13 tháng 12, 2018

Ra trận (kì 2)


Nguyễn Trung Ngọc

Một lần, đi xem văn công Trung đoàn biễu diễn phục vụ một đơn vị đi C, tôi bỗng thấy một nữ quân nhân – diễn viên ngâm bài thơ của mình trên sân khấu, loại thơ “động viên” kiểu anh Lành:
“Đất chuyển mình theo những bánh xe quay
Đêm Miền Trung gió mùa về hun hút
Chúng tôi đến đây một ngày giá rét
Và gặp anh đang ở thao trường…”

Ngay sau đêm biểu diễn, anh Cẩm Hải làm trưởng đoàn văn công lúc ấy dẫn một “Em” bận quân phục xinh xắn đến gặp tôi: “Chào đồng chí! Tôi dẫn diễn viên đến gặp tác giả đây và gửi lời gợi ý của Chủ nhiệm chính trị muốn đồng chí về đoàn công tác”. Giờ nói có thể có nhiều người không tin: mấy ngày sau tôi suy nghĩ và quyết định xin từ chối nhiệm vụ đó bởi lúc bấy giờ tôi rất “kỵ” con gái. Mà ở đoàn văn công thì phần đa là các “nàng”. Nói là Văn công cho oai chứ thực ra chỉ là Trung đoàn giao cho anh Cẩm Hải, một giáo viên của trường Cao đẳng nhạc hoạ nhập ngũ, biết sáng tác và đạo diễn, tập hợp những hạt nhân văn nghệ của các đơn vị về E bộ thành “Đội tuyên truyền văn hoá” để “khuấy động” phong trào “tiếng hát át tiếng bom” lúc đó. Nhưng phải thừa nhận cái khí thế “Xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước” của những năm đó đã khiến người ta làm nên nhiều chuyện. “Đội tuyên truyền văn hoá” vậy mà cũng có nhiều chương trình biểu diễn lay động sâu xa tinh thần người chiến sĩ. Mặc dù thằng Khâm hồi đó vẫn nhạo tôi: “Ngọc sắp chuyển sang tuyên huấn rồi, sang với đội quân được người ta khen “Sờ vú đàn ông còn hơn xem Văn công trung đoàn”. Hắn nói vậy chứ tôi còn nhớ có lần “Văn công trung đoàn” biểu diễn cho E bộ xem. Thiếu ánh sáng, mấy chiếc xe của ban chỉ huy, của các ban đều được đưa đến đậu phía sau nổ máy và chiếu đèn lên sân khấu. Vậy mà người xem đông nghịt. Dân ở xã Quảng Hợp nơi Trung đoàn bộ đóng đi xem về cứ tấm tắc “Sao bộ đội diễn các hoạt cảnh cũng như hát và ngâm thơ hay vậy”. Cũng có thể, thời ấy thiếu thốn quá: thiếu ăn, thiếu cả văn nghệ nên “sờ vú đàn ông” tí cũng sướng. Còn nhớ năm ấy có một đại đội TNXP Hoằng hoá, Thanh Hoá đóng gần trục đường 22A để phục vụ thông tuyến con đường ác liệt này. Biết Truật là đồng hương, nhiều buổi trưa chúng tôi muốn nghỉ một tí mà không nghỉ được, các cô “đồng hương” của Truật cứ vào ríu rít đến hết giờ. Dạo ấy tôi và Truật là hai lính quân nhu ở với nhau trong nhà một Mạ Quảng Bình đã già, rất nghèo và cô đơn vì chồng mất sớm. Đại đội TNXP đóng gần chúng tôi ấy chính là đơn vị của Tám Cô hi sinh một cách đáng thương trong hang núi bên đường 20. Thực ra, đường 22A chỗ chúng tôi cách “đường 20 quyết thắng” cũng chẳng là bao nếu tính khoảng cách của một chiếc F4 lượn lấy toạ độ bổ nhào.
Một hôm, tôi và Truật đi công tác ra Quân khu nhận nhu yếu phẩm cho đơn vị. Truật có hẹn trước các “đồng hương” sẽ ghé vào mang hộ thư ra bưu điện trung tâm gửi cho nhanh hơn. Khi xe ghé vào trước cổng cái lán lụp xụp của đơn vị TNXP thì diễn ra một cảnh tượng thật lạ lùng: Cả một đám con gái đông từ trong ùa ra vây kín xe. Có mấy cô cầm cả đoạn sào trên tay chọc giơ lên cao những chiếc áo con phụ nữ, miệng hét to: Các anh bộ đội ơi!...Đồng hương Truật ơ…ơi…ơi! Ngày ấy người ta gọi đó là hội chứng êchtơri (hay điên tình), thường thấy ở những tập thể đông phụ nữ mà thiếu nam giới. Chiến tranh là thế! (Cho nên đồng đội cũ của tôi là N.Q.N có mơ màng mãi về “xá lị Hà Tran” thì cũng chẳng có gì khó giải thích. Ha…ha…)
Tôi kể chuyện này cho hai ông bạn vong niên không đi lính cùng nghe. Một ông bảo: “Hồi ấy mà tùm lum như bây giờ thì các ông cũng không nói chuyện đánh đấm gì, lo về mà giữ con là vừa. Ông kia thì bảo: “Hồi ấy hay quá nhỉ! Tiếc quá….”
Nói chuyện “kỵ phụ nữ”, còn có lần Chính uỷ Trung đoàn gọi tôi lên để giao nhiệm vụ mới là điều tôi về làm quân lực của tiểu đoàn 2 do Anh Hùng quân đội Cao Tất Đắc chỉ huy, gồm toàn lính nữ, mới từ Lào về. Nghe qua trao đổi của Chính uỷ, tôi vội “xin cối xin chày”: “Nếu có điều đi, xin Thủ trưởng cho tôi được về đơn vị chiến đấu”. Thế mà một lần nữa, ông chấp thuận.
Mấy vị trí ở E bộ, chẳng có nơi nào tôi “yên tâm công tác”. Có một lần tôi còn nói với Truật: “Mày giúp tao, Tao phải trốn đi đơn vị khác. Có lẽ đợi khi có một đơn vị tăng nào đi qua, tao nhảy lên tháp pháo nhập đoàn quân ra trận. Bảo họ là lính lạc ngũ, xin trở lại tiền tuyến ai mà không cho. Ra tiền phương chứ có phải đào ngũ đâu mà sợ!” Truật cười, chuyện này thì hắn tỉnh hơn tôi: “Mày nói định phấn đấu vào Đảng, đi vậy, hồ sơ nằm lại đây, cái gốc Đoàn viên của mày cũng mất nói gì là Đảng”. Tôi thấy hắn có lí nên không dám nghĩ tới phương án “ra trận” phiêu lưu ấy nữa. Rất nhiều chuyện thời chúng tôi giờ kể lại cho thanh niên cứ như chuyện cổ tích. Chuyện những ngày đầu ra trận của tôi có lẽ cũng thuộc loại đó.
Nhưng rồi cái tôi muốn đã thành hiện thực. Trung đoàn 79 được Quân khu điều động một đại đội độc lập đi làm “nhiệm vụ đặc biệt” ở nước bạn Lào. Tôi viết đơn xin ban chỉ huy được “xuống đơn vị chiến đấu”. Và tôi được toại nguyện. Vậy là, quãng đời quân ngũ của tôi bước sang một giai đoạn mới: Ra chiến trường!
Giáp tết 1973, Chúng tôi hành quân bằng một đoàn xe Gas 63 theo quốc lộ 8 vượt qua Trường Sơn Tây.
“Trường Sơn Đông nắng Tây mưa
Ai chưa đến đó như chưa rõ mình”

Lần đầu tiên tôi biết “Đông nắng, Tây mưa” của dãy Trường Sơn hùng vĩ. Khi đoàn quân qua tiền tiêu, vượt đỉnh Trường sơn, một khung cảnh thần tiên hiện ra trước mắt: Mùa khô, bên Trường Sơn Đông mưa sụt sùi, dầm dề đã lâu còn phía Trường Sơn Tây nắng đang chiếu những tia sáng màu vàng xuyên qua kẽ lá của núi rừng nước bạn. Mưa – Nắng gặp nhau tạo thành một bức mành giữa không trung lay động trước gió, lúc lấn sang đất Lào, lúc chạy về đất Việt, đẹp lung linh kì ảo, khiến tôi phải thốt lên: “chao ôi! Đẹp quá…”Giây phút ấy có lẽ ít ai trong đời may mắn gặp như đoàn quân chúng tôi hôm đó. Những chiếc xe hai cầu mấy ngày liền trườn lên mái phía Đông nhầy nhoẹt trong mưa dầm mùa đông giờ được hạ ga xuôi xuống mái Tây chạy bon bon, tung bụi mù mịt. Rừng Lào mênh mông, dân cư thưa thớt, đoàn xe của chúng tôi như bị nuốt chửng vào đại ngàn Trường Sơn, “băng qua muôn núi ngàn sông”, đi mãi...
Chúng tôi đổ quân trên một bãi đất rộng bên này con sông Nậm thơn để “hạ trại”. Đang là vùng giải phóng do bộ đội Pha-thet Lào chiếm giữ nên khá thoải mái, không cần phải cảnh giác, giữ gìn nhiều. Cả đơn vị đóng quân lại đây chừng một tuần để củng cố, tập huấn thêm về chuyên môn vì nhiều việc chúng tôi chưa hề biết gì. Quân khu nhận nhiệm vụ từ Bộ quốc phòng rồi giao lại cho đơn vị tôi đi khảo sát, định hình một tuyến đường mới nối từ Trung lên thượng Lào, như là một “Đường Trường Sơn thứ hai” bên nước bạn, dự phòng chiến tranh còn có thể kéo dài.
Đại đội phải xóc lại biên chế. Tôi được phân vào bộ phận kĩ thuật “con cưng” gồm có 2 kĩ sư cầu đường từ Quân khu được phái đi đặc nhiệm. Họ đều là sĩ quan. Một người là trung uý Tánh, kĩ sư của Phòng công binh Quân khu. Người nữa là trung uý Liêm, mới tốt nghiệp Đại học bách khoa chưa lâu, con rể của thượng tá Lư, tư lệnh Mặt trận Trung Lào thời bấy giờ. Liêm người miền Nam, còn trẻ, trắng trẻo và rất đẹp trai nhưng ít nói. Tôi đã mừng vì có “ông bạn cấp trên” mới tốt nghiệp đại học, “gần gũi” với mình để trao đổi, chuyện trò. Nhưng rồi chỉ chưa đầy một tháng sau, khi chúng tôi đi sâu dần vào vùng địch thì anh Liêm có điện của Mặt trận gọi ra “nhận nhiệm vụ mới”. Thời ấy còn rất vô tư nhưng mấy thằng lém lỉnh trong đại đội cũng biết mỉm cười... Người thứ ba được cử đến sẽ trở nên thân thiết với tôi sau này là Trần Minh. Minh mới là trung sĩ nhưng lại là nhân viên kĩ thuật quan trọng mà Quân khu cử đến. Minh hơn tuổi tôi một chút nhưng vẫn gọi mày tao. Hắn người Nam Đàn, rất có hoa tay và đặc biệt là làm gì cũng hết sức cẩn thận, chu đáo. Minh lại rất nhẹ nhàng, hay chiều bạn nữa. Có lần, sau mấy ngày hành quân ròng rã, chân tôi sưng to không đi được nên rớt lại sau đơn vị. Minh kèm theo tôi, mang luôn cả chiếc ba lô của tôi trước bụng, động viên tôi dấn bước. Khi đó trên người tôi chỉ còn lại chiếc máy đeo bên hông chừng bảy cân, khẩu AK với đủ cơ số đạn đi chiến trường và chiếc bi đông, hai quả lựu đạn, dao găm đeo ở cái thắt lưng to thắt giữa bụng nên tôi vẫn có thể lê bước về được điểm trú quân. Lúc này trông Minh quả như một con lạc đà, lặc lè dấn bước. Hắn chẳng to lớn gì nhưng thật khoẻ vì cũng đã qua lính mấy năm rồi. Còn tôi, vì là một thằng lính sinh viên lại mấy lâu ngồi ghế cơ quan E bộ nên không trụ nổi.
Chính Minh đã chỉ dẫn, bày vẽ cho tôi để tôi có thể phụ trách chiếc máy đo góc ngoặt sau này hỗ trợ hắn cầm máy thuỷ chuẩn đưa lại những con số cần thiết. Suốt mấy tháng ròng, ngày nào tôi và Minh cũng miệt mài cùng cái máy với sự cộng tác của ba tiểu đội làm việc theo một qui trình chặt chẽ: Toán đầu đi trinh sát địch tình và dò xem có mìn cài bẫy không; Toán thứ hai dùng dao chặt phát những cây, lá làm vướng tầm ngắm máy của tôi và Minh; Toán cuối cùng hỗ trợ cho tôi và Minh dùng máy đo độ cao, góc ngoặt đưa về cho kĩ sư Tánh và Liêm thiết kế trên bản đồ.
Đoàn quân chúng tôi tiến dần về hướng Thượng Lào. Nếu công việc tôi vừa kể trên diễn ra ở nơi bình yên thì cũng không có gì đáng nói nhưng đây là chiến trường, là mặt trận. Ai từng trải qua những năm tháng chiến trường mới hiểu được nỗi gian lao và sự khủng khiếp của con người khi cứ đứng chênh vênh trên bờ vực của cái chết mà sự chịu đựng có thể nói là tột cùng. Tôi có một thằng bạn vốn là sinh viên khoa Lí nhưng rồi đi học và trở thành PGS – Tiến sĩ Triết tâm sự rằng: Hồi hoạt động ở vùng miền Tây của Thừa Thiên – Huế, một đồng đội của hắn cũng là sinh viên Đại học sư phạm Vinh, nhập ngũ trước tôi một đợt, tên là N.V.D có một chuyện “tối mật”: Một hôm, lúc hai thằng đi hái rau tàu bay với nhau D đã nói:
– Kinh khủng quá mày ạ. Chết tao không sợ nhưng khổ quá tao không còn chịu nổi nữa. Chuồn thôi! Mày đi cùng tao không?
Thấy chuyện nghiêm trọng, thằng bạn tôi hoang mang:
– Đi đâu bây giờ?”
– Về thành phố”
– Đào ngũ a?
– Tao không thể chịu thêm được nữa. Cứ thế này, không chết vì đạn rồi cũng chết vì sốt rét, đói khát thôi.
Thằng bạn tôi từ chối rồi trở về nơi đóng quân một mình. Mấy hôm sau có một chiếc trực thăng của địch bay rà sát xuống nơi chốt giữ của đơn vị. Tiếng loa “tâm lí chiến” vang lên: “Hỡi các cán binh Bắc Việt! Các bạn đừng uổng phí tuổi xuân. Hãy trở về với quê hương, với gia đình các bạn…”. Điểm chốt của trung đội thằng bạn tôi phải nhanh chóng chuyển sang một ngọn đồi khác và chịu thiếu đi một tay súng từ đó.
Chiến tranh lùi xa dần. Mọi chuyện của chiến tranh cũng quên dần. Chuyện của N.V.D cũng đã là quá vãng. Tôi kể lại chuyện này chỉ là để muốn làm rõ hơn cái gian khổ của bộ đội những năm ấy.
Trở lại chuyện đơn vị tôi. Hoạt động giữa ngút ngàn Trường Sơn chưa được bao lâu, trong đại đội bắt đầu lác đác có những người bị sốt rét. Căn bệnh quái ác, “đặc sản” của rừng núi đã làm cho những chàng trai khoẻ mạnh nhất cũng phải khuỵu xuống. Với chúng tôi lúc đó, không có bệnh xá, không có bác sĩ nên thằng nào bị sốt thì chỉ biết nằm trên võng mắc giữa rừng, chịu sự hành hạ của những cơn sốt. Có lẽ nhiều người đã từng nghe kể về những bộ xương nằm nguyên trên võng của những chiến sĩ vì đi công tác lẻ bị cơn ác tính, chỉ kịp mắc võng nằm lại giữa rừng rồi không thể dậy được nữa.
Đi C, lính ta ngán nhất bị vấp mìn và bị phục kích bởi lũ Phỉ Vàng Pao. Ở Lào bọn Phỉ tự cho nó là lính thiện chiến nhất, một lính Phỉ địch ba lính Pha thet. Tuy nhiên chúng vẫn sợ bộ đội Việt Nam nên thường dùng cách đánh úp, đánh du kích để tiêu hao lực lượng ta và làm ta chùn bước. Một lần, một đơn vị bộ binh đi trước, hỗ trợ chúng tôi làm nhiệm vụ. Đang đêm họ bị Phỉ đánh úp. Sau khi “xử” được người lính gác, chúng lén đến gần rồi bất ngờ xả súng liên hồi vào chỗ đóng quân. Tuy thương vong không nhiều nhưng chúng làm cho bộ đội mình sau đó mất đi rất nhiều những đêm bình yên với giấc ngủ.
Sau chuyện đó, chỉ huy tiểu đoàn bộ binh lúc đó là thượng uý Thanh nổi giận, sáng hôm sau kéo quân bao vây bản Hội xiềng, cho nã pháo cối bắn tung nhiều cái chòi và phạt ngang nhiều cây cối ven bản để thị uy, cảnh cáo. Theo tin của điệp báo ta, bản này có rất nhiều con em đi làm Phỉ. Dân bản này sợ mất vía. Đến nỗi sau đó, có một hôm tôi đang chăm chú ngắm máy bên bờ suối, một bà mang gùi từ trong bản ra rừng đụng ngay đầu ống kính của tôi, sụp xuống lạy như tế sao, chắc tưởng cái máy của tôi là một thứ vũ khí tối tân nào đó. Tôi phải đỡ bà dậy, trấn an mãi, bà mới dám rón rén đi tiếp.
Nhưng cũng Chính bản này, một tuần sau đó có một người phụ nữ vì chuyện sinh nở mà chết cả con lẫn mẹ. Họ đã không ngần ngại đặt vấn đề với đơn vị tôi để cho y tá Đồng, người Yên Thành, dùng một con dao Mẹo rất sắc mổ đưa đứa con chết lưu trong bụng ra để dân bản chôn cất riêng hai mẹ con ngoài rẫy. Tục của họ là vậy. Bản này đã mang cả một con lợn to biếu lại chúng tôi để đền ơn. Lâu lắm rồi, hôm đó chúng tôi mới được một bữa thịt tươi, ăn ngon chưa từng thấy.
Càng vào sâu vùng địch, chúng tôi càng phải đối diện với nguy hiểm nhiều hơn. Ở chiến trường đôi khi có chuyện bắn nhầm chính quân ta. Tôi đã một lần suýt vậy. Đơn vị hết gạo ăn, tôi và một số đồng chí nữa được cử đến một cái “kho tự giác” giữa rừng sâu để lấy gạo. Hôm ấy, Tôi gùi sau lưng cả một ba lô gạo đầy nên phải còng lưng đi chúi về phía trước. Đến một lối đi hẹp phải chui trong lau lách, tôi cúi thấp đầu để tránh những lá lau cứa vào mặt. Đến một chỗ ngoặt, vừa ngẩng đầu lên thì ngay trước mặt là một tốp lính mặc quần áo rằn ri nguỵ trang, tay cầm ngang một loại súng lạ bước tới chỉ còn cách tôi chừng năm bước. Ngay lập tức, tôi bật khoá an toàn khẩu AK trước bụng, hướng nòng vào đối phương. Chưa kịp siết cò thì một tiếng chào rất bình tĩnh: “Chào đồng chí!”. Hú hồn! Một tí nữa thôi, không biết chuyện gì đã xảy ra. Tốp lính ấy là của một đơn vị đặc công vừa đi tiểu Phỉ ở Mường Mộc trở về.
Nhiều khi lại có chuyện vui chiến trường kiểu khác. Một lần tôi và Minh được giao nhiêm vụ đi đón hai lính Pha thet đến đơn vị để họ dẫn đường giúp ta vượt qua một chặng rất nguy hiểm bị cài đầy mìn. Được báo là hai chiến sĩ người Lào đã gần đến chỗ đơn vị đóng, chúng tôi chỉ cần đón họ và đưa vào cứ. Ra đến điểm hẹn cách chỗ đóng quân chừng ba cây số nhưng chưa thấy người, tôi và Minh đang quanh quẩn thì phát hiện một cái hang sâu bên lèn đá. Cửa hang chi chít những vết đạn, cây cối xung quanh gãy nát chưa kịp đâm chồi lại. Đến gần nhìn vào thấy trong hang toàn vỏ hộp nhãn hiệu Mĩ vứt lỏng chỏng, trên một phiến đá còn loang lổ những vết máu. Tôi đánh bạo định vào trong thì Minh kéo lại: “Cẩn thận! Khéo bị cài mìn!” Rồi hai thằng nấp vào sau tảng đá trước cửa hang đánh tiếng hét thật to cả bằng tiếng Việt và tiếng Lào: “Có ai không?” (Mi khôn bọ?). Không có động tĩnh gì ngoài một con tắc kè thấy động chạy vào trong hang. Sẵn một đoạn cành cây gãy nằm gần đấy, Minh nhặt lên ném đại vào trong. Một tiếng nổ long trời, Chắc là tiếng của mìn clâymo, khói bụi trong hang mù mịt, đất đá ở trong bay ra rào rào…Chỉ tí nữa thôi tôi đã nằm lại cái hang đó với một mớ xương thịt tan tành. Khi rời hang để trở lại điểm hẹn, cả hai thằng tôi mới phát hiện trên một đám đất cách hang chừng hai mươi mét mấy ngôi mộ mới. Lại gần thấy mấy cái cọc đơn sơ được vạt phẳng một bên làm mộ chí ghi dòng chữ: Nguyễn Văn A, đơn vi….; Trần đình B, đơn vị… Hồi đó hai chúng tôi đã bảo nhau: Những mộ này nếu để lâu, mối ăn mất “mộ chí”, cây mọc trùm lên nữa, tìm được thật không dễ. Không biết đến bây giờ những đồng đội ấy của tôi đã được đưa về đất Mẹ chưa?
Thoáng thấy bóng người đi tới, tôi và Minh ẩn vào sau bụi cây quan sát: Hai người mặc quân phục, Khoác súng AK, da sốt rét rừng tái đen, môi thâm sì nhìn chẳng còn giống gì người Việt. Chắc mẫm đây là hai chiến sĩ Pha Thet mình đang đợi, Minh nhắc tôi chú ý rồi bước ra chào:
– Xam bái!
Không ngờ phía bên kia đáp lại bằng tiếng Nghệ rất rõ:
– Các đồng chí thấy chúng tôi giống người Lào à? mới sang phải không?
Rồi họ hỏi chúng tôi có nghe tiếng mìn nổ vừa nãy không. Tôi nói lại chuyện đã xảy ra. Một người kể cho tôi và Minh nghe hai tuần trước họ vừa bắt gọn một toán Phỉ trong hang sau một trận đấu súng ác liệt và chính họ đã cài lại quả mìn trước khi rút đi. Hai bên chào nhau và họ quay trở lại. Hoá ra đó là hai cựu binh lính tỉnh đội Nghệ An sang Lào đã nhiều năm đi tìm hiểu vụ nổ. Họ đi rồi, hai thằng tôi ôm nhau cười như nắc nẻ: Thấy người Việt lại dùng tiếng Lào mà chào!
Chờ thêm chừng mười lăm phút nữa tôi và Minh mới đón được hai chiến sĩ Pha Thét. Có người dẫn đường, ngay chiều hôm ấy chúng tôi xoá hết dấu vết nơi đóng quân để vượt cung đường đã nói. Đi được chừng một cây số đường suối thì hai chiến sĩ Lào dẫn đại đội tôi leo lên một sườn núi cây cối đã chết khô toàn bộ đứng trơ trụi không lá. Mỗi người được yêu cầu tìm một cành khô mang theo, đề phòng có máy bay địch đi trinh sát thì nguỵ trang. Sau này chúng tôi mới biết cánh rừng này tháng trước sau chừng hai mươi phút chiếc “bà già” của địch lượn vè vè ở đây thì ngày hôm sau cây trút hết lá và chết đứng. Chúng định nhử bộ đội ta đi tránh khoảng trống này để lọt vào một bãi mìn dài cả cây số. Nếu không biết, cứ đi tiếp con đường dọc suối thế nào cũng khó thoát vướng mìn.
Cứ thế đường chúng tôi đi trải dài cả hai miền của đất nước bạn: Trung và Thượng Lào. Đi trong gian khổ, trong đạn mìn, trong những cánh rừng đầy chất độc, lúc nào cái chết cũng rình rập ở bên để kịp hoàn thành nhiệm vụ khi mùa mưa đến.
Hôm nay, Cho tôi được nói một câu thế này trong bài viết riêng của mình: Chắc là tôi có quyền môt chút để tự hào, những năm tháng của tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất chúng tôi đã biết đem nó hiến dâng cho đất nước. Để rồi ngày nay trên mặt trận mới, tôi lại cùng các bạn, các đồng đội cũ của mình tiếp tục đem chút sức còn lại đấu tranh bảo vệ lí tưởng cao đẹp thực sự mà chúng tôi đã theo đuổi từ thời tuổi trẻ là luôn đứng về phía nhân dân và chính nghĩa./.

(Kì tiếp theo: “Mặt trận mới”)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới