Ngày giỗ chạp ti toe một chút:
Làm nghề biên tập cũng lắm điều phức tạp. Còn nhớ năm mới vào nghề, một ông bạn có thâm niên lâu năm đã khủng bố: Ông liều liệu mà làm việc. Chỗ của ông ngồi là dễ đụng chạm lắm.
Đụng đâu thì chưa biết nhưng dần dà tôi chạm ngay với anh em bạn bè đồng nghiệp, kể cả những người vẫn thường nâng li lên đặt chénxuống với mình. Trước hết là trong sắp xếp chương trình phát sóng.
Một sớm thứ 7, anh phóng viên trẻ trước khi xách caméra đi làm tin đã đăng kí phát trong bản tin TS tối về lễ đón nhận huân chương lao động hạng nhất của một đơn vị. Giữa một sáng cuối tuần rất trong lành, trên trời xanh mây trắng nhởn nhơ bay, trước cổng đài dòng người xe như nước chảy trên phố Lê Hồng Phong, tâm hồn lại đang treo ngược trên cành cây, tôi gật cái rụp. Nhưng đến giờ tổng duyệt, tối đó lại có những 3 tin về 3 đơn vị đón nhận huân chương (sao mà nước ta có lắm huân chương thế ko biết, nếu có đem huân chương mà rải kín ra đường chắc cũng đủ), trong lúc chương trình cho tối chủ nhật hôm sau lại trống vắng. Tôi đề nghị cho cắt tin của anh bạn trẻ lại sang tối hôm sau. Và chuyện hờn mát đã xảy ra. Chỉ đơn giản là anh đã hứa với lãnh đạo đơn vị kia là hoạt động của họ thế nào cũng được phát vào tối thứ 7.
Những chuyện như thế thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Nhưng dù sao đó cũng chỉ là đối nội. Chỉ cần ta chân thành mỉm cười thì mọi sự cố rồi cũng sẽ qua. Đàn ông vốn dễ dãi mà. Cái mà tôi lo lắng nhất là ở phạm trù đối ngoại. Ở chỗ tôi từng nhiều năm phụ trách cả mảng công tác cộng tác viên. Cộng tác viên thì có đủ cả người già lẫn người trẻ; người kĩ tính và người amatơ; người dễ mến mình và người ko dễ gì mình mến được. Tiếp xúc với họ tôi học hỏi được rất nhiều thứ bổ ích cho nghề nghiệp và cho cả cuộc sống, nhất là khi do công việc, tôi suốt ngày chỉ biết đút chân gầm bàn mà quá xa cách với cơ sở.
Tâm lí chung của CTV là khi gửi tin bài, bao giờ họ cũng muốn được phát sớm với thời lượng dài lên một chút. Tất nhiên cánh biên tập ko phải lúc nào cũng chiều được í muốn dễ thương ấy. Một tin TV thường chỉ 45 giây. Các CTV xem thấy ko đã. Họ bảo sao các ông keo vậy. Hình của tôi, lời của tôi còn nhiều chỗ đắt thế mà các ông cắt ko thương tiếc. Vốn là dân văn, tôi quá thuộc câu văn mình vợ người. Và tôi thông cảm vô cùng với các bạn ấy nhưng nghiệp vụ biên tập bắt phải như thế.
Những điều trên chỉ mới là một mảng của những người làm biên tập. Ở những mảng nội dung khác lắm lúc cũng khiến tôi vấp phải những cú sốc lạnh cả người. Tết 1989, trong chương trình sân khấu truyền hình tối mùng 3, tôi lên vở kịch nói 15 ngày kháng án của tác giả Vũ Quang Vinh. Một vở kịch hay về đề tài chống tiêu cực những năm đầu đổi mới. Cùng với Tôi và chúng ta, Lời thề thứ 9 của Lưu Quang Vũ đang nổi như cồn, vở 15 ngày kháng án do nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng cũng rất nổi. Đó là những vở kịch cùng đề tài cùng tông. Vì thế khi viết lời dẫn cho phát thanh viên giới thiệu vở kịch trong đầu tôi cứ lởn vởn cái tên Lưu Quang Vũ. Và tôi đã ghi tác giả kịch bản là của LQV thay cho VQV. Xong xuôi công việc, tôi về nhà ăn cơm tối. Bỗng tôi chột dạ. Thôi chết rồi… hình như vở kịch là của VQV chứ ko phải là LQV. Trên màn hình TV lúc này đang là bảng chuẩn, kim đồng hồ chỉ 18 giờ 45. Chỉ còn 15 phút nữa là PTV hiện hình chào chương trình. Tôi vứt chén đũa nhảy lên xe phóng như bay đến đài, đôi chỗ còn liều mình vượt cả đèn đỏ. Đến đài tôi yêu cầu kĩ thuật viên chạy máy cho xem lại gienerich của băng hình vở kịch. Đúng là VQV. Tôi vội vàng sửa lại hết những chỗ sai trong văn bản, trao đổi lại với phát thanh viên dẫn chương trình. Hồi đó ở Đài THQN phát sóng trực tiếp chứ ko phải thu băng trước rồi phát như bây giờ. Mọi việc vừa kịp xong thì kim đồng hồ trên màn hình chỉ 19 giờ, bên tai tôi vang lên tiếng hô của đạo diễn: Đài hiệu – chạy! Thật hú hồn.
Chưa hết. Năm 1991, vào dịp kỉ niệm 74 năm cách mạng tháng 10 Nga. Tôi đặt hàng cho chị họa sĩ thể hiện làm câu khẩu hiệu: Nhiệt liệt chào mừng kỉ niệm lần thứ 74 cm tháng 10 Nga vĩ đại để phát sóng đầu giờ. Hồi đó chưa có máy tính. Chẳng biết đãng trí thế nào mà chị họa sĩ đã viết 74 thành 47. Giờ tổng duyệt đạo diễn gọi tôi xuống kiểm tra lần cuối nội dung và cách thể hiện của câu khẩu hiệu. Tại trung tâm kĩ thuật lúc đó có hàng chục người, ai cũng xem ai cũng đọc vậy mà kì lạ thay, đã ko ai phát hiện ra sai lầm chết người ấy. Tháng 11 năm 91, tiền thưởng của tôi và của đồng chí họa sĩ bị trừ mất 50%. Cũng đáng thôi. Chỉ có điều thật ngẫu nhiên là sau vụ đó ko lâu, Liên xô sụp đổ. Chị họa sĩ khi xem tin ấy trên TV đã tròn xoe mắt mà nhìn tôi, còn tôi thì như ko còn tin vào mắt mình nữa. Thật khủng khiếp.
Những chuyện buồn ấy giờ đã thành kỉ niệm vui. Người ta thường bảo cuộc đời mỗi người dù thành đạt đến đâu thì cũng buồn nhiều mà vui thì ít.
Một lần, tôi cùng một phóng viên quay phim lên đèo An Khê, ranh giới giữa BĐ và GL để quay một số cảnh trên đỉnh đèo và dọc theo thượng nguồn sông Kôn. Trưa chạy thẳng xe lên thị trấn An Khê ăn cơm. Thấy chúng tôi đến, anh em ở Đài Truyền thanh An Khê ra tiếp và nói to với chủ quán: Đây là khách từ Đài TH QN lên. Chỉ nghe có thế nhiều khách ăn trong quán đã đến nâng li chào chúng tôi. Mọi người đều nói dân An Khê tuy thuộc tỉnh Gia Lai nhưng ai cũng biết tên quen mặt ông bí thư, ông chủ tịch BĐ vì hàng đêm đều xem chương trình TV QN. Chương trình của đài GL thì ko xem được vì núi non cách trở. Nhiều người còn hỏi tôi sắp tới TV Qui Nhơn có phát lại phim Tề thiên đại thánh ko. Tôi hiểu là họ đang nói đến phim Tây du kí. Bữa đó phải uống một chầu đáng kể với khán giả của vùng đất Tây Sơn thượng đạo. Trên đường về đi dọc phố thị trấn An Khê, thấy những dàn anten cao vút đều quay về hướng Qui Nhơn. Cũng vui.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bạn có nhận xét mới