Đọc Luận ngữ của Khổng Tử, tôi đã suy ngẫm và lấy làm ngạc nhiên về rất nhiều điều mà nhà tư tưởng của Trung Hoa cổ đại sống cách đây hơn 2.500 năm đã viết trong cuốn sách được xem là kinh điển dùng để dạy cho hơn 3.000 môn đệ của mình.
Một trong những điều khiến tôi ngạc nhiên là khi thấy
mở đầu cuốn sách ông đã viết một bài học về tình bạn: Hữu bằng tự viễn phương
lai, bất diệc lạc hồ. Câu này có nghĩa rằng: Có bạn từ phương xa đến chẳng vui
lắm sao. Tôi ngạc nhiên là vì sao một ông tổ của tư tưởng phong kiến như Khổng
tử lại không mở đầu cho cuốn giáo khoa thư của mình bằng một bài học về lòng
trung quân ái quốc (trung thành với nhà vua và yêu nước), mà lại đi nói về tình
bạn.
Càng sống càng chiêm nghiệm về cuộc đời, mới thấy sự
đề cao tình bạn bè của Khổng Tử là vô cùng có lí. Trên cõi đời này, có lẽ không
có ai là không có ít nhất một người bạn. Từ bậc chính nhân quân tử cho đến một
kẻ khốn cùng của xã hội đều có bạn. Không có bạn, dù chỉ là một người, bạn sẽ
có một khoảng trống không gì bù đắp nổi trong cuộc sống. Dù bạn đã có một sự
nhiệp như ý với một gia đình chứa đầy hạnh phúc, tưởng như không cần gì thêm
nữa thì bạn vẫn cần có thêm bạn bè.
Chẳng hạn, sống trong cuộc đời này ai cũng có những
điều bí mật của riêng mình. Bí mật đến mức chỉ có trời biết đất biết và bạn
biết (dĩ nhiên). Điều bí mật ấy bạn không thể nói cho ai biết, dù đó là cha mẹ
hay vợ chồng con cái mình. Ấy vậy mà bạn lại sẵn sàng chia sẻ điều bí mật ấy
với người bạn thân thiết nhất của mình.
Có một ông bạn vong niên lớn hơn tôi mấy tuổi chơi với
nhau đã hàng chục năm nay. Ổng đang có một gia đình vợ con yên ấm thành đạt.
Bỗng một hôm ông thì thào vào tai tôi một điều bí mật. Đó là ông có một đứa con
riêng với một cô bồ cũ. Cô ấy lấy chồng nhưng lại không thể có con mà lí do là
từ phía người chồng. Một lần đi công tác ở một nơi rất xa, ông và cô bồ cũ vô
tình gặp lại nhau. Cô bồ cũ kể về hoàn cảnh trớ trêu của mình và nói rõ là rất
khát khao có một đứa con để vui cửa vui nhà. Và lần ấy, ông đã giúp cô bồ cũ
toại nguyện. Nay thì đứa con ấy đã trưởng thành, cô bồ cũ đã thành bà ngoại và
sống rất hanh phúc. Điều may mắn là người chồng của cô bồ cũ cũng không băn
khoăn gì vì cứ nghĩ đó là con mình. Điều bí mật động trời ấy của ông bạn tôi
chỉ có trời biết, đất biết, bạn tôi biết, bồ cũ của bạn tôi biết và…tôi biết.
Tất cả chỉ có 3 người. Rồi sẽ đến lúc ông bạn tôi và tôi mang theo nó xuống mồ
mà không thể chia sẻ thêm với bất kì ai khác nữa.
Vậy mới thấy sự cần thiết và cao cả của tình bạn. Đó
cũng là điều để cắt nghĩa vì sao Khổng Tử đã mở đầu Luận ngữ bằng một bài học
về tình bạn.
Càng sống, càng lớn tuổi càng cần có bạn bè. Bởi khi
trẻ ta còn phải hướng tinh thần và tâm trí vào nhiều điều như học hành, sự
nghiệp, công danh phú qúi, vợ con gia đình… Nhưng khi những điều đó đã có (dù
không biết bao nhiêu cho đủ), có khi bạn lại thấy cô đơn. Và khi đó hẳn bạn sẽ
nhớ về bạn bè, cần đến bạn bè.
Không có bạn thân, nỗi cô đơn của bạn sẽ nhân lên
nhiều lần. Mà trong đời ai chẳng có sự cô đơn. Dù bạn thành đạt và hạnh phúc
đến đâu thì nỗi cô đơn vẫn đi theo cuộc sống của bạn như cái bóng đi theo hình
người, lúc khuất lúc hiện. Chẳng thế mà một ông bạn khác của tôi tên là Uông
Ngọc Dậu đã viết một câu thơ rất hay: Đêm nằm bên vợ thấy cô đơn. Nghe qua thấy
vô lí nhưng ngẫm lại thấy có lí.
Thường khi về già, con người ta có nhu cầu tìm về với
bạn bè cũ. Chẳng thế mà khi còn trẻ nghe mọi người kêu đi họp lớp bạn thường
dửng dưng, lại còn lên giọng: Không có việc gì làm nữa à mà bày ra họp lớp, mất
thời gian, tốn tiền vô ích.
Nhưng khi đã qua tuổi ngũ tuần, bạn lại mong đến ngày
được mọi người kêu đi họp lớp. Khi đó bạn sẵn sàng dẹp cả công việc gia đình và
nhiệm sở sang một bên, sẵn sàng bỏ ra cả nửa tháng lương để đi họp lớp cách nơi
bạn sống hàng ngàn cây số.
Khi đó, bài học của Khổng Tử "Hữu bằng tự viễn
phương lai, bất diệc lạc hồ" càng đúng hơn bao giờ hết.
Bạn bè đến với ta, ta đến với bạn bè, chẳng vui lắm
sao.
bài rất hay
Trả lờiXóa