Có mấy bài về ăn hay không nên ăn thịt chó trên các
báo cũng như trên mạng xã hội Facebook đã có nhiều bình luận và bàn luận về
chuyện này. Theo tôi chuyện ăn hay không ăn một cái gì là quyền của mỗi người.
Không có chuyện có văn hóa với lòng yêu nước gì ở đây hết. Tôi có anh bạn làm
GV đại học Huế không ăn thịt bò dù anh ta không nuôi bò và cũng không xem bò là
gia súc cưng của anh ta. Tuy nhiên số người nuôi một con gì rồi đâm ra thương
yêu mà không ăn nó thì không phải là ít.
Hồi còn ở Quy Nhơn, tôi chơi với anh Trương Tham
(đã qua đời), giáo viên văn trường cấp 3 Trưng Vương. Anh là một Gv văn giỏi
thực sự, rất yêu nghề và thương học trò. Đặc biệt anh lên lớp rất cuốn hút. Hồi
năm 1980 mới ra trường về dạy ở ĐHSP Quy Nhơn tôi đã xin anh được dự mấy tiết
giảng văn để học hỏi. Anh em quý nhau từ đó. Anh sống độc thân và đặc biệt yêu
loài chó nên chẳng những không ăn thịt chó mà trong nhà anh khi nào cũng có cả
một đàn chó 5-7con đủ các lứa tuổi. Anh chiều lũ chó như chiều vong. Có lần tôi
ra chơi nghe anh tâm sự một cách cực đoan nhưng vẫn rất có lí: Ở với chó có khi
còn vui hơn ở với người. Có bữa ngồi bộ xa lông của anh, tôi để cái kính trên
bàn, có một chú chó vá mới mở mắt mình trắng đốm đen rất đẹp, mập mạp và lùn
chủn. Thấy tôi để ý đến nó anh bế đặt lên bàn. Chú chó lẫm chẫm bước lại phía
tôi rồi ngậm cái kính của tôi mà gặm. Tôi thấy dễ thương nên để yên cho nó gặm.
Anh Trương Tham thì nạt yêu nó: Cún, hư này, đừng có gặm hư kính của chú Sơn
chứ. Anh nói với chó mà hơn cả nói với người. Đó là con chó bé nhất và dễ
thương nhất của anh lúc đó. Rồi thấy tôi thích nó thật sự, khi ra về anh nói:
HTS thích con cún không. Thích lắm anh. Vậy đem về mà nuôi. Được thế thì tốt
quá. Em xin anh.
Rồi anh kiếm cái hộp giấy bỏ chú cún con vào cho tôi
đưa về nhà nuôi. Cả nhà tôi đều thích cún. Do còn bé nó chỉ uống sữa không ăn
gì khác. Được 3 ngày, tôi đi làm về thì thấy anh Trương Tham đạp xe ra nhà tôi
(cách nhà anh cũng 4 - 5km, anh không đi xe máy chỉ đi cái xe đạp cà tàng). Tôi
lấy làm ngạc nhiên vì anh là người ít đến nhà riêng của bạn bè nay không hiểu
có chuyện gì mà anh đường đột đến nhà tôi như vậy. Tôi mở cửa mời anh vào. Anh
bước qua phòng khách hỏi con cún đâu, dạ nó ở sân sau. Chẳng nói chẳng rằng anh
đi thẳng ra cái sân sau thoáng mát của nhà tôi, thấy cún con đang ngủ ngon lành
bên dĩa sữa trắng ăn còn chưa hết. Ở góc nhà là cả một thùng sữa tươi dành cho
tôi và cún. Chỉ thấy thế xong anh chào tôi ra về mà không nói thêm gì. Cả nhà
tôi tròn xoe mắt ngạc nhiên. Thì ra là dù đã cho hẳn tôi rồi nhưng anh vẫn quan
tâm đến chú cún con, không biết tôi chăm sóc nó có tốt không nên lên tận nhà để
kiểm tra xem nuôi nấng thế nào. Thấy yên tâm rồi thì về ngay. Thêm một minh
chứng nữa về lối sống khác người và lòng yêu thương loài chó vô bờ bến của nhà
giáo Trương Tham.
Một ông anh khác mà tôi chơi cũng thân tình là nhà
văn Võ Duy Linh. Anh là một con người cũng đầy cá tính và góc cạnh, từng đóng
đến chức vụ trưởng làm GĐ Trung tâm học liệu Giáo dục ở TP. HCM. Đời anh lên
thác xuống ghềnh, bị chốn quan trường dập cho tơi tả. Về hưu anh bán nhà ở Sài
Gòn chuyển vợ con lên Bình Dương sinh sống. Anh làm ở Trung tâm nghiên cứu Đông
Nam Á của Đh Bình Dương, vợ thì làm ở thư viện trường. Năm trước tôi lên dạy
cho trường này mấy chục tiết VHTQ. Có buổi sáng đang lên lớp thì thấy anh đứng
ở cửa lớp ngoắc ra: Dạy xong qua nhà mình ăn cơm. Nói xong đi luôn không kịp để
cho tôi trả lời là đồng ý hay không. Buổi trưa ở lại trường tôi thường ra quán
cơm Sv trước cổng ăn dĩa cơm sườn rồi vô nhà khách chợp mắt chút chiều dạy
tiếp. Bữa ấy dạy xong kêu xe ra nhà anh ăn trưa. Anh Võ Duy Linh sống trong một
căn hộ ở đầu khu tập thể, nhà nhỏ nhưng đất đai khá rộng. Trước sân anh che rạp
xây một cái bể lớn nuôi nhiều cá các loại. Bên hồi nhà là một bãi cỏ rộng như
cái sân bóng chuyền lau lách mọc rậm rạp. Anh kể cứ mấy tháng lũ cá lớn lên có
con nặng cả kí nhưng anh nuôi chúng, cho ăn chăm sóc hàng ngày nên thương yêu
chúng đến mức không nỡ nào ăn chúng. Lâu lâu anh bắt những con lớn nhất đi cho
hàng xóm, còn nhà anh ra chợ mua cá khác về ăn. Anh không phải là không ăn cá
mà con cá cưng do mình nuôi thì không thể ăn được chúng.
Ở bãi cỏ rộng bên hồi nhà tôi thấy có một bầy heo mọi
con nào con nấy đen trùi trũi chắc cũng khoảng 2 kí/con đang bu theo một con
heo mẹ cũng loài heo mọi to khoảng 30 kí. Võ Duy Linh kể có lần ra chợ thấy
người ta bán con heo mọi dễ thương quá anh mua về thả rông ở bãi cỏ, hàng ngày
cho ăn cơm 3 bữa theo kiểu bán hoang dã. Cơm để trong một cái thau nhôm, mỗi
lần cho ăn anh lấy que gõ vào cái thau, chú heo con nghe tiếng chạy về ăn, xong
lại vô tư rong chơi. Heo mọi con lớn lên thành con heo cái to đẹp, cái bụng
nhìn có vẻ nặng nề như có chửa. Nhiều quán xá hỏi mua nhưng anh dứt khoát không
bán. Rồi đột nhiên nó biến đâu mất cả tháng. Anh đi tìm khắp lau lách vẫn không
thấy cứ nghĩ chắc bị ai bắt trộm. Coi như xong đời con heo mọi đáng yêu. Chưa
hết buồn thì một sáng ngủ dậy, anh nhìn ra bãi cỏ bỗng thấy heo mọi trở về với
một bầy 5 heo mọi con lít nhít khác. Anh mừng rú lên như bắt được vàng liền
chạy vô nhà lấy cơm và các loại đồ ăn ra cho mẹ con heo mọi ăn. Tôi nhìn mẹ con
heo mọi rất lấy làm thích thú. Thấy vâỵ anh Võ Duy Linh nói tôi cho ông một con
đấy, thích con nào bắt con đó đem về Sài Gòn mà nuôi. Nghe anh nói trong đầu
tôi đã nghĩ đến món heo mọi thơm ngon mà tôi vẫn ăn ở mấy quán dọc đường Tân
Sơn Nhì. Như đọc được ý nghĩ của tôi, anh Duy Linh dặn: Ông nuôi cho vui thôi
chứ không được làm thịt đánh chén nó đâu đấy. Ôi trời, vậy xin thôi. Nhà tôi
hình ống ở trong hẻm, không lẽ nuôi chú heo mọi trên sân thượng. Nếu cho đem về
đưa ra quán làm thịt ăn thì ok chứ để nuôi mà lại không được ăn thịt nó thì bó
tay. Tôi đã không nhận dù anh rất nhiệt tình cho.
Đã lâu rồi, hồi còn ở Quy Nhơn tôi nuôi một chuồng
bồ câu giống Pháp. Loài này rất mắn đẻ và rất dễ nuôi. Ngày nào cũng có mấy ổ
bồ câu nở trong chuồng. Bồ câu non nở ra chỉ mươi ngày là lớn như thổi, cầm lên
tay nghe nặng trịch như cả một cục thịt. Nếu không làm thịt nấu cháo ăn thì nó
sẽ nở ra chật cả mấy ngăn chuồng. Vì thế ngày nào nhà tôi cũng có món bồ câu
nấu cháo, vì là bồ câu non thịt rất mềm nên không cần hầm. Nhưng tôi là người
chịu trách nhiệm chăm nuôi lũ bồ câu nên luôn nhìn thấy chúng nó từ trong quả
trứng tí hon mỏng mảnh chui nở ra rồi lớn lên hàng ngày, những con chim bố chim
mẹ thì gù nhau nên tôi thấy thương lũ bồ câu và không nỡ ăn thịt nó. Cháo nấu
ra thơm ngon chỉ để 2 cô con gái ăn. Trong lúc đó bồ câu hầm bán ở quán thì tôi
vẫn ăn bình thường.
Nghe mấy ông bạn nhậu của tôi thường nói vui: Nuôi con
gì ăn con nấy. Nhưng từ chuyện nuôi bồ câu của tôi, chuyện anh Võ Duy Linh nuôi
cá nuôi heo, chuyện anh Trương Tham nuôi chó tôi có thể kết luận ngược lại:
Người ta nuôi con gì có thể không ăn con đó.
con này không ăn được
Trả lờiXóa