10 tháng 4, 2019

Trở về từ mặt trận


(Hồi kí viết tiếp)

Nguyễn Trung Ngọc

Năm 1975. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, kết thúc cuộc chiến dai dẳng giữa hai miền Nam Bắc. Tuyến đường sắt Bắc – Nam nhanh chóng được khôi phục. Những đoàn tàu dài dặc và những đoàn xe quân sự chở đầy ắp bộ đội Giải phóng chạy ngược chiều đi chiến trường năm xưa, ngày nào cũng đầy đường hướng ra phía Bắc. Bạn bè tôi từ mặt trận phía Nam mang những chiếc ba lô to kềnh còn nặng hơn cả thời ra trận. Phía trên chiếc ba lô con cóc nằm ngang một chiếc khung xe đạp lại còn thêm một con búp bê to như em bé thật, có đôi mắt nhấp nháy được mang từ Sài Gòn ra để làm quà cho gia đình. Dọc các tuyến đường sắt, bộ... không khí “ngày trở về” làm rộn rã cả những làng quê, phường phố.
Mùa thu 1975, hầu hết lính sinh viên chúng tôi được Bộ quốc phòng trả về cho các Trường đại học. Hăng hái ngày ra đi nay náo nức trở về từ các mặt trận chúng tôi gặp nhau vui mừng khôn xiết. Dĩ nhiên không thể tránh được những giọt nước mắt rơi xuống. “Chiến tranh đâu phải trò đùa”. Tôi sợ nhất phải trả lời một ai đó chuyện người thân của họ mà mình cũng biết ít nhiều về trường hợp hi sinh. Buồn cho mấy đứa bọn tôi NTN, Hà Tùng Sơn, Nguyễn phong Nam, Nguyễn Hữu Nhia, Nguyễn Minh Khâm, Nguyễn Minh Chính, Lê Sơn, Hoàng Mạnh Truật, Nguyễn Quang Ánh...trở về trường thì cũng đúng lúc khoá 12 của chúng tôi tốt nghiệp ra trường, không còn bóng dáng một bạn cũ nào ở lại nên không có những cái bắt tay, những cái ôm chặt khi gặp nhau sau ba năm chia xa. Nhưng cũng may là như vậy khỏi phải nhìn thấy những giọt nước mắt của bọn con gái sinh viên rơi xuống khi chúng sẽ hỏi vì sao chưa thấy Ngôn, chưa thấy Hiếu...trở về. Cô bạn gái khá thân Lê Khắc Chân Như của tôi mà còn ở đây, đôi mắt đẹp vốn đượm buồn ấy không thấy anh trai mình trở lại thì tránh sao được sẽ nhoà trong nước mắt. Anh Như là Lê Khắc Duy, sinh viên năm thứ 3 cùng nhập ngũ với chúng tôi đã nằm lại chiến trường xa như một ngôi sao xa rụng xuống.
Tôi trở lại trường từ mặt trận phía Tây nên không có con búp bê và cái khung xe đạp như mấy thằng bạn cùng đợt nhập ngũ Hà Tùng Sơn, Lê Quang Phương, Nguyễn Quang Ánh...mà thay vào đó là một thùng lương khô to tướng nằm ngất nghểu trên ba lô do Quân nhu phát cho khi nhận quyết định ra quân. Tôi đi thẳng một mạch từ biên giới phía Tây về Vinh trong niềm hân hoan khôn tả. Ngày đi náo nức chừng nào thì ngày về rạo rực chừng đó. Bỏ bút cầm súng đúng 3 năm 3 tháng nay lại bỏ súng để trở về cầm bút! Trong đầu tôi hiện lên hình ảnh những cô sinh viên “trẻ măng” khoá 15 sẽ học cùng mình trong những năm tháng tới, tự nhiên tim đập rộn ràng...
Anh bộ đội với bộ quân phục đã bạc, rộng thùng thình bỡ ngỡ khoác ba lô vào trường. (Bọn con gái trong lớp sau này cứ bảo chúng tôi: Các anh mặc quần đũng què). Đó là một vùng đất cát còn bề bộn sau chiến tranh chưa được khoả lấp hết. Những hố bom vẫn còn dấu vết trên mặt đất khá rõ tuy cỏ đã mọc đầy. Dựng lên trên bãi cát pha kề con đường Bắc – Nam xe vẫn lại qua là những cái lán bằng tranh tre san sát, hồi đó người ta vẫn quen gọi là “lán” hơn là “kí túc xá” sinh viên.
Tôi hỏi tìm vào lán sinh viên nam lớp 15AK2 để gặp Khâm bạn cùng lớp 12A nhập ngũ với tôi một ngày nhưng về trước cả tháng nay đã yên vị ở năm thứ 2 để lo chuyện học hành. Việc đầu tiên tôi làm là mở chiếc thùng lương khô đang “nguyên đai” ra chiêu đãi Khâm và tất cả nam sinh trong phòng. Hết đến nửa thùng vì số sinh viên rất đông. Ngay sau đó, dẫn tôi ra bể tắm, thằng bạn đồng ngũ một thời cười nói nhỏ với tôi: “ Chốc nữa mi cất liền thùng lương khô chỗ kín. Về đây mà “thả ga” như thế không giữ nỗi một ngày đâu nhé!” Tôi học được bài học đầu tiên từ “người đi trước” về cuộc sống khu sinh viên những năm cùng kiệt.
Sáng hôm sau, tôi mang hồ sơ lên phòng tổ chức để làm thủ tục về trường thì được ông trưởng phòng Trần Lê Xuân đón tiếp thật niềm nở và giải thích một cách từ tốn, rõ ràng rằng: “Năm thứ 2 (khoá 15) đã vào học quá lâu, anh theo khoá ấy sẽ bị hổng kiến thức. Kể từ hôm nay những người về sau như anh sẽ ở lại năm thứ nhất. Ở lại chứ không phải là lưu ban. Điểm học năm thứ nhất của các anh đã có, sẽ được bảo lưu. Anh vào danh sách khoá 16 là để chờ sang năm học tiếp chương trình từ năm thứ 2 với họ. Anh về đó sinh hoạt bình thường, có thể học dự thính nhưng không phải thi. Bây giờ chỉ còn cách như thế, anh thông cảm với nhà trường”.
Tôi có bị hẫng một chút nhưng rồi cũng nhanh chóng bình tâm lại, nhận giấy giới thiệu từ phòng tổ chức và theo hướng dẫn của họ sang văn phòng Đảng uỷ chuyển sinh hoạt Đảng rồi xuống khoa nhận phân công về lớp. Cầm túi hồ sơ Đảng trong tay tôi thấy bùi ngùi một chút: Mới hôm trước ở đơn vị khi có thông báo trả hết sinh viên nhập ngũ về trường đại học, anh chính trị viên tiểu đoàn gặp tôi:
- Đồng chí thông cảm! Trường hợp đồng chí có vướng mắc một chút. Vì định cử đồng chí đi học sĩ quan nên hồ sơ đã gửi ra trường lục quân hơn tháng trước. Nay nếu đồng chí ra quân, hồ sơ Đảng viên dự bị của đồng chí chúng tôi chưa lấy lại được sẽ khó khăn cho đồng chí khi chuyển chính thức. Hay là đồng chí ở lại đi, quân đội vẫn cần những người như đồng chí phục vụ lâu dài!
Tôi lặng người vì ngán ngẩm. Nếu khoảng vài năm trước có thể tôi đã đồng ý ở lại quân đội vì sợ mất đảng viên. Nhưng lúc này thì khác, tôi suy nghĩ một chút rồi nói rất dứt khoát:
- Báo cáo Chính trị viên! Được ra quân để trở về trường học tiếp theo chủ trương của nhà nước là nguyện vọng của tôi. Tôi không có lỗi gì trong vấn đề hồ sơ kết nạp đảng. Xin phép đơn vị cho tôi được ra quân. Nhược bằng hồ sơ của tôi bị thất lạc, tôi không chuyển chính thức được thì cũng xin cho tôi được về trường.
Nghe tôi nói vậy, ông thủ trưởng tiểu đoàn không thuyết phục nữa mà ôn tồn nói:
-Thôi thì thế này, chúng tôi cứ trao quyết định ra quân cho đồng chí để đồng chí xuất ngũ. Còn hồ sơ kết nạp đảng coi như đơn vị nợ đồng chí. Đồng chí cứ yên tâm về trường rồi chúng tôi sẽ gửi về sau. Được không?
- Vâng! Nhờ thủ trưởng quan tâm.
Nói rồi như sợ người ta lại thay đổi ý kiến, tôi vội cầm quyết định giơ tay chào theo điều lệnh và chạy một mạch về đại đội để chuẩn bị những việc còn lại.
Bây giờ nghĩ lại mới thấy tôi đã có “dớp” xa đảng ngay từ khi chưa thành đảng viên chính thức.
Khi xuống văn phòng khoa, gặp lại nhiều thấy cô cũ tôi có cảm giác như mình trở về nhà sau nhiều năm xa cách. Hôm ấy hình như khoa có cuộc họp gì nên tôi gặp lại các thầy cô rất đông. Thầy Nguyễn Khắc Phi còn nhớ tôi rất rõ. Trước khi nhập ngũ tôi là cán sự môn Văn học Trung Quốc của Thầy ở lớp 12A. (Hồi đó có chức danh “cán sự bộ môn” khá gần gũi với các thầy trực tiếp giảng dạy). Các thầy lớn tuổi như Lê Bá Hán, Nguyễn Nguyên Trứ, Tưởng Đăng Trữ, Nguyễn Trung Hiếu, Đậu Văn Ngọ, Nguyễn Duy Bình, Phan Thiều...bắt tay và hỏi chuyện anh sinh viên cũ đi bộ đội trở về rất thân tình làm tôi càng thấy yêu khoa yêu trường hơn. Đợi giãn chuyện, Thầy Phi kéo tôi vào cái phòng nhỏ của BCN khoa, gọi luôn trợ lí tổ chức khoa (hình như là anh Hoàng Tiến Phào thì phải) vào bảo: Anh xếp anh Ngọc vào lớp Trung văn và bố trí làm lớp phó học tập lớp đó. Thầy Phi lúc đó đang làm Phó chủ nhiệm khoa, trực tiếp phụ trách công tác này.
Có lẽ lại là một định mệnh. Ở lớp 16D tôi về có một cô sinh viên gầy nhỏ như mảnh trăng đầu tháng cũng mới từ Hà Nội chuyển vào. Cô đậu đi nước ngoài, là lưu học sinh đi Nga đang học tiếng ở Đại học Ngoại ngữ thì xin Bộ cho chuyển về Vinh vì “thích ĐHSP Vinh và muốn làm cô giáo”. Đáng lẽ cô phải vào lớp 16C học tiếng Nga thì đúng hơn, không hiểu sao khoa lại xếp về lớp tiếng Trung. Tôi đâu biết trước, cô sinh viên trẻ “lạc lớp” ấy rồi sẽ đi cùng tôi suốt cả cuộc đời.
Tôi về lớp gặp lớp trưởng là anh NQP. Đó là một cựu binh mới thi đỗ vào, đã có dăm tuổi đảng, anh lớn tuổi hơn chúng tôi nhiều và nhìn oai nghiêm như một ông đội thời cải cách, nói năng đầy lí luận và nhiều kinh nghiệm sống so với đám học sinh phổ thông lơ ngơ mới vào. Hồi ấy dĩ nhiên mấy học sinh phổ thông trúng tuyển có “mọc gạc” cũng khó vào vị trí đó. Lớp tôi có cả một “chi bộ lãnh đạo” mang từ tiền tuyến về, lập trường cao như núi Thái Sơn. Lũ Đoàn viên chỉ có đứng sau mà nhìn. Biết tôi là cựu sinh viên đi lính về, đã học xong năm thứ nhất, lại có mảnh giấy của khoa “đề bạt” làm lớp phó học tập nên lớp trưởng NQP đã tiếp nhận tôi một cách nhẹ nhàng. Anh chỉ cười cười khiêm tốn: “Bọn mình đi lính lâu, kiến thức quên hết rồi, kiểu này phải nhờ cựu sinh viên cũng nên”. Thời đó sinh viên đến trường là chỉ để đi học (không như bây giờ, chúng đến để làm đủ thứ trò hề gì đó) nên cái “ghế” lớp phó học tập xem ra cũng cao. Lúc bấy giờ các chức danh ban cán sự lớp năm thứ nhất đều do khoa cử. Từ năm 2 về sau, dưới “sự lãnh đạo của chi bộ”, đại hội lớp sẽ bầu lại.
Tôi tưởng mình rời quân ngũ đã thuộc diện chậm nhất, hoá ra mấy ngày sau thằng bạn cùng lớp khoá 12 với tôi là Hà Tùng Sơn đang làm ở Uỷ ban Quân quản Sài Gòn mang chiếc ba lô nặng trịch nằm vắt ngang chiếc khung xe đạp ở trên mới lò dò trở về. Hắn là cả một pho tiểu thuyết đầy chất anh hùng ca và lãng mạn do vừa tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng rồi trở thành cán bộ quân quản thành phố nắm trong tay cả một núi quyền lực của Bắc cộng để có thể hù doạ mấy chú Nguỵ quân thua trận. Như là có sự sắp đặt, chức Bí thư chi đoàn vẫn còn để trống chờ một anh đảng viên trẻ trở về từ mặt trận. Sơn vào vai Bí thư chi đoàn như “khoai đã sắp vào ấm”. Nhưng dù đầy tự tin của người lính đã qua trận mạc, hắn vẫn có chút bối rối khi khoa trao nhiệm vụ nên ghé tai tôi nói nhỏ: “Tao mới được vào đoàn trước vào đảng một ít thôi, bí thư bí thiếc gì!”. Tôi cười động viên: “Mấy ông Uỷ viên trung ương đầu tiên nói chung thì cũng vào Đảng mấy bữa là được bầu, được cử cả thôi”. Hắn có vẻ yên tâm với cương vị mới và bắt đầu lao vào công việc của một đảng viên đang phấn đấu để chuyển chính thức, nên chỉ khổ cho đám đoàn viên phải chạy theo cái “đầu tàu” đang kéo cả chi đoàn lướt qua mọi khó khăn để xứng đáng với “cánh tay phải của đảng”. Chi đoàn 16D với sự dẫn dắt của một đảng viên trẻ tuổi đảng nhất (Sơn vừa vào đảng xong), gì chứ “khí thế Hồng vệ binh” thì chắc chắn có thừa!
Ít hôm sau nữa, một bạn thân cùng lớp 12 khác của tôi là Nguyễn Phong Nam cũng từ chiến trường C (Lào) trở về mà phải khó khăn lắm mới được lớp trưởng cho vào. Hồi ấy đảng viên làm cán bộ nhiều quyền lắm.Tôi chờ Nam lên trường làm thủ tục nhập học xong xuôi, hai thằng hí hửng xuống khoa để xin về cùng lớp. Đang là “phó thủ trưởng” của lớp 16D, tôi chắc mẩm thế nào cũng đưa được hắn về bên nhau sau hơn ba năm cầm súng ra trận. Có gì đâu, phân một sinh viên – chiến binh, lại là đảng viên nữa về lớp nào mà chẳng được! Vậy mà, dù đã có chiếc “phiếu về lớp” của khoa, Nam vẫn bị lớp trưởng 16D từ chối vì cho rằng: “Lớp này đông rồi, anh bảo khoa phân sang lớp khác!”. Tôi phải đem hết tài “thuyết khách” hiếm hoi có được ra dụ mãi, thậm chí phải thề nguyền tôi mới xin được cho Nam về lớp: Nào là tay này từng học với tôi tôi rất biết, hắn học khá đã đành lại rất giỏi văn nghệ; Nào là Nam còn có tài tổ chức; Nào là lớp ta lại thêm được một đảng viên...Nguyễn Phong Nam thì chỉ nói tưng tửng: “Mày cứ kệ đi, học ở lớp nào mà chẳng được”.
Thế là cuối cùng ba thằng bạn cũ chơi với nhau từ lớp 12A chúng tôi đã về bên nhau thành một “tổ ba người” trong học tập, mà trong chiến trận phải một đứa một nơi, suốt cả mấy năm nhập ngũ biền biệt phương trời...
(Còn tiếp)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới