23 tháng 1, 2022

Cuộc sống đa sắc trong “Đêm không màu” của Văn Công Hùng

 

Cập nhật ngày: 29/07/2020 Trên VHSG

VHSG- Những năm gần đây Văn Công Hùng và thơ của anh đang vô cùng hot trên mạng xã hội và trên báo chí. Trang “phây” của anh có một lượng fan đông đảo và nhộn nhịp vì cứ dăm bảy ngày anh lại có một bài thơ được sinh nở. Hình như càng có tuổi Văn Công Hùng càng khỏe ra và bút lực anh càng sung mãn hơn. Đọc Văn Công Hùng tôi thấy bài nào của anh cũng có nhiều điều để suy ngẫm, để thưởng thức. Đặc biệt là về nhịp điệu và từ ngữ thì Văn Công Hùng sử dụng nhuần nhuyễn và khéo léo. Vì thế mà  thơ anh đậm chất thơ, nhiều bài đọc to lên nghe cứ như hát rất dễ đi vào lòng người.

Nhà thơ Văn Công Hùng

Trước Đêm không màu(*), Văn Công Hùng đã cho ra mắt bạn đọc bốn tập thơ, hai tập trường ca  và một tập tản văn, phóng sự. Ở tuổi gọi là Lục thập nhĩ thuận hiện nay anh càng viết khỏe, cả thơ và báo. Người ta vẫn nói làm thơ không cứ phải viết nhiều viết khoẻ. Thơ không phải là khoai mì, cà phê và hồ tiêu Tây Nguyên mà để càng sản xuất với sản lượng càng cao càng tốt. Thơ cũng như văn, có khi chỉ một đôi bài mà sống mãi trong lòng bạn đọc thì cũng đã đủ là một tượng đài vĩnh cửu rồi. Tuy nhiên ở Đêm không màu, tập thơ mỏng chưa đầy một trăm trang, với chỉ có bốn mươi chín bài mà bài nào cũng đọc được, lại có nhiều bài hay. Chứng tỏ Văn Công Hùng đã tự mình làm một cuộc tuyển chọn khá chặt chẽ.



Cảm nhận đầu tiên của Đêm không màu là sự đằm thắm và độ chín của Văn Công Hùng. Chứng tỏ anh đã đi qua sự bồng bột và sôi nổi của thời trai trẻ.

Nhớ mùa đông Hà Nội

 anh có con đường đầy kí ức

 bánh xe lăn xao xác

 ô cửa mờ hơi thở của em

 mà em thì xa lắm

 Tây Hồ lên sương phấp phỏng lối về 

(Gửi mùa đông Hà Nội)

Rõ ràng là ở Văn Công Hùng có một tâm trạng hoài cổ và tiếc nuối của một thời sôi nổi đã đi qua ngay từ bài mở đầu của tập thơ này.

Đọc Văn Công Hùng, tôi thích nhất ở những bài thơ tình. Câu thơ, lời thơ nghe cứ như là một làn gió thoảng nhưng đủ để dội mát tâm hồn bạn đọc. Hãy đọc to lên những câu thơ đầy nhịp điệu của anh như thế:

Có những lúc buồn đến không chịu nổi

 nghe rỗng không thống thếnh trong lòng  

 ấy là lúc ta ngồi nghe mắt chớp

 chiều chơi vơi dòng Đa Nuýp xanh…

có những lúc violin tha thiết

ru ta vào mê trận của tình yêu

tay em vẫy xa vời như bến vắng

sông nôn nao hai nửa cuộc đời 

(Có những lúc)

Với văn Công Hùng, những câu thơ tình da diết như trên là một sở trường của anh. Đọc lên nghe rất chênh chao.

Cái tài của nhà thơ, nhà nghệ sỹ là ở chỗ phát hiện và nói lên được những tâm trạng, những suy nghĩ trước cùng một thực tại của cuộc sống mà những người không phải là nhà thơ, không phải là nghệ sỹ khó diễn đạt thành lời. Giữa một ngã tư chật chội, tắc đường, ồn ĩ và bụi bặm của mùa thu Hà Nội, chất thi sĩ của Văn Công Hùng vẫn thấy được sắc đỏ của một nhành dâm bụt xưa, một sắc xanh của gói cốm mỏng mảnh khi thu về. Có lẽ chỉ ở Văn Công Hùng mới có được hình ảnh nghe chẳng có vẻ gì là thơ nhưng lại rất thơ khi vào thơ anh:

Mùa thu trườn qua ngã tư

 người xe người xe đông cứng

 mùa thu tiếng còi như thét

em trùm mùa thu nija…

và bụi và nóng và trôi

 mùa thu chết ngạt trên đường

 vụt nhoà chiếc xe cứu hoả

 đỏ như dâm bụt ngày mưa…

một gói cốm xanh mỏng mảnh

 bạn kéo mùa thu trở về… 

(Biên độ mùa thu Hà Nội).

Cái hành động cả mùa thu Hà Nội trườn qua ngã tư chỉ riêng Văn Công Hùng mới có.

Đọc Đêm không màu, bạn sẽ phát hiện ra ở Văn Công Hùng khả năng nhiều sáng tạo trong những bài lục bát của anh. Những câu lục bát nghe ngân nga như một hơi thở dài không dứt của một kẻ yêu suốt đời và thất tình cũng suốt đời:

Và rồi cây đã sang mùa

 nắng chưa kịp nắng mưa vừa kịp khô

 em vừa kịp buổi ngẩn ngơ

 tôi như kẻ lạc giữa bờ dậu thưa …

về chiều mây ngoái về theo

 em ngân ngấn mắt vòng vèo giấc mơ

 sim mua thắc thỏm đợi chờ

 trái tim hát giữa bụi bờ mà đau

(Và rồi mây gió với ta)

Hoặc:

đêm như Côn Đảo bùa mê

 em như lòng biển bốn bề trong veo

 tôi thành cuộn dây không diều

 kìa mây cứ tím như điều tất nhiên

… rong yêu đến độ lặng yên

 hạt phù du cõng mộc miên về trời

(Lục bát Côn Đảo)

Điều này sẽ còn rõ hơn trong bài thơ Đêm không màu mà Văn Công Hùng đã lấy đặt tên cho tập thơ như là một chủ đề chính. Những câu thơ được bắt đầu bằng một sự giản dị nhưng kết thúc bằng tâm trạng mang tính thời đại:

đêm không là bài hát

 những giấc mơ không màu…

em cứ gửi ngày mai trong cổ tích

 để đêm nay dài đến bất ngờ

 chợt cơn gió luồn ngang cửa sổ

 bất ngờ lang thang điên.

Cái sự lang thang điên có lẽ là sự ngông cuồng của những kẻ thi sĩ ngu ngơ khờ dại như tác giả của nó, chứ người thường tỉnh táo mấy ai có.

Những nỗi đau vì tình như thế trong thơ Văn Công Hùng có khá nhiều. Và đáng yêu thay, đời trai ai chẳng có đôi lần!

Tuy nhiên, nói đi rồi cũng phải có điều nói lại. Đọc xong Đêm không màu, gấp lại trang sách cuối cùng, tôi cảm thấy Văn Công Hùng hình như không hợp lắm với những bài thơ mang chất chính luận, chất thời cuộc. Không chỉ bởi những đề tài như thế ít có chất thơ mà bởi đó có thể là sở đoản của Văn Công Hùng. Cầu Cần Thơ đêm thứ 2, Chiếc váy buồn đêm biển Nha  Trang, Vô xúc là những bài như vậy.

Đó là chưa nói chuyện ở tập thơ này, Văn Công Hùng cũng đã có những thử nghiệm về một lối thơ mới với những từ ngữ lạ. Đó là bài Ngày mùa đông với những câu thơ hình như rất ít chất Văn Công Hùng:

Ngày mùa đông

dằng dặc con đường hấp hoảng tiếng chuông…

ngày mùa đông em tu hành trong anh

Có trời mới biết em tu hành trong anh nghĩa là gì.

Hoặc trong bài Đen trắng Sài Gòn với những từ ngữ không mang dấu ấn nhịp điệu Văn Công Hùng chút nào:

đen trắng

 nã nền

 đêm Sài Gòn nưng nưng

 trôi

 dòng dòng dòng

 cơn lá me gió gió… đêm

 như thiên thần

 muốt

 anh…

Những câu thơ tắc tị như thế sẽ khiến cho hương đồng gió nội trong thơ Văn Công Hùng bay đi ít nhiều.  May sao đó chỉ là rất thiểu số.

Link XB trên VHSG: https://vanhocsaigon.com/cuoc-song-da-sac-trong-dem-khong-mau-cua-van-cong-hung/

1 nhận xét:

Bạn có nhận xét mới