5 tháng 9, 2017

Một chuyến xuất ngoại

Dịp 2/9 được nghỉ 3 ngày liền. Đang tính chuyện không biết nên đi đâu xả hơi thì Nguyễn Quang Ngọc gọi: Đi Đồng Tháp không? Chi vậy. Sáng mùng 2 Đài PTTH Đồng Tháp mời tao dự kỉ niệm 40 năm thành lập (Ngọc trước khi về báo Nông nghiệp có chục năm làm ở đài ĐT). OK. Đi ngay. Tôi đồng ý trong vòng chưa đầy 1 nốt nhạc.
Sáng mùng 1 thứ 6 tôi đi làm mang theo cả ba lô áo quần. 15h30 chiều Ngọc ghé xe vô Nguyễn Văn Tráng, tôi gửi ngay một cái mail cho sếp nói có việc riêng xin nghỉ sớm chút xíu rồi ra xe. 30 phút sau chúng tôi đã bon bon trên cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. 18h đến Mỹ Tho ghé nhà đồng đội Trương Ngọc Kim lính C20 F341. Thấy hắn đang đánh trần nấu cơm hai thằng tôi bắt cóc đi nhậu luôn. Ở Mỹ Tho có quán thịt rắn ngon bá cháy, chúng tôi tấp vô làm con rắn ri nặng kí mốt với hai món xào hành sả và cháo. Con rắn là thứ động vật tôi sợ nhất nhưng ăn nó thì tôi lại thích. Tôi sợ tất cả những con thuộc loài bò sát.
Tối đó ngủ lại 1 đêm với xứ sở nổi tiếng của những ngọn đèn nửa tỏ nửa lu (Rút từ câu ca dao:
Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ
Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ, ngọn lu
Anh về học lấy chữ nhu
Chín trăng em cũng đợi, mười thu em cũng chờ…)
Sáng hôm sau đúng ngày QK 2/9 chúng tôi đi tiếp về Đồng Tháp để 9h Ngọc kịp dự Lễ kỉ niệm ĐTTV. Có rủ Kim cùng đi cho đủ bộ ba nhưng nhà nó hôm đó lại có kế hoạch lên SG có việc.
Vui chơi ăn nhậu ở Cao Lãnh một ngày, sáng mùng 3/9 hai thằng tôi lại bon về vùng biên giới VN-CPC. Xe chúng tôi đi dọc QL 30, đi xuyên qua huyện Tam Nông (Tỉnh Đồng Tháp trước đây kết nghĩa với tỉnh Phú Thọ nên khi lập huyện mới này đã lấy tên một huyện ở Phú Thọ có tên là Tam Nông để đặt tên) nơi có thi trấn Tràm Chim với khu sinh quyển Tràm Chim nổi tiếng. Chúng tôi tấp vô một quán hủ tiếu giữa thị trấn Tràm Chim ăn sáng cafe để lấy sức đi tiếp. Chưa ở đâu tôi ăn tô hủ tiếu mà thấy ngon như thế, đúng chất hủ tiếu Sa Đéc. Nước ngọt lừ, sợi mì dai mà dòn, những cục xương hào phóng với dày thịt thơm mà mềm ăn nhức cả răng, rau sống cả dĩa tràn trề ăn vô tư. Li café cũng thơm ngát luôn. Quá đã.
11h trưa thì đến thị trấn Sa Rài của huyện Tân Hồng Đồng Tháp. Vùng đất này với Ngọc là thổ công nên đã quá quen thuộc vì hắn từng có hàng chục năm làm dân Tháp Mười nhưng với tôi thì đây là lần đầu tiên được đặt chân đến nên có cảm xúc thật khó tả. Thời còn là phóng viên truyền hình ĐT, Ngọc từng lên đây làm một phim tài liệu về đơn vị bộ đội biên phòng đóng quân ở vùng biên giới Dinh Bà đi dự liên hoan truyền hình toàn quốc đạt huy chương vàng. Vùng đất này có thể nói đã thành máu thịt của Ngọc. Hôm nay coi như Ngọc đưa tôi trở lại chiến trường xưa.  
Địa giới huyện Tân Hồng ở phía đông giáp tỉnh Long An, phía tây giáp thị xã Hồng Ngự, phía nam giáp huyện Tam Nông, phía bắc giáp Vương Quốc Campuchia. Từ Thị trấn Sa Rài lên biên giới CPC chỉ 10km. Ngay cái tên Sa Rài nghe đã rất có vẻ Khmer rồi.
Đón chúng tôi ở Sa Rài là nhà thơ Đỗ Văn Thắng bút danh Đỗ Ký. Thắng quê gốc Quảng Nam, tổ tiên di cư vào vùng đất biên giới này từ những năm 30 của thế kỉ trước. Anh lên SG học và tốt nghiệp khoa văn ĐHSP Tp. HCM năm 1984. Sau những năm tháng hành nghề dạy học, anh xin nghỉ việc một cục ở nhà làm thơ. Đỗ Ký có lẽ là người làm thơ hiếm hoi của xứ Việt Nam này bởi anh từng có 9 tập thơ được xuất bản với số lượng lên đến 700.000 bản và tập nào in ra cũng bán được. Thậm chí có tập anh in đến 170.000 bản vẫn bán hết. Kể cũng là một sự lạ đời. Sự lạ của Đỗ Ký khiến nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nghe mà phát choáng và phải tìm lên tận nhà Đỗ Ký ở Sa Rài muc sở thị để rồi sau đó viết một bài dài về tay nhà thơ lạ lùng này với title “Vẫn còn một gã bán thơ” in trên tờ Văn nghệ công an.
Hàn huyên và café được một lúc thì Đỗ Ký cùng nhập bọn đi lên biên giới. Ngay sát biên giới là một quán café có tên Nắng chiều do một ông bạn của Đỗ Văn Thắng tên là Nguyên làm chủ quán. Lại café, lại thêm Nguyên nhập bọn, chúng tôi vượt qua biên giới để sang chơi bên đất CPC. Nguyên là cư dân biên giới, Đỗ Ký có con trai là sĩ quan biên phòng cửa khẩu nên chúng tôi xin qua CPC khá dễ dàng.
Cửa khẩu này phía VN gọi là cửa khẩu QT Dinh Bà (thuộc xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp. Đây là điểm cuối của Quốc lộ 30 (Km 120 + 000). Bên phía CPC gọi là cửa khẩu Bon Tia Chak Cray thuộc tỉnh Prey Veng. Gọi là cửa khẩu Quốc tế nhưng khá hoang vu và nghèo nàn. Không có khách du lịch, Dinh Bà chỉ là nơi qua lại của cư dân vùng biên và dân buôn lậu VN chủ yếu là gạo, đường, thuốc lá… Ranh giới giữa hai nước là con sông Sở Hạ mùa khô có thể xắn quần lội qua lội lại giữa 2 nước. Bắc qua sông là một cây cầu bê tông dài chừng 40m, ở chính giữa cầu là ranh giới phân chia 2 nước với một lá cờ trắng có hình chữ thập đỏ dấu hiệu của trạm cứu hộ cứu nạn. Tôi đã đứng ngay lằn ranh giới giữa 2 nước ấy mà chụp một tấm hình kỉ niệm với lòng bồi hồi xúc động.
Chúng tôi xin phép đi qua đồn biên phòng nước bạn và đi sâu khoảng 300m, lượn qua các tiệm tạp hóa, cửa hàng cửa hiệu của người CPC mua mấy món đồ làm quà. Cũng coi như là có thêm một chuyến xuất ngoại để ghi vô lí lịch. Ngẫm ra tôi rất có duyên với CPC bởi đã có đến 4 lần đi qua biên giới của đất nước Chùa Tháp. 3 lần đi qua cửa khẩu Mộc Bài và bây giờ là cửa khẩu Dinh Bà.
Sau 30 phút xuất ngoại chúng tôi lại quay trở về với Tổ Quốc VN. Tấp vô một cái quán ngay bên đồng ruộng đang mùa nước nổi ăn các món thuộc về đặc sản Nam Bộ như cá linh chiên xù, cá linh lẩu… Đi miền Tây mùa nước nổi mà không ăn cá linh, chuột, rắn, bông súng, bông điên điển… thì thà ở nhà còn hơn.
Nhậu xong đã 2h chiều, chúng tôi tạm biệt Đỗ Ký, tạm biệt Nguyên, tạm biệt miền biên ải Tổ quốc. 19h thì về đến SG. Kết thúc một chuyến đi quá thú vị.

Đoàn dừng lại phía VN trước khi vượt biên. Sau lưng là cửa khẩu. Nhìn cái bóng tròn ngay dưới chân mỗi người có thể biết chúng tôi vượt biên sang nước bạn đúng lúc 12h trưa. Trời biên giới mùa này nắng chang chang vẫn không ngăn được bước chân lang bạt của chúng tôi.

Trái sang: Nhà thơ Đỗ Ký, NB Nguyễn Quang Ngọc, Hà Tùng Sơn và anh bạn tên Nguyên (chủ quán cafe Nắng Chiều trên biên giới VN-CPC), người hướng dẫn chúng tôi du ngoạn sang nước bạn. Nơi này thuộc tỉnh Prey Veng CPC cách cửa khẩu Dinh Bà khoảng 500m. Trên đất nước CPC đi đâu cũng gặp bức tranh lớn có hình ảnh của Thủ tướng CPC Hun Xen và Chủ tịch Quốc hội Chia Xim.

Đứng trên đất nước bạn CPC nhìn về phía VN

Con sông này gọi là sông Sở Hạ, ngăn đôi 2 nước VN và CPC bằng một cây cầu gọi là cầu Sở Hạ. Tôi đang đứng ở lằn ranh giữa hai nước nơi có đặt một trạm cứu hộ cứu nạn. Bên tay phải tôi là VN, bên tay trái tôi là CPC. Đứng ở đây không xúc động mới lạ.

Nhà báo Nguyễn Quang Ngọc tác nghiệp. Nhìn cái bóng Ngọc ở dưới chân mới hiểu hết nghĩa của thời điểm buổi trưa tròn bóng.

Chúng tôi ngồi nhậu bên cánh đồng Sa Rài đang mùa nước nổi

Con sông Sở Hạ ranh giới tự nhiên giữa 2 nước VN - CPC chỉ rộng bằng một con rạch nhỏ ở Tp. HCM

Trên đường về chúng tôi ghé thăm tượng đài Chiến thắng Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung. "Cách đây 50 năm, ngày 26/9/1959, tại Giồng Thị Đam – Gò Quản Cung, Tiểu đoàn 502 Bộ đội tỉnh Kiến Phong (nay là tỉnh Đồng Tháp) đã làm nên chiến thắng lịch sử, tiếp thêm lực đẩy trong thế chuyển mình vươn lên của cách mạng miền Nam. Đây là sự kiện lịch sử, mang ý nghĩa quan trọng trong việc chỉ đạo, lãnh đạo, không những đối với cán bộ, quân và dân trong tỉnh, mà còn cho Liên Tỉnh uỷ miền Trung Nam bộ, cũng như cả chiến trường Nam bộ lúc bấy giờ".

Thơ đề ở tượng đài Chiến thắng Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung

Điều gây cho tôi xúc động là ở chân tượng đài nơi cùng trời cuối đất này không hiểu sao lại có 2 cái ghế đá của Trường Đại học Vinh và Khoa Sau đại học Trường Đại học Vinh kính tặng. 

Hai thằng tôi rong ruổi trên chiếc Mazda 5 chỗ rộng rinh của Ngọc. Hắn cầm lái còn tôi ngồi ngắm cảnh và tán phét 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới