23 tháng 3, 2015

Người bạn thân màu xanh

  Chử Anh Đào

                 “ NGƯỜI BẠN THÂN MÀU XANH”                

                 Người bạn thân màu xanh
                   Sáng bừng bên cửa sổ
                   Những ngón tay lá nhỏ
                   Vuốt khẽ vào ban mai

                   Để thành một cái cây
                   Chẳng thể nào đơn giản
                   Phải dầm mưa dãi nắng
                   Gồng mình chịu bão dông
                   Đôi khi gặp bàn tay
                   Vô tình mà tai ác
                   Bẻ ngang không thương tiếc
                   Nhánh cành đang non tơ

                   Để thành một cái cây
                   Biết buồn vui ca hát
                   Biết hóa làm bóng mát
                   Che người khi nắng nôi
                   Biết âm thầm tinh lọc
                   Những mùi hương giữa trời
                   Mang về bên cửa sổ
                   Cho trong lành giấc ngủ
                   Cho nhẹ nhàng cơn mơ

                   Để thành một cái cây
                   Không tò mò lắm chuyện
                   Không quay lưng hờ hững
                   Trước cửa sổ con người
                   Nơi thoáng một nụ cười
                   Hay một giọt nước mắt
                   Chỉ mình cây thấy được
                   Chỉ mình cây hiểu thôi
                   Chờ lúc nào gió đến
                   Mến thương xin cất lời

                   Chiều chiều chim về tổ
                   Sớm sớm ong tìm hoa
                   Trong nắng hè cháy da
                   Giữa mùa đông rét buốt
                   Lo âu và tỉnh thức
                   Người bạn thân màu xanh
                   Thủy chung bên cửa sổ
                   Những ngón tay lá nhỏ
                   Đan nhẹ vào thời gian

                   Để thành một cái cây…
                                                          Tác giả:  Thanh Thảo

          Đây là bài thơ Thanh Thảo làm hơn ba mươi năm về trước. Mà đầu óc con người ta kể cũng lạ. Một sự kiện, một tình huống nào đó xảy ra là cái trường liên tưởng lại như nước lũ tràn về. Ở trường hợp này là Ôn ga Bec gôn- “đừng đụng vào cây mùa lá rụng”; là Chử Văn Long- “ai dám chắc cỏ cây không đau khổ”… Nghĩa là không phải tự nhiên mà tôi nhớ tới bài thơ này. Nó được chép trong một cuốn sổ từ năm 1983! Nhưng thôi! Ta sẽ …
          Bài thơ làm theo thể ngũ ngôn, gần giống với đồng dao, dễ nhớ, dễ thuộc, thể hiện tình cảm của tác giả với những cái cây được coi là “bạn thân” của mình.
          Điệp từ, điệp ngữ là để nhấn mạnh, khắc sâu. Bài thơ có tới ba lần tác giả lặp lại “người bạn thân màu xanh” và bốn lần “để thành một cái cây”. Phải! Cũng như kiếp người, để thành một cái cây không phải là chuyện đễ dàng vì không thiếu những “thế lực” hữu ý hay vô tình sẵn sàng bóp chết sự sống: sâu bọ, mưa, nắng, bão dông, bàn tay “vô tình mà tai ác”…Và vượt qua tất cả, cây vẫn lớn lên.
          “Cây” đã được nhân hóa, có cuộc sống như một con người với những cung bậc tình cảm, lí trí sâu sắc: “ Biết buồn vui ca hát, biết hóa làm bóng mát, biết âm thầm tinh lọc, không tò mò lắm chuyện, không quay lưng hờ hững, thấy được, hiểu, cất lời, lo âu và tỉnh thức,…”
          “Cây” có những phẩm chất rất Người, thấm đẫm nhân văn: gọi chim về tổ, gọi ong tìm mật, gọi gió về ca hát; làm bóng mát che chở cho con người lúc nắng nôi; dâng hiến lời ca và mùi hương tinh túy của đất trời qua bao tháng năm âm thầm tích lũy; không tò mò lắm chuyện nhưng cũng không vô cảm quay lưng hờ hững mà quan tâm, mà lặng lẽ sẻ chia với con người từ một thoáng nụ cười, một giọt nước mắt tới những giấc mơ nghiêng tận cõi trời xa lạ nào…Thử hình dung một cuộc đời không có bạn, cuộc đời ta sẽ cỗi cằn như hoang mạc. Tác giả mạnh mẽ khẳng định: cây là người bạn thủy chung. Hình ảnh “những ngón tay lá nhỏ” dịu dàng “vuốt khẽ vào ban mai” gợi lên niềm thương mến vô bờ. Và cũng nhưng ngón tay ấy “ đan nhẹ vào thời gian” tạo nên sự vĩnh hằng, bất tử.
            Câu thơ điệp ngữ cuối bài gợi rất nhiều suy ngẫm và cảm xúc.
          Tôi cứ thầm ước, nếu được là người xây dựng chương trình phổ thông các cấp, tôi sẽ đưa bài thơ này vào sách giáo khoa.
                                                                      PK.23/3/15
                                                                             C.A.Đ    

                


          

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới