3 tháng 3, 2015

Campuchia du ký – 3

Chương III: Hoàng cung

Đặt chân đến Phnom Penh đúng ngọ, đoàn chúng tôi ăn uống nghỉ ngơi rồi vào tham quan Hoàng cung. Đây là nơi ở và làm việc của Quốc vương Campuchia qua các triều đại, gọi đầy đủ là Cung điện Hoàng gia Campuchia, một địa chỉ tham quan không thể không đến của du khách khi đặt chân đến đất nước chùa tháp.
Ở đây bán vé vào tham quan 6 USD (120.000 đồng VN) cho một người đối với người ngoại quốc và vẫn là chế độ miễn phí vào cổng đối với người CPC trong và ngoài nước như ở các khu đền tại Siem Reap.
Được xây dựng từ giữa thế kỉ XIX, Hoàng cung CPC là một quần thể kiến trúc đậm chất tôn giáo nhà phật và rất rộng lớn. Cổng chính quay mặt ra hướng đông phía bờ sông Mekong.


                             Trước phòng Khánh tiết Hoàng cung


                             Giữa sân Hoàng cung

Một vài nơi trong hoàng cung như phòng khánh tiết và chùa Bạc (ngôi chùa có nền được lát toàn bằng bạc và một pho tượng phật đúc bằng 90kg vàng ròng) buộc người tham quan phải bỏ dép bên ngoài, không được đội mũ và không luôn cả quay phim chụp ảnh. 
Chỉ lướt qua, lướt qua nhưng chúng tôi cũng đã dành đến 3 tiếng đồng hồ cho việc tham quan Hoàng cung. Tận mắt thấy hết Hoàng cung uy nghi tráng lệ và vô cùng lộng lẫy của người Khmer khiến tôi nhớ về hoàng cung triều Nguyễn ở Huế với sự nhỏ bé, tối tăm và nghèo nàn. Âu cũng là một sự so sánh khập khiễng bởi Hoàng cung CPC không chỉ là của lịch sử mà còn là Hoàng cung của vị vua đương đại (đương kim nhà vua Sihamoni) luôn được tu bổ và bảo vệ tối đa; còn hoàng cung Huế của VN chỉ là một di tích lịch sử thuần túy.


                              Chùa Bạc nhìn từ hành lang phòng Khánh tiết

                                   Dưới bóng Hoàng cung

Đến CPC tôi mới biết đương kim Hoàng đế CPC Sihamoni năm nay đã 62 tuổi (ông sinh năm 1953) và ông là vị vua tôn thờ chủ nghĩa độc thân. Ông chưa từng lấy vợ dù ông từng là một nghệ sĩ có bằng đại học về âm nhạc và có bằng cao học về điện ảnh. Theo ông nói không có vợ là để được toàn tâm toàn ý vì dân vì nước.
Buổi tối cùng ngày,  chúng tôi dành trọn đêm cho việc đến tham quan và giải trí ở Naga World (thế giới Naga). Ở CPC, Naga là tên gọi của loài rồng được tôn kính như bậc thần, gọi là thần Naga. Đi đâu trên đất nước CPC cũng thấy biểu tượng điêu khắc của thần Naga từ cổ xưa cho đến hiện đại.


 Dừng chân tham quan Cây Cầu Rồng có hơn 1000 năm tuổi, một trong những cây cầu cổ nhất của đất nước Campuchia.  được xây dựng từ năm 1181 toàn bằng đá tổ ong nằm trên đường từ Siem Reap - Phnom Penh với tượng thần rồng Naga ở hai đầu cầu

Naga World là một tổ hợp khách sạn, nhà hàng, casino, ca nhạc giải trí nói chung mà tất cả đều tầm cỡ 5 sao. Có đến đây mới thấy hết sự ăn chơi và cuộc sống xa hoa của giới nhà giàu CPC cũng như của những du khách tầm đại gia tìm chỗ để đốt tiền. Sau khi đã xem qua mấy sân khấu ca nhạc hiện đại,  nghía cổ qua các sòng bài mà chẳng hiểu cóc khô gì với hàng ngàn con bạc đang sát phạt nhau đủ kiểu trong những casino sang trọng, chúng tôi đứng ở tiền sảnh của Naga World để được chứng kiến giới nhà giàu CPC đến đây hưởng thụ và đánh bạc. Ấn tượng nhất là những quý bà dáng dấp sang trọng lướt trên những chiếc Lexus, Range rover bóng lộn. Xe vừa dừng đã điệu nghệ ném chìa khóa cho bảo vệ đem xe đi gửi rồi thung dung bước vào một chốn ăn chơi nào đó trong mê cung của Naga World.


    Xem ca nhạc tại một sân khấu trong Naga World. Trái sang: Hương, Sơn, Thắng


    Chúng tôi là Campuchia viết bằng 4 thứ tiếng . Niềm tự hào của Naga World


   Ngai vàng của thế giới Naga dành riêng cho du khách chụp hình lưu niệm

Thì ra sự đối lập giàu nghèo ở đâu cũng chan chát như nhau. Tôi vẫn chưa quên hình ảnh những đứa trẻ ăn xin CPC nhem nhuốc có đầy ở những trạm xăng, những trạm dừng chân ngửa tay xin tiền du khách. Khi Ngô Văn Đạo có mấy đồng tiền lẻ đem cho thì chúng nó đè nhau giành giật chỉ thiếu nước xé ra chia mỗi đứa một mảnh. Và rồi ngắm nhìn sự xa hoa thừa mứa vật chất, tiền của ở Naga World mà thấy nhói lòng.
Sáng ngày thứ tư, ngày cuối cùng của chuyến du hành trên vương quốc CPC, chúng tôi đi tham quan quảng trường Độc Lập, tượng đài cựu Hoàng Norodom Sihanouk và đặc biệt là viếng Đài tưởng niệm quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia. Cả 3 công trình kiến trúc này đều nằm trên một trục thẳng ở quảng trường trung tâm thủ đô PhnomPenh.


                                           Trước quảng trường Độc Lập

Trước tượng đài cựu Hoàng Norodom Sihanouk. Nhóm 4 tên từ trái sang: Ngô Văn Đạo, Trần Viết Thắng, Hà Tùng Sơn và Nguyễn Thị Thanh Hương. Người Campuchia qủa là rất khôn ngoan và tôn kính khi đặt tượng nhà vua của họ trong đền có mái che. Không giống như phe ta đem tượng lãnh tụ phơi giữa nắng mưa đất trời mặc cho gió táp mưa sa.

Đứng nghiêng mình kính cẩn trước Đài tưởng niệm quân tình nguyện Việt Nam trên thủ đô nước bạn, chúng tôi xúc động dâng hương tưởng nhớ đến những người con dân Việt, những đồng đội của mình đã ngã xuống cho đất nước CPC được độc lập tự do và thanh bình như ngày nay. Chính sư đoàn 341 của tôi  là một trong những đơn vị chủ lực đã tham gia giải phóng CPC, giải phòng thủ đô Phnom Penh khỏi tay quân Pol Pot năm 1979; và ngay tại thủ đô nước bạn này đã được phong danh hiệu Sư đoàn anh hùng lần thứ hai sau khi đã được phong anh hùng lần thứ nhất hồi giải phóng Sài Gòn năm 1975. Những người đồng đội của tôi như anh Trần Quốc Tế đã bị thương mất sức đến 95% giờ đang điều trị tại Trung tâm Thương binh nặng Nghệ An chính là đã bị thương do đạn bắn thẳng của quân Pol Pot tại Phnom Penh này.


          Đài tưởng niệm quân tình nguyện Việt Nam tại thủ đô Phnom Penh
.
Hai Thắng và HTS. Anh Hai Thắng từng là lính đặc công chiến đấu ở chiến trường CPC. Lần du lịch đến CPC này cũng là chuyến đi trở lại chiến trường xưa của anh. Tôi nói đùa với anh rằng giá như hồi đó anh vĩnh viễn nằm xuống trên đất CPC để thành liệt sĩ thì giờ này em và mọi người đã được thắp hương viếng anh rồi. Anh nghe cười sung sướng. Bức tượng gồm 4 nhân vật: Một người lính tình nguyện VN, một người lính quân giải phóng CPC, một người phụ nữ CPC đang bế trên tay một em bé CPC.
  .
Trưa chúng tôi ăn bữa cuối cùng tại một nhà hàng lẩu băng chuyền ở Phnom Penh rồi chào từ biệt thủ đô nước bạn lên đường về nước. Từ thủ đô Phnom Penh về Sài Gòn chặng đường dài chỉ 250km nhưng phải đi mất 6 tiếng vì đường đang trong dự án nâng cấp nên rất xấu lại phải chờ vượt sông Mekong ở bến phà Niec Luong mất hơn cả tiếng đồng hồ.
Vậy là chúng tôi đã kết thúc chuyến du hành 4 ngày rất vui thú và bổ ích trên đất nước chùa tháp. Một chuyến đi thành công hơn cả mong đợi mà nếu không đi thì mình cứ tưởng như là biết hết rồi bởi đã xem và đọc về đất nước CPC quá nhiều trên sách báo, truyền hình và phim ảnh. Có đi mới ngộ ra nhiều điều lí thú đến bất ngờ mà tôi sẽ kể lại trong chương tiếp theo, chương IV của cuộc hành trình: Campuchia – vương quốc của những điều kỳ thú.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới