20 tháng 5, 2015

Người tốt người xấu


Nhớ bữa ra Vinh tháng trước, Nguyễn Trung Ngọc và tôi ngồi đàm đạo với nhau về một nhân vật mà cả hai chúng tôi cùng quen biết. Tôi bảo nhân vật gọi là  X ấy chẳng được tích sự gì. Ngọc thì cho rằng vậy nhưng nó là một người tốt.
Tôi thấy chỗ này có cái gì đó chưa ổn.
Trên thực tế, để khẳng định một con người là tốt hay xấu cũng là cả một vấn đề khá phức tạp. Đứng từ góc độ này thì sẽ nhìn thấy một con người này, đừng từ góc độ kia sẽ nhìn ra một con người khác. Vì thế trong  việc nhìn nhận một con người cụ thể không khéo sẽ dẫn đến oan sai và rơi vào trạng thái cực đoan.
Nhưng nói đơn giản lại, để trở thành một con người tốt trong xã hội, người đó phải ít nhất sống tốt và làm được việc tốt. Nếu con người ta sống ở trên đời mà không sống tốt và làm được việc gì tốt thì đó là một người không tốt nếu không nói là người xấu. Còn thế nào là sống tốt và làm việc tốt thì tùy quan niệm và góc độ nhìn nhận của mỗi người mà đưa ra sự đánh giá của riêng mình.
Cả tuần nay tôi đã cất công đọc hết cuốn truyện kí (mà thực chất là nhật kí) Sóng trắng của Nguyễn Văn Giai dày đến 790 trang do người con trai đầu của tác giả mang từ Quy Nhơn vào tặng. Tác giả Nguyễn Văn Giai (1933-2010) là thầy dạy tôi môn Văn học Nga hồi năm 2 đại học. Khi tôi ra trường về dạy ở khoa Ngữ Văn ĐHSP Quy Nhơn thì ông là Trưởng khoa và tôi cùng sinh hoạt chuyên môn với ông trong tổ bộ môn Văn học nước ngoài. Cuốn nhật kí dày dặn của ông đã viết một cách rạch ròi và chi tiết về những người là đồng nghiệp một thời của tác giả khi ông còn làm công tác giảng dạy tại khoa Văn ĐH Vinh những năm 1969-1970. Trong đó ông đã ca ngợi những con người mà ông cho là tốt và phê phán những người mà ông cho là không tốt. Dù đã được tác giả thay tên đổi họ nhưng những ai từng là giảng viên, sinh viên khoa văn Đại học SP Vinh những năm sơ tán vì chiến tranh đều nhận ra hình bóng của những nhân vật có thật ở ngoài đời tốt và không tốt trong cuốn sách Sóng trắng của Nguyễn Văn Giai.
Người tốt và người không tốt (nếu không nói là người xấu) trong Sóng trắng là dưới con mắt nhìn đầy thiên kiến chủ quan của tác giả Nguyễn Văn Giai. Nhưng ở ngoài đời và dưới con mắt nhìn của người khác thì thực tế chưa hẳn đã như thế. Vả lại nói cho công bằng, tác giả đã đứng từ quan điểm nào để có quyền phê phán người này là tốt còn kẻ kia là xấu. Cũng vì thế mà cuốn sách đã gây nên những tác động nhiều chiều với các đồng nghiệp ở khoa Văn ĐH Vinh khi nó được phổ biến ở đây.
Đó là cả một vấn đề có ý nghĩa phương pháp luận trong sáng tác văn học nói riêng cũng như trong cuộc sống nói chung.


Trở lại với câu chuyện như một sự đàm đạo ngẫu hứng giữa tôi và Nguyễn Trung Ngọc về nhân vật X ở trên. Sau khi nghe tôi đưa ra thiên kiến của mình, Ngọc gật gù: có lí.
Cũng từ đó mà tôi thấy Ngọc rộng lượng hơn tôi trong cách nhìn nhận về con người. Có vẻ như trong chuyện này tôi khắt khe quá chăng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới