2 tháng 6, 2010

Giáo trình phương pháp dạy và học làm văn

11:11 1 thg 6 2010Công khai8 Lượt xem
1
 
Phải nói thực lòng là tôi đã rất lấy làm kính nể khi cầm trên tay cuốn Giáo trình phương pháp dạy và học làm văn của TS Mai Thị Kiều Phượng. Kính nể bởi từ trước đến nay, ở bộ môn giáo học pháp văn học, hầu như chưa có ai tự mình đứng ra biên soạn một bộ giáo trình chuyên biệt dày dặn và có hệ thống như thế. Nếu có chăng chỉ là những tài liệu dịch của nước ngoài hoặc  chỉ là viết về một mảng nào đó trong tổng thể của phân môn này.
Với 500 trang sách, cuốn Giáo trình phương pháp dạy và học làm văn  đã đề cập một cách có hệ thống và đủ mọi ngóc ngách của phương pháp dạy và học làm văn. Dạy cho thầy và họclà để cho trò. Có nghĩa đây là một cuốn giáo trình cho cả người dạy lẫn người học. Nó là cả một quá trình tích luỹ từ nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy tại Trường  Cao đẳng Sư phạm Nha Trang của tác giả.
Cuốn sách gồm hai phần.
Phần 1: Những vấn đề chung về phương pháp dạy và học làm văn. Phần này là những kiến thức mang tính  đại cương  của bộ môn, nhằm khái quát về  những khái niệm cơ bản của việc dạy và học môn làm văn ở trường trung học cơ sở. Trong đó tác giả đã chú trọng đến sự cần thiết và nội dung của việc đổi mới phương pháp dạy và học môn văn; sau đó là đổi mới chương trình và sách giáo khoa ở môn ngữ văn nói chung và phân môn làm văn nói riêng.
Phần 2: Phân loại các phương pháp dạy và học làm văn.  Phần này đã đi sâu vào các phương pháp từ truyền thống đến hiện đại, từ lí thuyết đến các kinh nghiệm, mẹo luật của người dạy và học môn làm văn.  Trên tất cả những điều đó, tác giả đã đề xuất một phương pháp dạy và học làm văn theo định hướng của sự đổi mới. Theo tôi, đây quả là một hướng nghiên cứu và tiếp cận vấn đề rất khoa học của tác giả.  Bởi cái gì cũng vậy, và lúc nào  cũng vậy, một công trình khoa học phải  được bắt đầu từ cơ sở lí luận và cơ sở thực tiễn. Trên cơ sở đó tác giả công trình mới đề ra những luận thuyết của mình. Riêng ở chỗ này, cuốn sách của TS Mai Thị  Kiều Phượng đã thuyết phục được người đọc bởi những luận điểm, luận cứ và luận chứng được đưa ra một cách có hệ thống cả từ hai hướng tiếp cận là thực tiễn và lí luận.
Là một cuốn giáo trình bộ môn đồng thời là một công trình nghiên cứu khoa học, Giáo trìnhphương pháp dạy và học làm văn  đã đem đến cho người dạy và học môn làm văn ở cấp THCS  những kiến thứ mới mà bản thân tác giả đã rút ra được từ qúa trình nghiên cứu và giảng dạy văn học của mình.
Đọc Giáo trình phương pháp dạy và học làm văn , tôi tâm đắc nhất  với tác giả ở nội dung của Chương II trong Phần 2. Chương nói về các phương pháp đặc thù trong dạy và học làm văn. Ở chương này, ngoài phương pháp dạy và học bằng cách nêu vấn đề, vấn đáp mà theo tôi là đã được nhiều người nói đến; thì tác giả đã nêu thêm các phương  pháp dạy và học mới như phương pháp hợp tác, phương pháp thông báo – giải thích, phương pháp sử dụng lời nói nghệ thuật. Ngoài ra còn có các phương pháp khác nữa như phương pháp giao tiếp, phương pháp ra đề. Rồi còn có cả phương pháp chấm và trả bài; phương pháp trò chơi, trực quan.  Tất cả đã làm nên một tổng thể mới về phương pháp dạy và học làm văn.
Và đó chính là đóng góp lớn nhất trên cả hai ý nghĩa khoa học và thực tiễn của Mai Thị Kiều Phượng từ cuốn giáo trình này. Vì thế mà có thể nói, với  cuốn giáo trình này trên tay,  những giáo viên văn học và học sinh sẽ có được một cuốn sách công cụ mang tính hướng dẫn rất thiết thực khi dạy và học môn làm văn ở trường THCS.
Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn ĐH Quy Nhơn từ năm 1988, được phân công về giảng dạy ở trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, 7 năm sau Mai Thị Kiều Phượng đã có bằng thạc sĩ để rồi 7 năm sau đó nữa, năm 2008, chị đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành Lí luận ngôn ngữ. Đó là những thành công đáng kể trên con đường học vấn của một giảng viên văn học. Nhưng hơn thế, Lê Thị Kiều Phượng  còn gây ngạc nhiên và khâm phục cho nhiều đồng nghỉệp là chỉ trong khoảng thời gian hai năm 2008 – 2009, cùng với cuốn giáo trình mà chúng ta đang nói đến, chị đã liên tiếp cho ra mắt 7 công trình dày dặn và bề thế khác. Đó là các cuốn: Tiếng Việt – Đại cương và Ngữ âm; Tín hiệu thẩm mĩ trong ngôn ngữ văn học; Cấu trúc lựa chọn với ý nghĩa hàm ẩn trong giao tiếp mua bán; Phương pháp dạy và học làm văn; Phương  pháp dạy và học kĩ năng làm văn: Lựa chọn, nghe, nói, đọc, viết; Làm văn bằng phương pháp kết cấu và kết cấu diễn đạt; Ngôn ngữ học đại cương. Tất cả đều được xuất bản bởi NXB Khoa học Xã hội  và NXB Đại học quốc gia Hà Nội.
                 
    
Nhận xét về cuốn sách của Mai Thị Kiều Phượng, GS.TSKH. Nguyễn Lai đã viết:
Tác giả của cuốn sách đề xuất một vấn đề tương đối mới và khác hơn so với cách nói của các nhà phương pháp đi trước. Từ trước đến nay, người ta chỉ thường đề cập đến 4 kĩ  năng: nghe, nói, đọc, viết. Trong nội dung cuốn sách này, tác giả  lại theo quan niệm là trong dạy và học làm văn cần rèn luyện cả 5 kĩ năng: lựa chọn, nghe, nói, đọc, viết. Trong quá trình trình bày các phương pháp, tác gi đã luôn luôn xâu chuỗi, phối hợp chúng để giúp cho bạn đọc thấy tác động qua lại giữa  5 kĩ năng này.                                                                                                

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới