe để Tâm ngày càng thêm sáng, Bút ngày càng thêm sắc. Bỗng dưng nhớ "Lời mẹ dặn" của Phùng Quán từ hơn nửa thế kỷ trước và mong muốn nhà báo VN xem như tuyên ngôn của người cầm bút, chia sẻ lại cùng anh:
    Yêu ai cứ bảo là yêu
    Ghét ai cứ bảo là ghét
    Dù ai ngon ngọt nuông chiều
    Cũng không nói yêu thành ghét.
    Dù ai cầm dao dọa giết
    Cũng không nói ghét thành yêụ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn Ts. Phuong Thao với lời chúc tốt đẹp từ đất Thái. Tuy nhiên để thực hiện đươc lời thơ của Phùng Quán chắc tui phải sang Mĩ định cư quá.

      Xóa
  2. Hôm qua tôi lên mạng, đọc bài của ông đang định xin tác giả gửi VHNA thì hôm nay thấy HTS đã gửi rồi, thật gặp nhau trong cách nghĩ! Có gì cứ gửi VHNA, ông Thắng được đấy, Cho đăng nhiều bài rất khá. Tôi rất vui khi làm cầu nối hiệu quả cho anh đó!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tư tưởng lớn thường gặp nhau. mà sao ông ko để cái tên cho rõ ràng chính danh, lại để nặc danh tù mù rứa hè. tui biết ông chứ TS. PT có luận ra ông là ai đâu.

      Xóa
  3. Không luận ra phải tìm kiếm mới là của quý. Mà làm vậy để mấy ông nhà nước có việc làm cho vui, ít bữa nữa họ lại bảo ai "chính chủ" mới được viết báo đó mà!

    Trả lờiXóa

Bạn có nhận xét mới