29 tháng 8, 2014

Một tiếng người ai gọi cứ ngân nga



Đến với bài thơ hay

                   “MỘT TIẾNG NGƯỜI AI GỌI CỨ NGÂN NGA…”

                                                Chử Anh Đào

                   Dường như chưa có buổi chiều nao
                   Xanh như buổi chiều nay xanh ngút mắt
                   Cây cứ đứng với nền trời khao khát
                   Nâng chiếc mầm lên tận đỉnh cây cao

                   Sao chiều nay ta muốn tốt lên nhiều
                   Thiên nhiên ở với mình cao cả quá
                   Tiếng lá động ân cần như tiếng mẹ
                   Và vòm trời mong ngóng lại như cha

                   Đừng phút giây quên đối mặt quân thù
                   Đừng hờ hững với đời như bọt bể
                   Sắc diệp lục um tùm đang nói thế
                   Sắc trời xanh day dứt chẳng vô tình

                   Trời cứ xanh như rút ruột mà xanh
                   Cây cứ biếc như vặn mình mà biếc
                   Mặt trời tỏa như trái tim nồng nhiệt
                   Trong cái chiều nhân nghĩa đến sâu xa

                   Một tiếng người ai gọi cứ ngân nga…
                             ( Thi Hoàng- Ở giữa cây và nền trời)
         
                                               
          Không giống như quan hệ giữa người với người trong đời thường, trong văn chương, người ta có thể “nghiện” từ một phía Chung Tử Kì, kể cả những người đương thời đang sống và cả với những người “muôn năm cũ” nữa. Thi Hoàng là một trong những trường hợp như vậy. Một người nơi “chớp bể”, một kẻ ở chốn “ mưa nguồn”, vậy mà đã không có dưới hai bài thơ của ông đã được giới thiệu trên báo Gia Lai (Ngưỡng mộ hoa sen, Những đứa trẻ chơi trước cửa đền)
          Tôi thích 2 câu trong bài thơ này từ lâu. Thích đến nỗi lấy nó làm đề thi cho sinh viên. Nhưng đó là chuyện sẽ nói ở sau. Bây giờ, đứng trước tác phẩm, ta thấy hiện lên rười rượi một màu xanh. Có bốn từ “xanh” và hai từ gần nghĩa “diệp lục”, “biếc”. Màu xanh thường đem lại cho người ta cảm giác bình yên, thương mến, an ủi, vỗ về. Đó là màu của tình yêu, màu của sự sống. Điều đáng trân quí là tác giả cảm nhận và phát hiện ra màu xanh này trong một hoàn cảnh ngược lại. Hải Phòng những năm đầu thập kỉ 70 của thế kỉ trước, mặt đất đầy chật tiếng bom, nhà cửa cây cối đổ ngổn ngang; lòng biển im lìm những ngư lôi thần chết và bầu trời như bị cào xé rách bươm vì tiếng động cơ máy bay “Thần sấm”, “Con ma” gầm rú, vì đạn nổ bom rơi, bầm đen vì khói bom, khói súng.. Như vậy, có thể có màu xanh bất chợt một khoảnh khắc trong một buổi chiều có thật. Nhưng nếu chỉ dừng lại mức độ phản ánh thì nghệ thuật sẽ rơi xuống cấp minh họa rẻ tiền.Cần phải hiểu màu xanh đây là màu trong tâm tưởng, của ước vọng và khát khao (Như trường hợp Tố Hữu đứng trước chị Trần Thị Lí lúc ở miền Nam mới ra, mình đầy thương tích nhưng nhà thơ vẫn thốt lên: “Em là ai cô gái hay nàng tiên…Mái tóc em đây hay là mây là suối?”) Thi Hoàng đã nhìn thấy, nghe thấy màu xanh của cây của trời “xanh ngút mắt” và sự hiến dâng vĩ đại, bất tử của trời đất như trong buổi khải huyền sáng thế: “Cây cứ đứng với nền trời khao khát/ Nâng chiếc mầm lên tận đỉnh cây cao”. Thiên nhiên được so sánh “như mẹ”, “như cha”; được nhân hóa và mang những phẩm chất Người: “khao khát”, “nâng”, “cao cả”, “ân cần”, “mong ngóng”, “day dứt”, “chẳng vô tình”, “đang nói”, “rút ruột”, “vặn mình”, “trái tim”, “nhân nghĩa”…
          Hai câu thơ hay nhất của bài và có lẽ cũng là một trong những câu hay nhất trong đời thơ Thi Hoàng là:
                   Trời cứ xanh như rút ruột mà xanh
                   Cây cứ biếc như vặn mình mà biếc
          Mới đọc lên thì giản dị. Mà đúng là ngôn từ giản dị thật. Ai cũng có thể hiểu. Kiểu của tác giả, như “Hoa sen không định thơm/ Không định thơm thì mới thơm như thế”. Nhưng nếu nói theo thuật ngữ tiếu ngạo giang hồ thì đó là những “ vô chiêu”, cao siêu đến độ tưởng như rất tầm thường. Tác giả đã sử dụng ít nhất là ba biện pháp tu từ trong hai câu này: nhân hóa để “trời” “rút ruột”, để “ cây” “vặn mình”; điệp từ “ cứ”, “mà” để sự khẳng định thêm sức thuyết phục; còn một so sánh tu từ được coi là đắt khi tác giả dùng hai đối tượng thân quen, khác loại nhưng có cùng phẩm chất chung, đem lại nhận thức mới cho người đọc. “Xanh như rút ruột mà xanh”, “biếc như vặn mình mà biếc”. Nhận thức mới ở đây là: các đối tượng trời và cây đã nỗ lưc, cố gắng vượt lên trên hoàn cảnh, thân phận riêng; đã hi sinh, nhận thiệt thòi, thậm chí cả đau đớn nữa về mình mà hiến dâng những gì tốt đẹp nhất cho người khác, cho lẽ sống ở đời! Và “trong cái chiều nhân nghĩa đến sâu xa” ấy, con người- đối tượng “ở giữa cây và nền trời” hiển nhiên có khát vọng rất Người là “muốn tốt lên nhiều”.
          Bài thơ đã khép lại. Tôi chợt ngoái đầu bởi đâu đây có tiếng “ai gọi cứ ngân nga”.                                                          
  C.A.Đ



         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới