(Đọc Truyện ngắn nữ đầu thế kỉ 21; Nhiều tác giả, NXB Văn học, 200)
Trên VHSG
VHSG- Nền văn học đương đại nước ta đang nổi bật
lên một hiện tượng là có rất nhiều những cây bút nữ văn xuôi. Tác phẩm của các
nhà văn nữ đang ngày càng chiếm ưu thế trên văn đàn, tạo nên một trào lưu sáng
tác rất hiện đại và mới mẻ, đến mức sự xuất hiện của họ đang làm mờ nhạt hẳn sự
có mặt của các nhà văn nam. Những cái tên như Lê Minh Khuê, Trần Thùy Mai,
Nguyễn Mỹ Nữ, Nguyễn Ngọc Tư, Di Li, Phong Điệp… đang ngày càng trở nên quen
thuộc với độc giả cả nước.
Để làm rõ hơn thế đứng của các nhà văn nữ tiêu biểu,
vào năm 2007, nhà văn Sương Nguyệt Minh đã tuyển chọn những tác phẩm tiêu biểu
của họ và in thành tuyển tập Truyện ngắn nữ đầu thế kỉ 21, giai
đoạn từ 2001 đến 2007.
Có mặt trong tuyển tập truyện ngắn nữ này là 29 tác
giả với 29 truyện ngắn tiêu biểu của họ, là những tuyển chọn ban đầu trong số
hàng ngàn tác phẩm của hàng trăm cây bút nữ viết truyện ngắn hiện nay. Cảm nhận
ban đầu là những truyện ngắn được in trong tuyển tập có chất lượng khá đều tay.
Điều đó cắt nghĩa cho thực tế đã nói ở trên là vì sao trong khoảng vài chục năm
trở lại đây, lực lượng các nhà văn nữ lại đồng loạt cất tiếng, thể hiện tài
năng và cách nhìn của mình trước hiện thực đời sống xã hội.
Mỗi truyện ngắn trong tuyển tập là một cảnh đời, một
số phận; chí ít là một tâm trạng, một nỗi niềm mà các tác giả đã xem như là một
thông điệp cuộc sống mà họ muốn gửi đến bạn đọc.
Từ những truyện ngắn trong sách này, bạn sẽ tìm thấy
những tiếng nói đầy cá tính trong sáng tạo nghệ thuật của các tác giả nữ. Đó là
những xung đột, va đập của con người trong một xã hội mà nền kinh tế thị trường
đang thống lĩnh. Truyện ngắn Hoàng hôn của cha của
Vũ Minh Nguyệt là một phát hiện về những miền kí ức sâu kín của những người
sống quanh ta, từ những người xa lạ đến những người thân yêu, ruột thịt. Có lúc
ta đã tưởng như hiểu hết về họ với những điều tốt xấu hiện ra hàng ngày. Nhưng
phải đến phút chót, khi đã vĩnh biệt họ rồi, ta mới thấy hết được bản chất tốt
đẹp và tấm lòng vị tha của họ. Chính điều đó làm nên những giằng xé trong nội
tâm nhân vật.
Với những giọng văn rất nữ tính, Truyện ngắn
nữ đầu thế kỉ 21 lôi cuốn bạn đọc bởi những câu chuyện rất đời
thường, không đao to búa lớn, không triết lí cao siêu. Mà đó là những lẽ thị
phi ở đời với bao điều được và mất, ngọt bùi và cay đắng, hạnh phúc và đau khổ.
Mỗi câu chuyện, mỗi tác giả trong tuyển tập là một giọng điệu, một cách nhìn,
một cách lí giải hiện thực khác nhau. Nhưng họ có cùng một điểm chung là truyện
nào cũng kết thúc có hậu. Nó làm sáng lên niềm tin của con người vào cuộc sống.
Đó chính là cái bản tính nhân hậu của người phụ nữ Việt Nam trong cuộc sống nói
chung và trong sáng tạo văn học nói riêng.
Truyện ngắn
nữ đầu thế kỉ 21, nhiều tác giả; NXB Văn học, 2007
Mặc dù chưa phải là tiêu biểu nhưng những tác phẩm có
mặt trong tuyển tập này cũng đã phần nào nói lên một phần diện mạo của văn học
nước nhà 7 năm đầu thế kỉ 21. Ở truyện Hàng xóm của cây bút nữ
đất Bình Định Nguyễn Mỹ Nữ, hai nhân vật chính là chàng trai tên Đông và cô gái
tên Phong đã ứng xử với nhau thân tình, cao thượng như một đôi bạn thân từng
thầm thương trộm nhớ nhau nhưng luôn biết cách gìn giữ hạnh phúc gia đình cho
nhau, để cuối cùng, dù đã già, dù có xa cách nhau thì vẫn luôn trân trọng và nhớ
về nhau như những người tri âm, tri kỉ. Trong câu chuyện ấm áp tình người này,
chính phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ tên Phong đã tác động mạnh mẽ đến nhân
vật Phong, làm cho anh cũng trở nên tốt đẹp hơn. Truyện ngắn có cốt truyện đơn
giản nhưng ý nghĩa thì sâu xa. Nó mang lại cho bạn đọc một cái nhìn sáng tươi
về cuộc sống.
Từ những truyện ngắn trong tuyển tập này, bạn đọc
không chỉ thấy được tài năng của các nhà văn nữ Việt Nam, mà qua đó, còn thấy
được sự lao động nghệ thuật vất vả của họ. Bởi từ xưa tới nay, cánh đồng văn
chương chưa bao giờ là nơi dễ dàng cày cấy và gặt hái. Lao động nhà văn bao giờ
cũng khổ ải, nhọc nhằn và nghiêm túc. Hơn thế, đó còn là một quá trình lao động
trong cô đơn, không dễ gì tìm ra người cùng sẻ chia gánh nặng. Với các nhà văn
nữ, sự cô đơn lại càng nổi trội bởi lối sống thiên về nội tâm luôn là bạn đồng
hành của họ.
Đọc Truyện ngắn nữ đầu thế kỉ 21, bạn cũng
sẽ thấy được phần nào diện mạo văn chương đương đại Việt Nam với những trăn
trở, băn khoăn của giới cầm bút nữ trước thực tại. Nó cũng nói lên rằng con
đường văn chương luôn rộng mở với tất cả mọi người. Ai cũng có thể cất bước dạo
đi để mong có một sự nghiệp. Nhưng cũng trên con đường đó, mọi người cũng có
thể rời bỏ nó một cách dễ dàng. Đó chính là sự lụi tắt của một năng lực bị hạn
chế trong một sân chơi không hề dễ. Sự có mặt của 29 cây bút nữ trong tuyển tập
này đã phần nào nói lên điều đó. Trong số họ, có nhiều người sẽ đi trọn con
đường văn chương, cũng có người bỏ dở cuộc chơi như một sự nửa đường đứt gánh.
Nhưng dù ở trong trạng thái nào đi nữa thì sự có mặt
của 29 truyện ngắn trong tuyển tập này, dù mới chỉ là thông qua ý chí của một
người tuyển chọn, vẫn là những truyện ngắn rất đáng để bạn đọc với tất cả sự
trân trọng và hứa hẹn nhiều hấp dẫn.
HTS
Link XB: https://vanhocsaigon.com/nhung-cay-but-nu-xuat-sac-dau-the-ki-21/
rất tuyệt
Trả lờiXóa