Nước Việt mình đúng là dày kỉ niệm thiệt. Mới 20 – 11 đó giờ đã tới 22 – 12. Nếu chỉ ăn với kỉ niệm mà giàu thì nước Mĩ phải gọi Vn bằng cụ.
Mấy bữa ni đi làm qua chỗ cổng bộ tư lệnh QK 7 trên đường Hoàng Văn Thụ, nơi trước đây là bộ tổng tham mưu quân đội SG, thấy băng rôn và khẩu hiệu giăng đỏ rực mới biết là ngày quân đội 22-12 đang đến, khiến tôi nhớ lại những tháng ngày đi lính với không biết bao nhiêu là chuyện vui buồn sống chết, mà nhớ nhất là những câu chuyện về các vị thủ trưởng nói năng phát ngôn nghe mắc cười mà hồi đó phải nín không dám cười vì sợ nó trù, đến mức đã mấy chục năm trôi qua rồi mà thỉnh thoảng mấy thằng lính cũ Sv bọn tôi hễ có dịp gặp nhau là lại đem ra kể để cười cho sướng miệng.
Học chính trị:
Sao ở xứ mình hay học chính chị chính em thế không biết. Như tôi đây suốt đời đi học cho đến khi đi kiếm sống khắp 3 miền qua đủ loại nhiệm sở, đi đâu, năm nào cũng không thoát học chính trị mà càng học lại càng mung lung u mê thêm.
Tuần đầu tiên của thời đi lính là học chính trị. Người lên lớp ở giữa rừng để giảng bài dĩ nhiên là hai vị chính trị viên trưởng và chính trị viên phó của đại đội. Các vị này thường chỉ học hết cấp 2, lớp 7 hồi đó, ngang lớp 9 bây giờ, có vị mới học đến lớp 5 thì đi bộ đội rồi phấn đấu lên đến sĩ quan chỉ huy. Mà cơ khổ, cái đại đội huấn luyện của tôi với quân số 180 tên lại toàn là Sv từ năm 1 đến năm 3 của đhsp Vinh vừa nhập ngũ.
Có hôm giảng bài về truyền thống lịch sử 4 ngàn năm của dân tộc, ông chinh trị viên giở tài liệu in sẵn ra và đọc, đến chỗ nói về sự cần thiết gìn giữ lòng yêu nước, trong sách viết là không được để cho lòng yêu nước của chúng ta bị mai một thì ông dừng lại ấp úng vì vấp cái từ mới lạ quá. Thường ông chỉ nghe và dùng đến từ mai mốt, còn mai một thì chưa nghe chưa đọc bao giờ, mà đúng là cái từ này cũng ít dùng thật, chỉ có dân văn là hay dùng. Vậy là ông cao giọng nói: sách vở của Tổng cục chính trị mà cũng in sai, mai mốt mà in thành ra là mai một. Rồi ông ta lấy bút ra sửa lại là không được để cho mai mốt. Ông giải thích khi nói như vậy nghĩa là chúng ta phải yêu nước dài dài, không được yêu chỉ trong hai ngày mai và mốt. Rồi ông cười lấy làm đắc ý cho sự thông minh sáng tạo của mình lắm. Cả đám Sv bọn tôi ở dưới mắc cười muốn chết mà không dám cười. Có thằng chịu không nổi giả bộ xin ra ngoài đi tiểu rồi chạy một mạch vô rừng sâu, ôm bụng cười một mình cho đã.
Thấy phía dưới xì xào có vẻ không bình thường, ông CTV nghĩ là có chuyện chi rồi đây. Ông đằng hắng, tôi nói thế có đúng không các đồng chí. Cả bọn lại bụm miệng, có thằng chịu không được ho lên sằng sặc. Chợt ông kêu thằng Tiến vốn là Sv năm 2 khoa lí cùng trung đội với tôi đứng dậy:
- Đồng chí Tiến, là Sv khoa lí, chắc đồng chí học rất nhiều lí lẽ rồi, đồng chí phát biểu xem tôi nói có đúng lí lẽ không. Ôi trời, vậy có nghĩa là ông ctv hiểu rằng học khoa lí nghĩa là học lí lẽ. Thằng Tiến oai thế. Dĩ nhiên là thằng Tiến nói: Báo cáo: thủ trưởng nói rất đúng ạ. Ông nghe vậy tự tin đắc ý hỏi tiếp: Vậy khi còn học ở trường đh, các thầy có dạy đồng chí như tôi vừa nói không? Thằng Tiến: Báo cáo thủ trưởng có ạ.
Tôi ngày vào lính tháng 9 - 1972
Tôi ngày vào lính tháng 9 - 1972
Cái liềm:
Ông chính trị viên của tôi là dân Nam Hà, nơi nổi tiếng về lói ngọng lờ nờ, cũng ngang tầm với dân Hà lội hiện nay.
Một hôm ông lên trước hàng quân toàn đại đội đang rục rịch chuẩn bị hành quân đi B ra chiến trường, để động viên tinh thần chúng tôi, ông nói trong xúc động: Các đồng chí ạ, chúng ta cần phải mang theo trong mình mỗi người một cái liềm. Nói đến đó ông dừng lại như là dành ra một khoảng lặng để cho chúng tôi, những chiến sĩ sắp đi vào chỗ chết ngấm thêm lời dặn dò của ông.
Tôi thực sự hoang mang không hiểu vì sao người lính vào chiến trường lại phải mang theo một cái liềm. Liền ngoảnh sang hỏi thằng Phương khoa sinh đứng bên cạnh, thằng này chúa láu cá, chuyện gì nó cũng biết: Sao vào chiến trường lại cần có 1 cái liềm mày. Hắn bỉu môi: mày đúng là dân khoa văn, ngu bỏ mẹ. Vào trong đó không có nhà cửa gì, bọn mĩ ngụy gian ác đốt phá sạch hết rồi, phải mang theo liềm để bứt tranh lợp nhà mà ở chứ làm gì nữa. Tôi vẫn bán tín bán nghi không tin thằng Phương lắm. Thằng này chỉ có bắn thuốc lào là giỏi chứ thực tế chiến trường thì hắn hơn gì tôi.
Đến đó thì đồng chí ctv nói tiếp: Đó là cái liềm tin vào ngày chiến thắng của chúng ta.
Ối trời ơi. Tôi và thằng Phương phải đút cả ba ngón tay vô miệng để khỏi cười phá lên như súng bắn.
Không được yêu em:
Một hôm đến lượt tôi trực nhật, nghĩa là đến bữa phải đến nhà bếp nhận cơm và bưng về cho tiểu đội ăn.
Riêng vụ trực nhật đi nhận cơm này thì có mấy thằng trong tiểu đội không thích nhưng tôi lại rất khoái vì được về trước 1 tiếng, lại được một mình thong dong đi theo một con đường ven rừng, đi men qua một cái hồ nước trong leo lẻo, và nhất là được dịp lên lán của tiểu đội anh nuôi. Nói là anh nuôi nhưng ở đó lại có 3 cô chiến sĩ nấu ăn và 1 cô y tá chuyên canh me vệ sinh an toàn thực phẩm cho các món ăn. Thực tình thì mấy cô này cũng chẳng xinh xắn gì. Cô thì cao quá (hồi đó mấy em chân dài chưa có giá cao như bây giờ), cô lại lùn quá. Vậy mà tôi lại thích cái cô mập mập lùn lùn như hột mít mới chết chỉ vì có lần đến nhận cơm, cô kín đáo dúi riêng cho tôi tảng cơm cháy lấy từ đáy chảo quân dụng vàng ươm và dòn tan. Lại có lần cô còn tâm sự, em cứ tưởng lính sinh viên như các anh thì kênh kiệu và khó nói chuyện lắm nhưng tiếp xúc thì thấy các anh cũng hiền lành, giản dị và rất vui tính; mấy anh khoa văn lại còn thuộc nhiều thơ đọc nghe cũng vui. Có lẽ đây là những cô gái cuối cùng trên đất miền bắc mà chúng tôi được tiếp xúc bởi ngay sau đó cả bọn rời đoàn huấn luyện này hành quân đi B, sống giữa rừng sâu và chiến trường không có lấy một bóng phụ nữ cho đến ngày chiến tranh kết thúc
Trên con đường ngoằn ngoèo đến chỗ tiểu đội anh nuôi, tôi vừa đi vừa cao hứng ngâm nga câu thơ của ai không nhớ nữa, hình như là của nhà thơ Giang Nam: Người yêu ơi hãy đợi chờ, Anh sẽ mang về cho em viên ngọc qúi, Là trái tim người chiến sĩ, Yêu đời yêu đảng yêu em. Đang cao hứng như thế thì bỗng nghe từ phía sau có tiếng người gọi giật lại:
- Đồng chí Sơn đứng lại! Tôi giật mình quay lại thì thấy đồng chí chính trị viên phó đi theo sau mình từ lúc nào không biết. Ông bước lên đứng đối diện với tôi rồi nói rất ngiêm khắc: Ai cho đồng chí đọc thơ lãng mạn. Đúng là không bõ công tôi theo dõi mấy đồng chí khoa văn lâu nay, hôm nay mới bắt được quả tang. Tôi biết ngay mấy đồng chí Sv khoa văn trong đơn vị ta là rất lãng mạn tiểu tư sản. Đồng chí vừa đọc thơ gì mà có anh anh em em đấy.
Tôi nói báo cáo thủ trưởng đó là thơ cách mạng của nhà thơ cách mạng Giang Nam đấy ạ (tôi cố nhấn 2 lần chữ cách mạng cho thêm trọng lượng).
- Giang Nam chứ Giang bắc gì cũng không được. Đồng chí đọc lại tôi nghe. Tôi đọc lại cho ông nghe.
- Đấy thấy chưa. Toàn là anh anh em em. Lại còn dám đặt em ngang hàng với đảng nữa chứ. Mất cảnh giác cách mạng quá, mất lập trường quá, ủy mị thế này thì làm sao mà thắng được kẻ thù cơ chứ. Tôi ra lệnh cho đồng chí sửa lại câu cuối và từ nay đọc là: Yêu đời yêu đảng yêu dân, đồng chí rõ chưa.
- Báo cáo thủ trưởng, rõ. Yêu đời yêu đảng yêu dân ạ.
- Có thế chứ.
(Còn tiếp 4, 5, 6 nữa)
Xem thêm:
- http://hatungson.blogspot.com/2011/12/chuyen-o-linh-bay-gio-moi-ke-2.html
- http://hatungson.blogspot.com/2011/12/chuyen-o-linh-bay-gio-moi-ke-3.html
- http://hatungson.blogspot.com/2011/12/khuc-vi-thanh.html
Xem thêm:
- http://hatungson.blogspot.com/2011/12/chuyen-o-linh-bay-gio-moi-ke-2.html
- http://hatungson.blogspot.com/2011/12/chuyen-o-linh-bay-gio-moi-ke-3.html
- http://hatungson.blogspot.com/2011/12/khuc-vi-thanh.html
Phải công nhận bài viết của anh rất thật và hay. Thế từ ngày đó đén nay anh có gặp lại vị CTV của mình không?
Trả lờiXóalinh caugia @: Hết chiến tranh (sau 30/4/1975) tôi rời quân đội trở lại trường ĐH, còn đ/c chính trị viên đi chiến đấu tiếp ở chiến tường CPC. Không bết số phận của những con ngừơi rất tốt ấy nay còn mất ra sao. Tôi cũng mong có dịp gặp lại họ lắm mà đành chịu.
XóaCảm ơn anh, LCG đã ghé nhà và chịu khó đọc bài của tôi.
đúng. là chuyện "bây giờ mới kể". ra6t1 thật, rất hay.
Trả lờiXóamẩn@: Cảm ơn anh mẩn đã có lời khen. Tự thân cái thật sẽ thành cái hay thôi
Xóa