Bài trên VHSG
VHSG- Ngô Phan Lưu là một nhà văn nhưng ông sống giữa
làng quê như một lão nông chính hiệu. Năm nay ông đã ở lứa tuổi bát thập nhưng
vẫn hàng ngày tay bút tay cuốc cần cù làm ruộng ở Phú Yên quê ông. Và cũng vì
thế mà Ngô Phan Lưu có biệt danh là lão nông nhà văn. Ban ngày làm vườn, ban
đêm ông miệt mài sáng tác khá sung sức với hai thể loại văn học là truyện ngắn
và tản văn. Những truyện ngắn sẫm mùi thơm đồng ruộng của Ngô Phan Lưu được bạn
đọc gần xa đón nhận và nhanh chóng nổi tiếng. Năm 2007, ông đoạt giải nhất cuộc
thi truyện ngắn báo Văn nghệ. Năm 2008, tập truyện Cơm chiều của
Ngô Phan Lưu được NXB Phụ nữ ấn hành, và năm 2009 tập truyện ngắn và tản
văn Xoa tay và cười của lão nông nhà văn này đã được ấn hành
bởi NXB Văn học.
Nhà văn Ngô Phan Lưu
Xoa tay và cười gồm 14 truyện ngắn và 25 bài tản văn. Tất cả đều
mang đậm dấu ấn cuộc đời nơi thôn dã của Ngô Phan Lưu. Nghĩa là tất cả đều lấy
đề tài từ nông thôn Phú Yên thuộc vùng Trung Trung bộ quê ông. Mỗi câu chuyện,
mỗi bài tản văn trong sách này đều nói về con người và quê hương ông với những
bùn đất rơm rạ. Như vậy cũng có thể thấy, mỗi ngày, Ngô Phan Lưu vừa cày cấy
trên cánh đồng làng theo đúng nghĩa đen của nó, đồng thời ông cũng tích cực cày
cấy trên cánh đồng văn chương. Chuyện nào có cốt truyện thì ông cho ra truyện
ngắn, còn lại thì ông cho ra tản văn để chia sẻ tâm trạng với mọi người. Và cứ
thế, hai thể loại văn học truyện ngắn và tạp văn của Ngô Phan Lưu bổ sung cho
nhau, làm hoàn thiện thêm bức tranh nông thôn với với những làng quê và con người
thân thương mà ông tiếp xúc hàng ngày.
Năm 2009 tập truyện ngắn và tản văn Xoa tay và cười của lão nông nhà văn này đã được ấn hành bởi NXB Văn học.
Tuy nhiên, những con người trong Xoa tay và
cười của Ngô Phan Lưu cũng thật là đặc biệt, đặc biệt như bản tính
người nông dân Phú Yên vậy. Chẳng hạn trong truyện ngắn Vọng cố nhân
này, Ngô Phan Lưu kể về một lão nông đã 89 tuổi nhưng rất ưa triết lí
và thích tắm truồng ở giữa sân ngay giữa thanh thiên bạch nhật. Cụ tắm tồng
ngồng như người tiền sử. Tắm xong, cụ đi vào nhà, lấy khăn lông lau mình mẩy
cho khô ráo, rồi thư thả mặc quần áo ngay tại phòng khách. Tính khí cụ vậy nên
mỗi lần nghe cụ hô: Tao đi tắm đây là đám con dâu, con gái con trai và cháu
chắt, kể cả con chó Ki của cụ tất cả đều nhanh chóng di tản sang nhà hàng xóm.
Cụ giải thích về cách tắm ấy như sau: Cơ thể con người ta là vốn quí và rất tốt
nên phải lấy quần áo mà che lại. Đó cũng là biểu hiện của đức khiêm tốn. Nhưng
khiêm tốn mãi thì con người sẽ hèn yếu đi. Cho nên lâu lâu phải cũng phải tự
hào mà cho nó ra với ánh sáng mặt trời.
Ở
truyện ngắn mà Ngô Phan Lưu đã lấy đặt tên chung cho cuốn sách Xoa
tay và cười, Ngô Phan Lưu đã cho bạn đọc thấy cái chất nông dân đặc
sệt của ông qua bối cảnh làng quê và con người sống dưới mỗi bóng tre rặng dừa.
Ở những nhân vật nông dân của ông luôn có cả hai mặt tốt và xấu. Sống hiền
lành, lương thiện nhưng thường tham lam và đố kị, đôi chỗ còn ranh mãnh. Với
họ, mọi chuyện dù quan trọng đến đâu cũng trở nên đơn giản. Tuy nhiên, cũng có
lúc, những chuyện rất đơn giản lại được xem là rất quan trọng. Đọc Xoa
tay và cười bạn sẽ bắt gặp những thắng cảnh nổi tiếng của
vùng đất Phú Yên như Gành Đá Đĩa. Ai chưa biết Gành Đá dĩa thì đọc Xoa
tay và cười rồi sẽ biết, nhất là khi tác giả lão nông tri điền
này còn lồng vào thắng cảnh đó những câu chuyện tình yêu trai gái nhuốm màu
liêu trai để tô vẽ thêm cho cảnh đẹp quê mình.
Đọc hết Xoa tay và cười của
NPL, bạn sẽ thấy trong truyện ngắn cũng như trong tản văn của ông ken dày những
con người. Đủ các loại người, già trẻ, trai gái, lớn bé. Nhưng họ có một điểm
chung đều là nhưng con người lương thiện và sống trong lương thiện. Ngay cả khi
họ có làm điều gì xấu, nghĩ đến cái xấu thì đó cũng không phải là bản chất của
họ. Hầu như trong truyện của Ngô Phan Lưu ít có sự hư cấu. Những điều ông
thấy, những con người mà ông gặp trên đường làng, đã được ông sắp xếp, kể lại
trong truyện của mình một cách rất hồn nhiên và có lí.
Chính Ngô Phan Lưu đã nói trong tản văn Chỉ
là đôi điều: “Làm văn chương như lao vào con đường có quá
nhiều khổ nhọc. Dấn thân vào con đường gian truân này, tôi ít quan tâm chim
kêu, hoa nở, gió mát, trăng thanh… Tôi dành nhiều chú tâm vào con người, đặc
biệt tâm tính con người. Việc này tôi không quan tâm không được bởi tôi là đồng
loại”.
Có thể xem đó như là quan điểm sáng tạo nghệ thuật của Ngô Phan
Lưu. Hiện thực đời sống sinh động qua ngòi bút dung dị của Ngô Phan Lưu, tất cả
các sự vật và hiện tượng đều được đặt đúng vị trí của nó. Và cũng từ đó mà nhà
văn đưa ra triết lí nhân sinh của mình về cuộc sống khi ông cho rằng: “Cõi đời
có bốn loại người hẳn hoi. Loại nói thật suốt. Loại nói láo suốt. Loại lúc thật
lúc láo. Loại cần thật thì thật cần láo thì láo. Nhưng nay có loại người mới,
đó là loại không bao giờ láo vì họ không bao giờ thật… Loại này chúng ta không
thể thương, không thể ghét. Loại này là người máy, là loại người vô cảm”.
Một đúc kết rất mới và rất thâm thúy mang tên Ngô Phan Lưu.
Khi nêu ra hiện trạng ấy cũng là khi Ngô Phan Lưu nêu lên mối âu
lo đầy lương thiện: Chúng ta sẽ phải đối xử ra sao với loại người vô cảm trong
cuộc sống. Cũng vì thế mà truyện ngắn và tản văn của Ngô Phan Lưu bao giờ cũng
có cái kết để mở dành cho độc giả suy ngẫm và nối tiếp vào mạch nguồn sáng tạo
của ông.
hay quá
Trả lờiXóa