26 tháng 3, 2013

Học trò U80

                                                            Chử Anh Đào

            Ông Giời ý ra răng mà sắp đặt y chơi toàn với người hơn tuổi mình. Hồi còn đi học, vì vào lớp một sớm, phải khai tăng tuổi, thành ra bạn cùng lớp hơn y ít nhất hai tuổi. Vào đại học, cả đàn bươm bướm xinh, “ chị” tuốt tuồn tuột. Mãi tới năm thứ ba mới ấp úng gọi lũ năm một bằng “ em”. Thế mà còn có đứa xách quần, chống nạnh quát “ đừng có hỗn”.
            Rồi ra trường, đi làm cũng thế. Kết thân toàn với các bậc đàn anh. Đạo lí dân tộc “ kính trên nhường dưới” hàng ngàn năm được y nghiêm chỉnh chấp hành. Tuyệt đối không có chuyện cá mè một lứa hoặc gần chùa gọi bụt bằng anh.
            Nhưng lão Bần là một ngoại lệ. Hình như lão sinh năm Tị. Nhìn thấy mặt trời trước y rất nhiều năm, nhiều tháng. Mãi về sau này y mới biết vài thông tin tù mù về lão. Lão nói trọ trẹ. Sổ vàng danh dự của dòng họ ghi lão thuộc loại “ tha phương cầu thực”. Gốc Cố đô nhưng dạt lên Plei Ku từ những năm đầu thập kỉ 60 thế kỉ trước. Lí lịch của con trai lão ghi: “ Ông nội, tên… trước 1954 theo ta đánh Tây. Ông ngoại, tên… theo Tây đánh ta. Mẹ: Nguyễn Thị Dừa, trước 1975 bán bún cho địch, sau 75 bán bún cho ta. Cha: Hắc Ngụy Bần, trước 75 thổi kèn đám ma, sau 75 tham gia văn nghệ.”
            Một trong những đặc điểm tính cách của lão Bần là đã nhiều tuổi rồi nhưng lại luôn muốn làm anh người khác. Gặp ai, sau vài câu chào xã giao, thế nào lão cũng hỏi tuổi người ta. Người ta khai 72 thì lão sẽ bảo mình 74; người ta nói 75 thì lão ắt 77…Không có ngoại lệ. Để ý có ngày lão có bốn năm loại tuổi khác nhau. Nhưng vô hại, chẳng ảnh hưởng gì tới hòa bình thế giới.
            Điều đáng nói về lão là ở chỗ khác. Lão khai trình độ văn hóa: bình dân học vụ. Cách đây vài ba năm, lão xin vào dự thính lớp văn- Đại học từ xa mà y giảng dạy. Ngồi được đúng một buổi sáng, lão nói: tai đầy chữ rồi và chạy như chó phải pháo. Từ đó đi đâu lão cũng khoe đã học qua đại học(!) Học qua đại học mà đọc sách đọc báo mồm miệng cứ méo xẹo, mười phút chưa xong một trang A4. Nhưng lão biết làm thơ và vẽ tranh. Tổ dân phố luôn gọi lão là “ nghệ sĩ đại họa”. Có lẽ vì là nghệ sĩ nên lão coi khinh những vặt vãnh đời thường chăng? Chơi với nhau, y phải kiên trì chỉ cho lão từ những cái nhỏ nhặt nhất. Ví dụ, cầm cái khăn mặt lên thì lau bộ phận nào trước. Rồi ăn nói, đi đứng, cư xử, nấu nướng… Không được nhồm nhoàm vừa ăn vừa nói, khi nhai phải ngậm miệng lại kẻo thức ăn bắn vào mặt người ta. Ở hàng quán thì chỉ cần nói đủ cho bàn mình nghe thôi, không được dạy dỗ bàn khác kẻo có ngày không còn cái để nhai cơm. Chẳng may đũa rớt thì phải cúi xuống lượm, không được lấy châm dẫm lên cái mình vừa bỏ vào mồm. Không được vừa nói vừa cười vì cái giọng trọ trẹ, miệng lại méo xệch, rất khó nghe. Rồi trước khi nói phải biết đối tượng và quan trọng là người ta có muốn nghe mình nói hay không. Rồi luộc rau thế nào cho giòn và xanh; luộc trứng thế nào thì vừa; phi hành, tỏi cái nào cho vào trước…Tóm lại là vô vàn những điều mà một cháu bé tám, chín tuổi đã biết, còn lão tiếp thu chậm lắm, dạy mãi không thuộc bài. Trong người lão hình như có một đứa trẻ con. Mà đứa trẻ này kiên quyết không chịu khôn lớn.( Đành rằng nghệ sĩ rất cần nuôi dưỡng một tâm hồn, chứ không phải kĩ năng thơ trẻ) Thành ra y hay gọi lão là đứa trẻ con nhiều tuổi, là “ học trò U 80” của mình.
                                                                                    PK 25/3/13
                                                                                      C.A.Đ

2 nhận xét:

  1. Đúng là phải 'U-chit sa, uchit sa i uchit sa' bạn nhỉ? Đời có lắm kẻ như vậy lắm, đếm chẳng xuể. Có hôm mình đi nghe nghị quyết ở Phường, vì báo cáo viên nói buồn ngủ quá nên ông 'đ/c' ngồi cạnh sáng tác thơ, thơ anh ta chẳng vần chẳng điệu gì sất, nhưng nghe đâu là hội viện hội thơ ca của phường...Mình thấy ngứa ngày sửa cho mấy câu...lão không đến nỗi như học trò U80 của bạn. Chua lại một câu: tăng- khiu! (chắc lão muốn dùng anh ngữ cho sang!)

    Trả lờiXóa

Bạn có nhận xét mới