Trên TC Văn học Sài Gòn
Đọc hết Bức tranh vân cẩu, ta thấy phần lớn các truyện ngắn của Chử Anh Đào là nhằm phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội, nhất là với con người đang có nhiều chiều hướng sống phức tạp của cái thời buổi cơ chế thị trường bị bóp méo theo một cái định hướng mù mờ dở dơi dở chuột không giống ai kiểu như một cô gái vừa muốn đẻ được đứa con cho tròn chức phận phụ nữ nhưng lại vừa muốn giữ được trinh tiết…
Nhà giáo, nhà văn Chử Anh Đào (Đã qua đời ngày 11/8/2021)
Đã vài chục năm nay, Chử Anh Đào ngày càng là một cây
bút được khẳng định ở Tây Nguyên và cả nước. Hình như càng dấn thân với vùng
đất cao nguyên anh càng sống khỏe và viết cũng khỏe hơn. Năm 2011, tập truyện
ngắn Bức tranh vân cẩu của Chử Anh Đào được NXB Hội Nhà văn ấn
hành, đây là cuốn sách thứ 6 của anh.
Là giảng viên văn học lâu năm lại thông thuộc chữ Hán
thâm nho, Chử Anh Đào có cách viết kiệm lời mà đậm chất châm biếm u mua. Và đây
rõ ràng là một sở trường của cây bút này. Đọc Bức tranh vân cẩu,
bạn đọc sẽ thấy các nhân vật trong mỗi câu chuyện anh kể thường chỉ thông qua
vài lời mô tả ngắn gọn, vài lời thoại tưng tửng là đã hiện lên đầy đủ chân dung
cần nói. Và vì thế thường thì đọc văn Chử Anh Đào, thỉnh thoảng ta lại được
thưởng thức những nụ cười thâm trầm của một lối phê phán sắc sảo mà ý
nhị. Điện thoại di động, Nhà thơ, Lý sự rượu và
đặc biệt là Đồng nghiệp cũ là những câu chuyện như vậy. Nhân
vật Hùng trong Đồng nghiệp cũ chắc chắn sẽ khiến bạn đọc chết
cười với một loại trí thức nửa mùa na ná nhân vật Khổng Ất Kỉ trong truyện ngắn
Lỗ Tấn. Cái cách mà Chử Anh Đào mô tả Hùng mới “độc” làm sao: “Trông xa một mớ
bùng nhùng, Lại gần thì hóa thầy Hùng dạy văn”. Theo Chử Anh Đào, Hùng là nhân
vật mà anh đã xây dựng từ một nguyên mẫu vốn là đồng nghiệp cũ của anh ở ngoài
đời. Có được một loại chân dung trí thức nửa mùa đáng thương hơn là đáng giận
như thế, Đồng nghiệp cũ là một thành công đáng kể
của Chử Anh Đào.
Riêng ở Lý sự rượu, đằng sau những trang
đối thoại chỉ giữa hai nhân vật trong quán nhậu, bạn đọc sẽ dễ dàng nhận
ra một cây bút chắc hẳn là rất sành điệu, sành rượu và sành nhậu đã kinh qua
một lịch sử có bề dày thâm niên ở các tửu quán mới có thể viết được với một
ngôn ngữ độc đáo như vậy.
Tập truyện ngắn “Bức tranh vân cẩu” của Chử Anh Đào
Đọc hết Bức tranh vân cẩu, ta thấy phần
lớn các truyện ngắn của Chử Anh Đào là nhằm phê phán những thói hư tật xấu
trong xã hội, nhất là với con người đang có nhiều chiều hướng sống phức tạp của
cái thời buổi cơ chế thị trường bị bóp méo theo một cái định hướng mù mờ dở dơi
dở chuột không giống ai kiểu như một cô gái vừa muốn đẻ được đứa con cho tròn
chức phận phụ nữ nhưng lại vừa muốn giữ được trinh tiết. Thời buổi mà đồng tiền
đang là chuẩn mực của lương tâm đạo đức và phẩm hạnh nhân cách chỉ là một khái
niệm vừa hâm hấp vừa xa xỉ. Thị Mầu, Tinh thần thể dục, Tử
tội là những chuyện như thế. Có điều đáng nói là qua sự phê phán nhân
vật và xã hội trong những câu chuyện kể trên, ta không thấy sự vùi dập tàn ác
theo kiểu hạnh tai lạc họa mà ngược lại, hiện lên rờ rỡ một sự
thương cảm và có cả sự đồng cảm của tác giả. Đó chính là cái chất nhân văn rất
đáng trân trọng của Chử Anh Đào khi cầm bút. Chẳng thế mà tôi thấy vẫn lẩn
khuất những nét đáng yêu, có khi là yêu đến vô cùng các nhân vật như lão Bạch
trong truyện ngắn cùng tên, Vui trong Điện thoại di động, ông anh
nhà thơ của tổ hưu trí phường trong Nhà thơ… dù các “ông anh” này
đã bị “thằng em” Chử Anh Đào quật bút cho tơi tả nhưng dù sao họ vẫn là những
người sống lương thiện, thật thà chất phác, không lừa thầy phản bạn; chí ít
cũng không giống như bao kẻ mũ cao áo dài com lê cà vạt sáng choang miệng nói
những lời có gang có thép nhưng tâm địa thì đen tối và dã man như phát xít.
Tuy nhiên, trong Bức tranh vân cẩu vẫn
xuất hiện đó đây những nhân vật tích cực như là những điểm sáng le lói trong
một xã hội mà lòng tốt như lá mùa thu hay như người ta thường nói là Thạch Sanh
thì ít mà Lý Thông thì nhiều. Dù là hiếm hoi nhưng ngòi bút nhân bản của nhà
giáo Chử Anh Đào vẫn cố công khai thác để tạo nên độ sáng cần thiết cho tập
truyện. A Phai mở đầu tập truyện, Mẫu tử, Răng, Ngựa
hoang, Rượu thuốc… là những câu chuyện thuộc loại này. Dù mới
chỉ là những điểm sáng yếu ớt nhưng dẫu sao nó cũng đã ít nhiều mang lại niềm
lạc quan vào cuộc sống, như là môt sự an ủi của tác giả với bạn đọc. Có thể xem
đó là trách nhiệm của người cầm bút Chử Anh Đào trước một thực tại đang có quá
nhiều điều tang thương dâu bể.
Và điều này cũng là sự lí giải cho một cái tên khá khó
hiểu với không ít người của truyện ngắn được tác giả lấy làm tên chung cho cả
tập truyện: Bức tranh vân cẩu.
Bức tranh vân cẩu được Chử Anh
Đào lấy từ câu thứ 76 rất đượm màu triết lý vô thường của đạo Phật và học
thuyết vô vi của Lão Trang trong tác phẩm Cung oán ngâm khúc của
Nguyễn Gia Thiều: “Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương”. Nhưng tìm
cho hết ngọn nguồn của từ nguyên trong câu trên thì hình ảnh vân, cẩu (là mây
và chó) lại được Nguyễn Gia Thiều lấy từ thơ của Đỗ Phủ trong câu:
“Thiên thượng phù vân như bạch y,
Tu tư hốt biến vi thương cẩu.”
(Trên trời đám mây nổi như cái áo trắng,
Bỗng chốc hóa hình con chó xanh.)
Câu này đã được Chử Anh Đào kín đáo lấy làm đề từ cho
tập sách như một tuyên ngôn, một chủ đề tư tưởng của tập truyện. Ý nói sự biến
chuyển nhanh chóng của mây trời và cõi đời. Tang thương: tang là
cây dâu, thương là màu xanh của cây dâu – ruộng dâu xanh. Sách Liệt
Tiên truyện chép: Bà Ma Cô tiên nữ đã nói bà từng thấy một nơi kia đám
ruộng trồng dâu đã ba lần hóa thành bãi bể. Sự thay đổi nơi trần thế cũng vậy.
Sự biến thiên của một con người giống như nhìn một đám mây trôi nổi như cái áo
trắng bỗng chốc lại hóa thành hình con chó xanh. Biển xanh kia còn có lúc biến
thành nương dâu thì thân người có sá gì và đã là cái gì giữa một xã hội đầy
biến động và nghịch lí. Đọc Bức tranh vân cẩu sẽ thấy cái tinh
thần ấy khá rõ nét.
Đó cũng là một thâm ý của tác giả Bức tranh
vân cẩu.
rất tuyệt vời
Trả lờiXóa