Tiếng Việt là một sinh ngữ, và ngôn ngữ trên báo
chí cũng không ngừng phát triển góp phần không nhỏ vào sự phát triển của tiếng
Việt hiện đại.
Tuy
nhiên trong quá trình phát triển, báo chí đã bộc lộ không ít những nhược điểm
trong sử dụng từ ngữ, văn phạm làm phương hại đến sự trong sáng của tiếng Việt,
và góp phần không nhỏ vào sự lệch lạc trong lỗi dùng từ của một bộ phận người đọc,
người nghe, làm phương hại đến đến sự trong sáng của tiếng Việt, làm ảnh hưởng không
nhỏ và tạo nên sự lệch lạc trong lỗi dùng từ của một bộ phận người đọc báo, người
nghe đài, xem truyền hình.
Về tu từ:
Có một nhận xét chung là khả năng tu từ học cũng như kỹ năng diễn đạt của
báo chí nước ta đang ngày càng pha tạp giữa ngôn ngữ thuần Việt với ngôn ngữ nước
ngoài. Khiến câu chữ trên báo chí lắm lúc trở nên ngô nghê, khó hiểu hoặc khô cứng.
Nguyên nhân thì có nhiều nhưng có thể là do các nhà báo của ta trong quá trình
học và sử dụng ngoại ngữ đã mang theo thói quen sử dụng cấu trúc của câu văn tiếng
nước ngoài vào câu văn Việt; hoặc là muốn viết cho khác người, cho lạ, cho hiện
đại. Ví dụ: Bản quy hoạch này được thực
hiện bởi một nhóm các kiến trúc sư trẻ;
Cú đâm nhau chí mạng được xảy ra giữa hai xe máy phóng ngược chiều với một
tốc độ rất cao; Sự cạn dần đi của nguồn nước được xảy ra khi các nhà máy thuỷ
điện mọc lên chi chít trên thượng nguồn các con sông.v.v. Những câu trên đều
có thể diễn đạt lại theo lối thuần Việt, xuôi tai và dễ hiểu hơn, nhất là với số
đông người bình dân: Một nhóm kiến trúc sư trẻ đã thực hiện bản qui hoạch
này; hai xe máy phóng ngược chiều với tốc độ rất cao đã đâm nhau một cú chí mạng;
Các nhà máy thủy điện mọc lên chi chít trên thượng nguồn các con sông đã làm
cho nguồn nước bị cạn dần đi .v.v.
Chính cách viết theo cấu trúc đặt trước từ “được” những động từ
và tính từ đã làm nên những câu văn kiểu tây tây như thế. Trong lúc cách nói
truyền thống của người Việt ta là Chúng
ta đi trên đường tắc nghẽn quá;
không ai nói Chúng ta tắc nghẽn quá bởi
con đường đi. Nghe cứ như là văn
dịch. Tất nhiên là dù nói và viết theo cách nào thì người đọc người nghe cũng
hiểu Chúng ta đi trên một con đường tắc nghẽn; và con đường tắc nghẽn
mà chúng ta đang đi. Về nghĩa giữa hai câu thì giống nhau nhưng diễn đạt
theo câu thứ hai thì vụng về và nặng nề lắm. Trong khẩu ngữ thì có thể nói như
thế nhưng trên báo chí thì không nên chút nào. Trên thực tế, việc đưa khẩu ngữ
vào các bài báo của số đông các nhà báo đang ngày càng phổ biến. Và đó là một
thói quen xấu, khi báo chí được xem là một phương tiện truyền thông phổ cập và
cổ điển.
Ngay ở cách đặt title cho bài báo cũng nhiều lúc chưa ổn, thậm chí gây bức
bối cho người đọc báo. Một title bài phải sao cho ngắn gọn và kín, đọc qua
title bài, bạn đọc sẽ thấy ngay bài báo sẽ có nội dung về vấn đề gì nhưng đồng
thời ngay ở cái title cũng cần gây được sự chú ý, tò mò cho người đọc. Ví dụ: Mất bảy mạng người trong một vụ hoả hoạn.
Đọc cái title này bạn đọc sẽ biết nội dung bài báo là nói về một vụ hoả hoạn
nghiêm trọng gây chết đến bảy người. Nhưng người ta cũng cần biết là vụ cháy xảy
ra ở đâu, vào lúc nào, diễn biến như thế nào và nguyên nhân do đâu. Và vì thế
mà người ta sẽ đọc hết bài báo để nắm các thông tin trên. Nhưng nếu cũng với bài báo trên mà đặt title: Vụ
hoả hoạn ở Bình Dương vì sao mất đến
bảy mạng người? Với dấu (?) ở cuối thì sẽ khiến cho người đọc khó chịu. Bởi
người đọc đến với bài báo đó là để tìm đến với sự thật chứ không phải là đi tìm
câu trả lời mà nhà báo đặt ra. Trong trường hợp này chỉ có một trong hai khả
năng: do có người đốt hoặc do bất cẩn. Vậy chỉ có thể đặt title với sự khẳng định:
Vụ hoả hoạn ở Bình Dương là do có người đốt; hoặc Vụ hoả hoạn ở Bình Dương là do bất cẩn.
Trong trường hợp cụ thể này, nếu chưa xác định được nguyên nhân thì chỉ
nên đặt title: Đi tìm nguyên nhân vụ hoả
hoạn ở Bình Dương là đủ. Tương tự không nên đặt các title bài kiểu: Tăng
giá xăng trong thời điểm này liệu có thích hợp? Trong trường hợp này
nếu quan điểm của nhà báo là không thích hợp thì khẳng định luôn là: Tăng giá xăng trong thời điểm này là không thích hợp; ngược lại thì
nói: Tăng giá xăng trong thời điểm này là thích hợp. Gần đây báo chí ta còn
có tình trạng phổ biến đặt câu hỏi với dạng
động từ + tại sao không? Ví dụ: Cá
cược bóng đá, tại sao không?; Hoặc
Tết sách, tại sao không? ... Nói kiểu ấy một vài lần thì được, nói hoài kiểu
câu hỏi ấy thì gây khó chịu cho người đọc. Người đọc báo có quyền bắt bẻ lại
nhà báo với những cái title cụ thể hơn: Có
thể/không thể cá cược bóng đá; hoặc
Nên/không nên có tết sách ...
Đa số bạn đọc không thú vị gì với các title bài đồng thời là một câu hỏi.
Bởi nhiệm vụ của họ không phải là đi tìm câu trả lời mà là tìm đến với sự thật
là câu trả lời của nhà báo nằm trong nội dung bài báo. Và như vậy, cũng có
nghĩa là các title bài không nên là những câu hỏi. Trong lúc đó thì đáng buồn
thay đang có nhan nhản những title đề như thế trên các trang báo ra hàng ngày.
Về sử dụng từ:
Như đã biết, lượng từ Hán – Việt chiếm đến 70% trong ngôn ngữ tiếng Việt.
Chúng ta không máy móc là phải Việt hoá
tất cả các từ Hán – Việt để cho tiếng Việt được trong sáng. Và trên thực
tế không phải từ Hán – Việt nào cũng có thể Việt hoá được. Tuy nhiên, lạm dụng
và sử dụng quá nhiều từ Hán – Việt trong khi có thể sử dụng từ thuần Việt là
không nên. Điều này trong giới ngôn ngữ học đã nói nhiều, chúng tôi xin không
nhắc lại.
Điều chúng tôi muốn nói là tình trạng sử dụng sai từ Hán – Việt trong báo
chí. Rõ nhất là ở từ khiêm tốn. Ai
cũng biết khiêm tốn là từ dùng để chỉ
một phẩm chất tốt của con người. Ông ấy
giỏi nhưng khiêm tốn lắm; Những người
thông minh là những người biết khiêm tốn. Bác Hồ cũng dạy các cháu thiếu
niên nhi đồng là Khiêm tốn, thật
thà, dũng cảm. Từ nghịch nghĩa với khiêm tốn là tự cao, một thói xấu của con người. Tuy nhiên gần đây từ khiêm tốn đang được dùng để chỉ những
cái gì còn ít, như là một từ định lượng. Ví dụ: Kết quả đạt được của doanh
nghiệp trong năm qua còn khiêm tốn; hoặc: Thành tích của đội bóng A trong
mùa bóng vừa qua là quá khiêm tốn ...
thậm chí có nhà lãnh đạo khi đi nước ngoài cũng đã phát biểu: Tiềm năng hợp tác kinh tế giữa hai nước Việt
– Nga là rất to lớn nhưng chúng ta thực hiện còn quá khiêm tốn. Tại sao
không nói thẳng, nói rõ ra là ... còn ít;
... còn thấp mà lại thay từ khiêm tốn
vào đấy. Nếu vậy, chúng ta phải hiểu từ khiêm
tốn trong Năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên và nhi đồng “Khiêm tốn, thật thà,
dũng cảm” như thế nào đây! Chẳng thế mà có độc giả đã viết bài than phiền về
cái sai phổ biến và trầm trọng của báo chí khi dùng từ khiêm tốn với nhan đề chua chát: Tôi sợ khiêm tốn lắm rồi!
Đó là cái sai rất đậm nét
trong dùng từ Hán – Việt mà không ít người đã lên tiếng phê phán nhưng chưa thấy
ai sửa, ngược lại kiểu sai này ngày càng phổ biến và trầm trọng hơn. Báo chí,
hơn ai hết phải thấy được khả năng lan toả và tác động to lớn của mình trong đời
sống xã hội để từ đó cũng phải cẩn trọng hơn ai hết trong sử dụng từ ngữ.
Một cái sai khác trong dùng từ
cũng đang rất phổ biến trong báo chí của ta là dùng từ bà con, nhất là trong các bài báo, các chương trình phát thanh và
truyền hình hướng về đối tượng đọc và nghe là nông dân, đồng bào các dân tộc
thiểu số. Ví dụ: Bà con và các bạn thân mến!
Theo từ điển tiếng Việt, nghĩa của từ bà con là để chỉ những người có
cùng quan hệ huyết thống, có quan hệ họ hàng thân thuộc bên nội, bên ngoại với
nhau… Có lẽ khi các nhà báo và các báo, đài gọi đối tượng hướng tới để tuyên
truyền của mình, những người nông dân, những đồng bào các dân tộc thiểu số là bà
con nhằm tạo sự gần gũi, thân thiết. Nếu vậy khi viết về những người công
nhân, những tầng lớp lao động khác trong
xã hội thì không cần sự bà con gần gũi đó hay sao! Đó là chưa nói tới
chuyện người nông dân trong xã hội ta ngày nay cũng đã được nâng cao về dân trí
và các nhận thức khác, họ sẽ không muốn cánh báo chí gọi mình theo lối mị dân
như thế. Và khi đó, tác dụng tuyên truyền sẽ bị giảm sút do lỗi dùng từ không
chính xác.
Trong trường hợp này, nên
thay từ bà con bằng đồng bào là thích hợp hơn cả: Đồng bào và
các bạn thân mến! Bởi rằng, đồng bào là một từ gốc Hán nhưng không hề
xa lạ trong tiếng Việt.
Lỗi trong dùng từ
theo kiểu khẩu ngữ cũng đang phổ biến trên các mặt báo. Có lẽ chưa có bao giờ mà lời ăn tiếng
nói thông thường trong cuộc sống hàng ngày lại được các nhà báo sử dụng thoải
mái đến mức hồn nhiên như hiện nay. Tác dụng của nó là khiến cho báo chí trở
nên gần gũi hơn với người đọc nhưng nếu lạm dụng quá thì sẽ làm mất đi tính
nghiêm túc của bài báo, và của cả tờ báo.
Chẳng hạn một từ đang được báo chí dùng rất thịnh
hành là bật mí. Ví dụ: Bật mí về hậu
trường làm phim truyền hình Việt Nam; hoặc Bật mí về những cây xăng gian
lận thương mại ở Long An .v.v. Ai
cũng biết, bật mí là nói lái của từ bí mật, như một sự chơi chữ,
nhằm chỉ những điều đã bị lộ diện, không còn bí mật nữa. Dùng ở ngoài sách vở
theo dạng khẩu ngữ, ngôn ngữ đường phố không thì không sao nhưng nếu sử dụng
chính thức trên báo chí sẽ làm mất hẳn sự nghiêm túc của bài báo, biến một vấn
đề nghiêm túc thành một sự bông lơn, đùa cợt.
Trong quá trình phát triển của ngôn ngữ,
lượng từ mới xuất hiện ngày càng nhiều và đi vào đời sống ngôn ngữ như một lẽ tự
nhiên. Điều đó làm cho ngôn ngữ nước nhà ngày càng phong phú. Tuy nhiên, không
phải từ mới nào cũng có lí để tồn tại. Lẫn trong những từ mới, đã có những từ
ghép được các nhà báo “sáng tạo” một cách khập khễnh, làm biến dạng cả tiếng Việt.
Ví dụ: viết thanh thiếu nhi thay cho
viết đầy đủ là thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; chi đảng bộ thay cho chi bộ, đảng bộ; khán thính giả thay cho khán giả, thính giả; phối kết hợp thay cho phối hợp, kết hợp .v.v. Thực ra các trường hợp
trên chỉ là một cách viết tắt chứ không phải là những từ ghép. Trong khẩu ngữ
khi nói không chính thức có thể dùng nhưng khi đi vào văn bản viết của ngôn ngữ
báo chí thì không nên bởi nó làm mất đi độ chính xác và tính nghiêm túc của bài
báo. Nếu chấp nhận “sáng tạo” và cứ phát
triển theo xu hướng trên thì sẽ có lúc dùng ngoan
cố thay cho ngoan ngoãn và cố gắng; cao
xà lá thay cho cao su, xà phòng, thuốc lá. Như vậy có mà loạn từ ngữ! Phát
hiện và sử dụng cái mới là một điều tích cực nhưng không phải cái gì khác lạ
cũng là cái mới.
Về dùng từ nước ngoài:
Khi đất nước hội nhập
ngày càng sâu rộng với quốc tế, tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong
đó có ngôn ngữ cũng tham gia mạnh mẽ vào quá trình hội nhập ấy. Ngày nay, khi lật
bất cứ trang báo nào, người đọc cũng có thể thấy ngay những từ nước ngoài được
sử dụng một cách phổ biến như: Phone,
fax, mail, website, blog, computer, hacker, show, live show, game show,
shopping v.v. và v.v. Đó là những từ
nước ngoài mà con người trong thế giới hiện đại dù ở bất cứ quốc gia nào cũng
không thể không sử dụng. Bởi dù có bảo thủ đến đâu chúng ta cũng khó mà thay thế
các từ thuần Việt vào các từ nước ngoài như fax, mail, website, blog ... Trong
trường hợp nếu cố tình thay thế, chúng ta sẽ có cách diễn đạt dài dòng, thậm
chí là không chính xác, không rõ nghĩa. Có thể khẳng định rằng, với sự xuất hiện
ngày càng dày đặc các từ nước ngoài trên các phương tiện truyền thông mà chỉ
cách đây mấy năm còn xa lạ nhưng nay đã trở nên quen thuộc với số đông đã góp
phần cho sự diễn đạt chính xác và làm phong phú thêm cho ngôn ngữ Việt nói
chung và ngôn ngữ báo chí nói riêng. Mặt khác, điều đó cũng góp phần nói lên sự
hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước ta ngày nay.
Tuy nhiên, cùng với sự tiếp
thu và Việt hoá được nhiều cái hay của từ ngữ nước ngoài trong thời buổi đất nước
hội nhập thì có một điều chúng ta đã nói rất nhiều, rất lâu rồi nhưng ngày càng
trở thành một thói quen xấu là việc lạm dụng từ nước ngoài, sử dụng từ nước
ngoài trong những trường hợp không cần thiết. Tình trạng này làm cho tiếng Việt
bị mất đi sự trong sáng, thậm chí bị biến dạng, lai căng trông rất kệch cỡm. Điều
đáng báo động là xu hướng này đang ngày càng thịnh hành, nhất là thói quen sử dụng
tiếng Anh thay cho tiếng Việt ngay cả trong những trường hợp không cần thiết.
Có lẽ ngày nay, chỉ trừ số ít
tờ báo như Nhân dân, Quân đội nhân dân, Tiền phong (tiếc là những
tờ báo này lại ít người đọc) thì đa số các mặt báo còn lại, nhất là báo điện tử,
báo mạng, thậm chí cả trong các văn bản
hành chính; rồi cách gọi, cách đặt tên cho sự kiện cũng nhan nhản sự lạm dụng từ
tiếng Anh. Như không nói là liên
hoan mà nói là festival. Trong các cuộc liên hoan mang phạm vi quốc
tế thì dĩ nhiên là và hoàn toàn có thể sử dụng từ festival như Festival
thanh niên, sinh viên quốc tế ; Festival Huế (với thành phần
tham gia có nhiều khách quốc tế)… nhưng
cũng có những liên hoan mà tính quốc tế hầu như không có hoặc có rất ít như Festival
lúa gạo ; Festival trái cây ; Festival thuỷ sản Cần
Thơ, Festival thanh niên nông thôn, Festival Tây Sơn Bình Định v.v. thì
hoàn toàn nên gọi là liên hoan chẳng những là để giữ gìn sự trong sáng cho tiếng
Việt mà còn là để gần gũi với đa số nhân dân, nhất là với nông dân. Ngoài ra có
thể kể thêm cho những trường hợp lạm dụng tiếng Anh như : dùng building, villa thay cho nhà cao tầng,
biệt thự ; sale off thay cho hạ
giá ; scandal thay cho bê bối ;
collection thay cho sưu tập. Ngay cả khu du lịch nổi tiếng
ở Nha Trang hoàn toàn được xây dựng với
sự đầu tư của người Việt nhưng lại
được đặt tên là Vinpearland chứ
không chịu gọi là Hòn ngọc Việt, một cái tên thuần Việt vừa đẹp vừa nhiều ấn tượng. Hình
như là có một bộ phận người Việt cho rằng có gọi theo tên Tây như thế thì mới sang, mới hiện đại ; còn gọi
theo tiếng Việt thì bị giảm giá( !).
Trong phạm
vi vấn đề này, như đã nói ở trên, chúng tôi không phản đối mà ngược lại, còn phần
nào ủng hộ việc sử dụng những từ ngữ nước ngoài trong những trường hợp không thể
dùng tiếng Việt, hoặc nếu cố tình sử dụng tiếng Việt sẽ làm cho câu chữ dài
dòng, không nói hết nghĩa của từ và thuật ngữ. Chẳng hạn trong việc sử dụng mạng
thông tin điện tử thì dùng mail, fax, hacker, gameshow, forum … Hoặc trong hệ thống các trang blog hoàn toàn mang
tính cá nhân thì người chủ các blog có thể dùng từ theo ý thích của họ. Chẳng hạn dùng entry, comment, post, up… thay cho các từ tiếng Việt tương đương, bởi chúng
chỉ giới hạn trong phạm vi cá nhân hoặc trong một bộ phận người dùng. Tuy
nhiên, nếu qúa lạm dụng và nhân bản ra với cả các loại hình báo chí chính thống
khác thì chắc chắn là sẽ loạn ngôn ngữ. Cái gì cũng nên có giới hạn của nó.
Ở đây, chúng tôi muốn đề cập thêm đến việc
sử dụng không chính xác hoặc sai nghiêm trọng khi
sử dụng từ
Hán – Việt hoặc từ gốc Hán của báo chí. Chúng
tôi xin dẫn ra đây hai ví dụ tiêu biểu: Ai cũng biết nước Việt ta từ xưa đến nay mới chỉ có
duy nhất một bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh công
bố trong ngày Quốc khánh 2 – 9 – 1945 tại Hà Nội. Vậy mà trong không ít các lời
dẫn chương trình, các bài viết trên một vài tờ báo, các biên tập viên và người
dẫn chương trình khi nói đến bài thơ Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt và bài Cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi vẫn cho rằng đó là hai bản
tuyên ngôn độc lập khác nữa của nước Việt Nam ngoài bản Tuyên ngôn nói trên do
Hồ Chí Minh công bố ; và khẳng định luôn là nước ta có đến ba bản tuyên
ngôn độc lập. Trong lúc thực ra, hai tác phẩm kể trên của
Lý Thường Kiệt và Nguyễn Trãi xét về mặt ý nghĩa chỉ có giá trị như một lời
tuyên ngôn mà thôi. chương trình đã nhầm lẫn
chữ môn nghĩa là cổng, cửa với môn là môn học. Những hạt sạn to như thế
ngày nay trên báo chí, đài phát thanh, truyền hình, báo mạng … có mà nhặt cả
ngày cũng không hết.
Mấy đề xuất:
Trước thực trạng đáng lo ngại như đã
trình bày ở trên, đề nghị các nhà ngôn ngữ, các nhà giáo trong nghiên cứu, giảng
dạy qua các báo và tạp chí nên có nhiều
bài viết về giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, nhất là mở các mục kiểu như mục
Dọn vườn của báo Văn nghệ trước đây. Mục này vốn rất được bạn đọc chú ý và thích thú nhưng có lẽ do ngày nay có quá nhiều cỏ
rác dọn không xuể nên duy trì không đều.
Hãy xem việc giữ gìn và phát triển sự trong sáng
của tiếng Việt, nhất là trong thời kì cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, là một
trong những biểu hiện, là một nội dung của lòng yêu nước và tự hào dân tộc.
HTS
1
2
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bạn có nhận xét mới