30 tháng 10, 2010

Đâu có hội là ta cứ đi

Tôi vừa có chuyến đi dự Hội trường Vinh về. Với ai thì không biết chứ với tôi cũng  là cả một sự kiện. Một chuyến trở về sau tròn 30 năm tốt nghiệp đại học, ra trường vào thẳng Qui Nhơn cho đến giờ.
Trường ĐH Vinh kỉ niệm tròn 50 năm thành lập.
Khoa văn trường Vinh cũng vậy, tròn 50 năm thành lập.
Gặp lại bạn bè khoá 12 (1971 - 1975), khoá mà tôi đã học để sau đó chia tay lên đường nhập ngũ vào ngày 10 - 9 - 1972.
Gặp lại bạn bè khoá 16 (1975 - 1979), khoá mà tôi đã trở lại nhập học sau chiến tranh, sau tròn 30 năm tốt nghiệp. 
Gặp lại bạn bè khoá cao học VI (1981 - 1983).
Bạn học cùng cả hai thời Nguyễn Trung Ngọc hiện là GV ĐH Vinh sau khi điểm lại các nội dung trên của tôi đã phát biểu: HTS về lần này có nhiều chuyện thật.
Chao ôi, nếu tôi không về Vinh chuyến vừa rồi thì đời tôi đã nghèo nàn đi biết bao nhiêu! Thiệt hại và mất mát biết bao nhiêu.
May mà tôi đã bỏ lại tất cả mớ công việc cứ ngỡ như là quan trọng lắm ở lại phía sau để trở về.
Và tôi đã đúc kết ra một chân lí của những ai từng có thời cắp sách đến trường: ĐÂU CÓ HỘI LÀ TA CỨ ĐI.
Thứ 7 ngày 24 - 10 - 2009, để rút ngắn thời gian tôi đã bay từ Quy Nhơn ra Hà Nội rồi lấy vé tàu hỏa đi chuyến SE5 về Vinh. Xuống tàu lúc 18 giờ là đến thẳng KS Thiên Minh, nơi các bạn khoá 12 K2 đang họp mặt. Họ đã vui chơi từ lúc 16 giờ. Vậy là tôi về trễ mất so với bạn bè 2 tiếng. Nhưng không sao, tất cả vẫn còn đầy đủ, cứ như là mới bắt đầu vậy.
Những bước chân bâng khuâng, xúc động tràn trề của tôi trên đất Vinh sau 30 năm gặp lại. Ở nơi đây, có thể nói không ngoa là mỗi bước chân đi là dẫm lên một vết tích cuả lịch sử cuộc đời tôi . Lịch sử trên rất nhiều phương diện, học hành, yêu đương, sự ngiệp. 
Ở đó, ngay tại cổng đã thấy anh Phúc bí thư chi đoàn cũ, Nguyễn Đình Anh bạn học cũ cùng lớp 12A đã đứng chờ sẵn. NĐA xách ba lô, anh Phúc khoác vai tôi lên lầu nơi họp mặt. Nguyễn Trung Ngọc đón tôi ngay tại cửa phòng. Những cái ôm xiết chặt không thể chặt hơn. Có ai đó còn cọ cả hàm râu lởm khởm vào má tôi, có ai đó thụi vào hông tôi, có ai đó nắm tay đấm vào vai tôi, có ai đó xoa tay lên  mái tóc bạc của tôi, cái thằng HTS ngày xưa trẻ nhất lớp, ngu ngơ nhất lớp, cái thằng duy nhất trên cả vạn sinh viên trường ĐHSP Vinh khi đó không phải là đoàn viên, khiến chi đoàn lớp 12A K2 phải ra hẳn riêng một nghị quyết là trong năm thứ nhất phải kết nạp cho được hắn vô đoàn!
Bạn bè ơi thương mến đến vô cùng!
Nhớ lại cách đây 37 năm, Nguyễn Đinh Anh, anh Phúc và các bạn lớp 12A đã cùng xúm lại, tiễn đưa tôi cùng nhiều bạn khác trong lớp nhập ngũ và ra trận trước cổng làng Lăng Thành.
Thời gian kinh khủng thật. Nó đã biến những chàng trai cô gái 18 đôi mươi trẻ trung xinh xắn năm nao thành những ông nội, bà ngoại nay đang ở ngưỡng cửa của U60. 
Kia rồi, các bạn lớp 12A và 12 B. Có khoảng hai  chục bàn. Tôi lần lượt đi bắt tay từng người. Nghe giới thiệu và nhận mặt lại những người bạn cũ, những khuôn mặt như lạ lại như quen của 37 năm về trước.
Chỉ riêng với bạn Ngọ, bạn Lê Đăng Sơn thì gần đây tôi vẫn có gặp . Lê Văn Ngọ đương kim Giám đốc Sở GD và ĐT Nghệ An, rồi cả anh Phúc, Nguyễn Đình Anh đều trẻ ra nhiều so với tuổi tác. Nhất là NĐA, hình như là trẻ hơn cả hồi đi học. Thế mới lạ chứ.
Đây Lê Khắc Chân Như, bạn cùng quê Đồng Hới. Ngày xưa xinh đẹp, sang trọng đến kiêu sa với hai bím tóc dày tung tăng. Mà đến bây giờ vẫn còn giữ được nhiều nét như vậy.
Đây Mai Nữ Ái Thanh Hà tức Thanh và Hà, cùng quê Thanh Hoá, mà 37 năm về trước da trắng hồng như trứng gà bóc, khiến cả thầy Đoàn Mạnh Tiến dạy ngữ âm học và tất cả đàn ông con trai khác phải ngẩn ngơ.
Đây Hoàng Thị Xuân quê Thanh Hoá, người mủm mĩm, tính tình hiền lành và nụ cười cũng luôn mủm mĩm, người đã khiến tôi, Phong Nam và Nguyễn Trung Ngọc thiệt hại mất ba đôi dép cao su, ba cái mũ cối, một cái bi đông TQ đều mang về từ quân đội trong một chuyến ngủ tại Bờ Hồ Hà Nội. Đó là lần cả ba thằng nhảy tàu đi Thanh Hoá thăm Xuân để nối lại tình xưa, mà do ngủ quên tàu chạy luôn ra Hà Nội. Chuyện này sẽ được miêu tả kĩ hơn trong một bài viết khác. 
Đây Minh vợ anh Phúc với khuôn mặt đầy nữ tính, mái tóc dày đung đưa, dáng người thon thả năm nào vẫn còn giữ được nét xưa.
Chị Võ Hương lớp phó đời sống, nàng Phương quê ở Quỳnh Lưu, mặt tròn hồng như quả táo, người mà nhiều bạn nam trong lớp nhìn thấy chỉ muốn cắn một cái. Mà giờ vẫn như vậy mới chết chứ.
Vân vân và vân vân.
Phía các bạn nam: Tùng quê ở Quỳnh Lưu, trọ cùng nhà với tôi khi sơ tán ở Lăng Thành. Tùng nhắc lại chuyện 4 thằng trọ một nhà thì mất 3 thằng đi bộ đội gồm Hội, Khâm và tôi khiến hắn ở lại buồn muốn chết. Hắn nhớ nhất và hồn nhiên kể lại chuyện tôi thường xuyên lấy trộm khoai lang lát khô của chủ nhà cất trong một cái bồ to cho cả bọn ăn. Thằng Tùng, thằng Khâm nhai rau ráu, bác chủ nhà biết được là có kẻ ăn trộm khoai nhà mình nhưng không hề nói gì. Thế mới lạ chứ.

Chụp ảnh lưu niệm với các bạn khóa 13 K 2; từ trái sang: - Trương Xuân Tiếu (thường gọi là bọ Tiếu, tuy đã là PGS.TS. GV ĐH Vinh nhưng ko biết đi xe máy, đi đâu phải nhờ bà xã làm xe ôm, và ko biết dùng ĐT DĐ, muốn gọi ai hoặc nghe ai gọi phải nhờ mụ vợ bấm  dùm cho nghe);  TS Trần Phương Thảo, GV ĐH Quảng Bình, được ngăn cách với người bên trái bởi một túi quà. Hà Tùng Sơn, người ko có phù hiệu hoa đỏ đeo trên ngực áo như mọi người khác, chẳng biết sao BTC lễ hội ko phát cho mình nhỉ. May mà có cái huy hiệu do một ông nào đó chặn mình lại ở cổng và đeo lên túi ngực cho mình, thật là trân trọng. Nhờ thế cũng ra vẻ một chút. Kim Dung, một trong những người đẹp và khá nổi tiếng của khoá 13, dân Vinh chính hiệu, hiện sống ở Hà Nội; TS Lễ, GV Khoa Văn ĐH Vinh, chuyên gia về Nguyễn Du và Truyện Kiều; Tào, người Mĩ Trạch, hiện sống ở Bình Dương. Cùng quê Bố Trạch với tôi; Và Hương, phu nhân của Trương Bình bạn học cùng lớp cấp 3 Đồng Hới với tôi, từ Đồng Hới ra, là một vị khách rất đặc biệt của Hội trường Vinh và Hội khoa Văn ĐH Vinh. Riêng nhân vật này phải có hẳn một bài mới xứng đáng. Người thì nhìn chắc chắn bề thế vậy chứ dễ dụ khị lắm, hễ Phương Thảo đi chơi hay đi dạy xa ở đâu rủ rê cái là đi theo liền. 


        Với bọ Trương Xuân Tiếu. Cả hai tên dân bọ này có lẽ cùng đẹp trai như nhau. 
Cũng tại hội trường lần này, Lê Khắc Chân Như đã gây cho tôi một bất ngờ khi cho tôi xem lại một số ảnh cũ chụp từ năm 1972 được Chân Như ép nhựa rất kĩ càng và trân trọng. Quí hoá và cảm động biết bao tình bạn được Lê Khắc Chân Như giữ gìn qua 37 năm trời. Đến ngay cả tôi cũng không thể nhớ là mình đã có chụp một tấm ảnh như thế ở trên đời này. Tôi đã đưa cho Nguyễn Trung Ngọc xem và hắn cũng bái phục Chân Như luôn. Ngọc nói Chân Như là một người bạn rất được. Thằng này cực khó tính, hắn mà đã khen ai thì người đó hẳn phải từ được trở lên. Tôi cũng OK như Ngọc.
  

Tấm ảnh này tôi chụp khi vừa nhập ngũ được mấy ngày, vào tháng 9 - 1972, 
khi đang huấn luyện ở Trung đoàn 22A tại Nghĩa Đàn, Nghệ An,  
đeo quân hàm binh nhất 2 sao mượn của ai đó cho oai, vì khi ấy tôi đang là binh nhì 1 sao.  
Phía sau tấm ảnh cỡ 3x4 nhỏ tí xíu này đề: Kỉ niệm Như chiếc ảnh này nhé, 10 -1972. HTS,
 lại có chua thêm ba chữ tên tôi bằng tiếng Trung Quốc (rõ là hơi bị hâm). 
Đến bây giờ khi ngồi gõ nhữn dòng chư này tôi vẫn không thể nhớ ra là đã gặp và tặng Chân
Như trong hoàn cảnh nào.


Nguyễn Phong Nam và Nguyễn Trung Ngọc, chắc là chụp  trước ngày nhập ngũ nên không  
mặc đồ quân phục. Phía sau có mấy chữ  Ng - N chắc là do Chân Như viết.

Tại buổi tiệc chiêu đãi của Khoa Văn, từ trái qua: Nguyễn Hữu Nhia, Nguyễn Trung Ngọc, Kim Dung, 
Trần Anh Hào,  HTS và Phan Thị Nga 


3 nhận xét:

  1. Tư liệu này chắc chuyển từ Yahoo. blog về. Xem lại thấy nhớ trường xưa bạn cũ hu hu ...bao giờ hội lại nhỉ ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng thế, bài này do tiếc tư liệu - những kỉ niệm một thời mà đưa về đây.

      Xóa

Bạn có nhận xét mới