Nhà thơ Du Tử Lê "về thế giới bên kia" đã tròn một
tuần. Đã có bao nhiêu bài báo, bao nhiêu status viết về ông và bài thơ Khúc
Thụy Du nổi tiếng của ông được phổ nhạc.
Tôi im lặng đọc hết các bài viết với tất cả sự khâm phục và nuối
tiếc về ông, một người mà mãi về sau này tôi mới biết rằng: Vào ngày 17 tháng 4
năm 1975, chỉ 13 ngày trước khi Sài Gòn giải phóng, cùng với nhà văn Mai Thảo
và nhạc sĩ Phạm Duy, Du Tử Lê đã bị kết án tử hình vắng mặt trên Đài phát thanh
Giải phóng.
Riêng tôi, từ tháng 4 năm 2010 cũng đã có một bài viết về ông
nhớ lại kỉ niệm lần đầu tiên được nghe bài hát Khúc Thụy Du trong một tâm trạng
và trong một bối cảnh thật đặc biệt – những ngày diễn ra trận đánh đẫm máu ở
Xuân Lộc tháng tư năm 1975. Không chỉ là kỉ niệm về một bài hát, đó còn là kỉ
niệm của cuộc đời tôi.
P/S: Khi đọc xong bài viết của tôi đăng trên hatungsonblog,
thằng bạn học cùng lớp cấp 3 Manh Doan khi
đó đã comment ở dưới:
Ngày xưa ấy, nếu Mi không né được
Thì giờ đây ! tao có biết chi mô
ngày xưa ấy, nếu Mi không còn nữa
Tao làm sao thấy được khúc bi hài
Mi không viết nghĩa là Mi im lặng
Mi im lặng nghĩa là Mi không nói
không nói gì cũng là lỗi lớn đó Mi ơi
Thì giờ đây ! tao có biết chi mô
ngày xưa ấy, nếu Mi không còn nữa
Tao làm sao thấy được khúc bi hài
Mi không viết nghĩa là Mi im lặng
Mi im lặng nghĩa là Mi không nói
không nói gì cũng là lỗi lớn đó Mi ơi
Thì bây giờ nói lại lần nữa cũng chưa muộn.
NGHE TRỘM KHÚC THỤY DU CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ
Tháng Tư năm nào cũng vậy, là một tháng có quá nhiều cảm xúc.
Bởi đó là tháng có ngày 30 tháng 4. Tháng Tư năm nay còn hơn thế, là tháng ghi
dấu 35 năm ngày 30 – 4. Ngày lần đầu tiên trong đời tôi đặt chân đến SG trong
hành trang của một người lính đầy bụi bặm, một người lính vừa thoát chết sau
khi đã đi qua phần cuối của một cuộc chiến tranh tàn khốc.
Vào lúc này, khi một ngày chủ nhật yên ả tới vào giữa tháng Tư
tôi chợt nghe lại giai điệu của những bài hát quen thuộc như một kỉ niệm dịu
dàng giữa một cuộc chiến tranh khốc liệt.
Đó là khi về đêm giữa những cánh rừng cao su Xuân Lộc, nơi đang
diễn ra trận đánh quyết tử kéo dài đến 11 ngày để tìm đường vào SG, mà mỗi ngày
đau đớn thay, có đến 400 người lính của miền Bắc bị chết. Kết thúc trận Xuân
Lộc, tổng cộng đã có 4 ngàn lính của quân đoàn tôi, tức quân đoàn 4 đã vĩnh
viễn nằm xuống trên mảnh đất xa lạ Xuân Lộc. Bạn cứ hình dung chiến trường
Quảng Trị năm 72 ác liệt là thế mà mỗi ngày cũng chỉ 100 quân chết. Xuân Lộc
gấp 4 lần như thế.
Hàng ngày vì là lính trinh sát cấp sư đoàn từ trên đài quan sát
mặt trận, tôi thấy từng đoàn cáng thương tử sĩ đưa về tập kết ở dưới những cánh
rừng. Nói thật, vào những ngày đó nhìn những cảnh ấy, tôi đã xác định là sẽ
không có ngày trở lại miền Bắc, trở lại quê nhà với gia đình cha mẹ, trở lại
với trường đại học, nơi tôi đã từ biệt tất cả để ra đi. Nói theo kiểu bây giờ,
trong hoàn cảnh ấy tôi và các đồng đội khác không bị chết mới là lạ.
Và đêm đêm dù bị cấm, tôi vẫn thường áp cái radio chiến lợi phẩm
nhỏ vào tai để nghe đài, hết đài Hà Nội (nghe rất rọt rẹt) sang đài BBC (lúc
được lúc mất) đến đài của chính quyền SG (nghe nét nhất). Có một lần giữa những
bản tin chiến sự của đài SG, tôi đã nghe một bài hát rất lạ do một giọng nam
trầm hát. Đó là một thứ nhạc vàng uỷ mị bi quan, nhưng trong cái tối tăm của
chiến trường và của đầu óc tôi lúc ấy, thấy sao mà hợp với tình cảnh của mình
đến lạ. Lúc đó tôi không biết bài hát tên gì của ai. Nhưng mấy câu hát sau cứ
ám ảnh mãi trong tâm trạng tôi:
... Hãy nói về cuộc đời
khi tôi không còn nữa
Sẽ lấy được những gì
về bên kia thế giới
Ngoài trống vắng mà thôi ...
khi tôi không còn nữa
Sẽ lấy được những gì
về bên kia thế giới
Ngoài trống vắng mà thôi ...
Chả trách mà hồi đó, ở miền Bắc và trong thanh niên, quân đội
cấm hát và nghe nhạc vàng là phải.
Sau đó không lâu thì tôi cùng mọi người vào tiếp quản SG. Được
phân về làm việc ở Uỷ ban quân quản phường Hiền Vương quận 3, một hôm đang làm
việc tôi bỗng nghe cô đánh máy của văn phòng vừa gõ máy vừa khe khẽ hát bài hát
với những giai điệu quen quen mà tôi đã nghe trong đêm chiến tranh Xuân Lộc.
Tôi vội hỏi ngay cô gái về bài hát (Xin nói thêm, cô nhân viên đánh máy này là
sinh viên văn khoa của ĐH văn khoa Sài Gòn trước 30/4/29175).
Thì ra đó là bài Khúc Thuỵ Du, lời thơ của Du Tử Lê. Tôi đã nhờ
cô đánh máy kiếm cho cái băng âm thanh có bài hát đó. Nghe đi nghe lại tôi thích
nhất câu kết của mỗi khổ thơ và cũng là của mỗi đoạn lời ca khi tông nhạc hạ
xuống và ngân nga: Thụy ơi và tình ơi/ Thụy bây giờ về đâu ...
Lúc ấy vừa nghe bài hát tôi vừa nghĩ: Giả sử tôi cũng đã nằm
xuống ở Xuân Lộc cùng với 4 ngàn đồng đội khác thì đúng là:
... Sẽ lấy được những gì về bên kia thế giới
Ngoài trống vắng mà thôi ...
Ngoài trống vắng mà thôi ...
Bài hát hay có thể không chỉ vì bài hát hay mà còn vì nó phù hợp
với tâm trạng của người nghe. Và hơn thế, nó còn gắn với một kỉ niệm nào đó
trong cuộc đời người nghe. Bởi vậy cùng một bài hát mà người này thích còn
người kia thì không. Khúc Thuỵ Du là một ví dụ.
35 năm, chuyện bây giờ mới kể.
Khúc Thuỵ Du
Hãy nói về cuộc đời khi tôi không còn nữa
Sẽ lấy được những gì về bên kia thế giới
Ngoài trống vắng mà thôi
Thụy ơi và tình ơi
Sẽ lấy được những gì về bên kia thế giới
Ngoài trống vắng mà thôi
Thụy ơi và tình ơi
Như loài chim bói cá trên cọc nhọn trăm năm
Tôi tìm đời đánh mất trong vũng nước cuộc đời
Trong vũng nước cuộc đời
Thụy ơi và tình ơi
Tôi tìm đời đánh mất trong vũng nước cuộc đời
Trong vũng nước cuộc đời
Thụy ơi và tình ơi
Đừng bao giờ anh hỏi
Vì sao ta yêu nhau
Vì sao môi anh nóng
Vì sao tay em lạnh
Vì sao chân anh run
Vì sao chân không vững
Vì sao và vì sao
Vì sao ta yêu nhau
Vì sao môi anh nóng
Vì sao tay em lạnh
Vì sao chân anh run
Vì sao chân không vững
Vì sao và vì sao
Hãy nói về cuộc đời
Tình yêu như lưỡi dao
Tình yêu như mũi nhọn
Êm ái và ngọt ngào
Cắt đứt cuộc tình đầu
Thụy bây giờ về đâu
Tình yêu như lưỡi dao
Tình yêu như mũi nhọn
Êm ái và ngọt ngào
Cắt đứt cuộc tình đầu
Thụy bây giờ về đâu
Thụy bây giờ về đâu
Anh là chim bói cá
Em là bóng trăng ngà
Chỉ cách một mặt hồ
Mà muôn trùng chia xa
Anh là chim bói cá
Em là bóng trăng ngà
Chỉ cách một mặt hồ
Mà muôn trùng chia xa
Sài Gòn, 30/4/2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bạn có nhận xét mới