8 tháng 12, 2018

Dòng sông tuổi thơ


Tác giả Nguyễn Trung Ngọc

Nhà thơ Tế Hanh đã viết về “Bầy chim non bơi lội trên sông” thật hồn nhiên, trong trẻo. Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo thì hát rằng “cùng một bến sông con trâu đằm sóng dưới…” Con sông quê trong tôi cũng vậy: đầy ắp kỉ niệm như dòng nước của sông, dạt dào cảm xúc như phù sa đôi bờ mỗi năm đón bốn, năm trận lụt. Tôi là con nhà nghèo, nên kỉ niệm với sông cũng như với cánh đồng quê trước hết là những gì gắn với công việc của một thằng bé phải làm lụng từ khi còn rất nhỏ. Nếu trên cánh đồng hợp tác có bóng dáng “quang dài quét đất” thì với dòng sông, mãi trong kí ức chẳng bao giờ phai hình ảnh những đêm trăng hè thằng bé con là tôi quay trở trên mui thuyền giúp bố đang bì bõm dưới nước móc dây, kéo tay cái kích do ông sáng chế để đưa những cây gỗ to như con trâu, dài cả chục mét, từ bùn sâu lên áp vào mạn thuyền rồi chở sang bến mới (Chuyện đã kể ở trước). Dưới trăng con thuyền được đeo bên sườn hai cây gỗ lớn rẽ nước lướt đi trông hệt như một chiếc thuỷ phi cơ vậy. Nhiều bữa về đêm, bến không có người, cả hai bố con tôi trần truồng để nhảy lên xuống giữa sông với thuyền cho tiện, nhìn vui không chịu được.
Lặn lội với sông nước từ nhỏ nên tôi khá thạo việc chống, chèo thuyền. Một buổi chiều, khi ấy tôi là một anh bộ đội, đi qua bến đò ở Mai Hoá, Quảng Bình. Thấy bà lái đò tuổi cũng đã cao, chèo thuyền cả ngày đã thấm mệt, tôi nhảy lên bước thẳng tới chỗ mái chèo: “Mạ để con chèo cho!” và tôi cầm lấy mái chèo đưa con đò rẽ nước lướt sang bên kia bờ sông Gianh, cập bến một cách nhẹ nhàng trước sự ngạc nhiên của gần khoảng hai mươi người khách sang sông. Chẳng biết có mấy cô gái Quảng Bình cùng qua chuyến đò hôm đó có “xao xuyến” chút nào với anh bộ đội ấy không. Có lẽ người đi trên chuyến đò hôm đó ngạc nhiên vì thấy anh bộ đội cầm lái còn rất trẻ, da dẻ trắng mịn, lại có vẻ…đẹp trai nữa, mà chèo đò chẳng kém gì chủ thuyền. Năm đó tôi là sinh viên mới nhập ngũ được đâu sáu tháng. Xuống thuyền, tôi chào mạ, xốc lại khẩu AK khoác sau lưng rồi bước thẳng theo đường 12 đi lên hướng Minh Hoá. Phía sau nghe loáng thoáng mấy người dân đang nói gì đó về “Anh bộ đội”.
Bây giờ về làng, nhìn “con sông tuổi thơ” tôi chỉ muốn khóc. “Công nghiệp hoá” đã biến dòng nước trong xanh chảy từ sông La vào thành một dải lụa rách có màu hồng - đen trông thật đáng sợ. Nước thải của cả làng đổ xuống đây…chỉ nghĩ rằng nhỡ rơi xuống sông đã thấy ớn vì mất vệ sinh, nói gì đến chuyện “tung tăng bơi lội” nữa. Vậy mà con sông này xưa chính là nguồn nước sạch cung cấp cho cả làng. Đã bao nhiêu lần mẹ bảo tôi tranh thủ lúc sáng sớm, khi nước sông còn sạch nhất, xuống Bến Con (*) gánh nước về đổ đầy chum dùng cho việc nấu nướng cả tuần. Những khi thuỷ triều lên, nước dâng ngập tận bậc đá cao nhất được xây ở Bến Con, ngập cả bờ cỏ lác bên biền. Dòng sông lúc đó có màu xanh lam của sông La, sông Lam, nhìn sạch sẽ và mát mẻ vô cùng. Thực ra nước sông quê tôi chính là nước sông La được dẫn vào qua cống Trung Lương ở xã Đức Hồng. Nó là con sông đào đã có từ rất lâu. Vào thế kỉ XV, nghĩa quân Lam Sơn đã cho đào sông này để phục vụ cho cuộc kháng chiến chống quân Minh rồi sau đó là phục vụ dân sinh cho cả một vùng dân cư Hạ Đức rộng lớn (Vùng dưới của Đức Thọ).      Đoạn chảy qua làng tôi, sông có ba bến đều gắn bó với tôi như cái ngõ nhà hay bậc thềm trước cửa. Đấy là Bến Cầu, Bến Con và Bến Nậy. Nhưng Bến Nậy mới là bến sông “ruột thịt” với tôi nhất. Bên bờ con sông quê, xưởng mộc Bình Quang chiếm cả một khoảng đất khá rộng. Bến Nậy là cái bến dùng cho những người thợ mộc sau một ngày làm việc  xuống tắm rửa. Đó cũng là nơi được khoét vào trong đất liền một cái vũng to dùng làm nơi tập kết gỗ đưa từ Ngàn Sâu, Ngàn Phố về chưa kịp chế biến.
Khi vừa đủ sức chạy lon ton từ làng trên xuống xóm dưới, vào mùa nắng nóng ngày nào tôi cũng phải hoàn thành một nhiệm vụ được giao là khi nghe kẻng tan tầm của Bình Quang thì tự mình xuống bến sông gặp bố để tắm táp cho sạch sẽ. Mẹ tôi không bao giờ chịu để cho lũ con hôi hám, bẩn thỉu. Bà là người nổi tiếng trong làng về sự ngăn nắp, gọn gàng. Bố tôi bơi rất giỏi. Ông nói với tôi, hồi còn trai trẻ vẫn thường cùng đám trai làng thi nhau bơi từ Bến cưa ra tận Đò Trai rồi quay về mà không nghỉ. Từ bến sông làng tôi ra đến Đò Trai dài chừng một cây số. Năm ông khoảng bốn lăm tuổi, có lần tôi hỏi: “Giờ cậu còn bơi ra tận Đò Trai được nữa không?” Ông cười: “Cậu bơi dưới nước cứ như đi trên cạn vậy, khi nào muốn dừng thì dừng thôi, chẳng thấy mỏi gì cả”. Ông Chắt Lệ người trong làng còn kể với tôi rằng, Thời dưới chính quyền Bảo hộ Pháp, có lần thi chạy việt dã, ông còn đạt giải nhất toàn tỉnh. Bơi là môn hỗ trợ cho việc học võ của Bố tôi. Ông nói: môn thể dục này giúp luyện sức bền cho một võ sĩ quyền anh rất tốt. (Thời trai trẻ ông chơi Quyền Anh rất khá. Tôi sẽ dành riêng một thiên viết về bố và sẽ quay lại chuyện này sau). Vì thế bốn anh em nhà tôi ai cũng biết bơi từ tuổi thiếu nhi, kể cả cô em gái Nguyễn Thị Lam. Không thế thì vào năm trước đây, khi cả nhà đi du lịch, có thể tôi đã mất đứa cháu nội của mình.
(còn nữa)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới