4 tháng 5, 2015

Vĩ thanh một hành trình


Phải nói rằng cứ sau mỗi chuyến đi, sau mỗi cuộc tiếp xúc gặp gỡ bạn bè gần xa, tôi càng nghiệm ra rằng: bạn bè là một phần tất yếu của cuộc sống. Không có bạn bè đời sống tinh thần của mỗi con người sẽ nghèo nàn đi biết bao nhiêu.  Chơi với bạn bè nếu so sánh một cách khập khiễng thì cũng có phần nào đó như một sự vay trả, như một sự gieo gì gặt nấy. Bạn bè tốt với ta, ta tốt với bạn bè. Như thế cuộc sống sẽ tươi đẹp lên nhiều. Điều đó khiến ta yêu đời yêu cuộc sống hơn. Với tôi, mỗi cuộc gặp gỡ bạn bè có giá trị như một lần nạp thêm năng lượng sống.
Chuyến ra Vinh – Thanh Hóa mới rồi của tôi là như thế. Đi về đã cả tuần nay rồi nhưng dư âm thì chưa dứt trong tôi. Thỉnh thoảng những cú điện thoại của Nguyễn Trung Ngọc, Lê Quang Phương, Lê Đăng Sơn… gọi vào như đánh thức dậy nhiều cảm xúc sau một chuyến đi xa.
Từ Tây Hồ Thọ Xuân chúng tôi về Hậu Lộc thăm nhà Hoàng Mạnh Truật. Một ngôi nhà ba tầng mới xây xong còn tinh tươm thơm mùi sơn nằm ngay trên tỉnh lộ 10. Vợ Truật, một cô giáo mầm non nhiệt tình rót bia mời bạn bè đồng đội của chồng.


Trước cửa nhà Hoàng Mạnh Truật. Trái sang: Lê Đăng Sơn, HTS, Nguyễn Trung Ngọc, Hoàng Mạnh Truật và vợ (Ảnh: Lê Quang Phương)

Rồi chúng tôi cùng Truật đến thăm nhà người bạn, người đồng đội đã thành liệt sĩ Đỗ Xuân Ngôn hi sinh ngày 31 – 3 -1975 (đúng ra là ngày 24/4/1975) mà phần mộ hiện nằm ở Nghĩa trang Liệt sĩ Trảng Bom, Đồng Nai. Ngôi nhà của Ngôn giờ do một người cháu ở trông nom, cũ kĩ nghèo khó như bao gia đình liệt sĩ khác. Sau khi thăm và thắp hương lên bàn thờ Đỗ Xuân Ngôn, bạn Lê Quang Phương đã có một nhận xét mang tính khái quát là hình như gia đình của đồng đội liệt sĩ nào cũng nghèo khó và đang nghèo khó như nhau. Thế mới biết sự hi sinh của người lính trong chiến tranh vinh quang đâu chẳng thấy, chỉ thấy thiệt thòi lâu dài cho bản thân và gia đình họ. Nói như nhà thơ Nguyễn Duy: Trong mọi cuộc chiến tranh, dù bên nào thắng thì nhân dân cũng luôn là bên thất bại.


 Cả đoàn chúng tôi cùng với những người cháu của của Đỗ Xuân Ngôn trước ban thờ Ngôn


 Trên ban thờ di ảnh người bạn học, người đồng đội, LS. Đỗ Xuân Ngôn trong bộ quân phục ngày mới nhập ngũ chụp ở Nghĩa Đàn tháng 9-1972, như đang nhìn xuống trò chuyện với chúng tôi


 Nguyễn Trung Ngọc rồi lần lượt từng người thắp hương tưởng niệm bạn Đỗ Xuân Ngôn. Cầu mong cho Ngôn ở dưới suối vàng được an giấc ngàn thu


 Chụp ảnh lưu niệm với những người bà con của Đỗ Xuân Ngôn trước căn nhà xưa cũ của bạn. Từ mái nhà này tháng 9 năm 1972 Ngôn đã ra đi để rồi vĩnh viễn không bao giờ trở lại.

Cũng trong chuyến đi này tôi còn có cơ hội ghé thăm nhà bạn cùng tiểu đội Nguyễn Quang Phát và Lê Ngọc Sáng. Định là sẽ ghé nhà Phát có tí ti rồi đi ngay nhưng mâm cỗ cũng đã được vợ Phát mau mắn dọn ra rồi. Vậy là cả bọn lại có cơ hội ngồi xếp bàng trên bộ phản rộng bóng lộn như gương của nhà Phát để đánh chén. Phát nhắc lại cái đêm chia tay tôi để rời C20 về bổ sung cho trung đoàn 273 trước khi cả sư đoàn 341 hành quân vào Nam chiến đấu. Phát đã rơi nước mắt vì không biết có còn cơ hội sống để gặp lại nhau nữa hay không. May quá, chúng tôi vẫn gặp lại nhau sau 40 năm, khỏe mạnh và … hoành tráng như thường. 


 Trùng phùng tại nhà Nguyễn Quang Phát ở Hậu Lộc. Trái sang: Nguyễn Quang Phát, Nguyễn Trung Ngọc, HTS, Hoàng Mạnh Truật, Lê Đăng Sơn (Ảnh: Lê Quang Phương)


HTS và Nguyễn Quang Phát. Bạn Phát có ngôi nhà rường bằng gỗ quí cao, to, rộng đẹp lung linh trị giá mấy tỉ bạc

Ở Tp. Thanh Hóa, Lê Ngọc Sáng đã chờ sẵn với cuốn Châm ngôn cuộc sống trên tay kí tặng bạn bè. Sáng học khoa hóa, dạy hóa nhưng lần nào gặp Sáng cũng có sách tặng tôi. Cũng là một niềm đam mê kì lạ.
Chuyến ra Thanh này đã cho tôi một cảm nhận đầy đủ nhất về một miền đất xinh đẹp hiền hòa và rất đáng yêu. Con người xứ Thanh qua những khuôn mặt bạn bè là đáng yêu, thông minh và hài hước đến mức tự trào.  Các bạn mỗi người vài câu đã đọc cho tôi nghe cả một bài vè dài về Thanh Hóa với những câu nghe muốn chết cười:
…Rừng xanh bát ngát, là rặng phi lao
Gió mát rì rào, gió Lào nóng hổi
Núi bằng cái mẹt, lại gọi núi Voi
Công nghiệp bứt phá, là phá đường tàu
Cái cầu con con, gọi là cầu Bố
Vài cây lố nhố, gọi là rừng Thông
Con gái chưa chồng, đặt vòng tránh đẻ
Thanh niên trai trẻ, lại sớm về hưu…
Những câu trên chỉ có dân Thanh đọc tự trào với nhau, chứ nếu dân Nghệ hoặc dân xứ khác mà ngâm nga lên rồi cười với nhau có khi mấy ông bạn xứ Thanh tức nổi điên cầm gậy phang chạy trối chết.
Sau 3 ngày 2 đêm thăm thú trên đất Thanh Hóa, tay lái lụa Nguyễn Trung Ngọc đưa tôi về lại Vinh. Lần này Ngọc cho tôi biết thêm một cung đường rất mới đối với tôi là đường Hồ Chí Minh đoạn từ huyện Như Xuân, Thanh Hóa về đến huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An. Chiếc Nissan của Ngọc lướt trên một cung đường êm ả vượt qua những triền núi của miền Tây Thanh  Hóa – Nghệ An. Vượt qua những vùng đồi mới cách đây không lâu còn là những triền hoa quỳ đẹp ngút ngàn của trang trại bò sữa TH True milk. Xe đi qua Nghĩa Thuận, Nghĩa Đàn, nơi ngày xưa khi mới nhập ngũ năm 1972, tôi và Ngọc có 3 tháng huấn luyện ở Trung đoàn 22A. Cảnh vật xưa qua cơn dâu bể nay đã không còn nhận ra chút xíu nào vết tích cũ. Những rừng cây Nghĩa Thuận mà sau mỗi cơn mưa to tôi thường tìm nhặt hạt dẻ trôi xuống nơi chân núi nay đã biến mất, nhường chỗ cho những con đường lớn, những thị trấn mới mọc lên với nhà lầu xe cộ san sát như phố phường.


      Nguyễn Trung Ngọc đang lái xe, Phan Nga (ngồi bên cạnh) lái...Ngọc

Nán lại thêm một ngày nữa ở Vinh tôi có thêm một vài cuộc gặp gỡ nữa với bạn bè lớp cao học 6. Thời trai trẻ qua đã lâu nay để lại nhiều bạn đã có học hàm PGS với mái đầu điểm bạc.

 Chiều 26 tháng 4 năm 2015, Ngọc Nga tiễn tôi về lại Sài Gòn. Chuyến đi này nếu không có vợ chồng bạn Ngọc Nga, tôi sẽ không có được sự hoàn hảo hoàn mĩ như thế. Chia tay nhau, Ngọc đã ôm tôi mà đọc khẽ bên tai tôi khổ thơ hay trong bài thơ Các bạn ơi tôi lại qua đây! rất cảm động được Ngọc viết sau cuộc họp lớp 16D-K2 hồi tháng 8 năm 2013:
Bọn chúng ta phiêu dạt quá nửa đời
Màu sương gió làm mái đầu nhuốm bạc
Nhưng còn mãi bài ca ta vẫn hát:
Lời tri âm chung thủy bạn bè tôi!
Dư âm bài thơ của Nguyễn Trung Ngọc khiến tôi khi đã lên máy bay rồi như vẫn muốn ngân nga:
Tuổi xế chiều lưu luyến phút tiễn đưa
Bạn vụt đến lại xa tôi biền biệt
Cái ôm chặt nén bao nhiêu thân thiết
16 D, ôi! lại xa rồi...
Sân bay Vinh kì này tôi gặp lại đã được xây dựng mới khang trang, hiện đại hơn, nâng cấp thành sân bay Quốc tế. Trên bãi đỗ tôi nhác thấy cùng một lúc có đến 3 chiếc Aairbus đang đỗ chuẩn bị đưa khách vào Sài Gòn.
Chuyến bay khởi hành từ Vinh trễ 45 phút. Khi tôi đáp xuống Tân Sơn Nhất thì đã gần 19h. Vừa mở điên thoại đã thấy tin nhắn của Ngọc:  Xuống sân bay gọi điện ngay nhé.
Bạn bè là thế đấy.
Cuộc sống cũng là thế đấy.   


 Sân bay Vinh vừa được xây mới, nâng cấp thành sân bay quốc tế. Khang trang và hiện đại


Trên bãi đỗ có cùng lúc 3 chiếc Aairbus đang đỗ chuẩn bị đưa khách vào Sài Gòn - một sân bay không nhỏ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới