26 tháng 3, 2014

"Cung bậc hồn cha ông"



                                                                  Chử Anh Đào

          Đó là một câu trong bài thơ “Đàn Tơ rưng” của Huy Cận. Nguyên văn:
                             … …
                             Anh bắc qua năm tháng
                             Chiếc cầu phao âm thanh
                             Đời hai đầu mưa nắng
                             Đàn mắc võng tâm tình

                             Mỗi câu em đậm đà
                             Mỗi tiếng lòng anh dội
                             Câu trầm bổng thiết tha
                             Vọng ru lời rừng suối

                             Anh cùng em ta nối
                             Qua trăm núi nghìn đèo
                             Tiếng quê hương vời vợi
                             Như dậy rừng nứa reo

                             Tiếng đá lồng tiếng nứa
                             Cung bậc hồn cha ông
                             Bậc cao như đỉnh núi
                             Bậc trầm hơn đáy sông

                             Đàn nối lòng Đăm San
                             Đàn nối tình Xinh Nhã
                             Nối ân tình đôi ta
                             Tựa lửa bền trong đá.

          Tôi biết bài thơ này từ năm 1976, cùng thời với “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao, trong chương trình dạy hát trên Đài tiếng nói Việt Nam. Sau này tiếp xúc với văn bản, tôi biết thêm bài thơ còn một khổ đầu kể về công việc làm đàn và Huy Cận đề tựa “Tặng Kpa Púi”. Hồi đó sách vở khan hiếm. Tôi phải mượn thư viện trường về hàng trưa ngồi chép “Bài ca chàng Đam San”, “Xinh Nhã”. Ròng rã cả tháng trời như thế. Chép xong thì thuộc luôn. Nhưng trong hai trường ca này không nhắc tới đàn Tơ rưng. Tôi cũng không biết nó là gì, chỉ mù mờ cảm thụ qua lời bài hát. Thật may, các khoa trường tôi đều có các anh chị người Tây Nguyên là “ học sinh miền Nam” theo học. Trong số họ, tôi thân với vài người. Tôi hỏi anh U Đia về đàn Tơ rưng. Anh bảo: Tưởng gì, cái ấy quê tao đầy! (Sau 1977 mới biết anh là người Xơ Đăng, quê ở Đak Ruồng- Kon Rẫy- Kon Tum) Anh giảng giải: Kpa là một họ của người JRai. Còn đàn Tơ rưng thủa xa xưa làm bằng đá. Bây giờ phổ biến làm bằng ống lồ ô (một loại giống cây nứa). Người ta chặt lồ ô về phơi khô rồi dùng dao gọt thành những đoạn từ dài tới ngắn không bằng nhau rồi buộc lại với nhau, để trên rẫy đuổi chim và để người trong chòi rẫy nghe cho vui tai. Âm thanh của nó phát ra nhờ những cơn gió, hoàn toàn tự động. Tự động kia đấy!Mày thấy quê tao ghê gớm chưa? Tôi bảo: Ghê! Bao giờ giải phóng, em nhất định vào quê anh.Trở lại, có những bài thơ hay ở cái tứ, cái tình; lại có bài hay ở câu, chữ (nhãn tự); “Đàn Tơ rưng” hay từ những câu đầu tiên bởi sự liên tưởng, so sánh ngầm rất tài tình và tài hoa hình hài cây đàn với “cầu phao”, “võng”. Cây đàn xuất hiện như một sự an ủi kiếp người qua thời gian và mưa nắng của cuộc đời.
          Qua bàn tay chế tác của các nghệ sĩ dân gian mà những vật liệu thô mộc, gần gũi, tưởng như không làm được việc gì (đá, nứa) đã cất lên tiếng nói. Đó là tiếng của “em”, tiếng của “anh”, của “rừng suối” và cao nhất, bao trùm là “hồn cha ông” ở muôn vàn cung bậc “cao như đỉnh núi, trầm hơn đáy sông”, vượt qua thời gian “năm tháng” và không gian “trăm núi nghìn đèo” để hòa vào tiếng của anh, của em, thành tiếng “ ân tình” bất tử. “ Đăm San” và “Xinh Nhã” là văn hóa truyền thống, tượng trưng cho khát vọng sống và tình yêu từ ngàn xưa của cha ông đã được đàn Tơ rưng “nối” vào “đôi ta” hôm nay. Đàn Tơ rưng như chiếc cầu nối giữa quá khứ và hiện tại yêu thương được tác giả sử dụng với một so sánh tu từ rất đắt: “Tựa lửa bền trong đá”. Hai đối tượng khác biệt nhưng thân thuộc : “đàn” và “lửa” (ở trong đá) lại có cùng một phẩm chất là: có tự ngàn xưa và trường tồn mãi mãi.
          Vừa qua, một ca sĩ tương đối nổi tiếng thể hiện trực tiếp bài hát này ở Plei Ku nhưng đã hát “đời” thành “đợi” và không hát câu cuối cùng. Tiếc thay!
                                                                            
                                                                               C.A.Đ
                                                         
                            

8 nhận xét:

  1. Thành rất thích nghêu ngào bài hát này. Ngày xưa thời anh em mình còn ở lính Phan Huấn hát bài này rất hay phải không?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng thế TT. Bài hát Đàn t'rưng Phan Huấn hát là hay nhất.
      TT nghe ở đây nhé: http://baicadicungnamthang.net/bai-hat/dan-trung-769.html

      Xóa
  2. 1. “Đời” hát thành “Đợi” đôi khi do cao độ nốt nhạc quy định, thể tất được, GS ạ. GS thử xướng đúng cao độ câu hát phổ thơ Nguyễn Khoa Điềm xem “hiệu ứng” nó thế nào báo cho Ruchung tôi biết với nhé: “Buổi sáng em làm rẫy...”
    2. Đàn nối lòng Đăm San
    Đàn nối tình Xinh Nhã
    Nối ân tình đôi ta
    Tựa lửa bền trong đá.
    Tuy nhiên ở “ngoài đời” (trường ca) Đam San không “bền” được như thế đâu:đã hai người vợ còn muốn lấy thêm Nữ thần măt trời
    “ Nữ thần:- Hỡi người con của trần thế, ngươi muốn gì?
    Đam San:- Tôi đến đây, tôi muốn có người nấu cơm canh tôi ăn, dệt khố áo tôi mặc.
    Nữ thần:- Thế phải chăng ngươi là lưỡi dao chưa tra cán, còn là cái then cài chưa tra chốt, là gái còn ở không, trai còn ở rỗi?
    Đam San:- Tôi là lu ưỡi dao đã vướng cán, là lưỡi giáo đã có cầm. Dưới trần gian trai gái nào mà không có đôi có lứa.
    Nữ thần:- Thế sao bây giờ ngươi còn ưa đằng lưng còn ưng đằng bụng, còn nói nói cười cười? Ngươi nghĩ gì vậy?
    Đam San:- Tôi muốn có hai vợ lẽ, tôi muốn cả ba vợ tôi đều là những nàng tiên xinh đẹp. Tôi muốn đưa nangf xuống trần làm duê, làm eengai làm chị làm em với Hơ Nhị Hơ Bhị...”


    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lập luận của Ruchung ở:

      (1) Rất có lí. Lời bài hát khi vào nhạc ca sĩ hát phải lệ thuôc vào cung bậc của nhạc, nhất là khi phải luyến láy với những cao độ, trường độ khác nhau nên ĐỜI thành ĐỢI cũng là chuyện thường. Trong ví dụ của Ruchung RẪY trong buổi sáng em làm... đã thành RẤY cũng không là ngoại lê.

      (2): Sự chênh giữa hiện thực ở ngoài đời và nội dung tác phẩm vẫn thường xuyên xảy ra. Tương tự độ chênh giữa trường ca ĐS với bài thơ Đàn T'rưng của Huy Cận về người anh hùng Đam San như bình luận của Ruchung là quá rõ. Tuy vậy, một anh hùng cái thế như chàng Đam San mà chỉ yêu và lấy môt người phụ nữ thì phí quá. Người anh hùng này có 5 thê 7 thiếp thì vẫn còn là quá ít và sẽ rất thiệt thòi cho anh ta. Chỉ có kẻ hèn mọn như tui đây (HTS) thì chỉ mới có 1 em đã chết khiếp, có các vàng cũng không dám thêm nữa.

      Xóa
    2. Câu hát “Buổi sáng em làm rẫy...” không tập trung vào RẪY mà tập trung vào BUỔI đầu câu ý. Phải hát đúng nhạc à nha.

      Xóa
    3. Oi thoi thoi. Den nuoc nay thi em bo tay thoi bac Ruchung oi.

      Xóa
  3. Có một bài hát mà TT không hát được là bài hát về tiểu đội Bùi Ngọc Đủ! Đố hai bạn hát đượck đấy!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trong trường hợp này ta sẽ hát thành Tiểu đội Bùi Ngọc ...Ụ. Thôi, tui chạy đây.

      Xóa

Bạn có nhận xét mới