Bài đăng trên TC VHSG
VHSG- Tôi bắt đầu đọc tập truyện ngắn Dòng
sông cuộn chảy(*) của Trần Thế Tuyển từ truyện ngắn in ở cuối sách
được tác giả chọn làm tên chung cho tập truyện. Vẫn là mô típ, là đề tài quen
thuộc của các nhà văn mặc áo lính thời hậu chiến: Khi người lính trở về.
Điều đọng lại sau câu chuyện của Dòng sông
cuộn chảy là những bi kịch mà cuộc đời người lính phải hứng chịu trong
và sau chiến tranh. Đó là sự hi sinh mất mát khi người đồng đội thân yêu bị
thương nặng và chết ngay trên tay mình; là khung cảnh gia đình vợ con hiu hắt
nghèo khổ khi người lính trở lại hậu phương; là một mối tình tay ba khó chấp
nhận nhưng rất logic với vợ của người động đội và đã để lại một hậu quả
nặng nề vì thực hiện lời cặn dặn trước khi nhắm mắt của bạn mình…
Đó là hoàn cảnh trớ trêu đậm mùi cay đắng của cuộc đời
đã dồn dập trút lên vai nhân vật người cha, người cựu chiến binh tên Kết trong
câu chuyện. Hoàn cảnh ấy của ông Kết nếu đem chia cho ba người bình thường khác
thì vẫn là quá nặng nề. Huống chi đây lại một mình ông gánh chịu. Một cái gánh
quá đỗi nặng nề cho cuộc đời một người lính trở về sau chiến tranh.
Tuy nhiên, với ngòi bút không cầu toàn của mình, tác
giả Trần Thế Tuyển đã như một người lính xông vào giông bão để mang lại cho
cuộc đời của nhân vật ông Kết một cái kết có hậu. Vợ con, gia đình, người thân
chòm xóm đã không chỉ tha thứ mà còn đồng cảm với những bi kịch cuộc tình, bi
kịch cuộc đời mà ông đã gây ra và hứng chịu.
Đó chính là tính nhân văn và lòng nhân ái toát lên từ
ngòi bút của Trần Thế Tuyển. Và đó cũng chính là mạch ngầm xuyên suốt trong
mười chín truyện ngắn của Dòng sông cuộn chảy.
Trần Thế Tuyển là một người lính đã đi qua chiến
tranh. Và cũng như tất cả những người lính khác, chiến tranh đã để lại một hội
chứng nặng nề trong anh với tư cách một nhà báo, nhà văn mặc áo lính, điều mà
người ta gọi chung là hội chứng chiến tranh.
Cái chung trong phong cách xây dựng nhân vật và cốt
truyện của truyện ngắn Trần Thế Tuyển là mỗi nhân vật của anh đều là một số
phận bi kịch. Họ rời cuộc chiến và trở về sau chiến tranh, họ phải vật lộn với
mưu sinh để tồn tại giữa cuộc đời đầy trớ trêu và cạm bẫy. Cứ tưởng như họ,
những người cựu chiến binh ấy sẽ buông bỏ, sẽ bị chìm nghỉm của những số phận
cuộc đời bi thảm không lối thoát nhưng rồi họ vẫn đứng lên được theo cách của
mình. Đó là Khang trong Lô cốt, một người lính trở về sau chiến
tranh, tốt nghiệp đại học sư phạm loại giỏi ra làm giáo viên cấp 3, anh luôn cố
gắng vươn lên với tất cả tính cách tốt đẹp của một người lính. Nhưng rồi áo
cơm, đố kị, ghen ghét đã đẩy anh vào thế trận của sự sụp đổ. Vợ bỏ nhà ra đi,
con thơ nheo nhóc, sự thăng tiến nghề nghiệp trở nên dang dở đến mức anh phải
làm thêm nghề đạp xích lô để kiếm sống. Đúng là cơm áo không đùa với lí tưởng.
Cuối cùng thì người cựu chiến binh Khang vẫn nhẫn nại đạp xích lô sau nhưng giờ
lên lớp để nuôi con và nuôi những giấc mơ đẹp, những trang sách dày vẫn mở trên
bàn làm việc của anh.
Tập truyện ngắn “Dòng sông cuộn chảy” của Trần Thế
Tuyển
Những nhân vật như ông Kết, như Khang có mặt trong hầu
hết các truyện ngắn của Trần Thế Tuyển trong Dòng sông cuộn chảy. Từ Cha
con người lính, Kỷ niệm về anh ấy, Hằng, Ngày và đêm, Tiếng vọng, Đêm vùng ven…
tất cả đều mang một âm hưởng hậu chiến như thế. Và chính điều đó đã mang lại
sức hấp dẫn bạn đọc từ tác phẩm của anh.
Dưới ngòi bút của Trần Thế Tuyển, những câu chuyện kể
hiện lên thật dung dị; những nhân vật chính hiện lên trong các truyện ngắn
của Dòng sông cuộn chảy cũng rất đời thường, gần gũi và thân
thương. Độc giả, nhất là những người lính đã đi qua chiến tranh, sẽ ít nhiều
thấy được thân phận mình trong thân phận các nhân vật của Dòng sông
cuộn chảy. Và họ đọc Trần Thế Tuyển để thấy hình bóng mình trong ấy.
Đó là một thành công của Trần Thế Tuyển qua Dòng
sông cuộn chảy.
Trong một cuộc gặp gỡ thân tình, Trần Thế Tuyển đã nói
với người viết bài này: Tôi viết bằng những chiêm nghiệm từ cuộc đời tôi. Và
đúng là như thế. Những câu chuyện trong Dòng sông cuộn chảy và
cả trong tập trường ca Gió thổi miền ký ức mới xuất bản bởi
NXB Quân đội Nhân dân của anh đều toát lên điều đó.
Viết về số phận, về bi kịch của những người lính thời
hậu chiến cũng chính là viết về cuộc đời anh. Ngay trong gia đình Trần Thế
Tuyển, anh cùng người em trai là Trần Văn Thiềng đã nhập ngũ và ra trận. Hết
chiến tranh anh mang ba lô trở lại quê nhà còn người em trai ruột thịt đã thành
liệt sĩ và mãi mãi nằm xuống trong một nghĩa trang ở Cai Lậy, Tiền Giang. Ngày
anh trở về, người mẹ già đau khổ đã túm tay anh mà khóc: Con trở về còn em con
đâu. Câu hỏi của người mẹ Trần Thế Tuyển cũng là câu hỏi của hàng triệu người mẹ
Việt Nam khác sau chiến tranh. Nó như một nỗi đau ngàn đời không thể hóa giải.
Để trả lòi câu hỏi của mẹ, Trần Thế Tuyển không chỉ
lặn lội để tìm ra nghĩa trang liệt sĩ nơi em trai mình nằm lại mà anh còn sống
hết mình trong cuộc đời với trách nhiệm của một nhà báo, nhà văn, nhà quản lí.
Với quân hàm Đại tá, Trần Thế Tuyển có nhiều năm công tác ở báo Quân
đội Nhân dân và sau này là Tổng biên tập tờ Sài Gòn Giải
phóng. Ở cương vị nào, anh cũng cố gắng để làm tròn vai hoàn thành
nhiệm vụ và vẫn không quên cầm bút.
Đến nay dù đã ở vào lứa tuổi U70, dù đã để lại phía
sau hàng chục tác phẩm thơ, văn được xuất bản; dù đã gặt hái hàng chục giải
thưởng báo chí và văn học, Trần Thế Tuyển vẫn miệt mài cầm bút như anh vẫn miệt
mài sống. Khái niệm hưu trí với người cựu chiến binh, nhà báo, nhà văn Trần Thế
Tuyển không có nghĩa là nghỉ ngơi mà chỉ là càng có nhiều cơ hội hơn để sống và
viết. Như Dòng sông cuộc đời anh vẫn cuộn chảy.
Link XB trên VHSG: https://vanhocsaigon.com/dong-song-cuon-chay-va-dieu-dong-lai-sau-chien-tranh/
rất tuyệt
Trả lờiXóa