14h
chiều ngày 14/12/2019, có hai chiếc xe 30 chỗ chở 60 CCB cùng các thân nhân
và bè bạn Đại đội Trinh sát C/D20 F341 rời Nhà khách Z111 Bộ Quốc phòng nằm
trên đường Bà Triệu TP. Thanh Hóa đến Sở chỉ huy Sư đoàn 341 để thăm lại Sư
đoàn.
Đây
là một chuyến thăm mang ý nghĩa “về nguồn” bởi sau gần 45 năm kể từ ngày giải
phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam 30/4/1975, đa số các CCB C20 đã chia tay Sư
đoàn 341, rời quân ngũ để trở lại với cuộc sống đời thường, người phục viên về
quê, người xuất ngũ trở lại trường đại học, người chuyển ngành công tác dân
sự...
Trở
lại thăm Sư đoàn khi ai nấy đều đã quá tuổi lục tuần, mái tóc đã bạc màu sương
khói, 60 CCB C/D20 đều trào dâng một cảm xúc hồi hộp và cảm động.
Nhớ
lại sáng ngày 1/11/1975 của 45 năm về trước, khi đoàn xe chở những người lính
sinh viên chúng tôi rời cổng Sở chỉ huy Sư đoàn 341 lúc đó đóng trên đường Tô
Hiến Thành quận 10 TP. Sài Gòn để xuất ngũ trở về trường cũ, chúng tôi ai cũng
ngoái đầu nhìn lại và nghĩ không biết có một dịp nào đó trong cuộc đời được gặp
lại Sư đoàn. Bởi ở đó, đằng sau cái cánh cổng của Sở chỉ huy Sư đoàn 341 là cả
một thời trai trẻ đầy oanh liệt, rất đáng tự hào của chúng tôi trong những năm
tháng làm người lính của Sư đoàn.
Cái
ngày mong đợi đó hôm nay đã đến. Dưới sự tập hợp và kêu gọi của BLL CCB C20,
hôm nay, 60 CCB C/D20 chúng tôi về thăm lại Sư đoàn 341 thân yêu của mình.
Để
đến được với cuộc gặp gỡ này, nhiều CCB C/D20 đã phải vượt qua không ít rào cản
như sức khỏe, bệnh tật, thương tật, thậm chí cả tâm lí; nhiều người tuổi cao
sức yếu, không ít người có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn để có một chuyến
đi xa không phải là sự dễ dàng. Một số CCB ở miền Nam đã phải vượt chặng đường
dài hàng ngàn cây số, thậm chí do kế hoạch thay đổi vào phút chót họ đã phải
mua vé máy bay khứ hồi đến hai lần. Khó khăn là thế nhưng vẫn không cản được
bước chân những CCB C20 tìm đường về thăm lại Sư đoàn và gặp gỡ lại đồng chí
đồng đội.
Khi
xe chúng tôi đi qua cánh cổng to đồ sộ của Đại bản doanh Sư đoàn 341, nhìn qua
cửa kính thấy các chiến sĩ vệ binh sắp thành hai hàng thẳng tắp đứng nghiêm giơ
tay lên vành mũ kính chào, chiếc xe chạy chầm chậm giữa hai hàng quân và chúng
tôi đã vô cùng xúc động. Nhiều người đã sốc khi gặp khung cảnh đón tiếp trang
nghiêm ấy. Vừa bước xuống xe đã thấy hàng chục sĩ quan cấp tá do Đại tá Lê Văn
Tặng, Phó Sư đoàn trưởng kiêm Tham mưu trưởng Sư đoàn dẫn đầu cùng lãnh đạo các
phòng ban của Sở chỉ huy Sư đoàn đứng chào chúng tôi ngay ở tiền sảnh. Lấp lánh
trên cầu vai là những quân hàm cấp tá 4 sao, 3 sao, 2 sao... đầy kiêu hãnh.
Những
cái bắt tay, ôm hôn thắm tình đồng đội giữa hai thế hệ cán bộ và chiến sĩ cách
nhau một khoảng cách gần 45 năm của những người lính Sư đoàn 341.
Rồi
chúng tôi được các chỉ huy Sư đoàn hướng dẫn và đưa đi thăm Nhà truyền thống Sư
đoàn, dâng hương hoa viếng Đài tưởng niệm các Anh hùng, Liệt sĩ của Sư đoàn đã
hi sinh trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc, thăm doanh trại, thăm vườn
rau cây cảnh...
Có
chuyện vui là trước khi vào thăm Nhà truyền thống, chúng tôi đang đứng chuyện
trò giữa sân thì bỗng khẩu lệnh từ vị Thiếu tá trực ban Sư đoàn hô vang: Tất cả
3 hàng dọc tập hợp! Đã 45 năm không nghe cái khẩu lệnh quân đội như thế nên tất
cả 60 CCB chúng tôi nhìn nhau ngỡ ngàng cứ tưởng như là nó được dành cho ai đó.
Cuối cùng thì chúng tôi cũng tập hợp thành 3 hàng dọc. Trong đầu tôi nghĩ
thầm: anh Thiếu tá trực ban này mà hô tiếp “Đi đều bước!” chắc chết. May mà anh
ta chỉ hô “Đi thường bước”.
Sự
đón tiếp của Sư đoàn đối với CCB chúng tôi phải nói là vô cùng trọng thị và
thân tình. Ngay ở mặt tiền sảnh của Hội trường là dải băng rôn lớn: Chào mừng
các CCB C/D 20 F341 về thăm Sư đoàn; lối vào Hội trường được rải thảm đỏ; trên
Sân khấu là hoa tươi với tấm pa nô lớn mang dòng chữ: “Sư đoàn 341 (Đoàn Sông
Lam) gặp mặt truyền thống Đại đội, Tiểu đoàn 20 Trinh sát lần thứ II”.
Trưởng
ban Tuyên huấn Sư đoàn làm MC giới thiệu Đại tá Sư đoàn phó Lê Văn Tặng lên
phát biểu chào mừng. Trong phát biểu, Đại tá lê Văn Tặng đã nhấn mạnh: “Lịch sử
vẻ vang của Sư đoàn 341, của Quân khu 4, Quân đoàn 4 sẽ mãi mãi khắc ghi những
chiến công hiển hách và những thành tích đặc biệt xuất sắc mà các bác, các anh,
các chú, lực lượng "Tinh thông nhạy bén", "Đi không dấu, nấu
không khói, nói không tiếng" đã đóng góp vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc,
vì nghĩa vụ quốc tế cao cả và sự trưởng thành, lớn mạnh của Sư đoàn hôm nay.”
Tiếp
theo là các phát biểu của Trưởng ban Liên lạc CCB C/D20 Lê Hồng Mão, của nguyên
C/D trưởng C/D 20 Lê Trần Quý, của Tổng Thư kí Phạm Thanh Tùng, của một trong
những chiến sĩ đầu tiên của C20 Hà Tùng Sơn.
Trong phát biểu của mình tại Sở chỉ huy sư đoàn 341 tôi đã nói một điều rất cật ruột: “Nhiều đồng đội của chúng ta đã vĩnh viễn nằm xuống ở các NTLS, nhiều đồng đội bị thương tật, bệnh tật nặng nề chỉ ao ước được một lần bước chân ra khỏi nhà để gặp lại bạn bè đồng đội mà không thực hiện được.
Chỉ nghĩ thế đã thấy mình đang quá may mắn. Sau 45 năm được cùng đồng đội C20 về thăm lại sư đoàn trong sự đón tiếp hơn cả thân tình và trọng thị tôi bỗng thấy mình quá hạnh phúc”.
Tiếp
theo là phát biểu của Đại úy Trần Tuấn Anh, đại đội trưởng C20, đại diện thế hệ
cán bộ, chiến sĩ đại đội trinh sát.
Hình
ảnh đẹp nhất của cuộc gặp có lẽ là cái bắt tay và ôm hôn giữa Đại úy Lê Trần
Quý nguyên C trưởng C20 và Đại úy Trần Tuấn Anh đương kim C trưởng C20. Một cái
bắt tay và ôm hôn mà giữa nó là một khoảng thời gian của 47 năm đã đi qua.
Về
thăm Sư đoàn lần này, CCB C20 đã mang theo món quà quý là bộ sách hồi kí Từ
dòng Kiến Giang đến Dinh Độc Lập (hai tập) do các CCB của C20 viết và tổ chức
biên soạn in ấn. Bộ sách khẳng định sự tài hoa của một thế hệ cán bộ, chiến sĩ
C20 trong thời kì đầu của C20 những năm tháng cuối cùng của chiến tranh chống
Mĩ và sau này là cuộc chiến tranh bảo vệ biến giới Tây Nam Bộ. Họ chính là
những con người tài hoa ra trận và thắng lợi trở về.
Riêng
tôi khi ngồi giữa những đồng đội CBB C20 và được gặp lại Sư đoàn thân yêu của
mình, tôi chợt nhớ những câu thơ trong bài thơ “Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời”
của nhà thơ Nga Evghenhi Evtushenko:
Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời
Mỗi số phận chứa một phần lịch
sử
Mỗi số phận rất riêng, dù rất
nhỏ
Chắc hành tinh nào đã sánh nổi
đâu?
Những
người CCB C20 F341 chúng tôi dù mỗi người là một số phận, dù có người thành đạt
trong sự nghiệp hoặc còn vất vả lao đao trong cuộc sống nhưng tất cả đều tự hào
và kiêu hãnh vì chúng tôi, những người lính đầu tiên của C20, cũng là những
người lính đầu tiên của Sư đoàn 341 đã đóng góp phần nhỏ nhoi của mình để làm
nên lịch sử của C20 và cũng là làm nên lịch sử của Sư đoàn 341.
TP. Hồ Chí Minh
Ngày
thành lập QĐND VN 22/12/2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bạn có nhận xét mới