Ở Chuyện lính 1 là những mẩu có
thực 100% nhưng chỉ là để cười cho vui về một thời ấu trĩ của đất nước thời dã
man. Bây giờ là lúc không thể không kể về những kỉ niệm mà tôi và đồng đội
vẫn nhói lòng mỗi khi nhớ lại sau hơn 35 năm cuộc chiến đã đi qua. Nhưng
trước hết là một kỉ niệm nghiêm túc:
4/ Vì sao phải đi đều hay là
chuyện về Sư đoàn trưởng Trần Văn Trân
Đó là một buổi chiều cuối năm,
trời miền tây Lệ Thủy rét căm căm trong cơn mưa phùn gió bấc. Đại đội tôi
được lệnh tập hợp để đón tư lệnh sư đoàn xuống huấn thị trước lúc lên đường vào
Nam ra trận. Xin nói thêm C20 của tôi là đại đội trinh sát trực thuộc ban quân
báo sư đoàn nên được các chỉ huy sư đoàn coi như con cưng.
Vị tư lệnh của sư đoàn
341 chúng tôi hồi đó là đại tá Trần Văn Trân, gọi thân mật theo kiểu miền
Nam là Ba Trân. Với tôi và đồng đội trong đại đội trinh sát sư đoàn C20, đại tá
Ba Trân là một thần tượng. Ông vừa được phía bên kia trao trả theo hiệp định Pa
ri tại dòng Thạch Hãn Quảng Trị. Ngay sau khi được trao trả, ông nhận nhiệm vụ
chỉ huy sư đoàn của chúng tôi để đưa cả sư đoàn vào sâu trong chiến trường miền
Nam, nơi mà ông đã rất quen thuộc trước khi bị quân đội Sài Gòn bắt giam.
Riêng chuyện ngày trao trả của
ông thì tôi và các bạn bè được nghe chính từ ông trưởng ban 2 kể lại với sự
thán phục và kinh ngạc đến mức không dám chớp mắt.
Chuyện rằng trong một lần đi
chuẩn bị chiến trường ở vùng Bảy Núi, An Giang vào năm 1970, đoàn cán
bộ tham mưu của ông bị quân địch bao vây và bắt gọn, nhiều người bị bắn chết.
Khi đó ông là thượng tá sư đoàn trưởng. Đúng lúc người lính y tá bị trúng đạn
ngã xuống ngay bên cạnh, ông đã nhanh chóng gỡ cái túi quân y của anh ra và đeo
vào người với ý nghĩ là trong đó có nhiều thuốc men sẽ có lúc dùng đến. Ngay
khi đó thì ông bị bắt. Bị tra hỏi ông đã khai nhận mình là y tá của đơn vị.
Quân địch tin ngay vì bằng chứng là thấy ông đang đeo cái túi quân y đầy thuốc
men. Ở trại giam tù binh Cần Thơ, ông được cử làm y tá của nhà tù, may mà lính
ta hồi đó ai cũng có chút ít kiến thức về y tá. (Ngay ngu ngơ như tôi cũng đã
mất mấy ngày học cách băng bó, rồi lấy ống tiêm hút nước lã chích vô thân cây
chuối hàng chục lần). Nhưng phía địch vẫn gợn chút nghi ngờ vì thấy phong thái
người lính y tá này sao chững chạc ra dáng quá. Chúng vẫn tiếp tục điều tra và
nghe phong thanh hình như đây chính là vị thượng tá sư trưởng. Chúng lại lôi
ông lên tra khảo. Có phải ông là thượng tá VC không. Ông nói đúng như vậy. Anh
em trong đơn vị thấy tôi lớn tuổi đi lính lâu năm mà chỉ lên đến thượng sĩ y tá
nên gọi tôi là thượng tá để trêu chọc. Đám sĩ quan phía bên kia cười thú vị và
lấy làm tin về điều đó.
Ngày trao trả ông ở bờ sông Thạch
Hãn là ngày 18 tháng 3 năm 1973, trong danh sách trao
trả có tên ông, sau hơn ba năm ở trại tù binh Cần Thơ. Từ bên phía bờ
nam nhìn sang bờ bắc, phía quân đội Sài Gòn thấy hôm đó có điều không bình
thường so với những ngày khác. Xe ô tô con quân sự xuất hiện nhiều hơn. Chúng
nghĩ ngay là trong số tù binh trao trả hôm nay chắc có nhân vật
quan trọng. Vậy là chúng cho đưa tù binh trở lại hết, trong đó có thượng
tá Trân. Phía ta đấu tranh dữ dội. Hôm sau buộc chúng phải đưa lại để trao trả
danh sách tù binh hôm qua. Hôm nay, phía bờ bắc lại lặng lẽ hơn, không khác
thường như hôm qua. Đến lượt trao trả, tù binh Ba Trân được xướng tên, ông vừa
bước lên thì có tên sĩ quan gọi giật lại. Biết là lại có trục trặc, ông
nhanh chóng lao mình xuống sông và lặn một hơi thật dài ra gần giữa dòng Thạch
Hãn mới nổi lên rồi nhanh chóng bơi sang phía bờ bắc. Bên này quân ta vội cho
thuyền ra đón ông vào. Vậy là thoát. Lúc nhìn thấy xe con của ta ở bờ bắc
đón và chở ông chạy vút đi, phía quân đội Sài Gòn mới phát hiện được ông
chính là một sĩ quan cao cấp, biết là trao trả nhầm nhưng đã quá
muộn, một sai lầm không có cơ hội sửa.
Chuyện về vị chỉ huy của mình
như thế, làm sao mà lũ lính sinh viên chỉ biết ăn với học như tôi không khâm
phục được.
Thiếu tướng Trần Văn Trân (1927-1997)
Ngay sau đó quân hàm của ông được gắn thêm một sao để thành đại tá và trở thành tư lệnh sư đoàn 341 mà tôi là lính trinh sát của sư đoàn ông.
Trở lại với buổi huấn thị trước
ngày ra trận của sư trưởng Ba Trân. Ông đứng nhìn cả đại đội tôi duyệt binh đi
đều trên một thửa đất trống và dơ tay lên vành mũ chào. Chúng tôi đi đều
bước và nhìn ông ngưỡng mộ.
Kết thúc duyệt binh, đại tá
Trân mới đứng trước hàng quân và hỏi: Các đồng chí có biết vì sao phải tập đi
đều. Trong chúng ta đây ai cũng biết là ngày ra trận chỉ còn tính bằng giờ, vậy
việc gì phải tập đi đều cho mệt, sao không dành thời gian để tập bắn súng lăn
lê bò toài có ích hơn. Có mấy chiến sĩ nhanh nhảu giơ tay phát biểu nhưng đều
không trúng ý sư trưởng. Sau cùng ông giải thích: Đúng là vào chiến trường chả
ai cần biết đi đều làm gì. Chỉ cần bắn súng cho giỏi là được. Nhưng khi đi đều,
người chỉ huy hô 1 là1, hô 2 là 2. Nghĩa là quân lệnh phải như sơn. Đi đều đó
chính là cách để rèn luyện ý thức phục tùng mệnh lệnh của chỉ huy. Vì thế mà
phải tập đi đều. Rõ chưa? – Cả đại đội đồng thanh: Rõ.
Thật là không thể chí lí hơn.
Từ phút đó trong mắt tôi đại tá Trân không chỉ là vị chỉ huy cao nhất của sư
đoàn mà hơn thế ông còn là thầy của tôi.
Sau này ông Ba Trân đã
đưa cả sư đoàn chúng tôi vào tận mặt trận miền Đông Nam Bộ, sư
đoàn được đổi phiên hiệu
từ Sông Lam 341 thành sư đoàn 1 trong đội hình quân đoàn
4 do trung tướng Hoàng Cầm làm tư lệnh, đánh trận Xuân Lộc nổi
tiếng, giải phóng Sài Gòn và làm quân quản Thành phố cho đến ngày có chính
quyền dân sự. Đại tá Ba Trân được thăng hàm thiếu tướng và chuyển làm phó
tư lệnh quân đoàn 4; rồi ông lên Đà Lạt làm phó giám đốc học viện lục quân Đà
Lạt. Ông nghỉ hưu và mất tại Sài Gòn năm 1997 khi vừa tròn tuổi thất thâp.
Hàng năm, cứ đến kỉ niệm ngày
thành lập quân đội 22 tháng 12 là tôi lại nhớ về ông, Đại tá Sư đoàn trưởng
Trần Văn Trân.
Bài viết này khi đăng báo cái đầu đề đã được bbt sửa khác đi
Xem thêm:
- http://hatungson.blogspot.com/2011/12/chuyen-o-linh-bay-gio-moi-ke-1.html
- http://hatungson.blogspot.com/2011/12/chuyen-o-linh-bay-gio-moi-ke-3.html
-
Xem thêm:
- http://hatungson.blogspot.com/2011/12/chuyen-o-linh-bay-gio-moi-ke-1.html
- http://hatungson.blogspot.com/2011/12/chuyen-o-linh-bay-gio-moi-ke-3.html
-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bạn có nhận xét mới