Lê Hoài Lương
Đại hội đại biểu Hội nhà văn lần thứ X được tổ chức ở Hà Nội, Nguyễn Trí không có tên: trong đại hội khu vực Miền Đông- Miền Tây Nam bộ, ông chỉ có 3 phiếu bầu, một kết quả ngỡ ngàng. Tất nhiên hậu trường chuyện bầu bán, “xin phiếu” cũng khá nhếch nhác, nhưng có một thực tế: ông không được lòng hoặc không được sự công nhận rộng rãi của nhà văn khu vực, bị ghét, hoặc bị đố kỵ
Ngay tập truyện ngắn đầu tay “Bãi vàng, Đá quý, Trầm
hương” (2013), Nguyễn Trí đã đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Rồi thành
nhà văn Hội trung ương. Đến nay, hơn mười năm cầm bút, ông đã in ngót 20 đầu
sách, truyện ngắn, tiểu thuyết, cả truyện thiếu nhi nữa. Một sức viết đáng nể.
Và đáng kể: sách được các nhà xuất bản in, phát hành. Truyện ngắn ông xuất hiện
trên nhiều báo, tạp chí.
Ở đâu ra nhiều ý tưởng vậy? Từ chính cuộc đời quăng
quật mưu sinh khốc liệt của mình: đãi vàng, đá quý, tìm trầm, chặt củi, đốt
than, nấu đường lậu, mót trộm mủ cao su, cưa kéo, đồ tể, phụ hồ, vé số, xe đạp
ôm, cả dạy thêm tiếng Anh… Tất tần tật thợ “đụng”, tồn tại cùng những người
dưới đáy xã hội.
Văn Nguyễn Trí để lại dấu ấn
bằng ngồn ngộn chất liệu sống. Những kiếp phận tột cùng lấm láp, những sứt sẹo
nhân tính; những mong manh thiên lương ấy hiện lên sống động bằng sự trải
nghiệm của tác giả. Cách kể chuyện của ông độc đáo, pha trộn thoải mái lời
thoại các nhân vật với tác giả, với nhập vai người đọc: nhà văn vừa bị động vừa
tung tẩy giữa sống và viết bằng ngôn ngữ lầm bụi và khoái hoạt. Đó là cái duyên
riêng không trộn lẫn.
Mấy năm qua ông kiếm tiền bằng
việc cầm bút. Cũng kha khá. Dẫu “tiền vào nhà khó…”, nhưng lý lịch ông thêm
nghề mới có vẻ cao quý: nghề văn.
Nếu cái giải thưởng sang trọng
Hội nhà văn 2013 như “từ trên trời rơi xuống”, thì các giải thưởng văn chương
tiếp theo của Nguyễn Trí mọi người không mấy ngạc nhiên: Giải nhất truyện ngắn
Cuộc thi “Rừng là cuộc sống của tôi” do Tổng cục Lâm Nghiệp và báo Nông nghiệp
Việt Nam tổ chức (2019-2020), truyện “Cây bằng lăng đẫm máu”; Giải B Cuộc thi
tiểu thuyết “Vì an ninh Tổ quốc” (2017-2020) do Bộ Công an và Hội nhà văn Việt
Nam tổ chức, tác phẩm “Diều hâu”; Giải tư tiểu thuyết 5 năm của Hội Nhà văn
Việt Nam (2016-2019), tác phẩm “Bụi đời thục nữ”. Nói không ngạc nhiên vì tên
tuổi ông đã khá “hot” nhiều năm qua trên báo, trong bạn đọc.
Nguyễn Trí sinh năm 1956 ở
Bình Định, xô dạt nhiều nơi, Pleiku, Kon Tum, Sài Gòn…, nay sống Đồng Nai. Giờ
đã có một ngôi nhà của mình, ngày ngày phụ vợ cái quán nhỏ “xi rô đá bào”, làm
chào hàng sách, bán sách cho mình, cho người. Và viết văn, cứ đều đặn in, một
năm vài cuốn. Vẫn còn trường lực lắm.
2.
Trong văn giới có chữ “bà đỡ”,
“mắt xanh”, chỉ những nhà văn phát hiện cái hay, cái lấp lánh những trang viết
mới vào nghề ẩn trong thô vụng. Nhà văn có tấm lòng, có trách nhiệm hoặc trao
đổi cho tác giả vô danh hoàn thiện phần chưa ổn, hoặc chỉnh sửa, biên tập, “dọn
dẹp” những hạt sạn là có tác phẩm độc đáo. Đôi khi chỉ một ứng xử trân trọng,
một lời động viên kịp thời của người danh tiếng cũng giúp cây bút mới tự tin
thể hiện mình, và đi xa. Chuyện này với văn chương nghệ thuật đất nước nào,
thời nào cũng có.
Ở Việt Nam gần đây, nhiều
người biết nhà văn Hồ Anh Thái là người có “nhân duyên” đỡ đầu, giới thiệu
nhiều tác giả như Mạc Can (Tấm ván phóng dao), Nguyễn Vĩnh Nguyên (Năm mười
mười lăm hai mươi), thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh… Nguyễn Trí cũng trong số đó: ông
tìm đến nhà văn này, khi nghe người ta kể về số phận tiểu thuyết của ông hề
xiếc Mạc Can. Nguyễn Trí xin địa chỉ email của Hồ Anh Thái và thử gửi một số
truyện ngắn, hy vọng nếu được in trang Đại biểu Nhân dân do nhà văn này phụ
trách, sẽ có ít tiền. Không ngờ, rất nhanh chóng nhận được phản hồi, và Nín
lặng khóc còn được nhà văn giới thiệu in trên Tuổi trẻ cuối tuần. Mừng lắm, tờ
báo có lượng độc giả lớn và nhuận bút cao. Nghĩ mình cũng có thể cầm bút, và
viết như… “khùng”, một tuần đến 2 cái truyện! Khi Nhà xuất bản Trẻ tập hợp, in
thành tập “Bãi vàng Đá quí Trầm hương”, cuốn sách vượt qua Hội đồng văn
xuôi khá lừng khừng- không phải nhà văn nào cũng tán thưởng văn Nguyễn Trí- dù
sau đó Ban chung khảo nhất trí cao trao giải thưởng Hội nhà văn năm 2014 cho
ông!
Nếu không có giải thưởng như
cuộc “vượt vũ môn” trong mơ này, có Nguyễn Trí hôm nay không? Vẫn có, chắc
chắn. Ông kể với tôi, khi nghe tin giải thưởng, ông xách cái xe máy Trung Quốc
cà tàng chạy suốt ba ngày, bất kỳ, long rong trong rừng cao su, đến nhà vài
người bạn, cho thỏa nỗi mừng, rồi thôi. Sao chỉ có ba ngày? “Con người tôi vốn
vậy, niềm đau trong đời tôi lớn hơn vinh quang này. Cha tôi chết, bi thiết lắm.
Anh tôi chết, cũng bi thiết lắm. Anh chết, cha chết, tôi không có ở nhà. Mẹ tôi
chết, khi tôi về đến nhà, nắp áo quan đã đậy rồi. Đứa con gái của tôi bị người
ta đâm chết, bi thiết. Rồi đứa con trai bị ma túy, hai đứa cháu nội bị mẹ bỏ
đi… Những người bạn của tôi chết trên non cao. Đó là lý do tại sao cái chết ám
ảnh trong truyện tôi. Vì thế, khi được tin giải cao quý về văn chương trong
nước, tôi cũng mừng nhưng đến ngày thứ ba hết mất!” (Trả lời báo Tiền Phong,
2014).
Niềm đau trong đời tôi lớn hơn
vinh quang này, kiểu so sánh khập khiễng chỉ có ở… nhà văn, nhưng đáng chú ý:
nó là căn nguyên những khác biệt văn và người Nguyễn Trí.
Tất nhiên, niềm vui có thể chỉ
trong ba ngày- một cách ước định- nhưng cái “vinh quang” này không dừng lại:
những cuộc trả lời báo chí, những “đặt hàng” các báo, các nhà xuất bản, và nhất
là phải viết sao cho xứng với “tầm” nổi tiếng. Rồi trong ứng xử, quan hệ với
bạn văn chung quanh: nhiều người vốn coi Nguyễn Trí là “đàn em” mới tập tành
cầm bút… Cái “gánh” không nhẹ chút nào. Văn chương Việt thời này lạ lắm: nhà
thơ Trần Đăng Khoa từng than rằng mấy chục năm sau vẫn phải còng lưng gánh cái
thập giá khổ nạn “thần đồng” thơ tuổi nhỏ đấy thôi!
Thời gian sẽ xếp đặt lại các
hỗn loạn giá trị, nhưng thường muộn hơn những mê tín, đồng bóng, cố chấp đương
thời, những ngợi ca hay vứt bỏ, nhất là với cái mới, cái khác biệt trong văn
chương. Nguyễn Trí là tạng nhà văn nhanh chóng rơi vào vùng xoáy khắc nghiệt
này.
3.
Cuối năm 2020, Đại hội đại
biểu Hội nhà văn lần thứ X được tổ chức ở Hà Nội, Nguyễn Trí không có tên:
trong đại hội khu vực Miền Đông- Miền Tây Nam bộ, ông chỉ có 3 phiếu bầu, một
kết quả ngỡ ngàng. Tất nhiên hậu trường chuyện bầu bán, “xin phiếu” cũng khá
nhếch nhác, nhưng có một thực tế: ông không được lòng hoặc không được sự công nhận
rộng rãi của nhà văn khu vực, bị ghét, hoặc bị đố kỵ. Nhà văn bây giờ cũng
nhiều tủn mủn, bé mọn lắm. Không lấy việc dự đại hội để luận tài năng, uy tín
nhà văn, nhưng rõ ràng Nguyễn Trí có thất vọng, cuộc này.
Chúng tôi gặp nhau ở nhà nhà
văn Văn Chinh: nhân Nguyễn Trí trước đó vài ngày ra nhận giải thưởng “Lâm
nghiệp”, ông mời Nguyễn Trí về nhà mình ở và hôm sau thêm mấy anh em đại biểu
Bình Thuận, Bình Định, quen thân, tụ về. Cuộc khoản đãi thịnh tình, lịch lãm
của chủ nhà Hà Nội khiến chúng tôi rất xúc động. Nguyễn Trí thành tâm điểm các
cuộc vui, ở khả năng thuộc thơ người, thể hiện những tài vặt kiểu nhại lại nội
dung và giọng phát thanh viên đài Hoa Kỳ buổi phát 11 giờ ba mươi lịch sử năm
Bảy lăm, khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ. Nguyễn Trí có trí nhớ hàng siêu, và
hoạt ngôn: mấy tài vặt kể chuyện Tàu, kiếm hiệp Kim Dung, hát dân ca các vùng
miền, đọc thơ giang hồ hay đọc bản tin… từng giúp ông “sống sót” trong tù,
trong môi trường khốc liệt bãi vàng, đá quý, lăn lóc bụi đời…
Nhà văn Văn Chinh, người “cầm
chịch” chính Cuộc thi truyện ngắn khá thành công 2018-2020 của Tạp chí Nhà văn
& Tác Phẩm nhận xét về hai truyện ngắn dự thi của Nguyễn Trí: “Nóng bỏng và
“bụi bặm” nhất có lẽ là chùm của Nguyễn Trí: “Ai bảo đi tù là
khổ”, “Có ai ở đó không”. Nguyễn Trí có cách kể thật náo hoạt, đọc rất hấp
dẫn; chỉ tiếc, sau sự ly kỳ hấp dẫn thì cái triết luận từ đó vẫn loanh quanh
đâu đó.”
Chính Văn Chinh gọi điện mời
Nguyễn Trí dự Trại sáng tác ở Sao Việt- Phú Yên và dành cho ông một biệt lệ:
lấy tiền túi trả trước nhuận bút cho Nguyễn Trí tàu xe, tiêu vặt, kỳ vọng cuộc
thi đa giọng điệu, xôm tụ anh tài. Thì đúng, sự góp mặt của Nguyễn Trí thêm màu
sắc cuộc thi. Nhận xét tinh tế của Văn Chinh hẳn gặp sự đồng thuận lớn trong
văn giới về Nguyễn Trí, không chỉ riêng hai truyện này. Cái phần “loanh quanh
đâu đó” chưa bật ra, cái mà cũng có ý cho rằng tác phẩm Nguyễn Trí dường như
thiếu tư tưởng- cái văn chương nhằm tới; kẻ sính chữ thường bảo “thông điệp” gì
gì đó. Có thể.
Chuyện Hội đồng văn xuôi năm
bỏ phiếu cho “Bãi vàng, Đá quí, Trầm hương” không đạt đồng thuận cao
kể trên, tôi muốn nhắc tới một trong số đó: nhà văn Sương Nguyệt Minh. Có lần
ông nói với tôi và một bạn văn khác, rằng văn Nguyễn Trí “nhôm nhoam” thế nào
ấy. Đó không phải chuẩn mực của văn chương, nói trắng ra, chữ nghĩa Nguyễn Trí
chưa ổn. Điều đáng quý là một lần gặp nhau, chính Sương Nguyệt Minh cũng nói
thẳng với Nguyễn Trí, và ông không bỏ phiếu cho vàng- đá- trầm. Tôi không lạ:
Sương Nguyệt Minh là nhà văn rất chú trọng, chỉn chu chuyện chữ nghĩa; câu văn
phải tinh tươm, mực thước, phải đẹp; chi tiết và hình tượng nhân vật phải đọng
lại, ám ảnh… Cũng là cách viết phổ biến của nhiều nhà văn phía bắc. Và điều này
lý giải phần nào truyện Nguyễn Trí xuất hiện nhiều ở phía nam, ít được các diễn
đàn Văn Nghệ, Văn nghệ Quân đội… in. Bình thường thôi, thói quen và dư vị văn
chương vùng miền.
Có thứ khác đáng nói: “chiếu”
văn ở nhiều nơi còn nặng phân biệt cái danh “nhà văn trung ương”, “nhà văn địa
phương”- việc nhảm nhí, thảm hại của kẻ bất tài- khi thực chất tư thế nhà văn
là ở tác phẩm. Và bạn đọc. Kẻ nhân thân lầm bụi, dưới đáy- Nguyễn Trí, khi cầm
bút, vào hội địa phương bị nhiều vị “trung ương” coi nửa con mắt; khi được giải
sang trọng và được xếp ngồi “chung chiếu”, lại lắm kẻ không thể chấp nhận được.
Sắm vai sang trọng, đố kỵ cách gì, họ- những người phiêu diêu tự sướng với cái
danh hão- nằm mơ cũng không thể có tác phẩm in kìn kìn, có bạn đọc, như Nguyễn
Trí.
4.
Nhà văn Lê Minh Khuê, một cây
bút văn xuôi có tầm, điềm đạm và chừng mực nhận xét về Nguyễn Trí: “Trí miêu tả
cuộc sống theo cách Trí. Bản thân Trí từng ở Bến tắm ngựa, gọi theo cách giang
hồ đặt tên cho nơi tập hợp những người cực khổ nhất gầm trời. Khi gặp Trí thấy
anh có khuôn mặt của người ở bến này nhưng lại có một tâm hồn rất trẻ thơ, chân
thành, cởi mở, có vẻ không giấu diếm cái gì, và có cả sự bồn chồn của một người
say việc. Trí đang say viết. Nhiều truyện ngắn đã được người đọc đón nhận, Trí
đã là người có bến riêng trong nghề và không thể trùng lặp với ai.”
Còn Hồ Anh Thái nói rõ hơn về
giọng văn, chất văn Nguyễn Trí: “Văn chương tưng tửng, tung tẩy đối đáp giữa
nhân vật với nhân vật, giữa nhân vật với người đọc, giữa người viết với người
đọc. Không cần rạch ròi phân định, bởi sự chồng mờ, chèn lấn tạo nên nhiều sắc
độ hơn và mở rộng liên tưởng hơn. Nguyễn Trí đưa người đọc đi qua những cuộc
đối thoại ấy, rồi cắt nghĩa từng khái niệm, cắt nghĩa từng hành vi và tâm trạng
của dân giang hồ. Những bươn chải, những mưu tính, những nghĩa cử trong đám
giang hồ với nhau, có lúc cuốn hút, có lúc gây hồi hộp, có lúc gây phẫn nộ hoặc
khiến người đọc rưng rung. Như vậy tác phẩm của Nguyễn Trí gây hấp dẫn bằng
chất sống thực và sự từng trãi”.
Tôi đã nhắc nhiều nhà văn uy
tín Hồ Anh Thái, Văn Chinh, Sương Nguyệt Minh, Lê Minh Khuê nhận xét về Nguyễn
Trí, dù ủng hộ hay không, một hiện tượng mười năm qua của văn Việt, rất sôi
động trên báo chí. Cả trên các trang văn chương mạng. Nhưng tuyệt nhiên vắng
bóng các nhà phê bình tên tuổi.
Họ né tránh. Không chỉ riêng
trường hợp Nguyễn Trí. Họ vẫn viết, vẫn in, nhưng chủ yếu là đào xới quanh
những tên tuổi nổi tiếng, đã mặc định qua thời gian. Một lựa chọn an toàn
chăng?
Nhiều diễn đàn lý luận, phê
bình gần đây, cả tổng kết của Hội Nhà văn cuối nhiệm kỳ cũng nhắc tới sự yếu
kém mảng phê bình.
Thực ra không phải “gần đây”.
Một nền phê bình văn nghệ ngái ngủ, trượt dài vào lối phê bình định hướng, công
thức, phê bình bình giảng…, ít nhất cũng hơn nửa thế kỷ. Một đường mòn hủy diệt
cảm thụ, sáng tác. Có chăng tích cực là mảng in ấn dịch thuật phê bình, lý
thuyết văn học đương đại thế giới vài mươi năm nay. Nhưng đó là văn người, phê
bình người. Còn ta, ngoài bạn văn đọc nhau, cảm nhận hoặc viết cho nhau vài
nhận xét, trường hợp Nguyễn Trí rơi vào im lặng khá điển hình cho không khí,
sức sống mảng phê bình hiện nay của văn Việt. Không đáng viết à? Một năm vài
cuốn sách, có bạn đọc, có dư luận, giọng văn riêng không trộn lẫn, các giải
thưởng nữa…, không đáng xem xét sao? Hay là văn chương bên lề: người “dưới
đáy”, người của bến tắm ngựa- tác giả và nhân vật- cũng là người kia mà? Vậy
thì thế nào là trung tâm?... Và cho dù nghĩ vậy, việc né tránh của phê bình
cũng là thiếu trách nhiệm.
Một nền văn nghệ mà phê bình
chỉ chọn lối thuận, hoặc né tránh, im lặng, thì nền văn nghệ ấy chưa thể khỏe
mạnh!
5.
Tiểu thuyết “Thiên đường
ảo vọng” kể chuyện những người sa cơ, kinh tế mới thất bát, kẻ ra tù, kẻ
vượt biên bất thành, mất tiền, người yêu bị giết hiếp… gặp nhau, lập băng tìm
vàng, từ Suối Bến Tỷ đến Long Mỹ, với hy vọng đổi đời, cái đời rách nát hoặc tứ
cố vô thân, sứt sẹo lương tri. Và một ngàn lẻ một chuyện đời thực na ná nhau
của kẻ cùng đường với thực tế sinh động bãi vàng, từ sắm dụng cụ, mua bãi, đào
bổi, lắc mâm, xối máng… đến cô kết, khò lọc; từ kè hầm chống sập đến đục tầng
tìm vỉa, đánh thuốc nổ phá đá tảng; từ kỹ thuật kè ta luy đến cách đưa từng bao
quặng dưới âm ti lên; phí tổn và ăn chia, rượu và gái, cả hàng đen, cờ bạc bãi
vàng; tình yêu nữa, giang hồ gặp tứ chiếng…; tất cả hiện lên tỉ mỉ, cụ thể với
chất liệu thực hấp dẫn và phô phang.
Cái kết hẳn nhiên đã được chỉ
rõ ở tên sách: mộng đổi đời của hàng ngàn người đến bãi vàng chỉ là thiên đường
ảo vọng! Đủ kiểu chết: sập hầm, giết cướp, đánh nhau tranh đoạt, rắn rết, sốt
rét…; nếu trúng vàng cũng bị chia chác từ dân anh chị địa phương, tiêu tán vào
quán xá rượu, gái; và lực lượng chức năng truy quét, tù tội… Quy luật mạnh được
yếu thua nơi chỉ có “luật” bãi vàng- mạnh cơ bắp, võ nghệ, đôi khi là gan, liều
mạng, nhưng cũng cần cơ trí mới chinh phục giang hồ. Những Cường Linh, Thành
Võ, Tùng Hí, Ngọc Sún, Điệp, Lâm “quân sư”… hiện lên vừa đủ, liều lĩnh và hào
hiệp, trượng nghĩa…; và cái kết, bãi vàng khốc liệt thành vùng đất trồng điều,
kẻ đi tù về có chốn dung thân, cuộc tình Thành Võ- Bá Phượng có hậu…
À, cuộc tình. Rất nhiều cái
kết của Nguyễn Trí nương vào chữ tình như tìm lối ra khỏi ma trận của chính
mình. Kết thúc truyện ngắn Bãi vàng là Thành trở lại bãi gặp Dung. Kết Giã từ
vàng là Minh Tàn và My, hướng về quê. Rồi giang hồ Thu Râu và người đẹp Khánh
trong Đá quý…
Cũng có đúc kết, rải rác trong
truyện hoặc phần cuối. Như “Đời sống chỉ có sự sống là đáng quý, nhưng dường
như con người ta chỉ biết đến điều ấy khi đối diện với cái chết. Người ta sống
và săn tìm tiền tài để mua địa vị và danh vọng. Chỉ những kẻ may mắn thoát lưới
tử thần mới ngộ ra đời không hề phù du như những kẻ yếm thế nghĩ.” (Thiên đường
ảo vọng). Hoặc: “Chẳng có ai là đồ bỏ, chỉ có kẻ không tìm ra được đường đi của
mình, hay bước nhầm vào vũng tối rồi không rút ra được”. Rồi: “Một lóng cây dó
tầm một người ôm, dài một mét chỉ một tay là đỡ lên nhẹ nhàng, nhưng chính loại
cây nầy lại cho ra một sản phẩm cực kỳ quý giá/…/ Vậy mà trầm hương lại nặng và
đó là một điều kỳ diệu khác mà loài người không thể giải thích được.” (Trầm
hương). Hoặc: “Đừng nghĩ cát là hèn. Hãy tưởng tượng một con trai há miệng kiếm
cái ăn, một hạt cát tình cờ vương lại, vậy là ra ngọc.” (Đá quí). “Sau đó thì
sao? Thì lâu lâu kéo vai áo xuống để cho phố thị biết một thời ngang dọc, khoác
lác xong lại buồn buồn kể về con rắn hổ mang bành. Rồi kết luận tiền là tiên là
phật, nó mua được tất cả, ngăn được tất cả các dòng chảy. Cả dòng chảy của nước
mắt.” (Trầm hương). V.v…
Nhưng, những đúc kết hoặc
triết lý này từ tiểu thuyết đến truyện ngắn, chỉ vụn vặt, hay như nhà văn Văn
Chinh nhận xét “chỉ loanh quanh đâu đó”.
6.
Mà sao phải có đúc kết, “thông
điệp” gì to tát về nhân sinh? Chúng ta cứ mãi đọc theo thói quen chăng?
Thử điểm tên những cuốn sách
của Nguyễn Trí. Truyện ngắn có: Bãi vàng Đá quí Trầm hương, Đồ tể, Ngụy, Khùng,
Mạt cưa mướp đắng đường vàng, Bên kia của ánh sáng…, tiểu thuyết thì: Thiên
đường ảo vọng, Ngoi lên từ đáy, Bụi đời và thục nữ, Ăn bay, Diều hâu…, ngay
truyện dài thiếu nhi cũng có tên Tuổi thơ không có cánh diều. Thêm nữa nhé, tên
từng truyện ngắn: Bóng tối, Đen hơn bóng tối, Bể khổ, Kể chuyện giải sầu, Trái
đắng, Mì gõ vé số và cà phê đèn mờ, Nín lặng khóc, Màu của bóng tối, Buồn như
cuối năm, Khóc không thành tiếng, Nỗi buồn của Linh, Những người tối suốt, Bi
kịch giữa đời thường, Buồn ơi là buồn, Nỗi buồn trong mắt sâu, Nước mắt khô,
Lưu vong, Người điên không biết nhớ, Cạn chén đời, Vinh Liều, Sinh nghề tử
nghiệp, Tết lao cải, Lưu manh, Cây bằng lăng đẫm máu, Quỷ dịch…
Nhiều nữa, rất nhiều, chỉ
tuyền những tên truyện về sầu, buồn, bóng tối, say, điên, nước mắt,…, với vô
vàn “chúng sinh” sống đời lăn lóc, rách nát, vất vưởng, bạt mạng, được chăng
hay chớ…; chữ nghĩa khái quát là những “bi kịch giữa đời thường”... Rồi thế
giới tội phạm, từ buôn lậu, xì ke, ăn bay trên tàu thời bao cấp, ăn bay những
chuyến hàng đi Cam pu chia thời chiến tranh biên giới Tây nam, đến tổ chức vượt
biên, trấn lột, cướp cạn, lừa đảo, giết người…, đủ cả. Cũng có tên nhân vật,
nhiều khi trở đi trở lại những Minh Tàn, Thành Võ, Hoàng, Dũng, như nguyên mẫu
bạn bè và chính mình trong đời thực, nhưng chủ yếu thế giới “dưới đáy” có tên
chung là “ta bà”. Thế giới này lổn ngổn, ngọ nguậy, trật trìa miếng ăn, lầm lỡ
tình duyên, nghiện ngập, phạm pháp, bị cuộc sống dồn đuổi.
Nhưng họ cũng là người. Họ sẽ
tồn tại theo cái cách của mình. Đơn giản, Nguyễn Trí muốn nói rằng có thế giới
ấy, rất thực, thế giới ông từng thuộc về. Và đang là, ở vị thế khác.
7.
Bầy trẻ ranh tuổi học trò dính
ma túy trong “Quỷ dịch” rồi sẽ đi về đâu? Có cách gì cứu chúng không tiếp tục
sa chân vào hố thẳm hủy hoại một kiếp người và để lại những di hại xã hội?
Chuyện cái “tổ quỷ” chỗ thằng Trung và đường dây cung cấp ma túy cho trường học
có thể bị triệt phá, nhưng rồi ai dám chắc sẽ không có “tổ quỷ” khác mọc lên?
Những con người nhiều nghịch
cảnh, những nhọc nhằn và khổ lụy để mưu sinh, cả khốc liệt tồn tại, như Thắm-
Phi Hổ, Năm- Lựu Đạn: cuộc đời dồn ép họ thành quyết liệt nhưng tận thẳm sâu
vẫn lấp lánh ánh thiên lương. Giọt nước mắt của Thắm, thái độ dứt khoát vạch
trần cái “tổ quỷ” của ông Năm là chút ấm áp hy vọng. Cái còn đọng lại trong bạn
đọc, đôi khi chỉ như một nhắc nhở rằng, đang tồn tại những con người với mảng
đời lăn lóc như thế, một vấn nạn xã hội như thế.
Hoặc “Minh bay” kể về một nhân
vật thuộc giới “đầu trộm đuôi cướp” ở Vùng Mười Xóm Chợ, một địa chỉ hàm ý dân
góp, dân tứ chiếng. Minh hớt tóc, Minh Ếch hay Minh Bay là nhân vật chính được
dẫn chuyện bởi Minh Trí hay Minh Tàn, cũng người “phong trần tù tội”. Bối cảnh
là những năm sau Bảy lăm, thời bao cấp khó khăn, thời pháp luật và người chấp
pháp địa phương còn lộn xộn, hỗn mang. Nội việc soát xét cái giếng nhà cha Minh
Bay đã cuốn hút như chuyện phim trinh thám. Và cái bí mật cuối cùng bật lên khi
từ giếng này thông với giếng kia, nơi nhà của cô tình nhân, vợ một sĩ quan Việt
Nam cộng hòa, chủ tiệm vàng. Chuyện trong tù, chuyện hối lộ ở trại giam, chuyện
thó đồ khách trên tàu, chuyện sống cùng em sương phụ, đổi đời của Minh Bay…,
tất tất đều thú vị. Có một chút vấn đề xã hội, nhưng cái chính là số phận một
con người, những con người ranh ma, tồn tại trong cảnh khốn cùng, nhiễu nhương.
Thực chất, con người sẽ tồn tại ra sao nếu bị dồn vào đường cùng, chí ít là kiểu
“bần cùng sinh đạo tặc”? Giọng văn hoạt, diễn biến sự việc sinh động, biến hóa,
một Minh Bay hiện lên trí trá để tồn tại không hề khiến người đọc coi thường
hay lên án, thậm chí còn có cảm tình. Ghét hay cảm tình cũng không hề là chủ ý
của tác giả. Nhà văn chỉ kể cho chúng ta nghe về một tạng người, một tuýp người
có thật trong cuộc sống, và với sở trường của mình.
Hoặc với “Mì gõ vé số cà phê
đèn mờ” là nợ nần không trả nổi tiền phòng trọ, là gái tình duyên lận đận, lỡ
làng, gái điếm. Cũng thợ đụng, lao động, mồ hôi dầu da đen, khét nắng. Rồi rảnh
rổi vợ nhà chơi tứ sắc, chồng léng phéng em út, cà phê đèn mờ… Tô mì dằn bụng
khuya khoắt quanh quanh ngõ hẻm cho tầng lớp nổi nênh này. Mở đầu và kết thúc
giống nhau: bất ngờ ai đó trúng số độc đắc, và họ biến mất khỏi cái xóm nghèo,
cóc cáy thân phận. Như một lối thoát duy nhất, một đổi đời duy nhất. Cách đặt
vấn đề này còn lồng thêm ý nhân tình thế thái: con người có thể đùm bọc nhau
khi khốn khó, nhưng bất ngờ một khoản tiền lớn rơi độp vào, là đổi thay cách ứng
xử. Đồng tiền biến anh lao động hôi rình thành hoàng tử của gái điếm. Đồng tiền
kết nối những đổ vỡ gia đình, v.v…
Còn “Cây bằng lăng đẫm máu” là
viết về lâm tặc, tạng trải nghiệm “phá sơn lâm, đâm hà bá”. Chuyện cứ vậy mà
tuôn ra, đời sống cứ thế mà hiện lên, “tha nhân” và “chính chủ”. Nên sinh động,
chân thật, cuốn hút, bằng giọng điệu riêng, rất đời, không trộn lẫn. Nhưng “Cây
bằng lăng đẫm máu” lại được dàn dựng bằng thủ pháp của “nghề” văn: kiểu dẫn dụ
“lườm rau gắp thịt”. Dụng công từ đầu qua Vị, người hướng dẫn viên du lịch am
hiểu rừng, yêu rừng như máu thịt và dẫn dắt đoàn khách qua chặng đường dài rừng
yên bình, thân thiện, từ “nhạc” vượn, đến những con cá sấu lành hiền, những con
vắt vô hại, và bao thứ ánh sáng, hương rừng, nhạc rừng hòa hợp tuyệt diệu với
con người… Để, bật lên cuối truyện tội ác của con người, bên cây bằng lăng đẫm
máu. Máu người. Máu rừng.
V.v…
Tôi nhặt tình cờ trong hàng
trăm truyện Nguyễn Trí, để thấy, đúng là như những tiểu thuyết dài hơi Thiên
đường ảo vọng, Ăn bay…, các truyện ngắn cũng không có phát hiện gì cao siêu về
tư tưởng, về nhân sinh. Nó chỉ “bạch hóa” phần đời sống vốn có mọi thời, đang
hiện hữu, sống động và thực đến xót xa.
8..
Nhưng sao không có tác phẩm
tầm những “Chí Phèo”, “Tắt đèn”, “Bước đường cùng”… như một thời, bạn sẽ thắc
mắc vậy chứ gì?
Thực ra hàng trăm nhân vật,
cảnh đời trong văn Nguyễn Trí chỉ có một nhân vật và một cảnh dưới đáy. Sẽ dễ
dàng nhận ra, từ truyện ngắn đến tiểu thuyết, Nguyễn Trí luôn lúng túng cái
kết. Nhân vật dưới đáy sẽ có cái kết thế nào? Bị pháp luật trừng trị hoặc “ác
giả ác báo”? Sẽ “quay đầu là bờ”, “buông dao thành phật” chăng? Sẽ hoàn lương
cho hợp đạo lý chăng? Sẽ tu tâm dưỡng tính, đi theo các mô hình làm giàu kiểu
vượt khó, người tốt việc tốt, gương điển hình… thay đổi số phận, đầy dẫy trên
báo chăng?
Các nhà phê bình thích chí
trích mãi câu Chí Phèo gào lên bi phẫn “Ai cho tao lương thiện”, làm lời tố cáo
xã hội thực dân phong kiến. Chị Dậu thì “Ngoài trời tối đen như mực và như cái
tiền đồ của chị”, cũng xã hội ấy; ông Nguyễn Tuân còn bình rằng đừng nghĩ cái
kết ấy bi quan tiêu cực, mà cần khơi cái bấc đèn hiểu của mình lên là, “phải
làm cách mạng” để đổi đời. Rồi cái bi- hài của Nguyễn Công Hoan, truyện ngắn
hay tiểu thuyết, cũng là tố cáo đanh thép xã hội chưa có cách mạng ấy… Nguyễn
Trí không thể viết như thế trong dòng “hiện thực xã hội chủ nghĩa”, trong xã
hội “ta”. Vả lại, văn chương bây giờ mà viết như bảy, tám chục năm trước chẳng
ai đọc đâu. Cũng như nhân vật phải có “phản diện”, “chính diện” một thời giờ
thành buồn cười, khi dù không muốn, phải thừa nhận tâm hồn người phức tạp hơn
nhiều, đa diện, đa nhân cách, tốt xấu không phải lúc nào cũng rạch ròi.
Nguyễn Trí không “tố cáo”,
không “ngợi ca”. Giả dụ, không “kết” theo các kiểu đường mòn kể trên, các nhân
vật không theo định hướng đạo đức, phải đạo nào cả, cứ thuần bộc lộ rốt ráo
nhân bản, theo quy luật sống thì sao? Dĩ nhiên, sẽ khó chấp nhận, in ấn. Hoặc
từ chính lựa chọn của tác giả: tự trong thâm tâm khi cầm bút, Nguyễn Trí muốn
số phận nhân vật thay đổi. Một lần nhà văn trả lời báo chí: “Thằng bạn của tôi
đáng lý chết rồi nhưng ngoài đời nó chết oan ức lắm nên trong truyện của tôi,
tôi không để nó chết mà cho nó sống. Tôi còn cho nhiều nhân vật được sống và
được hạnh phúc nữa.”
Nguyễn Trí đã loay hoay. Cả
“áp lực” in ấn khách quan và sự nhập vai, lẫn lộn đời thực- đời văn, ông có
phần lúng túng và đôi lúc gượng, cuộc “thương” nhân vật của mình.
9.
Lý luận văn học về “nhân vật
điển hình”, “hoàn cảnh điển hình” đương nhiên chỉ phù hợp dòng văn học hiện
thực, dù “cái đuôi” là “phê phán” hay “xã hội chủ nghĩa”. Vậy văn của Nguyễn
Trí thuộc dòng nào? Không lãng mạn, siêu thực, không hiện thực huyền ảo, và
không mới đây- thần thực- Ngô Liêm Khoan gọi tên, mà ông rất tán thưởng tác giả
này. Hay hiện đại, hậu hiện đại? Cũng không.
Có một thực tế, ngót một thế
kỷ qua, văn xuôi Việt đã trải các Trường phái sáng tác: Lãng mạn, Hiện thực,
Hiện đại, Hậu hiện đại… Có thành tựu rõ rệt của Tự lực văn đoàn, của Hiện thực
phê phán, Hiện thực cách mạng. Văn xuôi Hiện đại từ những năm tám mươi thế kỷ
trước đến nay, cũng nhiều thành tựu. Còn Hậu hiện đại chưa thật định hình.
Nhiều tác giả cố gắng “lạ hóa”, thường rơi vào tạng pha trộn sống sít.
Và Nguyễn Trí bất ngờ xuất
hiện. Cực kỳ sinh động đời sống thực, những người và việc, thế giới ông sống,
trải nghiệm. Hấp dẫn. Mới lạ. Cuốn hút. Nguyễn Trí đã “kể” câu chuyện của mình,
theo cách mình!
Có dòng văn học tư liệu, văn
học phi hư cấu, văn học hư cấu… Nguyễn Trí ở dòng nào? Cũng không rõ rệt. Không
hẳn dòng hư cấu vì chính những trải nghiệm nhiều khi như “tự truyện”, chất liệu
thực chiếm tỉ trọng khá lớn, đầy thuyết phục. Nhất là cách kể chuyện độc đáo
không trộn lẫn, không thể thay thế: chính một nhân vật là thế giới ta bà đã bật
ra giọng kể hòa trộn, quỷ dị này. Cả hai, chất sống thực quyện hòa cách kể
khiến tác giả như đang sống chứ không phải viết, thành trang văn mang giá trị
riêng biệt.
Không cần gọi tên “dòng” nào
cả. Nhưng đã thực có một Nguyễn Trí, với những con người ở bến tắm ngựa; với
những phận người sa cơ, lầm lạc, dưới đáy xã hội.
Mùa
đại dịch, 26/10/2021
bài rất hay
Trả lờiXóa