28 tháng 7, 2012

Điều may mắn

Trong cuộc gặp mới đây với mấy ông bạn ở Tây về - Tây đây là Tây Nguyên ấy chứ mình không vinh hạnh  có được ông bạn nào đang sống ở bên Tây thứ thiệt chẳng hạn như Mỹ Pháp Úc Ca na đa Nhật chi đó để chứng tỏ là có ảnh hưởng rộng như các loại nhà khác- Nhưng mà có bạn ở Tây Nguyên cũng vinh hạnh chán, Tây nào chả là Tây.
Định nói gì quên mất rồi nhỉ, à trong cuộc gặp mà thực ra là nhậu thịt dê với rượu nếp bắc ở ngã tư Gò Dầu đó, có ông bạn nổi hứng phát biểu triết lí cuộc đời rất có vẻ chân lí rằng: mỗi con người như bọn mình đây đều có một số phận. Vì thế mà bắt đầu thời còn học đại học với nhau thì giống nhau nhưng càng sống càng xa nhau ra.  Kẻ giàu người ngèo, kẻ khỏe người yếu, kẻ làm sếp người làm lính, thậm chí kẻ sống người chết…Nhưng bên cạnh số phận còn phải kể cả điều không thể thiếu là sự may mắn nữa.
Quá đúng.
Mình chịu nhất sự may mắn. Không biết sự may mắn của mọi người thì thế nào nhưng với mình, điều may mắn lớn nhất trong cuộc đời cho đến ngày nay là đã không trở thành… liệt sĩ. Nhất là trong ngày TBLS 27-7 hôm nay.
 Cứ vào ngày này, khi đọc báo xem TV đề tài 27-7, mình lại ngùi ngùi nhớ về những bạn bè đồng đội đã ngã xuống trong những năm đánh Mĩ. Chính mắt mình đã chứng kiến những những người bạn và đồng đội ngã xuống và tắt thở trước mắt mình; thậm chí có khi cả đêm dài trong rừng rậm mình nằm ngủ bên cạnh gói tăng ni lon liệm xác đồng đội chờ đưa về hậu cứ chôn cất.  
Cùng lớp văn K12 trường Vinh cùng nhập ngũ rồi vào Nam một lần với mình có Đỗ Xuân Ngôn quê Thanh Hóa. Nhưng ngày hết chiến tranh mình và nhiều bạn bè khác trở lại tay bắt mặt mừng ở sân trường thì Ngôn đã vĩnh viễn nằm lại ở chiến trường. Mặc dù là liệt sĩ thứ thiệt nhưng trong danh sách 60 cán bộ sinh viên là liệt sĩ chống Mĩ của trường ĐHV, từ trong phòng truyền thống đến trong các kỉ yếu đều không có tên Ngôn.  Mãi gần đây sau dịp kỉ niệm 50 năm thành lâp trường ĐHV và Khoa Văn, Nguyễn Trung Ngọc, bạn học cùng lớp và cùng nhập ngũ một đợt với mình và Ngôn hiện dạy ở ĐH Vinh thấy xót xa cho Ngôn quá đã tìm mọi cách lặn lội nhiều nơi để đưa tên Ngôn vào bảng vàng lịch sử của Trường. Việc đó Ngọc điện vào cho biết đã xong. Cảm ơn Ngọc.
Với mình, mỗi lần lật xem các cuốn kỉ yếu nhân kỉ niệm 30, 40, 50 năm thành lập  ĐH Vinh, bao giờ mình cũng bồi hồi dừng lại đọc đến thuộc tên những liệt sĩ là thầy giáo và Sv của trường, nhất là của khoa văn.
Trong đó mình chú ý nhất liệt sĩ mang tên Lê Khắc Duy dù mình không biết mặt anh. Duy người Đồng Hới, học cấp 3 Đồng Hới, là đồng hương, đồng môn cấp 3 đến đại học, cũng là đồng khoa với mình, lại còn là anh ruột của một người bạn thân thiết cùng học lớp văn 12A với mình hiện dạy học ở Hà Nội.  Duy học khóa 10 trước mình và Như 2 khóa, đến năm thứ 3 thì nhập ngũ. Anh vào Nam chiến đấu và trở thành liệt sĩ. Khi mình vào học khoa Văn vẫn nghe các thầy nhắc mãi về sự hi sinh của liệt sĩ Lê Khắc Duy.
Một cái tên khác trong danh sách cũng gây sự chú ý với mình là liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát. Đây là cô giáo dạy thể dục của trường. Vào những năm đầu mới thành lập tổ Gv thể dục ít người được ghép sinh hoạt chung với cán bộ giảng dạy khoa văn nên có lúc cô Lê Thị Bạch Cát còn được tính vào danh sách liệt sĩ của Khoa Văn. Ngày nay, nếu bạn gõ tên Lê Thị Bạch Cát vào thanh tìm kiếm của google sẽ cho 763.000 kết quả trong vòng 0,22 giây.
Trích: “ SƠ LƯỢC TIỂU SỬ
   TÓM TẮT THÀNH TÍCH CỦA LIỆT SỸ, NHÀ GIÁO 
NỮ BIỆT ĐỘNG THÀNH: LÊ THỊ BẠCH CÁT


- Họ và tên: Lê Thị Bạch Cát
- Bí danh: Sáu Xuân
- Quê quán: Nghi Thuỷ - Nghi Lộc - Nghệ An
- Năm sinh: 1940
- Ngày mất: 5 - 5 - 1968
- Chức vụ đã kinh qua: Quận uỷ viên, Bí thư Quận Đoàn 2 (nay là Quận1)
Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn biệt động Lê Thị Riêng
- Khen thưởng: Huân chương kháng chiến hạng nhất.
- Anh hùng LLVTND

Thỉnh thoảng xuống quận 11 theo hướng vòng xoay Lê Đại Hành đi về hướng bệnh viện Chợ Rẫy, mình lại có dịp thấy hoặc được đi trên con đường mang tên Lê Thị Bạch Cát, người Gv duy nhất của đại học Vinh được đặt tên cho một đường phố ở Sài Gòn đã chiến đấu và ngã xuống ở tuổi 28 trong trận đánh vào cơ quan cảnh sát địch một ngày đầu tháng 5 - 1968 ở khu vực gần bến Bạch Đằng Quận 1.  Sau ngày hết chiến tranh, cô đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND 
Ở Cửa Lò Nghệ An còn có một ngôi trường mang tên cô, Trường THCS Lê Thị Bạch Cát
Những cái tên như
Đỗ Xuân Ngôn, Lê Khắc Duy, Lê Thị Bạch Cát… đã  thành tên đất nước.

Nhớ về bạn bè, đồng đội đã hi sinh, mình chỉ thấy trải qua những năm tháng chiến tranh nhờ may mắn mà không thành liệt sĩ để sống sót trở về;  nên ngày nay dù làm việc gì cũng thấy tốt, sống ở đâu cũng thấy sướng, ăn món gì cũng thấy ngon là vậy.
Ảnh chụp từ danh sách 60 liệt sĩ là CBGD, Sv của Trường ĐH Vinh in trong đặc san số kỉ niệm 40 năm ĐH Vinh (1959-1999):


 Từ trên xuống số TT 10: Lê Khắc Duy - Sv năm thứ 3



Khoa Thể dục, số TT 5: Lê Thị Bạch Cát - Anh hùng LLVTND





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới