24 tháng 1, 2022

NGƯỜI LÍNH SINH VIÊN MÃI MÃI TUỔI HAI MƯƠI

 Trên đặc san LINH KHI QUỐC GIA số Xuân Nhâm Dần

LKQG - Một sáng tháng 4 năm 2015, tròn 40 năm sau ngày đất nước thống nhất, một nhóm những người bạn lính sinh viên chúng tôi tìm đường về Hậu Lộc, Thanh Hóa thăm nhà người bạn, người đồng đội, liệt sĩ Đỗ Xuân Ngôn. Bố mẹ Ngôn đã qua đời hết, ngôi nhà của bạn giờ cũ kĩ gần như mốc meo nằm lọt giữa một vườn chuối rộng um tùm do một người cháu trông nom, nhìn rất thương cảm. Đây là nơi mà trước ngày gác bút nghiên lên đường nhập ngũ, Đỗ Xuân Ngôn đã tranh thủ từ Nghệ An về thăm, chào từ biệt bố mẹ, ngủ lại đúng một đêm rồi trở lại trường để nhập vào đoàn quân đi giải phóng miền Nam. Đó là lần về thăm quê cuối cùng của Ngôn trong cuộc đời mãi mãi tuổi 20 của anh.

Đỗ Xuân Ngôn cùng học khóa 12 khoa Ngữ văn Trường ĐHSP Vinh với tôi. Ngày 10 – 9 năm 1972 khi học xong năm thứ nhất thì chúng tôi cùng với 180 sinh viên và giảng viên trẻ của trường lên đường nhập ngũ. Sau một thời gian 3 tháng huấn luyện ở miền Tây huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An, 60 lính sinh viên chúng tôi được tuyển chọn cho đơn vị trinh sát C20 Sư đoàn 341. Hành quân bộ vào Lệ Thủy, Quảng Bình huấn luyện nghiệp vụ trinh sát xong, vào một đêm đông giá rét tối mùng 2 Tết Nguyên đán năm 1974, toàn sư đoàn chúng tôi hành quân vào Nam đánh giặc tại chiến trường Miền Đông Nam Bộ. Vào đến chiến trường, Ngôn là người khỏe mạnh, to cao như cầu thủ bóng đá nên bạn được phân công giữ một khẩu trung liên RPD với nhiều băng đạn vàng chóe cả súng lẫn đạn nặng hơn chục kg.



Sư đoàn 341 của chúng tôi khi đó nằm trong đội hình Quân đoàn 4 là một sư đoàn bộ binh chủ lực của quân đội được giao nhiệm vụ tham gia chiến đấu trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đánh trận Xuân Lộc nổi tiếng. Từ Xuân Lộc chúng tôi tiến vào giải phóng các căn cứ quân sự ở Trảng Bom, Hố Nai, sân bay Biên Hòa và tiến vào giải phóng Sài Gòn vào đúng ngày 30 – 4 -1975. Trong những trận chiến đấu ác liệt cuối cùng nhằm kết thúc cuộc chiến ấy, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ của chúng ta đã hi sinh ở chiến trường, nhiều người đã nằm lại ở cửa ngõ Sài Gòn. Trong đó có người bạn lính sinh viên của tôi, Đỗ Xuân Ngôn. Anh đã hi sinh anh dũng trong trận đánh vào Chi khu quân sự Trảng Bom sau khi sư đoàn đã giải phóng Xuân Lộc. Nhiều đồng đội đã chứng kiến Ngôn ngã xuống sau khi anh đã bắn đến viên đạn cuối cùng của khẩu trung liên RPD rất lợi hại. Chính từ khẩu RPD biết cách khạc đạn nhịp 2, nhịp 3 của Ngôn mà quân địch đã tập trung hỏa lực để tiêu diệt anh. Và Ngôn đã nằm xuống trên đất Trảng Bom vào ngày 24 – 4 - 1975, cái ngày chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, chấm dứt cuộc chiến tranh chống Mĩ cứu nước. Chỉ còn những bước chân cuối cùng, chỉ một chặng đườn ngắn cách Sài Gòn 60 km là chúng tôi có mặt ở Dinh Độc Lập, nơi sào huyệt cuối cùng của quân địch. Thế mà Ngôn đã mãi mãi ở lại với đất Đồng Nai.

Di ảnh Liệt sĩ Đỗ Xuân Ngôn

Sau ngày giải phóng, cuối năm 1975, những người lính sinh viên chúng tôi còn sống sót được trở lại trường tiếp tục học tập nhưng niềm vui không trọn vẹn vì hàng chục bạn học cùng nhau lên đường ngày ấy, trong đó có Đỗ Xuân Ngôn, sinh viên lớp 12B khoa Văn, đã không cùng trở về. Họ đã thành Liệt sĩ. Viết đến đây tôi chợt nhớ câu thơ mà ý tứ như một cặp câu đối chỉnh thể của nhà thơ mặc áo lính Trần Thế Tuyển khi nói về những anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh vì độc lập tự do của đất nước, Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/ Hồn bay lên hóa linh khi Quốc gia.

Đồng đội viếng mộ Đỗ Xuân Ngôn ở NTLS Trảng Bom


Mộ Đỗ Xuân Ngôn hiện nằm trong NTLS Trảng Bom cùng với gần 700 ngôi mộ liệt sĩ của Sư đoàn 341. Đó là một trong những NTLS đẹp nhất nước nằm ngay trên con đường quốc lộ số 1. Tôi và bạn bè đồng đội của Ngôn đã nhiều lần đến NTLS Trảng Bom thắp hương viếng người bạn học, người đồng đội thân yêu của mình.



Ngày nay, tại Trường Đại học Vinh có một đài tưởng niệm đặt trong một căn phòng rộng trên lầu cao nằm giữa trung tâm trường gọi là Đài sen tưởng niệm những cán bộ, sinh viên của trường đã hi sinh trong cuộc chiến tranh chống Mĩ cứu nước. Ở đó có di ảnh của Đỗ Xuân Ngôn. Nhà trường, bạn bè, thầy cô vẫn hương khói quanh năm cho những người đã mất. Nửa thế kỉ kể từ ngày đất nước thống nhất đã đi qua và những người bạn, người đồng đội như Đỗ Xuân Ngôn vẫn sống mãi. Vẫn hiển hiện đâu đây hình bóng Đỗ Xuân Ngôn, người lính sinh viên mãi mãi tuổi hai mươi.

 

1 nhận xét:

Bạn có nhận xét mới