6 tháng 12, 2018

Chuyện cũ nhớ lại

Tác giả: Nguyễn Trung Ngọc

NTN: Có thể đây chỉ là những chuyện rất riêng của tôi, không liên quan gì đến ai…Nhưng là những chuyện thật, chuyện “trần trụi”, không bơm, không tô vẽ gì thêm nên biết đâu bạn bè, người thân lại thích đọc bởi một lí do nào đó. Vì thế tôi đăng lên trang cá nhân của mình như một lời tâm sự, một khúc tâm tình của một Ông Đồ đã về làng.
Xin mượn mấy câu thơ của một Người Thầy đáng kính để dẫn nhập câu chuyện:
“Điều chắc chắn là con không hèn hạ
Lượm rác đời làm giá hư vinh
Mót ti tiện bơm lên thành nghĩa cả
Kìa trời xanh con thả cánh diều lên”

1. Sự biến Cải cách ruộng đất.
         
Những người cộng sản Việt Nam tiến hành công cuộc đánh đổ tầng lớp xã hội giàu có, “có máu mặt” nhất lúc bấy giờ: Địa chủ. Đây là lực lượng đang nắm giữ TLSX và cũng là của cải xã hội chủ yếu. Họ có sức mạnh lớn nhưng đã phải chịu thua trước sự trỗi dậy của người nghèo dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản. Tôi sinh ra trong thời kì này, không biết gì về cải cách. Chỉ khi lớn lên mới được bố tôi, chưa hết bàng hoàng sau sự kiện “long trời lở đất”, kể lại cho tôi bao nhiêu chuyện của những năm kinh hoàng ấy, dù tôi mới chỉ là một đứa bé. Bố tôi là đảng viên nhưng là con “cường hào” (Ông Nội tôi trước có làm Lí gì đấy tuy đã mất từ lâu, khi Bố tôi chưa đầy 5 tuổi), không thuộc “thành phần cơ bản”, nên chẳng có “vai vế” gì trong cải cách. Mẹ tôi kể, một lần cả xóm tập trung đấu tố trên một lô đất trống đầu làng. Mấy “ông đội” và hệ thống “rễ, chuỗi” ít hiểu biết làm mưa làm gió, hô hoán người nghèo hành lên hạ xuống lôi ra bằng được những “tên bóc lột ghê tởm” của làng. Thấy “ghê sợ” quá (Chữ dùng của Bố tôi), Bố tôi đứng dậy. Mẹ tôi ngồi bên cuống quýt giật áo Bố, nhưng không kịp nữa rồi...Không nén nổi bức xúc, Bố tôi nói liền một mạch, cho rằng đội làm thế là không công bằng, bà con đấu tố thế là oan cho nhiều người, chúng ta cần bình tĩnh soi xét kĩ lưỡng, chờ ý kiến của trên, tránh sai lầm có thể mắc phải…
          Ông đội phó chỉ đạo buổi đấu tố hôm đó gần như nhảy ra khỏi bàn, chỉ thẳng vào Bố tôi: “Quốc dân đảng! Quốc dân đảng! Phản động chính hiệu! Giám bênh vực địa chủ, phá hoại công cuộc cải cách của toàn đảng, toàn dân. Trên đã quán triệt, phải đấu tranh triệt hết những phần tử chống đảng, chống nhân dân”. Thế là bố tôi bị kết tội là “phần tử chống đối cải cách” và được đưa đi với hai “rễ chuỗi” cốt cán của đội cải cách áp giải là 2 anh cố nông trong làng mà theo lời kể của mẹ, tôi cứ hình dung rất giống với Chí Phèo, Binh Chức – nhân vật trong tác phẩm Nam Cao. Ông bị đưa lên huyện tạm giam để “xem xét”. Nhưng chỉ một tuần sau thì Bố tôi được thả về. Có lẽ những người đảng trên huyện cũng thừa thấy lòng trung thành đến mức tội nghiệp của những người như ông.
         Sau này, nhiều lần tôi hỏi lại Bố: “Nhưng hồi đó Bố là Đảng viên cơ mà?”. Bố tôi chỉ lắc đầu: “Quả tình Bố cũng không sao hiểu được sao lại có một thời kì loạn li như vậy nữa. Có lúc Bố đã nghi ngờ có một lực lượng nào khác đang phá hoại Đảng”. Tôi cười thử Ông: “Thế Bố không giận Đảng à?” Ông hơi buồn nhưng lời nói vẫn đầy đức tin: “Đảng không sai đâu con! Chỉ là mấy người làm bậy thôi mà!” Lớp Đảng viên như Bố tôi, vào Đảng trong thời kì giành chính quyền, bắt đầu “Chín năm kháng chiến”, lòng tin vào Đảng gần như không thể có gì lay chuyển.
          Làng Thái Yên quê tôi nằm trên dải đồng đất chiêm trũng cuối huyện Đức Thọ tiếp giáp với Can Lộc. Nhìn về phía Đông năm cây số là dãy Hồng Lĩnh xanh cao xen đôi vùng núi trọc với những tảng đá lô nhô như có đàn voi đang nằm nghiêng bên sườn đồi cỏ. Lớn lên thấy núi Hồng thật thơ mộng và hiền hoà nhưng trong kí ức tuổi thơ tôi, ngàn Hống là nơi ma thiêng nước độc rất đáng sợ: Cửa Trẹm với muông thú đầy đàn. Sáng sớm khi mặt trời từ sau biển Đông nhô lên chiếu những tia nắng kì ảo xuyên qua kẻ lá, thường có những đàn khỉ đông cả trăm con đu cành hú hét. Chúng biết trêu cả các bà các chị lên núi sớm hái củi; Bãi Vọt xưa là cả một vùng đất bạc màu cằn cỗi chỉ có cây Vọt mọc nổi trên vùng đất hoang thành bãi. Nước trong động Khe Máng chảy ra có màu trong đen rất sợ; Sườn bên đông là đất Công Khánh trồng được sắn khoai, thời cải cách chính quyền dùng làm nơi cải tạo – lưu đày nhiều địa chủ.
Bố tôi kể lại rằng: Làng tôi có một Địa chủ cỡ lớn cũng bị giam giữ nơi này. Đó là Ông quan Hàn Nguyễn Minh Châu. Dân làng quen gọi là Ông Hàn Châu và nhắc tới Ông như một người đặc biệt, đáng nể sợ. Tôi còn nhớ rất rõ nhiều câu chuyện Bố tôi kể về Ông Hàn này (Vì sao gọi là “Hàn” thì tôi cũng mơ hồ, hình như ông được triều đình phong sắc Hàn lâm…gì gì đấy). Từ thời nảo thời nào, Cụ Hàn đã bỏ tiền riêng của mình làm được nhiều việc lớn cho làng mà mãi tận ngày nay nhà nước ta mới phát động các vùng nông thôn làm được. Mấy chữ ĐIỆN – ĐƯỜNG – TRƯỜNG – TRẠM Cụ làm chỉ thiếu cái chữ đầu (Điện) vì thời bấy giờ là chưa thể còn thì Cụ đã mua đá từ đâu về lát toàn bộ đường đi lối lại trong làng làm cho “giao thông nông thôn” làng tôi hơn hẳn cả vùng. Trong khi những làng cạnh bên vào mùa mưa phải xắn quần trượt trên những lối đi chung với trâu bò bị xéo nát thì dân Thái Yên ung dung gõ guốc trên nền đường lát đá tảng được nước mưa dội rửa cho sạch bóng. Ai từng biết làng tôi thời kì này hẳn không quên những “con đường Thái Yên” vừa nói. Các tuyến đường đó mãi tận những năm 70 của thế kỉ trước, khi ở nông thôn bắt đầu biết dùng xe đạp nhiều lên thì người ta mới thay dần bằng đường rải sỏi biên hoà cho thuận tiện đi lại.
Không biết Cụ Hàn Châu có được ai lãnh đạo không mà chuyện học hành của con trẻ trong làng cũng được Cụ chăm lo đến lạ: Hết chuyện làm đường Ông lại bỏ tiền xây cất một ngôi trường cả huyện cũng khó đâu sánh được. Trường xây kiểu nhà Tây: Mái lợp ngói Tây; Tường dày cả 2 hai gang tay; Cửa hai lớp trong kính ngoài chớp; Hành lang phía trước rộng cả 4 – 5 mét…Tôi bắt đầu đi học thì đây là ngôi trường đầu tiên. Bây giờ nghĩ lại, có lẽ thế hệ như tôi sinh ra ở cái làng cổ kính quê tôi phải nói thế này mới công bằng: Ơn Cụ Hàn! Những bước đi ban đầu của chúng con nhờ nhiều vào những đồng tiền hào phóng của Cụ! Thật thế, suốt cả bốn năm cấp một tôi tung tăng đến lớp với khăn quàng đỏ trên vai dưới chế độ mới là tung tăng dưới mái trường do chính Cụ Hàn Châu tự bỏ tiền xây cất để tặng làng mà thật ra cho tận đến nay, sau hơn nửa thế kỉ, học sinh tiểu học nhiều nơi chưa chắc đã có. Bốn năm đầu đời đi học tại đây, đã bao lần tôi được hưởng niềm sung sướng của đứa trẻ con đứng dưới cờ nhận sự tuyên dương của nhà trường vì thành tích học tập mà ấn tượng nhất là năm cuối cấp được công nhận học sinh giỏi toàn tỉnh cùng một bạn trong lớp là Nguyễn Minh Đường, cháu chắt trong dòng họ Cụ Hàn Nguyễn Minh Châu. Đường sau này lớn lên cùng cả nhà ra Hà Nội, nghe đâu về sau trở thành giám đốc, tổng giám đốc trong một ngành gì đó. Chúng tôi chơi thân với nhau ở tuổi tiểu học nhưng lớn lên Đường ra Hà Nội còn tôi cũng rời quê nên không còn biết nhiều về nhau nữa. Chơi với Đường tôi sướng nhất là bố hắn dạy cấp 3, nhà có một tủ sách với đầy những cuốn mà tôi thấy là như mèo thấy mỡ. Đó là Tây Du kí, Tam quốc diễn nghĩa, Thuỷ hử, Những người khốn khổ…Đường mở trộm tủ bố cho tôi mượn đọc dần cả kho sách nhà nó. Những sách thành bộ như Tam quốc diễn nghĩa hắn chỉ cho tôi mượn từng tập, mỗi tập một vài hôm, đọc xong mới được mượn tiếp với lời dặn đi dặn lại: Không được để quăn mép một tờ nào, bố tao mà biết ông giết…Nhiều bữa bận đi học, bận việc mẹ giao, tôi phải vừa thổi cơm vừa tranh thủ đọc bên bếp lửa cho kịp hạn trả lại Đường. Khổ nhất là có lần Bố tôi thấy con say sưa với sách mới hỏi : “Sách gì vậy con?” Tôi trả lời nhanh: “Sách Tam quốc bố ạ!” Bố tôi lại gần: “Tam quốc nào, Tam quốc diễn nghĩa ấy à?” Tôi vẫn không rời mắt khỏi sách vừa “dạ” khá dõng dạc vì tưởng được bố khen. Ai dè ông bước lại cầm lấy sách trong tay tôi: “Ai cho con đọc sách này! Sử nước nhà chưa biết, lại lo đi đọc sử Tàu. Thôi đi, con hãy đọc hết sách nước mình đã rồi đến những thứ này!” Và ông cấm tôi thật…Thế là tôi phải đối phó bằng cách trốn lên gác rơm chuồng trâu nhà bà Huân bên cạnh vào những giờ có thể để ngốn cho hết những bộ sách bị cấm kỵ đang dở nghiện này. Phải nói cái lứa học trò bọn tôi thuở đó ham đọc sách vô cùng. Gần nhà tôi hồi đó còn có 2 thằng bạn là Nguyễn Đăng Phát và Trần Mạnh Hoan cũng say sách mê mệt. Chúng nó mà thấy tôi mượn được sách là thế nào cũng đòi đọc chung. Có hôm ba cái đầu cùng chụm lại đến tận khi trời tối mịt để cùng ngấu nghiến cho xong một hồi trong “Thuỷ hử”: “Quận Hoành Hải Sài Tiến tiếp khách / Núi Cảnh dương Võ Tòng đánh hổ”. Nếu nói “văn hoá đọc” rất cần thì có thể hồi đó lũ chúng tôi cũng đã góp nhặt được khá nhiều. Không như các cháu tôi bây giờ, nó không đọc sách nữa. Tuy nhiên, chơi game, chơi điện thoại thì mới 5 tuổi chúng đã là thầy của ông. Thậm chí còn sớm hơn thế nữa: Cháu nội tôi 4 tuổi chưa biết chữ mà không hiểu sao biết tự tải về những bản nhạc nó thích rồi tự đứng uốn mình nhảy theo nhịp điệu trong chiếc điện thoại phát ra. Mà nó làm nhanh chóng, chính xác như bộ đội Cụ Hồ xưa thực hiện điều lệnh vậy!
          Cái xóm đầu làng của tôi là mảnh đất phát về sự học văn hay sao ấy: Cả tôi và hai thằng bạn cùng xóm Phát, Hoan sau này cùng vào lớp Năng khiếu văn của tỉnh Hà Tĩnh rồi hai đứa kia cùng đi học trường Đại học tổng hợp Lô-mô-nô-xôp ở Liên Xô, còn tôi ở lại với “Ngọn cờ hồng trên quê hương Xô Viết”(*). Phát học xong về làm tại TTXVN ở Hà Nội, Hoan theo ngành luật trong quân đội, mới ngoài 30, đang là thượng tá, trưởng ban điều tra của Bộ tư lệnh QK4 thì đột ngột qua đời. Nhưng, cả với 2 thằng bạn này, tôi cũng chỉ gần gũi, học hành với chúng đến đầu năm cấp 3 (THPT) mà thôi. Năm 1968, chiến tranh quá ác liệt. Bố tôi sợ mất con nên đã chuyển tôi khỏi trường cấp 3 Trần Phú, nơi có "lớp đặc biệt văn" của tỉnh lúc bấy giờ để lên học với một trường cấp 3 Đức Thọ nơi sơ tán.

Trở lại chuyện Cụ Hàn Châu. Sau những gì Cụ để lại cho con em trong làng về việc học hành, túi tiền của Cụ còn được dốc ra xây tiếp một Nhà thương rộng rãi, chỉnh tề nhất để chữa bệnh cho dân làng. Khi tôi lớn lên đã thấy toà Nhà thương này đứng sừng sững trên một khu đất rộng cuối làng từ bao giờ theo kiểu kiến trúc cũng mang hơi hướng Pháp với những hành lang rộng có vòm cuốn ở trên. Góc trước Nhà thương là một cái giếng to, sâu được đào để lấy nước phục vụ cho bệnh nhân và y sĩ. Mãi tận sau này giếng vẫn tồn tại và dân làng vẫn ra đây lấy nước vì mọi người nói rằng nước giếng Nhà thương Cụ Hàn Châu rất ngọt. Sau này, thời chính quyền nhân dân, Nhà thương này biến thành khu trạm xá của xã, chung cho hai làng Thái Yên và Thanh Lạng. Nhưng, cho đến hôm nay, khi nói về nơi này dân làng vẫn quen gọi Nhà thương Cụ Hàn hơn là Trạm xá xã.
          Còn một đóng góp khác của Cụ Hàn Châu cho làng nữa: Từ thời xa xưa ấy Cụ đã cho làm một “đường dẫn thuỷ” để đưa nước về tận khu đồng cao, khắc phục việc thiếu nước cho cả một cánh đồng thường xuyên bị hạn hán không trồng trọt được. Ngày nay công trình thuỷ lợi này vẫn còn vết tích. Những người hiểu biết trong vùng ai cũng gật gù bái phục tầm nhìn của ông địa chủ Thái Yên này. 
          Như vậy, qua bao thăng trầm, dấu tích để lại của Địa chủ Nguyễn Minh Châu với làng Thái Yên vẫn còn ba công trình quý giá : Trường Mầm non Thái Yên được tôn tạo từ ngôi trường cũ; Trạm xá xã Thái Yên xây dựng lại trên cơ sở Nhà thương cũ do Ông Hàn Châu kiến thiết và mương dẫn nước  nhằm đưa nước về đồng cao, dân làng gọi là “Thuỷ quan” (Quan Hàn Châu). Chỉ có Đường làng là đã bê tông hoá cho phù hợp với phương tiện giao thông mới nên không còn dấu vết xưa.
          Có điều này cũng cần được nói thêm: Những công trình để lại cho đời ấy Cụ Hàn không hề yêu cầu phải được mang tên Cụ giống với nhiều người trong thời đại mới chúng ta. Chỉ là các thế hệ người làng biết công đức của Cụ Hàn nên truyền cho nhau biết đấy là đường Cụ làm, đấy là trường Cụ xây, đấy là Nhà thương Cụ đã kiến thiết hay đấy là mương nước Cụ đã cho đào!
          Còn nhiều chuyện về địa chủ Nguyễn Minh Châu người Thái Yên vẫn truyền kể lại sau này. Ví như ông là người chống mê tín dị đoan rất kịch liệt. Một năm nọ, làng tổ chức rước kiệu, đưa các vị thần ra khỏi đền “vi hành” một vòng quanh làng. Lễ xong, thần ứng nghiệm nhập vào một trung niên hay cầu cúng trong làng. Anh này nhảy lên kiệu, ngồi lắc lư, uốn éo và chỉ tay ra lệnh cho đám người được bố trí làm phu kiệu bắt đầu một hành trình hết sức kì lạ. Họ không đi trên đường với những bước đi bình thường, vững chắc như vốn có mà khi thì chạy ào xuống ruộng lóp ngóp khiêng kiệu giữa vũng nước, khi lại leo bừa lên những gò đống cạnh đường đầy những cây cọc, đất đá ngổn ngang khiến cho nhiều bàn chân trầy da toé máu. Tóm lại, dòng người rước kiệu đông như kiến cứ nhốn nháo, nghiêng ngả di chuyển từ xóm dưới đến làng trên trong tiếng kèn trống vang động cả một vùng, theo sự chỉ dẫn của “thần” đang ngồi chễm chệ trên kiệu. Đám đông phấn khích bám theo ngày càng đông. Những bộ mặt vừa hãnh diện vì được bước đi trong đám rước “thần”, vừa tỏ ra rất lạ lùng vì đường đi của thần tiên không giống với người trần: nơi nào thần cũng có thể đi, dù là băng qua mương nước hay giẫm lên đống gạch đá, mảnh chai…máu chảy ròng ròng.  Giữa khi đang là đỉnh điểm của sự “lên đồng”, bỗng Cụ Hàn xuất hiện với cái gậy ba-toong quen thuộc trên tay. Cụ đi nhanh lên phía trước đoàn người, đến chỗ tốp người khiêng kiệu đang bước những bước xiêu vẹo kiểu quỷ thần. Chặn đoàn rước kiệu lại, Cụ cầm gậy chỉ thẳng lên vị thần (ông đồng) đang ngồi trên kiệu hét to: “Xin thần nghe tôi nói đây! Đã là thần linh thì phải chỉnh tề, đứng đắn, đi đứng có lối có đường. Thần gì lại cứ ngả nghiêng, uốn éo như con đĩ! Thần có tử tế thì dân làng rước trở lại đền, còn như thần không nghe lời tôi thì xuống mà tự đi lấy.” Rồi Cụ huơ gậy mấy vòng chỉ vào đám phu kiệu: “Còn chúng mày! Liệu hồn đi đứng cho nghiêm chỉnh, thằng nào còn nhún nhảy, vật vã không đi đúng đường, đúng lối tao đập gãy chân ngay!” Sau những lời đanh thép của Cụ Hàn, thần (ông đồng) bỗng ngồi lại ngay ngắn trên kiệu không dám ra oai chỉ trỏ bừa bãi nữa. Còn đám người khiêng kiệu thì cứ thẳng lưng mà khiêng, thẳng đường mà đi vì ai cũng sợ ăn gậy của Cụ Hàn. Dân làng nhiều người có sợ “thần” thật nhưng còn sợ Quan Hàn hơn. Đối tượng như bố tôi thì được một bữa cười khoái trá. Đám rước kiệu của làng hôm đó, sau “sự kiện” Ông Hàn Châu can thiệp, rẽ một bước ngoặt căn bản. Còn chuyện đúng sai đến nay vẫn còn khối người chưa chịu.
          Nghe câu chuyện này của làng mình tôi cứ nghĩ đến chuyện Tây Môn Báo trong Sử kí Tư Mã Thiên.
          Thời Nguỵ Văn hầu, Tây Môn Báo làm lệnh doãn huyện Nghiệp. Báo họp các bô lão, hỏi xem dân khổ vì nỗi gì. Các bô lão nói: Khổ vì chuyện Hà bá cưới vợ. Quan tam lão huyện Nghiệp và thầy Đô lại hằng năm thu thuế của dân có cả mấy trăm vạn, rồi bỏ ra hai, ba mươi vạn cưới vợ cho Hà Bá, còn bao nhiêu chia nhau bỏ túi với bọn thầy cúng, cô đồng. Bọn cô đồng đi lùng con gái các nhà nghèo hèn, thấy cô nào có nhan sắc thì bảo đáng mặt làm vợ Hà Bá, rồi cưới liền tay. Cô gái được tắm gội sạch sẽ, được may quần áo bằng thứ the lụa mỏng và được để ở riêng ra một nơi ăn chay giữ giới. Rồi họ để “cô dâu” ngồi lên giường mà thả xuống Hoàng Hà. Chiếc giường chìm dần, mang theo cả cô gái xuống với Hà Bá.
          Những nhà có con gái đẹp sợ bọn thầy cúng, cô đồng chọn con mình, phải đem con đi trốn. Trong thành ngày một thưa dân và dân tình ngày thêm nghèo khổ. Cái tục cưới vợ cho Hà Bá đó đã có từ lâu lắm. Dân gian có câu rằng: “Nếu không cưới vợ cho Hà Bá, thì nước sông Hà sẽ dâng lên, làm chết hết dân”. Tây Môn Báo nghe vậy liền bảo: “Khi nào cưới vợ cho Hà Bá, xin tam lão, thầy cúng, cô đồng và các bô lão hễ đưa cô gái ra bờ sông Hà, thì nhớ báo cho tôi biết, tôi cũng đi đưa”.
          Đúng ngày đã định, Tây Môn Báo đến bờ sông Hà, hội họp với mọi người. Các tam lão, lại thuộc, hào trưởng, bô lão đều đến đông đủ, cùng với dân chúng đến xem có tới hai, ba ngàn người. Cô đồng là mụ gái già đã bảy mươi tuổi. Bọn đệ tử gái tuỳ tòng có đến mươi người. Tây Môn Báo truyền: “Gọi vợ Hà Bá lại đây xem xấu đẹp thế nào”. Tức thì cô gái trong màn bước ra, tới trước mặt quan lệnh doãn. Báo nhìn cô gái bảo rằng: “Cô này không đẹp, xin phiền cô đồng cả xuống báo cho Hà Bá biết rằng còn phải tìm một cô đẹp hơn thay thế, ngày mai sẽ nộp”. Lập tức ra lệnh cho đám lại tốt ôm cô đồng cả quăng ra giữa sông. Một lát sau, Báo nói: “Sao cô đồng cả đi lâu vậy, các đệ tử gái xuống tìm đi, mau lên!” Đám lại tốt lại ôm một cô đệ tử liệng ra giữa dòng. Một lát sau Báo lại nói: “Cô đệ tử đi sao cũng lâu vậy? Cho một cô nữa đi tìm, mau lên!”. Một cô đệ tử thứ hai được liệng tiếp xuống sông. Rồi Tây Môn Báo nói: “Cô đồng cả và các đệ tử cô đều là đàn bà con gái không trình bày nổi câu chuyện. Xin phiền tam lão xuống trình bày giúp. Lại liệng một tam lão xuống sông. Tây Môn Báo quay mặt về phía sông, đứng đợi hồi lâu. Các bô lão lại thuộc và mọi người đứng xem đều sợ khiếp vía. Tây Môn Báo quay lại bảo: “Cô đồng cả và viên tam lão đều chẳng thấy về, làm thế nào bây giờ?” Và muốn sai một viên lại thuộc và một vị hào trưởng xuống sông đi tìm. Bọn này dập đầu xin tha. Tây Môn Báo bảo: “Thì đợi thêm chút nữa”. Một lát sau Báo nói: “Thầy thừa đứng lên! Xem cái điệu này, Hà Bá lưu khách lâu quá, thôi cho bọn thầy về!”
          Dân chúng và lại thuộc huyện Nghiệp đều sợ hết vía, từ đó cạch không dám nói chuyện cưới vợ cho Hà Bá nữa.
          Tây Môn Báo huy động dân chúng đào mười hai con kênh, dẫn nước sông Hà vào ruộng, ruộng được tưới nước đầy đủ. Nhờ có công trình thuỷ lợi ấy, nhà nào nhà ấy đều được no đủ. Mười hai con kênh cắt ngang đường ngự đạo. Đến khi nhà Hán lên trị vì, quan trưởng lại cho là mười hai cái cầu trên mười hai con kênh cắt ngang đường ngự đạo gần nhau quá, không tiện. Ông định rút bớt một số cầu. Bô lão và dân chúng huyện Nghiệp không đồng ý, cho rằng đó là sự nghiệp của ngài Tây Môn, mà sự nghiệp đáng làm gương mẫu của một bậc hiền giả thì không nên sửa đổi. Rốt cuộc, quan trưởng phải nghe theo ý dân. Còn tiếng tăm Tây Môn Báo, lệnh doãn huyện Nghiệp, lẫy lừng khắp thiên hạ, ân huệ thấm nhuần đời sau…                                     
(Tôi đưa luôn câu chuyện về Tây Môn Báo trong sử kí Tư Mã Thiên hầu các bạn đọc cho tiện)
Có lẽ ở đâu và thời nào cũng vậy, “Thương dân, dân lập đền thờ / Hại dân, dân đái ngập mồ thối xương”. Cụ Hàn Châu của làng Thái Yên quê tôi sau hơn mấy chục năm chìm vào quên lãng thì sau chiến tranh chống Mĩ, một cán bộ quân đội từng sống và biết khá nhiều về Cụ là ông Nguyễn Đăng Đề, đã “chạy” tận Trung ương nhưng không phải là chạy chức, chạy quyền mà là xin được minh oan cho địa chủ Hàn Châu và công nhận liệt sĩ cho mười “liệt sĩ thật” nhưng do thất lạc hồ sơ nên có người hơn cả nửa thế kỉ nay không được ai biết đến. Đảng uỷ và chính quyền địa phương trước ý kiến xác đáng của anh Đề đã đồng ý vinh danh Cụ, đưa linh vị Cụ vào thờ ở Nhà Thánh làng, tôn làm bậc Thánh của Thái Yên. Làng tôi có tục, có lẽ cũng khá đặc biệt, là có một đền thờ của làng gọi là Nhà Thánh Thợ. Cứ ai trong làng nổi danh, đóng góp cho làng xứng đáng, đáng bậc thánh hiền sẽ có một vị trí để thờ trong Nhà Thánh này. Cách Nhà Thánh Thợ chừng hai trăm mét còn có một ngôi đền làng khá to và một ngôi chùa tầm trung là chùa Vạn Phúc. Cả ba ngôi đền – chùa này tạo nên một vùng đất thiêng mà bọn trẻ chúng tôi cứ nổi da gà mỗi lần đi qua dưới lùm cây rậm rạp. Thời kì Hợp tác hoá, đền biến thành kho HTX, rồi sau đó bị dỡ bỏ hai dãy nhà tả, hữu từ bao giờ không rõ. Tuổi thơ, dù sợ hãi, nhưng tôi vẫn cùng lũ bạn “phá phách” khu này khá nhiều: Lúc thì trèo lên tận ngọn cây đa cao lớn sau đền bắt tổ chim Cà cưỡng; khi leo lên gác chuông cổng Nhà Thánh để được nhìn ra xa phía cánh đồng tiếp giáp với xã Đức Thuỷ; lại có lúc giữa trưa mang chiếc nỏ với cả bó mũi tên, lục lọi từng lùm cây, tìm bắn mấy con cò hương hay đậu trong bờ rậm rạp.
Vậy là, ở Nhà Thánh của làng, người đã có nhiều công đức với dân – địa chủ Nguyễn Minh Châu, cuối cùng đã được thờ phụng một cách cung kính, đàng hoàng dưới chế độ cộng hoà – dân chủ với sự góp công rất lớn của một trung tá, chính uỷ về hưu. Anh Nguyễn Đăng Đề là cháu gọi bố tôi bằng cậu. Mẹ anh và bố tôi là con cô con cậu. Hai người đồng thời là bạn thân của nhau dù anh còn kém bố tôi hơn chục tuổi. Anh cũng là một đội viên thân tín của bố tôi trong đội du kích của làng mà bố tôi là chỉ huy, thời kì chống Pháp. Năm 1947, anh vào quân đội, trở thành một trong những người lính vệ quốc đầu tiên của làng. Anh Đề không hề có quan hệ họ hàng, bà con gì với Cụ Hàn Châu cả. Chỉ là thấy việc đáng làm thì anh làm. Ngày làm lễ rước linh vị Cụ Hàn Nguyễn Minh Châu ra Nhà Thánh của làng, Ông Nguyễn Minh Cần, có thời từng làm thông phán của Pháp, khóc mà nói với Anh Đề rằng: "Không có anh, Bố tôi mãi mãi phải ngậm oan nơi chín suối". Hiện anh Đề vẫn khoẻ mạnh, minh mẫn, ra Vinh sống với con, ở cách nhà tôi chỉ chừng nửa cây số. Để viết lại những dòng này tôi đã phải gặp anh hỏi thêm nhiều chi tiết. Anh là một nhân chứng rất đáng tin cậy.         
Tôi có Nhấn mạnh việc Cụ Hàn Châu được minh oan và vinh danh bởi trước đó tôi chưa nói rõ chuyện này: Nói là địa chủ lớn nhưng Cụ Hàn chưa thuộc hàng địa chủ lớn nhất của làng tôi. Trong cải cách tuy Cụ không bị xử tử hình nhưng bị đưa lên đày ở trên núi Hồng Lĩnh (Phần trên tôi đã đề cập đến chi tiết này). Nếu Cụ là người làng khác có khi đã bị xử bắn mấy lần. Bởi bấy giờ có qui định mỗi làng phải bình cho ra mấy địa chủ và theo tỉ lệ, cứ mấy địa chủ thì có một người phải bắn. Nên có những làng nghèo, địa chủ của họ có khi chưa bằng trung nông nơi khác. Cái sai lầm này trong cải cách ruộng đất nhiều người đã rõ. Cụ Hàn Châu khi bị đày lên núi tuổi đã cao. Sức già không chống chọi nổi với xứ ngàn Hống ma thiêng nước độc, Cụ chết trong cô đơn và đói rét. Mãi một thời gian sau, con trai Cụ Hàn là ông Nguyễn Minh Cần phát hiện xác Cụ đã thối rữa, mối đùn lên vùi lấp ở cái lỗ xí sau trại, mới gom lại và xin được chôn cất cho bố mình trên núi Hồng Lĩnh. Nhiều kẻ ác miệng được trang bị thêm tư tưởng thời cải cách còn xỉa xói: “Địa chủ bóc lột cho lắm, chết mất thây trên núi!”
Tôi đã nói, làng tôi là một làng quê cổ kính. Ngoài Cụ Hàn Châu điển hình cho lớp địa chủ có học, làng còn có nhiều gia đình giàu có khác mà thời kì cải cách đã sụp đổ hoàn toàn.
Gần nhà tôi, ở ngay đầu làng có một vuông đất hẹp. Được dựng lên trên đó là một hiệu cắt tóc bán di động. Chủ hiệu cắt tóc này là chú H, một người Miền Nam tập kết. Thời bé, hàng ngày tôi vẫn bế em ra quanh quẩn chơi ở đây. Nằm ở vị trí đầu làng nên chỗ này đông người qua lại rất vui. Đó là chưa kể khách đến hiệu cắt tóc của Chú H có thể nói là hơn hẳn những chỗ khác. Không hẳn vì chú cắt tóc đẹp mà là vì mọi người đến đây được nghe chú kể bao nhiêu chuyện hấp dẫn về Miền Nam, về vùng đất xa tít bên kia sông Bến Hải với vĩ tuyến mười bảy in đậm trong sử sách. Chú lại có giọng nói của người Quảng Trị nghe là lạ nữa. Trên vách nứa được thưng quanh cái “hiệu làm đầu đời cũ”này, chủ nhân của nó dùng vôi đề hai câu thơ mà câu trước và câu sau chẳng ăn nhập gì với nhau như người ta vẫn thường thấy ở những nơi “dân trí” thấp nhưng lại thích khoe chữ. Gần sáu mươi năm rồi mà tôi vẫn nhớ cả nét chữ viết ngoằn nghoèo trên vách:
    “Ở đây tai vách mạch rừng
      Quý khách hút thuốc xin đừng bẻ phên”
          Chú H tập kết ra Bắc, lúc đầu ở nhờ trong nhà thằng Phát bạn tôi (Nguyễn Đăng Phát – thằng bạn vẫn hay giành đọc Tam quốc, Thuỷ hử mà tôi đã nhắc đến ở phần trước). Bố Phát đi thoát li, nghe đâu có thời làm chủ tịch huyện Bố Trạch mãi trong Quảng Bình. Chắc là “gia đình cách mạng” nên nhà Phát được chọn làm nơi gửi thân của đồng bào Miền Nam tập kết.
          Nếu không có chuyện hàng tháng mẹ vẫn cho tôi mấy xu ra hiệu chú H cắt tóc, tôi đã không biết được bí mật này: Người chú khoẻ mạnh nhưng trên một bàn tay mất hẳn ngón trỏ. Một lần đi cắt tóc tôi mới chú ý và phát hiện điều này. Hồi đó lũ trẻ chúng tôi đã bắt đầu có những khái niệm như là “thương binh về làng”, “tập kết”…Tôi mới về hỏi bố: “ Cậu ơi! Chú H là thương binh à?” Bố tôi hỏi: “Sao con hỏi vậy?”. Tôi trả lời: “Con thấy chú cụt một ngón tay!” Bố tôi xuống giọng như sợ ai nghe thấy và lại gần tôi hơn: “Năm cải cách, chính tại nơi chú cắt tóc bây giờ ấy, khi đó là một gốc đa to đầu làng, đội cải cách dẫn địa chủ Nguyễn Trọng Tốc ra cánh đồng để hành quyết. Trước việc giết người, nhiều nông dân từng sống với địa chủ cũng thấy chùn tay. Chú H là thành phần “cốt cán”, là đội viên rất tích cực, đã trói ghì ông Trọng Tốc lại. Ông “địa chủ loại một” này chống cự, kêu oan liền bị chú H nhét dẻ vào miệng. Có lẽ là một phản xạ tự nhiên để chống lại kẻ đang cưỡng bức mình, ông cắn đứt luôn ngón tay đang đẩy nùi dẻ rách vào miệng mình. Câu chuyện là thế đấy, con!”                 
Tôi phải nói vòng vo một chút về cái hiệu cắt tóc vì muốn phản ánh rõ hơn công cuộc cải cách với những nhân vật của nó. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu sót rất nhiều: Sau này nhân vật trong hiệu cắt tóc ấy đã sống với gia đình mẹ nuôi ra sao, “bỏ quên” vợ con trong Nam thế nào…thôi thì chuyện ấy cũng đành “dằn lòng” thông cảm được.
 Địa chủ lớn nhất làng tôi cũng chưa phải là những người đã kể ở trên. Hồi bé tôi thường bế em đến nhà Bà ngoại. Đường đến nhà bà đi qua một chiếc cổng to hơn cả cổng làng. Mở hai cánh cổng bằng gỗ ra thấy cả một cái ngõ rộng, sâu hun hút, hai bên xây tường gạch, phía trên là những thanh sắt dài được uốn cong thành vòm cuốn nối nhau chạy mãi vào tận sân nhà. Đến nay chiếc cổng vẫn còn, đúng từ xa cũng thấy rõ giữa cái vòm cuốn chữ số 1941. Người khác thì không biết, còn tôi chẳng thấy chút “thành kiến địa chủ” nào mà chỉ thấy ngưỡng mộ một gia đình Nhà Nho yêu nước có tiếng khi về làng ngắm lại cái cổng này. Cả nhà có mấy anh em đều theo nhau hoạt động chống Pháp, chống lại cường quyền để giải phóng đất nước. 

 Đi hết cái ngõ dài, vượt qua khoảng sân gạch rộng là toà nhà hai tầng xây vào những năm đầu thập kỉ bốn mươi của thế kỉ trước. Nhà Phương Đông lai Tây. Thời thơ ấu, với tôi đây là toà nhà vào hàng hoành tráng nhất. Chủ nhân của toà nhà này là ông Nguyễn Trọng Cầu,  địa chủ, thầy thuốc Đông y rất uy tín và giàu có nhất làng. Ông Cầu có người em trai (hay anh trai, tôi không thật rõ) là Nguyễn Trọng Thốc (Đi hoạt động lấy tên là Nguyễn Tạo), tác giả cuốn “Chúng tôi vượt Ngục” và cuốn hồi kí nổi tiếng "Sống để hoạt động". Ông Nguyễn Tạo từng bị giam ở Hoả Lò và là một trong số bảy người tham gia "cuộc vượt ngục lừng danh năm 1932", trong đó có ông Nguyễn Lương Bằng. Một thời ông giữ chức bộ trưởng Nông – Lâm thì phải. Ông Nguyễn Trọng Tám, em trai thứ ông Cầu cũng là một cán bộ cách mạng lão thành của Thái Yên. Tôi có thằng bạn học hồi cấp hai con nhà cố nông nên ngày cải cách nhà nó được chia một gian phía sau của toà nhà to lớn ấy. Có lẽ đấy là một gian trong khu nhà bếp của ông Cầu. Đến nhà bạn chơi, tôi được thoả thích đá cầu, chọi gụ trong khu sân gạch rộng rãi ngày ấy nông dân có mơ cũng khó thấy.
Khi địa chủ Nguyễn Trọng Cầu được đưa vào danh sách tử hình thì cả nhà ông đã đi đâu rất xa, không còn bóng dáng ở làng. Nhiều năm sau, khi chuyện cải cách ruộng đất đã đi vào dĩ vãng thì người ta thấy ông Cầu xuất hiện cả trên báo chí. Gia đình ông ra sống ở Hà Nội. Ông trở thành một lương y thuộc hàng đầu trong cả nước. Nghe đồn rằng, chính ông là Bác sĩ Đông y đã chăm sóc sức khoẻ Hồ Chủ Tịch trong những ngày tháng cuối đời của Bác. Chỉ biết, khi ông mất báo chí lúc ấy đã đưa tin trang trọng.
Từ sau thời kì sửa sai, năm nào cũng thấy bà Cầu (vợ ông Nguyễn Trọng Cầu) từ Hà Nội về quê. Giờ thì không phải về thu tô thuế gì nữa. Cũng chẳng thấy ông bà đòi lại nhà cửa gì. Mấy gia đình cố nông được chia “của thực” thấy vẫn ung dung sống trong toà nhà của ông bà đại địa chủ ấy. Bà Cầu về quê chỉ vì một việc mà lũ trẻ chúng tôi rất mong đợi, đó là thu mua xác ve sầu để làm thuốc Bắc. Vì thế bà thường về vào cuối hè, khi mấy đứa “làm kinh tế nhạy bén” chúng tôi đã gom được cả một túi đầy xác ve để bán cho bà lấy mấy hào mua kem của mấy chú bán rao mang tận từ Vinh về. Không biết có phải vì “hết thời” nên bà Cầu đổi tính rồi không, chứ tôi thấy bà hiền khô, không “nanh ác”, “thâm hiểm” như nhiều người lớn nói. Khuôn mặt bà nhìn phúc hậu và bà mua bán với chúng tôi rất sòng phẳng, thỉnh thoảng còn thưởng thêm cho mấy xu. Năm nào bà không về, bọn trẻ chúng tôi phần buồn vì “hàng” của mình bị ế, phần cũng thấy nhớ bà.
Sau ông Cầu, làng tôi còn nhiều những địa chủ khác mà sự “ác bá” của họ, hồi cải cách tôi mới sinh chưa biết gì, còn khi lớn lên chỉ thấy con cháu họ nhìn chung đều giỏi giang và sống tử tế trong làng. Trong số đó có một Người Thầy đáng kính của tôi. Thầy là Nguyễn Trọng Tính, cháu ông địa chủ Năm Thái ở gần nhà Bà Ngoại tôi. Năm đầu lên cấp hai tôi học với Thầy. Lớp học là một cái lán nằm chìm vào lòng đất, xung quanh được bao bọc bởi một luỹ đất hầm chữ A để chống bom đạn trong những năm ác liệt của chiến tranh phá hoại. Chỉ dạy cấp hai nhưng Thầy rất giỏi, nói thạo tiếng Pháp, chữ đẹp, văn hay…Thời kì này người ta vẫn rất kì thị con nhà địa chủ nên tôi có cảm giác đồng nghiệp có vẻ né tránh Thầy. Tôi thì chỉ thấy Thầy hiền hậu, thông minh nên đi học chỉ mong đến giờ văn của Thầy. Nhớ có lần, năm ấy tôi học lớp năm, giờ trả bài tập làm văn, Thầy hỏi trước lớp: “Em nào là Nguyễn Trung Ngọc?” Tôi đứng dậy: “Dạ thưa thầy, em ạ!” Thầy lại hỏi: “Em con ai?” Tôi hơi ấp úng: “Dạ…con…Cậu Thu ạ!” Mặt Thầy có vẻ rạng lên: “A…con anh Thu, Năm Thu đúng không?” Thấy Thầy biết bố mình, tôi thoáng vui nhưng hổ thẹn đỏ mặt. Thầy chỉ gật gật đầu rồi cho tôi ngồi xuống và lấy tập bài làm phát cho cả lớp. Tôi sung sướng thấy bài văn của mình đạt điểm năm tuyệt đối (Hồi đó nhà trường chấm theo thang điểm 5). Về nhà, tôi kể lại chuyện trên lớp. Bố tôi cười: “Thầy Tính hồi trước học cùng trường Tây với Cậu, chỉ như cấp một các con bây giờ thôi nhưng trường của Pháp nó dạy kĩ lắm!”
Cái làng quê cổ kính cứ thế nâng bước tuổi thơ tôi cho đến tuổi mười bốn. Trong mười bốn năm ấy, nếu không có công cuộc “đánh địa chủ” làm chấn động dữ dội tâm tư của một người yêu đảng, yêu nước như bố tôi để rồi  dội vào tâm hồn thơ trẻ của tôi, nhen nhóm một ngọn lửa luôn bùng cháy để thiêu đốt những bất công sau này, thì có lẽ tôi đã là một đứa “bảo hoàng” đáng sợ. Có bố dẫn dắt, có những người thầy đáng kính dạy dỗ, có những trang sách cuốn hút…Tôi đã bước vào một thế giới bao la và ngộ ra biết bao điều mới mẻ.
Có lẽ nên nhắc thêm một chuyện này: Chéo góc nhà tôi, nằm sát bờ rào nhà Phát và ở ngay trước ngõ nhà Hoan (hai thằng bạn thiếu thời tôi đã kể ở phần trên) là nhà ông địa chủ Hương Sáu. Bị qui địa chủ nhưng ông là một nông dân chính hiệu, một người lao động tài giỏi, trong làng ít có ai sánh được. Thuở bé, tôi rất hay dắt em sang nhà ông xem những con cò, con diệc cao lêu khêu mùa bẫy chim chỉ ông bắt về được. Tôm cá dưới sông, ngoài đồng ông đi đánh bắt cũng thường được nhiều gấp hai ba người khác. Hồi hợp tác hoá, đội sản xuất luôn phải nhờ ông bắc mạ. Có tay ông gieo, mạ lên đều tăm tắp, ruộng mạ đến ngày nhổ cấy đẹp như một thảm lụa xanh, lượn thành một làn sóng dù là trước gió đông bắc mùa Đông hay gió nồm mùa hè đều thấy thật mơn mởn. Hình ảnh ấy cũng sống trong tôi cho đến tận bây giờ. Thế mà sau cải cách, không biết ai dạy cho mà khi mới ba bốn tuổi tôi đã biết chỉ tay vào ông Sáu mà kêu lên: “Ê! Địa chủ…Địa chủ…” Ông Sáu chỉ cúi đầu, vác cày và đuổi trâu ra đồng. Sau này lớn lên nghe mẹ kể tôi chỉ muốn khóc. Không biết ông Sáu nghĩ sao còn tôi thì xấu hổ muốn chui xuống đất. Tự tôi thấy mình đáng ăn chục cái tát.

Ông Hương Sáu có hai bà vợ. Bà cả đi ở với con làm bác sĩ và lấy vợ ngoài Vinh, thỉnh thoảng mới về nên tôi chỉ biết loáng thoáng. Bà hai người bên Đức Thuỷ, là một nông dân thực thụ. Hình ảnh bà đọng trong tôi là một người “đàn bà đời sơ” thường bận chiếc váy nâu sồng vận lên cao, đeo giỏ bên hông, tay cầm chiếc móc ra đồng bắt cua và ốc. Bà siêng năng, tần tảo quanh năm và làm nông cũng giỏi khó ai bì. Ông làm cho ba mẹ con bà một túp nhà tranh ở riêng phía vườn sau (Ông Sáu có hai con với bà). Mùa kéo tơ, anh em tôi thường vẫn dắt nhau sang nhà bà ngồi suốt buổi mải mê nhìn bà kéo kén quay tơ, cuộn thành những cuộn tươi vàng, óng ả. Thỉnh thoảng bà cho mỗi đứa một con nhộng tằm đã luộc chín, ăn ngon vô kể. Cuộc sống của “nhánh phụ” gia đình ông Hương Sáu không ồn ào, sôi động mà cứ bình dị, lặng lẽ, lầm lũi đi xuyên qua từng năm tháng, góp thêm sự “cổ kính” của làng tôi… 
(Còn nữa)

Dấu tích cổng nhà ông Nguyễn Trọng Cầu


Dãy nhà dài phía trong là nhà học chính của trường Mầm non Thái Yên ngày nay được tu sửa lại từ trường cấp I xưa do Cụ Hàn Châu xây cho con em trong làng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới