11 tháng 1, 2022

Đọc thơ viếng đồng đội

Chỉ còn 2 ngày nữa là đến ngày TBLS 27/7 của 5 năm về trước, như đã hứa với người đồng đội Lê Quang Phương, tôi một mình tìm đến Nghĩa trang liệt sĩ Trảng Bom để thắp hương viếng Liệt sĩ Hoàng Huy Tụng, người đồng đội cùng đơn vị Sư đoàn 341 của của chúng tôi đã ngã xuống trong chiến dịch Hồ Chí Minh 45 năm trước.

 

Tác giả Hà Tùng Sơn đọc thơ viếng đồng đội ở NTLS Trảng Bom

 

Vào ngày 27 tháng 4 năm 1975, Sư đoàn 341 của Tụng, Phương và tôi được thiếu tướng Hoàng Cầm, Tư lệnh quân đoàn 4 giao nhiệm vụ tiêu diệt chi khu quân sự Trảng Bom. Chỉ huy Sư đoàn 341 lúc bấy giờ là Đại tá Trần Văn Trân (sau ngày giải phóng ông được thăng Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân đoàn 4). Lúc bấy giờ, chốt giữ chi khu Trảng Bom là sư đoàn 18 quân lực VNCH do viên chuẩn tướng Lê Minh Đảo chỉ huy. Sư đoàn 18 này sau khi bị thua trận ở Xuân Lộc sau 7 ngày cầm cự với  Quân đoàn 4 trong đó có F341 của chúng tôi đã chạy về Trảng Bom củng cố lực lượng, nhằm lập ra một cửa tử chốt chặn bước chân quân ta tiến về Sài Gòn. 

Bởi vậy mà trong trận đánh ngày 27 tháng 4 ở Trảng Bom, cả 2 bên ta và địch đều rất biết rõ nhau. Trước đó mấy ngày, máy bay trực thăng của sư đoàn 18 VNCH bay trên những vạt rừng cao su Xuân Lộc bắc loa phóng thanh hết cỡ ra rả kêu gọi đích danh tên sư đoàn tôi: “Các bạn cán binh cộng sản sư đoàn 341 thân mến, các bạn hãy quay súng trở về với chánh nghĩa quốc gia...”. Nằm dưới những cái hố cá nhân nông choèn đào vội được che chắn bởi tán rừng cao su, tôi cứ tự hỏi làm sao mà chúng nó biết rõ sư đoàn mình thế nhỉ. Sư đoàn 341 khi còn huấn luyện ở Quảng Bình còn có tên gọi khác mang tên một dòng sông ở Nghệ Tĩnh, nơi ra đời của sư đoàn, là Đoàn Sông Lam. Nghe rất hiền hòa và thân thuộc. Bây giờ thì quân địch đang chĩa đòn tâm lí chiến vào chúng tôi như thế đấy.

 

Tôi là lính trinh sát sư đoàn nên tuy cũng có cầm súng (một khẩu AK báng gập với đầy ắp 2 băng đạn) nhưng ít khi được trực tiếp bắn nhau với địch. Vào những ngày quân ta đánh vào Xuân Lộc và Long Khánh trong chiến dịch Hồ Chí Minh, tôi đã rợn cả người khi phải đi qua những cánh rừng cao su và chứng kiến hết bãi ba lô này đến bãi ba lô khác được các chiến sĩ bộ binh cất giấu để vào trận trực tiếp chiến đấu với địch đã không có người quay lại thu nhận. Bởi chủ của những chiếc ba lô ấy đã... chết hết rồi. Mỗi ngày ở trận Xuân Lộc có 400 bộ đội ta chết. Trong lúc mùa hè năm 1972 ở Quảng Trị đỏ lửa là vậy mỗi ngày có 100 bộ đội ta chết. Sự ác liệt và hi sinh ở Xuân Lộc tháng Tư năm 1975 gấp 4 lần Quảng Trị năm 1972.

 

9 giờ sáng tôi lên chuyến xe buýt chạy từ bến xe miền Đông ra thẳng Trảng Bom. 11 giờ thì đến nơi. Đi hết 2 tiếng với 60 cây số vì xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa xe cộ nườm nượp.

 

Trảng Bom đây rồi. Tôi xuống xe bồi hồi xúc động đặt những bước chân lên mảnh đất mà 45 năm trước là một bãi chiến trường ác liệt. Tôi vẫn nhớ như in ngày 27 tháng 4 năm 75 ấy. Đúng 5 giờ chiều thì đại bác của quân ta (trung đoàn pháo binh 55 của F341) bắn cấp tập vào căn cứ chi khu quân sự Trảng Bom. Pháo mặt đất của địch cũng ngay lập tức bắn trả lại rất ác liệt. Sau đợt nả đạn của trung đoàn pháo E55 thì các trung đoàn bộ binh E266, E270, E273 của F341 tràn lên tấn công. Khoảng 4 giờ sáng hôm sau, nhóm trinh sát của tôi đi cùng chính ủy sư đoàn đại tá Trần Nguyên Độ lên đài quan sát mặt trận. Trên đường đi tôi vẫn nhớ phải lội qua một con suối rất trong có nhiều đàn cá đang tung tăng bơi lội gọi là Suối Đỉa. Vừa lúc đó thì từ phía Trảng Bom lính tải thương sư đoàn khiêng ra từng dãy cáng thương binh máu me đầm đìa. Đa số lính ta bị dính mảnh pháo và phóng lựu M71 của địch.

 

Sau một đêm chiến đấu, địch bỏ lại chi khu Trảng Bom cho F341 tiếp quản rồi chạy vào Hố Nai lập phòng tuyến mới. Hai bên đều để lại vô vàn xác chết. Trận đó sư đoàn 341 cuả tôi đã có hàng mấy trăm chiến sĩ trở thành liệt sĩ. Xác quân lính VNCH cũng nằm la liệt khắp chiến trường. Mảnh đất mà tôi đang đặt chân lên hôm nay từng thấm đẫm máu của không biết bao nhiêu con dân Việt cả từ hai phía, F341 của ta và F18 của VNCH. Một cái giá quá đắt cho sự kết thúc của một cuộc chiến.

 

Tôi dừng chân xúc động rất lâu trước mái tam quan cổng NTLS Trảng Bom rồi bước vào ngôi nhà nhỏ cuối bờ rào gặp người quản trang xin được tìm sơ đồ mộ chí và viếng người đồng đội năm xưa.

 

Chị quản trang nhiệt tình pha trà mời tôi uống rồi đưa cho tôi một cuốn sổ khổ lớn bìa cứng đã cũ kĩ bên trong là danh sách 696 liệt sĩ. Đập ngay vào mắt tôi không phải là những cái tên liệt sĩ mà là những cột hàng dọc ghi tên đơn vị của liệt sĩ khi hi sinh: Có đến 2/3 số Liệt sĩ chôn cất ở nghĩa trang này là lính của F341. F341, F341... tôi đọc mà rợn cả người, ôi cái tên sư đoàn 341 của tôi. 

 Bao nhiêu giọt nước mắt thân nhân Liệt sĩ đã rơi trên cuốn sổ giản dị này

 Đây rồi. Hoàng Huy Tụng. Số thứ tự 450; sinh năm 1952. Cấp bậc: Chiến sĩ, B1 (trung đội 1), F341; Quê quán: Thanh Hóa; hi sinh ngày 21 tháng 4 năm 1975 (sai mất ngày hi sinh: chỉ có thể là ngày 27 chứ không thể là ngày 21); Đối tượng: B (lính miền Bắc vào Nam chiến đấu gọi là đi B) ; Thời kì: M (chống Mỹ); khu mộ: B; Lô mộ: 1. Tôi đọc rất kĩ, ghi chép và chụp hình xong, chị quản trang hướng dẫn cho tôi tìm đến mộ của Liệt sĩ Tụng nằm ở dãy thứ 2 phía bên phải cổng đi vào. 

Rất nhiều liệt sĩ có tên đơn vị khi hi sinh là F341

Rất dễ xác định. Những ngôi mộ ốp đá hoa cương đen bóng, nằm thẳng tắp như những hàng quân khi duyệt binh.

Mộ Liệt sĩ Hoàng Huy Tụng. Bia mộ rất đẹp. Có lẽ Trảng Bom là một trong những nơi mà NTLS có bia mộ sang trọng và đẹp nhất nước

 

Tôi run run thắp bó hương to, lửa cháy phần phật giữa trưa nắng miền Đông. Sau khi khấn vái trước mộ và vong linh Hoàng Huy Tụng, tôi chia đôi bó hương to, một nửa cặm lên bát nhang mộ Tụng, nửa còn lại thắp đều cho hàng mấy chục ngôi mộ Lịệt sỹ khác là hàng xóm láng giềng trong cùng tổ dân phố với Tụng. Các bạn ơi, hãy ngàn đời yên nghỉ nhé. Cầu mong cho vong linh Tụng và các bạn được siêu thoát.                            

 Tiếp đó, theo ý nguyện của Lê Quang Phương, tôi lấy bài thơ Quê anh ở làng Dừa của Phương viết tặng Tụng ra đọc cho Tụng nghe. Lần đầu tiên trong đời, tôi, một thầy giáo dạy văn hơn 35 năm đã từng hàng ngàn lần đọc thơ trước những lớp học có hàng trăm sinh viên, đã nghẹn ngào không đọc nổi một bài thơ khóc bạn của Phương. Có đoạn tôi phải đọc như đang khấn thầm với Tụng:

Năm xưa chiến đấu sa trường

 

Tôi cùng anh nhớ quê hương nhớ nhà

 

Đạn bom mình đã vượt qua

 

Mấy lần thắng trận...

 

                            thế mà riêng anh!

 

Ba ngày nữa hết chiến tranh

 

Miền Nam giải phóng...

 

                             nhưng anh không về.


Đọc xong, tôi bật lửa đốt cháy bài thơ trước mộ Tụng với hi vọng ở dưới đó Tụng sẽ đọc lại một cách đầy đủ và hiểu được nỗi lòng của những người đồng đội đang sống với Tụng.

 Đã 12 giờ trưa. Chính ngọ. Tôi bái biệt Tụng và 696 đồng đội năm xưa tại NTLS Trảng Bom để về lại Sài Gòn. 45 năm trước, sư đoàn 341 của tôi sau khi tiêu diệt xong chi khu quân sự Trảng Bom vào ngày 27 tháng 4, phải mất thêm 3 ngày nữa để đến trưa ngày 30 tháng Tư mới đặt chân vào được Sài Gòn. Nay thì chỉ mất 2 tiếng đồng hồ. 

Hoàng Huy Tụng ơi, hãy an giấc ngàn thu. 

 P/S: Hình ảnh trong bài do một anh xe ôm chờ khách ở cổng Nghĩa trang LS  Trảng Bom. Tôi đưa ipad nhờ anh chụp giùm.

HTS

  



1 nhận xét:

Bạn có nhận xét mới