26 tháng 3, 2016

Ất ơ như du lịch Quảng Bình

Từ ngày 24 đến 27 tháng 3 năm 2016, nằm trong chuỗi sự kiện kỉ niệm 41 năm ngày giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc, dưới sự chỉ đạo của UBND thành phố Hồ Chí Minh, Sở Du lịch Tp. Hồ Chí Minh phối hợp với Hiệp Hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Ngày hội Du lịch TP.HCM lần thứ 12 - năm 2016 tại công viên 23 – 9 quận Nhất. Đây là một sự kiện thường niên có tầm quan trọng rất lớn trong việc quảng bá và kích cầu du lịch của ngành du lịch Tp. Hồ Chí Minh và cả nước. Vì thế rất được lãnh đạo chính quyền, các ban ngành liên quan và người dân thành phố mang tên Bác quan tâm.
Theo Ban tổ chức, Ngày hội Du lịch năm nay thu hút 39 tỉnh, thành phố trên cả nước tham gia với 150 gian hàng được bố trí trong không gian ngày hội. Bên cạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hầu hết các gian hàng của các đơn vị tham gia đều được trang trí đậm chất địa phương và chất Nam Bộ để tạo điểm nhấn hưởng ứng Năm du lịch quốc gia 2016 với chủ đề “Khám phá đất phương Nam”.
Ngay từ ngày đầu khai mạc (24/3), Ngày hội Du lịch TP.HCM lần thứ 12 - năm 2016 đã thu hút một lượng khách tham quan đông đảo từ TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ và cả du khách nước ngoài.
Là một người con Quảng Bình sống ở TP. Hồ Chí Minh tham quan Ngày hội Du lịch TP.HCM lần thứ 12 - năm 2016, khi biết ngành Du lịch Quảng Bình có một gian hàng du lịch tham gia sự kiện này, ngay từ ngày đầu khai mạc tôi đã tìm đến với gian hàng của ngành du lịch quê hương để tham quan và tìm hiểu.
Phải nói là Quảng Bình đã được Ban tổ chức Ngày hội rất ưu ái khi bố trí gian hàng của tỉnh rộng đến 18m2 (gấp đôi gian hàng của một số đơn vị bạn chỉ rộng có 9m2) lại nằm dưới hàng cây rợp mát phía đường Lê Lai, gần với khu trung tâm rất thuận tiện cho khách tham quan.
Với tâm trạng háo hức, tôi tìm đến với gian hàng Quảng Bình. Nhưng than ôi, dù lúc tôi đến đã là 10 giờ sáng của ngày khai mạc 24-3 nhưng đó chỉ là một gian hàng trong tình trạng vườn không nhà trống. Chỉ có hai cái bàn với bốn cái ghế. Tịnh không một bóng người, không một phương tiện truyền thông (chẳng hạn như cái màn hình TV để chiếu các clip về du lịch tỉnh nhà), không cả một tấm áp phích, pa nô, không một sản phẩm trưng bày…
Thất vọng, tôi giơ máy ảnh lên bấm một kiểu gian hàng duy nhất “vườn không nhà trống” của Ngày hội rồi ra về. Bụng nghĩ chắc là mới ngày đầu nên du lịch Quảng Bình chưa chuẩn bị kịp.

            
10 giờ ngày khai mạc, 24 tháng 3 năm 2016


Sáng thứ 7 ngày 26 tháng 3 năm 2016, ngày thứ ba của Ngày hội Du lịch 2016, tôi trở lại với gian hàng Du lịch Quảng Bình. Lúc này đã 8 giờ sáng. Trong lúc gian hàng của những đơn vị tham gia Ngày hội xung quanh đã rộn ràng loa đài với những nam thanh nữ tú đứng hẳn ra ngoài đường tiếp thị tờ rơi, tiếp thị sản phẩm, mời mọc mọi người đến với gian hàng của mình thì kì lạ thay, gian hàng của Du lịch Quảng Bình vẫn trong tình trạng che bạt kín mít. Tôi đứng chờ một lúc thì thấy có hai anh thanh niên từ trong ra mở bạt. Hình như họ ngủ say nên dậy muộn. Chợt nghĩ họ được ngành du lịch Quảng Bình cử đi xa cả ngàn cây số vào TP. Hồ Chí Minh để công tác hay để ngủ nhỉ.
Tôi vẫn kiên nhẫn đứng chờ tấm bạt xanh được mở. Cảnh “vườn không nhà trống” của ngành du lịch Quảng Bình ngày khai mạc lại hiện ra. Một chút tình với quê hương khiến tôi vẫn chưa thể khẳng định sự kì lạ ấy, nghĩ chắc mới đầu giờ nên họ chưa kịp bày biện. Tôi đi tham quan những gian hàng của các tỉnh khác.
Phải nói là gian hàng nào dù ít dù nhiều gì cũng phong phú sản phẩm du lịch và cả các đặc sản địa phương. Chỉ đi một lúc qua các gian hàng của Lạng Sơn, Bắc Giang, An Giang, Bình Phước, Bình Định… tôi đã thu thập được khá nhiều thông tin về du lịch, lại còn được mời nếm thử các sản vật của địa phương như hạt điều bọc mù tạt của Bình Phước, rượu Bàu Đá, nem chua Chợ Huyện Bình Định, rượu ngâm củ mật nhân của Kon Tum, chè dây Cao Bằng. Tại gian hàng Hà Tĩnh còn có cả môt ông thầy lang giới thiệu loại thuốc gia truyền xoa bóp làm tan mỏi mệt và khách hàng nào có nhu cầu cũng đều đươc đích thân vị thầy lang xoa bóp cho, đến nỗi nhiều người quá phải xếp hàng. Chỉ cần có thế, du lịch Hà Tĩnh đã gây được ấn tượng tốt đẹp với du khách mọi miền. Tôi còn được lần đầu tiên thấy củ khoai môn tiến vua rất ngon to như bắp chân của xứ Lạng tại gian hàng của Lạng Sơn khiến khách tham quan ai cũng phải trầm trồ. Tham quan xong ai cũng mong có dịp sẽ làm một chuyến du lịch ra xứ Lạng, ra với đỉnh Mẫu Sơn để được đặt chân đến tận nơi đã sản sinh ra củ khoai môn tuyệt vời ấy.


  Khi nào gian hàng du lịch Quảng Bình được một góc của gian hàng Bình Phước 

                          
Gian hàng của tỉnh Quảng Ninh có diện tích chỉ bằng 1/2 gian hàng Quảng Bình nhưng sự phong phú vẫn hơn hẳn

Hay tuyệt vời gian hàng Ninh Thuận

Thỏa mãn với gian hàng các tỉnh bạn, đúng 11 giờ ngày 26 tháng 3, tôi lấy hết kiên nhẫn và cả sự tò mò cố hữu về một hiện tượng vô tiền khoáng hậu của Ngày hội Du lịch 2016 để quay trở lại đứng trước gian hàng Quảng Bình. Hai anh thanh niên trông coi gian hàng đã biến đâu mất. Trong lúc đó lại có một khách hàng là một bác đã lớn tuổi (chắc cũng quê hương Quảng Bình như tôi) đang bần thần đứng ngắm gian hàng của quê hương cho đỡ nhớ quê hương (nghĩ cũng tội).
Không lẽ du lịch Quảng Bình, miền quê của những động Phong Nha, những hang Sơn Đòong đẹp lộng lẫy như thiên đường nơi hạ giới, những suối nước Mọoc, những động Thiên Đường, những Vũng Chùa - đảo Yến nơi có khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày ngày có hàng ngàn lượt người thăm viếng, nơi có con sông Nhật Lệ hiền hòa và mái chèo mẹ Suốt bên thành phố Hoa Hồng Đồng Hới… vân vân và vân vân... không lẽ lại hoang vắng như chùa bà Đanh ngay giữa trung tâm Ngày hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh như thế này.

11 giờ ngày 26 tháng 3 năm 2016, giờ cao điểm của ngày cao điểm trong bốn ngày diễn ra Ngày hội Du lịch TP. HCM 2016. Một khách và không chủ.

Lần này thì dù có tìm hết mọi lí lẽ, tôi cũng không thể nào biện hộ cho sự vắng vẻ, trống trải và vắng lặng đến nao lòng cho gian hàng đại diện cho ngành du lịch Quảng Bình tại Ngày hội Du lịch TP.HCM lần thứ 12 - năm 2016.
Một gian hàng chỉ có hai anh thanh niên ham ngủ ngày hơn ham làm việc, trong lúc chỉ cần thêm vài ba tấm áp phích về danh lam thắng cảnh nổi tiếng là di sản thế giới như Động Phong Nha, chỉ cần gắn lên một cái màn hình tivi 32 inch phát các clip và ca khúc về đất và người Quảng Bình như Quảng Bình quê ta ơi, Nhật Lệ trăng huyền thoại... Hoặc chỉ cần vài cô gái nói giọng Quảng Bình đứng ra tiếp thị chào đón du khách (trong lúc nam nữ sinh viên con em Quảng Bình học tập và sinh sống ở TP. Hồ Chí Minh có cả vạn người sao không nói một lời nhờ vả nếu thiếu tiền thuê mướn). Đơn giản hơn, chỉ cần một vài doanh nghiệp mở quày hàng mi ni ngay trong gian hàng để giới thiệu và bán loại hạt tiêu Quảng Bình nổi tiếng cay thơm, chỉ cần một chồng nón trắng Ba Đồn gắn quai thao… Tất cả tốn kém có bao nhiêu đâu so với chi phí thuê cả một gian hàng rộng 18m2 với hai nhân viên nam đi từ Quảng Bình vào chỉ để… ngủ ngày và… bỏ vị trí làm việc.
Tất cả chỉ có thể nói là một sự tắc trách, vô trách nhiệm với công việc, với sự phát triển của ngành du lịch tỉnh nhà từ chính lãnh đạo ngành đến nhân viên thực hiện. Hay là hai nhân viên nam kia nghĩ rằng vào trong thành phố phương Nam xa xôi cả ngàn cây số nên không ai biết, muốn làm việc ra sao cũng được.
Khi ngồi gõ những dòng này, tôi đã rất phân vân là viết hay không viết và nếu viết thì giật tít cho bài viết là gì.
Nói cho giản dị thì chỉ có thế là: Ất ơ như du lịch Quảng Bình. Và tôi chợt thốt lên: Ôi, Quảng Bình quê ta ơi!



Bài đã đăng trên báo Lao động: http://laodong.com.vn/ban-doc-viet/at-o-nhu-du-lich-quang-binh-538743.bld



Cổng vào Ngày hội ở khu B công viên 23-9

Với nữ du kích Củ Chi

Trong gian hàng của Khoa du lịch trường tôi, Saigonact


                                               Có cả quầy bar với đồ uống ...


...với những li cocktail miễn phí thơm ngon và hấp dẫn dành cho khách tham quan do chính tay các sinh viên Khoa Du lịch của trường pha chế.     



             



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới