10 tháng 5, 2019

Có cả một ngày hội như thế cơ đấy


Ngày tôi còn học ở khoa văn đã được thầy dạy môn Hán – Nôm giảng cho nghe một câu rất nổi tiếng của người xưa “Vạn ban giai hạ phẩm, Duy hữu độc thư cao”. Câu đó có nghĩa là mọi nghề trên đời đều thuộc loại hèn kém, chỉ có việc đọc sách là cao quí. 
Chưa nói đến chuyện đúng sai của quan niệm đầy tính cực đoan trên nhưng một thực tế đã diễn ra từ thời phong kiến là trong xã hội, tầng lớp trí thức luôn được trọng vọng và sách với những người đọc sách luôn được coi trọng.
Ở Việt Nam ta, ngày 23/4 hàng năm được Chính phủ quyết định lấy làm Ngày Sách và Bản quyền, mục đích là khuyến khích đọc sách in (tức là sách hiểu theo nghĩa truyền thống), cả trên thế giới và cả Việt Nam. 
Vấn đề là tại sao lại có thêm một ngày như thế. 
Khi người ta nói nhiều về một điều gì đó có nghĩa là điều đó đang bị thiếu .
Theo logic ấy, có nghĩa là thói quen đọc sách của người Việt Nam ta đang thay đổi theo hướng sách đang bị bỏ quên và nhiều thứ khác đang lên ngôi, như tivi tinh thể lỏng, điện thoại thông minh, máy tính, mạng internet toàn cầu, đặc biệt với giới trẻ học sinh, sinh viên là Facebook, Zalo, Ola… Thậm chí có những bạn trẻ một năm không đọc nổi một cuốn sách cho ra hồn nhưng một giờ bạn đó không thể không truy cập vào trang facebook cá nhân hoặc chát Zalo với ai đó. Truy cập để xem dòng trạng thái mình mới đưa lên FB có bao nhiêu like, bao nhiêu còm… 
Có lần khi đang ở phòng chờ sân bay Tân Sơn Nhất, tôi đã đi một vòng khắp phòng chờ với lượng hành khách đang chờ bay lên đến cả ngàn người, thì thấy có hàng mấy trăm người đang chúi mũi vào điện thoại thông minh, chỉ có năm người đang cầm trên tay cuốn sách và đọc. Năm người đó là hành khách người ngoại quốc.
Tháng 3 năm nay, tôi vào giảng dạy môn văn học Trung quốc cho một lớp sinh viên khoa Ngữ văn năm thứ hai của một trường đại học, khi giảng đến tác phẩm Tây du kí của Ngô Thừa Ân, tôi hỏi cả lớp: Ai đã đọc tác phẩm này giơ tay. Không có một cánh tay nào giơ lên. Hỏi tiếp: Ai đã xem phim Tây du kí giơ tay. Tất cả đều giơ tay. Thậm chí có sinh viên giơ cả hai tay nghĩa là đã xem đến hai lần.
Đó là một thực tế đáng buồn, thậm chí là rất đáng thất vọng.
Chúng ta sẽ ra sao và sẽ đi về đâu khi ngay cả sinh viên khoa văn cũng không đọc sách, thậm chí là không đọc tác phẩm, không đọc cả giáo trình ngữ văn.
Chúng ta sẽ làm gì khi cả xã hội đang thờ ơ với sách.
Trong lúc từ bao đời nay, sách là người bạn tâm tình của ta, hơn thế sách còn là thầy của ta. 
Hãy quay lại với những cuốn sách bởi ở đó ta luôn có cả thế giới.



Mất công biên cái bài dài hơi này cốt khoe cái hình lên chém gió phần phật sáng nay. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới