Ở Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng, Campuchia là một điểm du lịch nước ngoài được xem là 5 nhất: gần nhất, thuận tiện nhất, nhanh nhất, rẻ nhất và tuyệt vời nhất.
Từ
ngày 26-2 đến ngày 1-3 năm 2018, năm trước đại dịch covid-19 xảy ra, vợ chồng tôi cùng hai đồng nghiệp công tác tại Trường Đại học Văn Hiến là Trần
Viết Thắng và Ngô Văn Đạo đã mua mua tour của một cty du lịch và tham gia chuyến du lịch Campuchia 4 ngày 3
đêm.
Chuyến
đi là một trải nghiệm tuyệt vời. Sau chuyến đi tôi đã viết bài kể về hành trình
trên với nhan đề Campuchia du ký. Gồm 5 phần.
Phần
1: Từ Bavet đến Siem Riap
Phần
2: Phnom Penh
Phần
3: Hoàng cung
Phần
4: Campuchia – Vương quốc của những điều kì thú
Phần 5 : Những câu chuyện về Thủ tướng Hun Sen
Chương 1. TỪ BAVET ĐẾN SIEM REAP
5h sáng mùng 8 Tết tức
ngày 26 tháng 2 tây, tôi cùng bà xã ra đường Cộng Hòa chỗ nhà
Nhà hát quân đội để nhập đoàn đi du lịch Cambodia. Dự án cho chuyến du lịch kéo
dài 4 ngày theo tour này đã được tôi và hai đồng nghiệp là anh Hai Thắng với
Ngô Văn Đạo lên kế hoạch và đăng kí với Cty Du lịch
X từ cả vài tháng trước
Tết. Vậy là căn cho đúng ngày kết thúc đợt nghỉ Tết mấy anh em tôi lên đường
đến tới xứ sở của đất nước
Chùa Tháp.
Đoàn đi tour này gồm 2
xe loại 50 chỗ ngồi nhưng trên đường đi, có hàng chục xe như thế chạy gần như
nối đuôi nhau trên cùng một hành trình. Cứ như là dân Việt ta đang làm một cuộc
giải phóng Phnom Penh lần thứ 2 vậy, một cuộc giải phóng không có tiếng súng mà
chỉ có vui chơi và đốt tiền mua sắm để góp phần làm giàu cho nước bạn.
6h lên xe. Gần 8h đến cửa khẩu quốc tế Mộc Bài sau khi ghé Trảng
Bàng, Tây Ninh làm chầu đặc sản bánh canh nổi tiếng. Phía bên kia đã là nước
bạn với cửa khẩu Quốc tế Bavet thuộc tỉnh Svay Rieng. Qua khỏi đồn biên phòng
cửa khẩu, đập vào mắt tôi là cột mốc biên cương số 171. Tôi và mọi người xúc động
dừng lại bấm những kiểu ảnh đầu tiên của chuyến du hành. Không biết mọi người
thì sao chứ với riêng tôi, lúc nào tôi cũng bồi hồi xúc động mỗi khi được đặt
chân đến những đường biên giới giữa hai nước và đứng lặng nhìn những cột mốc
biên cương Tổ quốc.
Mỗi ngày có hàng vạn du khách từ khắp nơi trên thế giới đổ về khu đền Angkor Thom, Angkor Wat ở Siem Reap để chiêm ngưỡng một nền văn minh cổ đại.
Ở ngay cửa khẩu phía CPC đã mọc lên hàng chục sòng bạc uy nghi tráng lệ do các ông chủ casino CPC dựng lên để hút tiền của giới mê đỏ đen người Việt. Có tất cả 13 casino như vậy. Cái nào cũng uy nghi hơn cả trụ sở quốc hội, tráng lệ như cung điện. Theo lời chú hướng dẫn viên của Cty Du lịch CPC tên là Chan Sang thì với hàng chục sòng bạc này đã giải quyết công ăn việc làm ổn định cho hàng chục ngàn lao động CPC ngay tại khu vực biên giới với Việt Nam, một vùng đất trước đây gần như là hoang hóa.Làm cho bộ mặt vùng biên giới CPC-VN thay đổi hẳn. Ai dám bảo người CPC lạc hậu trong lúc chỉ nửa bước chân bên kia biên giới chính phủ và quốc hội VN vẫn đang bàn tính có nên mở sòng bạc để kinh doanh và để cho người dân Việt được vào đó đánh bạc còn nhà nước thì thu được những khoản thuế kếch xù! Có rất nhiều điều to lớn mà Vệt Nam phải còn lâu lắm mới theo kịp quốc gia láng giềng này.
Rời Bavet, xe chúng tôi chạy băng qua đất
của 5 tỉnh CPC để đến Siem Reap. Qua cửa kính xe là những cánh đồng xác xơ
của một nền nông nghiệp lạc hậu và thiếu nước nên bị khô hạn trầm trọng. Ở CPC
ruộng đồng chỉ canh tác một năm một vụ vào mùa mưa còn mùa khô thì bỏ cho hoang
hóa. Qua cửa kính xe là lướt qua những ngôi nhà sàn truyền thống của người dân
CPC, một cuộc sống yên bình và lặng lẽ.
Từ Sài Gòn đến Siem Reap dài 500km, xe chạy mất 12 tiếng kể cả dừng chân mấy lần để ăn nghỉ dọc đường. Con đường quốc lộ chạy dọc theo sông Me Kong đang được nâng cấp mở rộng bởi những dự án ODA do chính phủ Trung Quốc cho vay tiền và cử hàng vạn lao động từ TQ sang thực hiện. Người của Trung cộng đang tràn ngập lãnh thổ CPC qua rất nhiều những dự án kinh tế lớn như thế. Có lẽ chưa ở đâu người Trung Quốc trở thành ân nhân của dân bản địa như ở CPC. Thế mới biết sức mạnh của đồng tiền. Anh cứ nói tốt nói đẹp cho lắm vào nhưng anh không có tiền để chi cho người ta thì anh cũng chỉ là bạn bè nơi đầu môi chót lưỡi mà thôi.
18h đến thành phố Siem Reap cũng là thủ phủ
của tỉnh Siem Reap, nhận phòng ngủ ở một resort 4 sao có tên
Myhibiscus nằm trên con phố Ta Neuy. Hibiscus là tên gọi khoa
học của loài hoa dâm bụt quen thuộc. Trong lúc người Campchia lấy loài hoa
rumdun (Việt Nam gọi là hoa dủ dẻ) làm quốc hoa thì khách sạn này lại lấy hoa
râm bụt - hibiscus là quốc hoa Malaysia làm biểu tượng cho khách sạn của mình.
Vì thế mà tôi nghĩ chủ của khách sạn này là người Malaysia.
Địa danh Siem Reap có một ý nghĩa mà người
Thái Lan rất ghét (cũng vì thế mà người Thái Lan rất ít du lịch và làm ăn đến
CPC). Siem có nghĩa là người Xiêm, chỉ nước Xiêm (tên gọi khác
của Thái Lan); Reap có nghĩa là thất bại. Siem Reap
là người Xiêm bị đánh bại. Ý nhắc đến chiến thắng của vương triều
Khme trước đội quân Thái Lan xâm lược ở thế kỉ 17. Nhân đây cũng nói luôn là với người CPC, nếu họ xem
Trung Quốc là ân nhân thì Thái Lan từ xưa đến nay là kẻ thù truyền kiếp của họ.
Chúng tôi sẽ dừng chân ngủ ở đây 2 đêm để khám phá đền đài, thành quách của cố
đô Siem Reap.
Dân nghiên cứu về lịch sử thế giới vẫn nói: Muốn hiểu về đất nước CPC hãy đến Siem Reap. Đó là cố đô của nhiều vương triều Khmer kể từ thế kỉ XIII trở về trước.
Có
đến Siem Reap, được đặt chân lên những đền đài bằng đá còn gần như nguyên vẹn
của Angkor Thom, Angkor Wat - biểu tượng của đất nước CPC, một trong
7 kì quan thế giới (kì quan thực sự chứ không phải là kì quan dỏm như Vịnh Hạ
Long của VN), bạn mới có quyền ngẩng cao đầu mà nói rằng: Thế là tôi đã đến
được đất nước Campuchia.
Trước tôi có lẽ đã có triệu triệu du khách đặt chân đến khu đền thiêng liêng và vĩ đại này. Nhưng với tôi, mỗi bước chân dè dặt đặt lên những phiến đá xanh của chính điện Angkor Wat là cả một sự xúc động dữ dội. Sau khi đi qua tầng 1 có tên gọi Địa ngục, tầng 2 có tên gọi Trần gian, tôi đã trèo lên hết tầng 3, tầng cao nhất gọi là Thiên đàng với những bậc thang dốc dựng đứng 45 độ, khiến người trèo sau chỉ thấy gót giày của người trèo trước. Nơi được xem là chỗ ở của các đấng thần linh này cao đến 65 mét.
Đặt chân được lên đến đỉnh của Thiên Đàng,
coi như bạn đã chinh phục được độ cao vĩ đại của đền Anggor Wat. Lúc lên tôi
chỉ thấy mệt chứ không sợ lắm. Phải đến khi lần tay vịn rón rén theo từng bậc
thang để đi xuống tôi mới thấy lo sợ. Ấy vậy mà từ trước đến nay, dù đã có hàng
triệu triệu người trèo lên bước xuống nhưng chưa hề có một tai nạn trượt ngã nào
xảy ra. Có lẽ là ai đặt chân đến đây cũng đều được các đấng thần linh phù hộ.
Điều khiến tôi khâm phục là trình độ phục vụ khoa học và cực kì chuyện nghiệp của ban quản lí kì quan thế giới vĩ đại này. Vé tham quan trọn gói là 20 USD (Ở CPC người ta xài tiền đola Mĩ phổ biến và dễ dàng như người Việt ta xài tiền Việt). Bạn sắp hàng, đến cổng mua vé đưa tiền, dừng lại chưa đầy 1 phút, bước ra đã có một tấm thẻ với dây đeo như thẻ chức danh công tác có hình bạn in ở góc bên phải. Đeo tấm thẻ này là bạn có quyền đi tham quan trọn gói cả khu Angkor Thom và Angkor Wat. Mỗi ngày có hàng vạn người từ khắp nơi trên thế giới đổ về đây, chi tiền tươi thóc thật cho người CPC đương đại để tham quan sự vĩ đại của người CPC cổ đại.
Điều khiến tôi cảm
động là dù giá vé tham quan cao như vậy (20 đô Mĩ = 400.000 đồng tiền Việt
= 8.000 đồng riel của CPC) nhưng Chính phủ CPC qui định tất cả con
dân của CPC dù là ở trong nước hay từ nước ngoài trở về đều được miễn phí toàn
bộ vé vào cửa tham quan. Họ lập luận rằng, Angkor Thom, Angkor
Wat là của cải do cha ông người CPC làm ra, vậy thì hãy để cho các
thế hệ cháu con của người CPC được thụ hưởng. Bắt cháu con mua vé để tham quan
di sản của cha ông họ là điều phi lí.
Đó quả là một tư tưởng
vì dân rất vĩ đại mà vô cùng giản dị của những người lãnh đạo đất nước Chùa
Tháp ngày nay, dù đất nước này còn rất nghèo.
Cũng vì thế mà ở Siem
Reap, có hai bệnh viện lớn một cho phụ nữ và một cho trẻ em thì cả hai bệnh
viện đều thực hiện chính sách miễn viện phí toàn bộ cho hai đối tượng phụ nữ và
trẻ em.
Các nhà lãnh đạo của
chính quyền Siem Reap có trách nhiệm đi vận động và xin tài trợ của các cá nhân
và tổ chức giàu có trong nước và quốc tế để duy trì sự hoạt động cho hai bệnh
viện này.
Họ, những nhà lãnh đạo đương thời của CPC, dù nghèo vẫn rất thương dân mình còn nghèo khổ vì thế mà không tìm đủ mọi cách moi tiền túi của dân qua các chính sách thuế khóa và phí cũng như lệ phí. Tôi sẽ dành cho chuyện này một chương riêng khi nói về luật giao thông và thuế ô tô nhập khẩu gần như bằng không ở CPC....
thú vị đấy
Trả lờiXóa